Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Tín dụng… xám!

          Hôm cuối tháng 6, tờ Tài chính Vietnam Finance thông tin việc Công ty tài chính FE Credit phát thông báo liên quan đến sự việc khách hàng vay tiêu dùng của công ty là ông Lê Thành Tâm (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) nhảy sông tự tử sau khi bị một nhóm côn đồ đến đòi nợ.
Lâu nay chỉ nghe tới chuyện xã hội đen cho vay nặng lãi rồi cho những kẻ “đầu gấu” dùng mọi thủ đoạn khủng bố, đe dọa và hành hung nhằm thu hồi khoản nợ. Vậy mà doanh nghiệp - công ty tài chính tiêu dùng, vốn là “con đẻ” của một ngân hàng thương mại cổ phần cũng có cách đòi nợ khiến khách hàng phải tìm đến cái chết!


Hoạt động cho vay tài chính ngày càng nở rộ tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian không dài, nhất là khi có quy định của pháp luật về hoạt động công ty tài chính, hàng loạt doanh nghiệp ra đời. Mỗi công ty có hàng trăm, hàng nghìn điểm cho vay nên hoạt động cho vay xuất hiện ở khắp nơi, như thể lấn át được tín dụng đen. Với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng và đặc biệt không cần thế chấp, các tổ chức này không khó để thu hút được sự tham gia của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm sự dễ dãi là điều kiện không “dễ thở”, đó là lãi suất “cắt cổ” (chừng 20 - 30% hoặc hơn). Công ty tài chính được hoạt động cho vay với mức lãi suất chủ động trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước với những điều kiện cụ thể. Thế nhưng, không ít công ty tài chính thấy “thấp thoáng bóng dáng” ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh khác “đứng sau” như những đối tác tin tưởng. Những “bóng dáng” này rất có tiềm năng cung cấp nguồn vốn lớn một cách hợp pháp cho công ty tài chính cho vay lại với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng. Với lãi suất cao như vậy, khách hàng của công ty tài chính phải kinh doanh gì đó có lợi nhuận vượt trội thì mới có khả năng trả nợ. Vậy thực tiễn hiện nay mảng kinh doanh nào và liệu có nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận vượt 30%? Rủi ro đồng tiền đi vào các hoạt động phi pháp (như cờ bạc, cá độ…) là hoàn toàn có thể, khi mà điều kiện vay thông thoáng, dễ dàng.


Hãy cẩn trọng khi vay tiêu dùng từ công ty tài chính

Thực tế nhiều công ty tài chính hiện nay thay vì có bộ phận xử lí nợ lại thường ủy quyền cho đơn vị thứ 3 (công ty thu nợ) thực hiện thu hồi nợ, người được ủy quyền khi đó sẽ có quyền và trách nhiệm như chủ nợ. Khi đối tác nhận ủy quyền thu hồi công nợ có hành vi vượt quá giới hạn cho phép sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp khách hàng Lê Thành Tâm kể trên nhiều khả năng đã chịu áp lực quá lớn, dạng như hành xử của xã hội đen với con nợ.
Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”.
Đối tác của công ty tài chính là công ty thu nợ. Công ty thu nợ thực hiện quyền thu nợ có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mang lại lợi ích cho công ty tài chính. Công ty tài chính lại là đối tác “ruột” của ngân hàng thương mại.
Trong “vòng luân hồi” ấy, có khi nào tổ chức tín dụng chuyển sang… màu xám?/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét