Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

 Có đang đánh đổi?

Không biết có nơi nào trên trái đất người ta cho phép chôn lấp chất thải xuống lòng đất?
Lâu nay chủ yếu mọi người biết đến công nghệ chôn lấp chất thải hạt nhân. Đây là một công nghệ công phu, phức tạp và đắt đỏ mà một vài nước đã làm như Ukraine (sau vụ Chernobyl), Nhật Bản (sau sự cố động đất sóng thần gây rò rỉ nhà máy hạt nhân Fukushima I). Dù vậy, chất thải tại những khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục rò rỉ phóng xạ ra môi trường.
Tại Việt Nam ta công nghệ chôn lấp và kĩ thuật xử lí… hòa tan đang được áp dụng phổ biến.
Các bãi tập kết rác lớn tại các thành phố, tỉnh thành hiện nay chủ yếu là phân loại đơn giản, sau đó chôn lấp chất thải có thể tự phân hủy theo thời gian. Một số khác thì được xử lí bằng đốt. Tỉ lệ được xử lí bằng công nghệ hiện đại có lẽ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) mỗi ngày nhận khoảng hơn 4.000 tấn; bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày nhận gần 3.000 tấn… chủ yếu được chôn lấp.


Bãi rác Nam Sơn

Có lẽ do khối lượng quá lớn nên hầu hết các bãi chôn lấp chưa được các đơn vị tham gia xử lí đầu tư đủ cho việc xây dựng kiên cố, an toàn. Vì vậy, những chất thải “tinh túy” nhất vẫn có thể ngấm ra môi trường, thâm nhập vào mạch nước ngầm và “tìm đến” với… nước sinh hoạt. Thực trạng này khiến các địa phương vô cùng khó khăn trong tìm vị trí xử lí chôn lấp chất thải mới hoặc mở rộng bãi chôn. Chỉ cần manh nha thông tin sẽ có dự án khu tập kết, xử lí chất thải là người dân lập tức phản đối…
Hầu hết các dòng sông hiện nay đang dần trở thành tuyến vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề. Khi mà chi phí xử lí đắt đỏ, việc kiểm soát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo thì các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án xử lí đơn giản, không đạt chuẩn hoặc xả thải thẳng ra môi trường. Có lẽ tiết kiệm chi phí xử lí chất thải cũng là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.


Nơi chứa nước thải của bãi rác Đa Phước

Hồi năm 2018, Tổ chức Ung thư toàn cầu đưa ra con số thống kê: Mỗi năm Việt Nam có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết vì ung thư. Con số mỗi ngày hơn 20 người ra đi không trở về vì tai nạn giao thông tưởng đã là lớn, vậy mà mỗi ngày có 315 bệnh nhân ung phải “đến nghĩa trang”! Nguyên nhân kỉ lục buồn này không thể thiếu sự “liên đới trách nhiệm” của môi trường nếu không muốn nói là thủ phạm chính. Cuộc sống của người dân đang phải đối mặt đủ nguồn ô nhiễm độc hại: Trên trời là khói bụi, dưới lòng đất là nguồn nước nhiễm độc, trong mâm cơm thì nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm… Vì vậy, cơ thể con người không nhiễm độc hại mới là chuyện lạ!
Chính phủ luôn đặt lợi ích sức khỏe con người lên trên lợi ích kinh tế.
Thế nhưng các thành tố trong một nền kinh tế đang tăng tốc hiện nay lại có sự ưu tiên khác: Lợi nhuận là số 1, sức khỏe con người là thứ yếu.
Một sự đánh đổi đắt giá!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 7 năm 202

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét