Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

 Chạy theo… bất cập!

Cầu Long Biên là một trong 2 cây cầu ở Việt Nam được tổ chức lưu thông ngược chiều, đi trái phần đường, (còn cây cầu nữa là Việt Trì).
Thực ra, ban đầu người Pháp thiết kế theo kiểu Pháp, lối đi cũng như các cây cầu bình thường khác là đi bên phải. Nhưng khi thực hiện công cuộc khai phá thuộc địa miền Bắc, mọi sản vật, khoáng sản đều được chuyển về “mẫu quốc” theo đường cảng Hải Phòng. Xe cơ giới chở hàng đi Hải Phòng thì nặng ì ạch, quay về Hà Nội thì nhẹ tênh, trong khi đó việc thăm dò địa chất khi thi công móng cầu chưa thật tốt, nên càng ngày bên phải cầu càng phải chịu tải trọng lớn hơn bên trái và... nghiêng dần sang phải! Nhằm khắc phục tạm việc nghiêng cầu, người Pháp đã phân luồng xe chạy hướng Hải Phòng lên Hà Nội sang bên trái và ngược lại để chuyển tải trọng sang phần đối diện. Như vậy, người Pháp tổ chức giao thông khác thường này chỉ vì sự một bất cập không thể khắc phục.


Cầu Long Biên nay chỉ danh cho xe máy, xe đạp nhưng vẫn luôn có lượng người lưu thông rất đông.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến vào dự thảo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tại điều Điều 41 quy định về người đi bộ, điểm 1 nêu: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có hè phố, lề đường hoặc đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi theo hàng một sát mép đường và ngược chiều xe chạy (trừ trường hợp người dắt xe hoặc nhóm người diễu hành đi bộ có người dẫn đầu phải đi cùng chiều)”.
Mới nghe tưởng cũng hợp lí bởi người đi bộ đi cùng đường với phương tiện mà không quan sát thấy dòng lưu thông tốc độ cao thì rất nguy hiểm, phải nhìn được và sẵn sàng tránh nếu có người đi ngược chiều không chú ý quan sát. Tuy nhiên, suy nghĩ kĩ lại có điểm chưa ổn, nhất là với thực trạng đường và vỉa hè tại nhiều đô thị hiện nay. Ngay tại Thủ đô, rất nhiều đoạn đường phố không còn vỉa hè hoặc vỉa hè bị các công trình khác (cột đèn, bốt điện và cả cây xanh) chiếm dụng. Đó là chưa kể hoạt động kinh doanh hàng quán nhiều khu phố ngang nhiên chiếm dụng, không bị ngăn cản. Giả sử đang đi trên vỉa hè gặp đoạn không thể đi được, lẽ thường chỉ cần xuống phần đường dành cho xe cơ giới cùng đi là được. Nhưng nếu theo điều luật trên thì người đi bộ lại phải sang bên kia đường thì mới có thể đi ngược hướng phương tiện. Mà đã sang bên kia đường trong khi bên đó lại có hè, lề đường thì lên đó đi, cần gì đối diện với phương tiện giao thông?


Một đoạn trên tuyến đường Hai Bà Trưng nằm ngay ngã tư giao nhau với đường Lê Duẩn

Luật pháp xây dựng cần theo hướng văn minh, hiện đại và buộc các hoạt động khác đáp ứng, tuân thủ. Lề đường, hè đường đô thị là những thiết chế buộc phải có. Những bất cập, vi phạm cần được khắc phục và luật pháp không thể điều chỉnh theo kiểu “né tránh”. Người Pháp điều chỉnh chiều đi cầu Long Biên vì bất khả kháng, nhưng chẳng nhẽ dẹp vỉa hè, lề đường, tạo lối đi người đi bộ cũng là bất khả kháng?
Khi đã có điều luật “né” thực trạng như trên, sự quyết tâm của cơ quan quản lí trong khắc phục những vi phạm sẽ giảm đi và bất cập sẽ mãi tồn tại!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét