Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Bao giờ bỏ thi tốt nghiệp?

Nhiều năm qua, dù có những thay đổi, điều chỉnh trong cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng “đáp số” chung đều là gần 100% học sinh bước qua “cửa vũ môn” sau 12 năm đèn sách. Và năm nào cũng vậy, chỉ để loại ra một vài phần trăm học sinh yếu kém, cả xã hội như bước vào một “trận chiến” nhọc nhằn, hao tổn để khẳng định tầm tri thức mà chưa chắc đã thực chất.
Cũng chính vì những kết quả có thể dự đoán trước đã không ít ý kiến đề xuất nên thay kì thi tốt nghiệp bằng hình thức xét tuyển và chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho các học sinh đạt yêu cầu trở lên. Như vậy sẽ giảm áp lực thi cử, tiết kiệm chi phí xã hội đồng thời là tiền đề để các trường cao đẳng, đại học cải tiến phương thức tuyển sinh dựa trên nền tảng học lực cả quá trình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra khi dịch Covid-19 tái bùng phát (ảnh minh họa)

Năm nay kì thi THPT diễn ra đúng lúc dịch Covid-19 quay lại và tất nhiên đã có những ý kiến băn khoăn sự an toàn cho sức khỏe học sinh trước quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù sao quyết tâm đó cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hi vọng kì thi sẽ đạt kết quả tốt và quan trọng nhất là an toàn dịch bệnh.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với cách tổ chức thi cử như hiện tại, các trường và các địa phương sẽ luôn “phấn đấu” để học sinh của mình có điểm tốt nhất chứ không vì một kì thi nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng của học sinh. Mục tiêu của học sinh là có điểm số cao nhất. Mục tiêu của nhà trường, đội ngũ giáo viên là khẳng định kết quả đào tạo của mình thông qua tỉ lệ tốt nghiệp và điểm số các môn thi. Còn lãnh đạo các địa phương đều muốn bằng kết quả kì thi minh chứng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống giáo dục phổ thông địa phương mình là tốt.


Thực hiện nghiêmcông tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại điểm thi.

Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Hà Lan… nhưng áp lực thi cử có lẽ không cao như Việt Nam ta. Tại nhiều nước, học sinh chỉ dùng bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ tốt nghiệp để đăng kí vào các trường đại học dựa trên năng lực, khả năng của cá nhân.
Xưa kia ông cha ta định hình nền giáo dục là học để làm quan, thành tài, để “vinh quy bái tổ”. Điểm khác biệt của giáo dục khoa cử xưa là người có điều kiện và ý chí quyết tâm đèn sách đi đến kì ứng thí tỉ lệ vô cùng ít so với số dân. Số ít đó được rèn dũa, đã đỗ đạt thì thực sự là người vừa có nghị lực vừa thành tài về học vấn, là tinh hoa của xã hội.
Không thể phủ nhận những tích cực nền khoa cử một thời gian dài của lịch sử phát triển, nó đã định hình phẩm chất hiếu học của dân tộc ta. Nay nền giáo dục là phổ thông, toàn dân được đến trường nên không thể có chuyện ai cũng đỗ đạt cao, làm quan, được “vinh quy bái tổ”. Ngày nay người ta học để có cái nghề, để lao động kiếm sống.
Nền giáo dục cần thay đổi, trước hết về quan điểm thi cử. Có thoát khỏi “cái bóng” của nền giáo dục khoa cử mới có thể bắt nhịp nền giáo dục hiện đại./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét