Cần rà lại những kho “bom nổ chậm”
Vụ nổ kho hóa chất tại cảng Beirut (Lebanon) hôm 4/8 vừa
qua gần như san phẳng một góc thành phố cảng khiến hàng chục nghìn người
thương vong, cả thế giới sững sờ!
Sau vụ nổ này chắc chắn người ta sẽ có cái nhìn đầy đủ
hơn về những kho hóa chất, kể cả thứ để sản xuất ra những mặt hàng thiết yếu
của cuộc sống.
Cách đây tròn 1 năm, Hà Nội cũng chấn động bởi vụ hỏa
hoạn tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Vụ cháy khiến hàng chục
tấn thủy ngân, thứ hóa chất cực kì nguy hiểm phát tán ra khu vực dân cư giữa
trung tâm Thủ đô. Hậu quả của vụ hỏa hoạn với sức khỏe cộng đồng khó có thể
đo đếm, khi mà thứ hóa chất độc hàng đầu này không phải ngay tức thì đã cảm
nhận hay nhìn thấy được.
Vụ cháy tại kho Công ty Rạng Đông chách đây 1 năm gây hậu quả nghiêm trọng
Gần đây nhất, vụ cháy tại kho của Công ty hóa chất Đức
Giang (quận Long Biên, Hà Nội) thêm một lần khiến người dân lo ngại dù hậu
qủa không nghiêm trọng như tại Công ty Rạng Đông năm trước.
Trong quân đội, hầu hết các đơn vị đều có một vài khu kho
cất trữ vũ khí, chất nổ, bom đạn phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng
chiến đấu. Các kho này thường được xây dựng kiên cố, cách xa nơi ở trong
doanh trại, xa khu dân cư, được bộ đội canh gác nghiêm ngặt 24/24 và giới hạn
phạm vi người, các hoạt động được tiếp cận. Công tác bảo quản, bảo dưỡng,
kiểm tra an toàn, xử lí, “đổi hạt”… được duy trì nghiêm theo quy định riêng.
Chính vì vậy, dù đang lưu trữ cả trăm nghìn tấn bom, đạn song hàng chục năm
qua quân đội không xảy ra vụ tai nạn nổ kho vũ khí nào.
Có thể ví những vụ hỏa hoạn liên quan đến phát tán hóa
chất kể trên là những vụ nổ “kho bom không có bom”, đồng thời là những cảnh
báo nhãn tiền đáng lưu tâm với những kho “chờ nổ”.
Vụ hỏa hoạn xảy ra
tại kho của công ty hóa chất Đức Giang tại địa bàn quận Long Biên, Hà Nội
Vậy, ngoài các cơ sở sản xuất mặt hàng giống như của Công
ty Rạng Đông, còn những công ty, doanh nghiệp nào đang sở hữu, sản xuất có sử
dụng các loại hóa chất tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa? Các doanh nghiệp lớn như
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, các nhà máy phân đạm ở Ninh
Bình, Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cà Mau, Tổng công ty phân đạm và hóa chất dầu
khí, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao…, liệu có đang lưu
trữ những loại hóa chất tương tự như kho hóa chất ở Beirut? Nếu có thì quy
trình vận chuyển, quy chuẩn lưu trữ, quản lí, sản xuất có bảo đảm tuyệt đối
an toàn? Còn nữa, tại các cảng biển với hàng nghìn chiếc contairne liệu có
những hóa chất nguy hiểm đang tồn trữ?
Để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí là những
thảm họa, đã đến lúc các cơ quan quản lí chức năng cần khẩn trương rà soát
lại việc quản lí, sản xuất, sử dụng các hóa chất nguy cơ tiềm tàng đến an
toàn cháy nổ tại các khu dân cư, khu công nghiệp, cảng biển... Phải coi nơi
chứa hóa chất nguy hiểm thực sự là những kho “bom nổ chậm” đe dọa cả an toàn
và an ninh để có quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lí tuyệt đối nghiêm
ngặt như những kho vũ khí quân dụng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng
8 năm 2020
|
Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét