13,5; 9; 4; 99; 50 và… vô định!
Đó không phải giả thiết
cho một phép tính đại số phức tạp. Đó là những con số vắn tắt về một dự án
nhiều “tiếng tăm” mang tên Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dự án dài
13,5km, đã qua 9 năm, 4 đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hoàn thành 99%
nhưng… chưa rõ ngày khai thác thương mại. Để vận hành thử, Tổng thầu EPC đang
đòi ứng trước 50 triệu đô la!
Dự án đường sắt đô thị
Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011 - ngày Giải phóng Thủ đô.
Có lẽ khi đó nhiều người coi là một “ngày vui nhân đôi”! Sao có thể không vui
và kì vọng bởi đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của mảnh đất Hà thành
nghìn năm văn hiến và cũng là của cả nước?
Trải qua 9 năm (bằng
thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954). Có lẽ dự
án luôn được các lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng như thành phố Hà Nội coi
là trọng điểm chỉ đạo thực hiện trong mỗi nhiệm kì của họ. Tuy nhiên, một dự
án giao thông chỉ dài hơn chục km mà biết bao gian nan trắc trở và tốn nhiều
giấy mực của các cơ quan truyền thông không chỉ trong nước.
Dự án quá nhiều lần lỗi hẹn, liên tục đội vốn và chưa
xác định ngày vận hành chính thức đã gây nên không ít bức xúc cho người dân và
xã hội.
Năm 2019 vừa qua, Bộ
trưởng giao thông đương nhiệm khẳng định dự án “đã hoàn thành trên 99%”. Nay
đã hết nửa năm 2020, “con rồng bê tông” vẫn đang nằm án binh bất động như
nhiều năm qua nó đã thế!
Có lẽ dư luận đã quá
chán chường khi nghe thông tin về dự án này nên đến nay nhiều người chẳng
muốn nhắc đến. Thế nhưng con số 50 triệu đô la là “điều kiện cần và đủ” để
chạy thử tuyến đường được đối tác Trung Quốc “ném ra” khiến dư luận đang mơ
màng như được dội một thùng nước lạnh!
Thực ra đó chỉ là số
tiền kiến nghị của Tổng thầu EPC nhằm thanh toán cho họ trước khi thực hiện
vận hành thử toàn hệ thống. Tuy nhiên, giữa lúc còn “nhùng nhằng” chửa biết
khi nào dự án sẽ được hoàn thành thì chuyện đòi tiền được đưa ra đã như “hâm
nóng lại” sự bức xúc của dư luận. Có cảm giác như chủ đầu tư của ta đang bị
bắt làm “con tin kinh tế”!
Ngày vận hành đã mù
mịt. Rồi đây vận hành khai thác thương mại liệu còn chuyện gì trắc trở không
khi mà các đoàn tàu, trang thiết bị, kĩ thuật, phương thức vận hành… đều thuộc
“bản quyền” của phía đối tác?
Năm trước khi phong
thanh thông tin khả năng nhà thầu Trung Quốc sẽ tham gia xây dựng tuyến cao
tốc Bắc - Nam khiến không ít người “lạnh sống lưng”! Chỉ có hơn chục ki lô
mét mà đã biết bao nhiêu chuyện, từ đội vốn khủng, chậm trễ nhiều năm, dư luận
bất bình…, vậy hàng nghìn ki lô mét đường trải dọc chiều dài đất nước thì sẽ
thế nào? Liệu nền kinh tế của ta có trở thành “con tin”? May mà chuyện đó
không thành hiện thực!
Tuyến đường sắt trên
cao Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trên chặng đường vô định…
Chẳng lẽ trách nhiệm
của ai đó về chuyện này cũng là… vô định!?/.
Đinh
Hoàng
|
Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét