Chọn “không vướng” và… không thuận!
Khi Bắc Ninh công bố quyết định chỉ định
một bí thư thành ủy trẻ, thông tin được báo chí đăng tải khiến dư luận quan
tâm.
Thực ra, ở tuổi 36 đảm nhiệm bí thư thành ủy một thành
phố cũng không phải là trẻ, nếu so với những lãnh đạo một thời dấn thân vào
tù đày, coi thường cái chết vì sự nghiệp của Đảng.
Dư luận quan tâm vì tân bí thư chính là con đẻ của đương
kim bí thư tỉnh này, hơn nữa chuyên ngành đào tạo cơ bản ban đầu là môn cờ
vua. Khi vị cán bộ tổ chức tỉnh này nói với báo chí rằng việc chỉ định “không
vướng quy định nào của Đảng cả” như đã “góp thêm gió” vào cơn bão dư luận với
chiều hướng không thuận.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh
ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trao quyết định cho ông Nguyễn Nhân Chinh - Ảnh:
VietnamNet
Lâu nay mọi người tin và biết công tác cán bộ luôn theo
tiêu chí phẩm chất, năng lực và uy tín để chọn người vào các cơ quan lãnh đạo
của Đảng, chính quyền các cấp. Nay nhiều người mới ngộ ra rằng, chỉ cần
“không vướng” quy định (của tổ chức) là có thể chỉ định, bổ nhiệm người vào
vị trí trọng yếu.
Thực trạng cả họ làm quan, cấp ủy gia đình đã khiến dư
luận đồn đoán lâu nay, từ tỉnh miền núi Hà Giang đến hai tỉnh đồng bằng Hải
Dương, Bắc Ninh… song chưa thấy tỉnh nào được rà xét, xử lí thấu đáo nhằm
“đánh tan” dư luận. Rõ ràng đây là một “việc khó”, khi người có động cơ không
trong sáng, đưa người thân, họ hàng vào các vị trí công quyền thì họ luôn
lường trước mọi chuyện, khá bài bản trong từng đường đi, nước bước để không
bị “vướng”.
Thế nhưng, nếu quyết tâm làm đến nơi đến chốn để xem có
“không vướng” hay đang vướng thì mọi chuyện đều có thể làm rõ. Ví như vụ bí
thư thành ủy Bắc Ninh kể trên rõ ràng vẫn có “vướng”. Cái vướng trước tiên là
lòng tin của người dân, sau đó là uy tín của nhân sự và cuối cùng là cách làm
của tổ chức. Có thể cấp ủy tỉnh này sẽ viện dẫn công tác cán bộ thực hiện
theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 90-QĐ/TW (năm 2017) được
thay thế bằng Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2/1/2020). Liệu cấp ủy nơi đây đã
đọc kĩ nội dung Mục 1.5 trong Tiêu chuẩn chung của Quy định 214 về tiêu chuẩn
nhân sự, nêu: “Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức
danh lãnh đạo, quản lí chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực
tiễn”. “Vướng” tiêu chuẩn có lẽ là ở đây, vì tân bí thư trước đó đảm nhiệm
cương vị một tổ chức quần chúng (Tỉnh đoàn), không phải tổ chức đảng cấp dưới
trực tiếp (phó bí thư huyện ủy hay thành ủy).
Trước yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, tỉnh này đã
buộc phải điều chuyển tân bí thư thành ủy, thay bằng nhân sự khác chỉ sau
chưa đầy 2 tuần chỉ định.
Tham nhũng quyền lực là một thực tế Đảng ta đã nhận ra và
đang quyết tâm loại trừ. Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy
thoái để mọi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy soi rọi, thực hiện.
Khi mà một cấp ủy có thể trở thành công cụ “hợp thức” cho
động cơ tư lợi thì việc đấu tranh loại trừ tham nhũng quyền lực sẽ vô cùng
khó khăn./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 8 năm 2020
|
Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét