Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Hãy nhường ghế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói tại một hội nghị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm 2019: Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm…”.


Đảng cử, dân tin đưa cán bộ vào vị trí lãnh đạo, chủ trì không phải đó là “chốn bồng lai tiên cảnh” để du ngoạn. Cán bộ nay không còn phải dấn thân như những năm chưa có chính quyền, luôn đối mặt sinh tử vì sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, với trách nhiệm mang lại cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn cho người dân, công việc của người cán bộ lãnh đạo không phải một cuộc “vãng cảnh, xem hoa”. Vì vậy, người cán bộ có năng lực, bản lĩnh, chí công vô tư mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không bị vấp ngã.
Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên mới đây nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, có lãnh đạo tỉnh nói: “Trước tình hình khó khăn này, cán bộ rất muốn làm mạnh, bứt phá nhưng mà làm không khéo thì một ngày đẹp trời nào đó lại bị kỉ luật…”. Một số lãnh đạo các tỉnh khác có tâm tư tương tự cũng chia sẻ ý trên.
Thông tin này có lẽ khiến không ít đảng viên và người dân phiền lòng. Chẳng lẽ cán bộ, đảng viên cốt cán lại nhụt chí thế sao!?
Đội ngũ cán bộ đã lên tới cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cao hơn phải trải qua quá trình đào tạo, tôi luyện trong thực tiễn về trí tuệ, năng lực và bản lĩnh. Ở những vị trí đó rồi mà lại lo vô tình làm sai, vi phạm luật pháp thì dân, Đảng trông cậy vào ai?
Hiện nay Nhà nước ta đã có hệ thống luật pháp khá đầy đủ, đồng bộ như tuyến “đường ray” để những người có trách nhiệm cầm lái, điều hành mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lí nay đều sở hữu bằng cấp rất cao mà nhiều nước trong khu vực còn thua kém, ngưỡng mộ. Với hành trang như vậy khó có thể nói khi làm lại không biết đâu là đúng, đâu là sai. Số cán bộ mắc sai phạm sa vào vòng lao lí những năm qua hầu hết là do cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, và điều quan trọng là họ đều biết, việc làm sai đó mang lại lợi ích cá nhân hàng tỉ, hàng nghìn đồng.
Lịch sử đảng ta từng có lãnh đạo cao nhất bị thi hành kỉ luật. Tuy nhiên, dù đó là vi phạm nghiêm trọng nhưng không phải vì động cơ tư lợi. Những cán bộ, đảng viên vi phạm dạng đó đều được đồng chí đồng đội giúp “đứng dậy” và vẫn tiếp tục có cống hiến lớn cho cách mạng sau này.
Khi người cán bộ dấn thân vì lợi ích chung, họ sẽ chẳng lo vướng vào oan sai kỉ luật vì cán bộ, đảng viên và Nhân dân nay có con mắt tinh tường, khó nhầm lẫn vàng với thau.
Nếu ai đó ngồi vào “cái ghế” lại không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, chỉ lo an toàn chỗ ngồi thì có lẽ Nhân dân chẳng cần đến họ.
Ai không còn dũng khí, hãy “nhường ghế” cho những người đủ bản lĩnh, năng lực và vì dân!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 24 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét