Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Xin thôi những đề xuất cải tiến!  

Người xưa từng ví “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” ngụ ý ngữ pháp tiếng Việt rất khó.
Tuy nhiên tiếng Việt của ta có ngữ điệu đẹp, phong phú mà không nhiều ngôn ngữ có được. Không ít người nước ngoài đến Việt Nam chia sẻ rằng, nghe người Việt nói cứ như thể nghe hát.
Thứ tiếng rất đẹp và khó học nay lại đang chịu những “phong ba” từ một số bộ óc “siêu việt” muốn cải tiến, thay đổi để đơn giản hóa chữ Quốc ngữ. Người ta cho rằng, chữ Quốc ngữ đang gây khó khăn cho hòa nhập và tiếp cận văn minh nhân loại, nó còn nhiều bất cập, sai lỗi v.v và v.v.


Đề xuất cải tiến csch viết chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền từng gây tranh cãi năm trước 

Tiếng Việt đã có hàng nghìn năm, mang vẻ đẹp của con người Việt, tâm hồn Việt. Chữ Việt ra đời sau, chịu ảnh hưởng nặng nề thời kì Bắc thuộc. Một thời sĩ tử và giới trí thức tu luyện học hành bằng chữ Hán, sau đó chuyển sang chữ Nôm (Nam) nhưng vẫn là “cái bóng” của chữ nho. Khi chữ Quốc ngữ được phát kiến, thâm nhập vào đời sống với những ưu điểm và nhờ sự nỗ lực truyền bá đã trở thành chữ viết chính thức thời hiện đại.
Mọi ngôn ngữ, chữ viết trên thế giới trong quá trình phát triển luôn được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn, nhu cầu khoa học, kĩ thuật, công nghệ và tư duy con người.  
Năm trước Phó Giáo sư Bùi Hiền đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt khá khác biệt khiến dư luận dậy sóng.  
Sau đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, gần đây cử nhân ngoại ngữ Phạm Gia Dũng cũng có một đề xuất bộ chữ Tiếng Việt cải tiến theo âm tiết Latinh không dùng kí tự dấu… Theo đó, hệ chữ này sẽ không còn âm sắc hỏi, ngã, nặng, bằng…
Các đề xuất cải tiến trên không phải là đột phá căn bản cho một hệ chữ mới mà chỉ vì một số khiếm khuyết, chưa hoàn thiện của cách viết hay đọc chữ Quốc ngữ. Các “nhà cải tiến” cũng chưa có những đánh giá tác động với mọi mặt đời sống, nhất là với văn hóa, giáo dục, lịch sử… cái được và cái giá phải trả nếu cải tiến.
Từ chữ Hán Nôm chuyển sang chữ Quốc ngữ là một cuộc cách mạng chứ không phải sự cải tiến và nó đã mất mấy trăm năm để được “thuần hóa”, bám rễ vào nền văn hóa Việt Nam thời hiện đại.


Các hệ chữ tượng hình như của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các chữ hệ Latinh… đều không tránh khỏi những hạn chế. Ngay tiếng Anh, thứ tiếng phổ cập trên thế giới hiện nay cũng không ít khiếm khuyết cả trong cách viết và cách đọc song hàng trăm năm qua họ đâu có ý định cải tiến? Ngay cả các hệ chữ tượng hình cũng không phải là sự cản trở trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay.
Với nền tảng chữ Quốc ngữ và hệ thống, cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt hiện hành cơ bản đủ đảm nhiệm chức năng là một công cụ truyền tải tri thức trong kỉ nguyên 4.0.
Những khiếm khuyết hoặc chưa hợp lí của chữ Quốc ngữ nếu có thì cần được sửa đổi, điều chỉnh trên cơ sở văn bản pháp lí, chẳng hạn một bộ luật về ngôn ngữ, chứ không phải từ những cải tiến có tính cảm hứng./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét