Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Không vội được đâu!

Làm bất kì việc gì ai cũng muốn sớm có kết quả dẫu biết có những việc không thể vội, cần có khoảng thời gian nhất định để mọi thứ được hoàn thành.
Bị gắn câu “Hà Nội không vội được đâu” nhưng nay có những việc chính Hà Nội lại đang… hơi vội! Ví dụ như việc trồng phủ hệ thống cây xanh bóng mát đường phố.
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây…”. Muốn có tuyến phố xanh mát bóng cây ít ra cũng cần đến 9-10 năm vì đó là thời gian cần cho một cây từ khi trồng đến khi bắt đầu có thể tỏa bóng xanh mát. Nay thì điều đó có vẻ không cần thiết nữa, người ta có thể trồng lập tức được những cây… cổ thụ!
Mấy năm trước dư luận từng xôn xao khi có cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bị gió làm bật đổ và lộ ra gốc cây không rễ, vẫn buộc chặt bằng bao bố. Có người cho đó là sự cẩu thả, tắc trách của người trồng, nhưng không hẳn như thế. Các cây giống lớn khi đánh đi trồng người ta buộc phải chặt bớt bộ rễ (vì không thể mang theo mấy mét khối đất xung quanh). Bao bố sẽ phân hủy và rễ cây vẫn có thể xuyên ra đi vào lòng đất lấy dinh dưỡng. Các cây giống dù đốn trụi cành, chặt hết rễ đem trồng lại vẫn có thể sinh trưởng, phát triển dù mất một thời gian bị “chột”.


Cây Phong lá đỏ được trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh

Ai từng đến Thủ đô sẽ thấy một số tuyến phố (và cả khu vực bên sân Lăng Bác) hình ảnh những cây xanh được chằng chống bằng hệ thống cột sắt. Nhiều tuyến phố vỉa hè vốn đã chật hẹp nay phải bố trí thêm những chiếc cột chống cây xem như không còn vỉa hè. Có lẽ nhiều người nghĩ đây là sự chăm sóc, bảo vệ cây xanh chu đáo của Hà Nội chứ đâu biết rằng, thiếu những cột bảo vệ, rất nhiều cây sẽ đổ gục sau một cơn giông!
Bức ảnh Bác Hồ trồng cây đầu Xuân ở khu đồi Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây xưa, Người trồng cây đa rất nhỏ, chỉ cao hơn đầu một chút, nay cây ấy đã trở thành cổ thụ, tỏa bóng mát vững chãi. Ngày nay lãnh đạo nhiều địa phương cũng tích cực trồng cây đầu Xuân nhưng đa số đều muốn trồng những cây rất lớn (có lẽ để ghi hình lên báo chí cho đẹp), không phải cây giống từ vườn ươm. Bứng lên, trồng lại những cây lớn như vậy vô tình làm chột, hỏng tiến trình phát triển tự nhiên của cây xanh.
Rễ, thân, lá là các yếu tố cấu thành để một cây phát triển bình thường, chắc chắn. Rễ cây ngoài chức năng thu nạp dinh dưỡng nuôi cây, nó còn là hệ thống kết cấu xuyên rộng trong lòng đất để tăng cường lực đỡ như những thanh sắt trong bê tông cốt thép. Nay vì “đốt cháy thời gian” để sớm có cây xanh đường phố, người ta trồng những cây giống quá lớn. Những cây trồng như vậy vẫn có thể sống nhưng sẽ không bao giờ có được bộ rễ khỏe mạnh để giữ vững cây trước những trận giông tố.
            Việc gì nhanh được thì “vội” cũng tốt. Riêng để có hệ thống cây xanh tươi, đẹp đẽ và bền vững thì đúng là… không vội được đâu!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét