Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Tài nguyên rác và rác tài nguyên

 

Rác là tài nguyên.
Câu này ai cũng được nghe không dưới đôi lần. Nghe vậy nhưng nhìn thấy nó được hiện thực hóa không nhiều. Và, rác đơn thuần vẫn chỉ là… rác!
Trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 6.500 tấn rác, còn tại TP Hồ Chí Minh khoảng 9.000 tấn.
Chỉ cần các “kho tài nguyên” đóng cửa dăm ba ngày là người dân 2 thành phố lớn nhất cả nước này sẽ không chịu nổi vì phố xá bốc mùi. Khi đó, chẳng ai nghĩ rằng đó là mùi… tài nguyên!


Sau 5 ngày bãi rác Nam Sơn “đóng cửa” gần đây, rác thải trong nội thành Hà Nội ùn ứ, chất đống tại các điểm trung chuyển. 

Thế nhưng tại không ít quốc gia như Hà lan, Thuỵ Điển, Áo, Bỉ hoặc Nhật họ lại không gọi rác là rác, không gọi nước thải là chất thải mà đơn thuần đó là những nguồn vật chất chưa được khai thác. Tại Hà Lan, trong giai đoạn 2010-2014, tổng lượng rác được tái chế là 80%. Lượng rác còn lại sau xử lí được đốt để tạo ra điện. Rác nằm trong chuỗi của nền kinh tế tuần hoàn mỗi năm mang lại doanh thu tăng thêm 7,3 tỉ euro, tạo thêm 54.000 việc làm mới.
Còn rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại Việt Nam ta đang thực sự là vấn nạn ô nhiễm chưa tìm ra lời giải hiệu quả. Khi các doanh nghiệp xử lí rác vẫn trông chờ chút lợi nhuận từ chôn lấp thì thứ tài nguyên này chỉ mang lại hiểm họa môi trường chứ chưa trở thành tài nguyên đúng nghĩa.
Còn một thứ “rác tài nguyên” cũng đang là vấn nạn với mọi người chưa có lời giải thỏa đáng, đó là rác viễn thông (sim rác, tin nhắn, cuộc gọi rác). Nếu bạn đang sở hữu chiếc điện thoại cầm tay thì chí ít mỗi ngày cũng “được nhận” vài ba cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo bất đắc dĩ.


Vấn nạn rác viễn thông lại là tài nguyên của nhà mạng

Trước vấn nạn này, mấy năm trước cơ quan quản lí và các nhà mạng lớn đã vào cuộc với quyết tâm cao nhằm dẹp nạn sim rác, căn nguyên xả ra rác. Tuy nhiên, đến nay vấn nạn rác viễn thông chưa thuyên giảm.
Một tin mừng là từ ngày 1/10, theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác vừa được Chính phủ ban hành. Doanh nghiệp viễn thông sẽ phải cung cấp cho người dùng các công cụ, ứng dụng để phản ảnh và cho phép khách hàng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Ai cũng biết, dù là “rác” nhưng mỗi phát sinh giao dịch (tin nhắn, cuộc gọi, bán sim) cũng đồng nghĩa nhà mạng của số thuê bao được hưởng lợi nhuận.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại được đăng kí và đang hoạt động trên toàn quốc là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Chỉ cần mỗi số thuê bao trong ngày phát sinh vài ba cuộc gọi, tin nhắn (mấy trăm đồng đến vài nghìn đồng) nhân lên sẽ cho ra một con số rất… không nhỏ. Vậy, loại rác này đúng là một thứ “tài nguyên” mà chỉ nhà mạng mới người cảm nhận được “mùi vị”. Nó không hề khó ngửi như rác sinh hoạt!
Chỉ khi các doanh nghiệp xử lí rác thải thấy được đó đúng là tài nguyên, còn các doanh nghiệp viễn thông không coi sim, tin nhắn, cuộc gọi rác là tài nguyên, khi đó vấn nạn rác mới có cơ được xử lí triệt để!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét