Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

 Câu chuyện công bằng

Công bằng trên các lĩnh vực của đời sống là mục tiêu của mọi thể chế văn minh.

Tuy nhiên, sự ưu đãi lại đang là lực cản cho việc thực hiện mục tiêu công bằng.

Có hai câu chuyện ưu đãi đang được dư luận quan tâm đáng để những người lập chính sách suy nghĩ.

Câu chuyện thứ nhất nói về ưu đãi trong phát triển kinh tế: Với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài FDI, trong hàng chục năm qua Việt Nam ta đã “trải thảm đỏ” mời gọi, đón tiếp nhà đầu tư nước ngoài vào góp phần phát triển nền công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa. Miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thường là những “món quà” được trưng ra trước mắt các nhà đầu tư ngoại. Hai thứ mang lại lợi nhuận nhanh nhất dĩ nhiên là món quà quá hấp dẫn với mọi nhà đầu tư, không riêng gì FDI. Liệu khi đưa ra chính sách ưu đãi doanh nghiệp FDI, nhà quản lí có nghĩ đến doanh nghiệp nội? Cùng một môi trường kinh doanh mà “người nằm đất, kẻ chiếu manh” thì không thể nói có sự công bằng, bình đẳng. Doanh nghiệp nội rõ ràng “đã yếu lại thiếu” và sự ưu đãi góp phần kìm chân doanh nghiệp nội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Đáng ra sự ưu đãi phải gắn với các điều kiện, chẳng hạn nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, ít ô nhiếm môi trường, tạo nhiều công ăn việc làm… ai đáp ứng được các điều kiện thì hưởng ưu đãi, bất kể doanh nghiệp FDI hay nội. Những ưu đãi riêng cho FDI đang dần phát lộ nhiều hệ quả như ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, doanh nghiệp nội bị lấn át…



Chính sách thuế đang ưu đãi doanh nghiệp FDI, gây bất lợi DN nội. Ảnh minh họa

Câu chuyện thứ hai nói về ưu đãi trong đầu tư giáo dục: Mô hình trường chuyên, lớp chọn được hình thành ở nước ta đã mấy chục năm qua. Cho đến nay vẫn chưa có cuộc “tổng rà soát” đánh giá hiệu quả của mô hình này ra sao, nó có phải là điển hình để lan tỏa hay chỉ là “hình mẫu trưng bày” của “bảo tàng” thành tích? Hầu như các địa phương đều có trường chuyên, lớp chọn và hằng năm đầu tư “kha khá” nguồn ngân sách ưu đãi cho hệ thống này. Ví dụ như Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam hồi năm 2010 được thành phố đầu tư 428,96 tỉ đồng để xây dựng mới cơ sở trường lớp. Mức phân bổ ngân sách cho đào tạo hiện nay là 18 triệu đồng/học sinh/năm... Hưởng sự ưu đãi này, học sinh không có sự ràng buộc gì (các trường công an, quân đội được bao cấp nhưng phải phục vụ trọn đời trong môi trường đã tiếp nhận, đào tạo). Học sinh trường chuyên được tuyển chọn với tỉ lệ “chọi” rất cao nên phải có học lực xuất sắc mới hi vọng bước vào. Dĩ nhiên với đầu vào như vậy, kết hợp với đội ngũ thầy giỏi (cũng có chính sách ưu đãi riêng) thì tỉ lệ đậu vào các trường đại học cao là tất yếu. Mục tiêu của học sinh phấn đấu vào trường chuyên là để thi vào các trường đại học top đầu và đi du học. Một khi mà học sinh du học lại giỏi thực sự thì khả năng cao họ sẽ ở lại làm việc tại nước ngoài… 


Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam được đầu tư 428,96 tỉ đồng xây dựng mới


Sự ưu đãi dễ dãi, thậm chí không gắn với các điều kiện, nghĩa vụ chính là sự bất công bằng rất lớn. Sự bất công bằng này chính là lực cản của tiến trình phát triển chung./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 03 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét