Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Thu rồi… thu nữa!

Những năm qua mạng đường giao thông Việt Nam phát triển khá nhanh. Nhiều tuyến đường đẹp, rộng như Đại lộ Thăng Long, đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội; đoạn quốc lộ 18 Nội Bài - Bắc Ninh và một số đường cao tốc mới xây dựng bằng vốn đầu tư của Nhà nước nên người dân không phải nộp phí.
Tới đây, khi tuyến cao tốc Bắc Nam hoàn thành (bằng vốn đầu tư công), người dân, doanh nghiệp sẽ được lưu thông trên tuyến huyết mạch hàng nghìn ki lô mét không phải trả khoản chi phí đáng kể so với các tuyến đường BOT.
Liệu có thể coi những tuyến đường như trên người dân, doanh nghiệp đang được giao thông miễn phí?


Đường Võ Nguyên Giáp từ trung tâm Hà Nội ra sân bay Nội Bài

Ta biết, hiện nhà nước đã và đang đầu tư một nguồn lực rất lớn từ thuế, phí thu được để đầu tư xây dựng các công trình trong đó có hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm dân sinh. Ngoài các nguồn từ thuế, phí ra, Nhà nước phải vay vốn từ nước ngoài (ODA) chịu lãi suất. Theo con số thống kê vào năm 2019 nợ công của Việt Nam ở mức 56,1% GDP. Với quy mô GDP khoảng 266,5 tỉ USD thì số nợ không nhỏ. Tất nhiên, số tiền trả nợ nước ngoài cũng từ nguồn thu nền kinh tế trong đó thuế, phí là chủ yếu…
Vì vậy, nói người dân, doanh nghiệp đang được đi trên những tuyến giao thông đẹp “miễn phí” là không chính xác bởi nó được người dân đóng thuế, phí để xây dựng nên.
Có lẽ xuất phát từ tư duy “đường miễn phí” hiện rất… phí nên Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo hoàn thiện Đề án thu phí sử dụng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, có thu phí và đã hết thời gian thu) trình Thủ tướng. Tuy nhiên, việc này lại không có cơ sở pháp lí (Luật Đầu tư công không cho phép thu phí công trình từ nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước). Bộ này đang muốn đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công để thực hiện mục tiêu trên. Nếu được sẽ là tiền lệ, sau này tuyến cao tốc Bắc Nam hứa hẹn thu được nguồn phí không nhỏ!
Gần đây, tại hội nghị trực tuyến với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”, một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội hêt 80 triệu đồng! Đây quả là một sự phi lí có thực. Hiện nay trên nhiều tuyến đường BOT, chi phí vé đường còn đắt hơn tiền xăng dầu. Nếu các đường do Nhà nước đầu tư cũng thu phí thì chi phí logistics sẽ còn tăng hơn nữa.


Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng xảy ra "lùm xùm" thiếu minh bạch việc thu phí.

Xây dựng trạm và duy trì bộ máy thu phí tuyến đường đầu tư công sẽ mất thêm một khoản chi phí. Trong khi đó việc thu phí BOT hiện thiếu minh bạch, có hiện tượng giấu doanh thu nên nguy cơ thất thoát tiền phí là hoàn toàn có thể.
Tất cả những chi phí trên sẽ đè lên vai người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi điều luật vì những giải pháp bất hợp lí sẽ tạo tiền lệ đáng lo ngại cho cả công tác xây dựng luật pháp./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét