Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Bình đẳng giới cần “sạch” từ nhận thức

Ở khu phố tôi sinh sống, cứ mỗi sáng thư Bảy từ tinh mơ đã thấy bà chi hội trưởng phụ nữ đi thúc dục: “Mời chị em các gia đình dậy làm tổng vệ sinh nào”!
Nghe quen rồi nên cũng chẳng để tâm, nhưng hôm đó vợ, con dâu tôi đi vắng mới chợt nghĩ: Tại sao lại chỉ có chị em làm vệ sinh ngõ phố nhỉ? Lí gì mà cánh đàn ông lại có đặc ân được nằm ườn, không phải dậy sớm để lao động công ích?


Hội viên Chi hội Phụ nữ thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) tập dọn vệ sinh “Đoạn đường phụ nữ tự quản”.

Hôm về quê dự đám cưới đứa cháu. Cỗ bàn thôn quê vẫn chủ yếu “tự biên tự diễn”. Tôi quan sát thấy lực lượng làm cỗ hầu hết là các chị, các bà trổ tài giữa cái nắng hè khiến ai nấy nhễ nhại mồ hôi trong khi cánh đàn ông lại chỉ ngồi trà nước bên những chiếc quạt quay vù vù. Đến khi mấy ông trung niên gọi nhau ngồi vào mâm rượu bỗng có một vị bị xua ra mâm khác: Ông toàn “máy khâu con bướm (ý nói sinh toàn con gái)”, xin mời xuống mâm dưới! Khi cỗ tàn, trà dư tửu hậu, cánh đàn ông tranh nhau nói mọi chuyện trên trời dưới biển, còn các chị, các bà thì “bơi” giữa núi nồi niêu bát đĩa từ các mâm tuôn ra!
Là đất nước ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo nên định kiến trọng nam kinh nữ hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ người Việt hàng nghìn năm qua. Giới nho học xưa thì định hình tư tưởng về giới “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam cũng là có, mười nữ cũng bằng không). Người dân thường thì mặc định chỉ có nam nhi mới “nối dõi tông đường” trong khi trách nhiệm với cái “tông đường” ấy lại là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”!
Thực hiện Hiến pháp Nhà nước, vào năm 2006 Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua tại kì họp thứ 10. Cả chương II, từ Điều 11 đến Điều 18 của Luật này đã quy định chi tiết nội dung bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và cả trong gia đình.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, nhất là sau khi có Luật Bình đẳng giới, mục tiêu nam nữ bình quyền tại nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện.
Qua 10 năm thi hành Luật, tỉ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến rõ nét. Tỉ lệ nữ trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước liên tục tăng, số tham gia vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á...


Thế nhưng, từ điều luật đến thực tiễn cuộc sống xem ra vẫn còn khoảng cách không nhỏ, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ chịu nhiều hậu quả từ bất bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng đến từ sức ì tư duy định kiến không chỉ ở nam giới mà chính từ phụ nữ, khi bản thân họ mặc nhiên thừa nhận những thua thiệt.
Tâm lí tự ti càng làm cho phụ nữ yếu thế và một số nam giới quên đi rằng mọi người đều bình đẳng, họ cư xử vi phạm luật pháp mà cứ tưởng đó là quyền!
Muốn có bình đẳng giới thực sự cần làm sạch từ nhận thức, tư duy của mọi giới./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét