Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Đề xuất sửa đổi hay tăng giá?

Bộ Công Thương vừa trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định 28/2014/QĐ-TTg để lấy ý kiến.
Đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, mục giá điện cho mục đích sinh hoạt luôn được người dân quan tâm nhất. Dự thảo được Bộ đề xuất 2 phương án để lựa chọn, gồm hoặc 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.
Ai cũng dễ nhận ra phương án hai 5 bậc và 1 giá có lợi cho “nhà giàu” và trái với mục tiêu hạn chế sử dụng điện bằng cách điều tiết dùng điện càng nhiều giá càng cao. Điều đó có nghĩa đa số người dân sẽ chọn phương án bậc thang 5 bậc, số ít thu nhập cao sẽ chọn một giá. Nhiều khả năng phương án 1 giá sẽ bị loại vì nó đi ngược với chủ trương chung là tiết kiệm điện, chỉ mang lại quyền lợi cho số ít đồng thời gây thiệt hại cho chính ngành điện. Việc đưa vào lấy ý kiến thêm phương án này (1 giá) có vẻ như một sự “đột phá”, cởi mở của ngành điện!
Hiện người sử dụng điện sinh hoạt đang mua điện theo biểu giá bậc thang 6 bậc (thấp nhất là 1.678 đ/kWh, cao nhất 2.927 đ/kWh). Nếu thực hiện theo các phương án bậc thang mới 5 bậc, bậc 1 bằng 90% giá điện bình quân (1.864,44đ/kWh) thì chỉ giá bậc này được giữ so với biểu giá hiện hành là 1.678đ/kW, còn lại các bậc giá khác đều tăng cao hơn biểu giá cũ từ 279 đ đến 2.274 đ/kWh!
Với biểu giá điện cũ mà mấy năm qua người dân đã kêu trời mỗi khi mùa nóng đến. Do vậy, nếu theo biểu giá mới sửa đổi này, nhiều khả năng hoá đơn tiền điện mùa nóng tới sẽ còn “nóng” hơn nữa.
Giá điện bán lẻ bình quân luôn được điều chỉnh tăng những năm qua (2014, 2017, 2019). Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ngành điện cần công khai các chi phí làm cơ sở cho ra giá điện bình quân (1.864,44đ/kWh) và cần loại đi những chi phí không hợp lí. Tại tọa đàm “Giá điện sinh hoạt - Bao nhiêu bậc thì hợp lí và minh bạch” vào cuối tháng 7 vừa qua có ý kiến cho rằng trong công thức tính giá điện bình quân có cả chi phí điều độ, điều tiết thị trường điện lực (đây là việc của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương). Làm như vậy chẳng khác nào cán bộ Cục Điều tiết điện lực ăn lương của EVN trong khi công chức đã được Nhà nước trả lương. Thêm nữa, giá điện bình quân như trên đã là mức giá bảo đảm lợi nhuận cho ngành điện, tại sao các bước giá lại tăng cao như vậy, dù biết rằng cần tăng ở các bậc để hạn chế sử dụng điện?


Khả năng hóa đơn tiền điện sẽ nóng hơn nếu theo phương án 5 bậc mới

Năm nay, nếu thực hiện theo các phương án sửa đổi như trên, chưa cần điều chỉnh giá điện bình quân, nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt đã “được” tăng giá điện (vì khả năng hộ ở bậc 1 tỉ lệ rất ít)! Trong khi đó ngành điện chẳng mang tiếng là tăng giá mà thực ra giá đã được tăng thông qua việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc mới./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét