Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

 Tôn cao thế lực!

Cụm từ “thế lực thù địch” được dùng phổ biến sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đó một số người bỏ Tổ quốc, sống lưu vong hải ngoại nuôi hi vọng ngày nào đó phục dựng chế độ cũ và được một số nước không thân thiện với Việt Nam nuôi dưỡng, cổ súy.
Với chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới cùng thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, hiện nay có thể khẳng định không còn quốc gia nào coi Việt Nam là thù địch. Hiện Việt Nam đang có quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao với hầu hết các quốc gia và có uy tín rất cao trong cộng đồng quốc tế.
Vậy thì cụm từ “thế lực thù địch” nay có còn phù hợp để sử dụng?
Cụm từ bao hàm hai ý thế và lực. Thử xem cái thế và lực của một vài nhóm chống đối ở nước ngoài hiện nay thế nào?
Sau thất bại của nhóm lưu vong Hoàng Cơ Minh với Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam tại hải ngoại, ngày càng nhiều người trong chế độ cũ nhận thức được tình hình trong nước trái với những tuyên truyền xuyên tạc ở nước ngoài. Nhiều nhân vật chống cộng nổi tiếng như Nguyễn Cao Kỳ, Hoàng Duy Hùng… cũng đã thay đổi quan điểm, cách nhìn về Nhà nước Việt Nam. Một số quốc gia từng thù địch, định kiến với Việt Nam nay đều đã thay đổi quan điểm, không còn nước nào công khai ủng hộ các nhóm chống đối ở hải ngoại.
Việt Tân là tàn dư của đảng do Hoàng Cơ Minh lập ra đang lay lắt hoạt động nhưng nhiều người Việt hải ngoại đã nhận ra động cơ chính chỉ là trục lợi tiền tài trợ, ủng hộ từ số người còn định kiến thù hận, thiếu thông tin về đất nước.
Thực chất các nhóm chống đối nay đã “thế suy”, “lực kiệt”, không còn là mối đe dọa lớn đối với an ninh, chính trị đất nước. Lúc này nếu vẫn coi chúng là “thế lực” chẳng khác nào giúp tôn cao vị thế giả tạo của nhóm thù địch mà thôi.

Các nhóm chống đối nhà nước ta tại hải ngoại nay đã lộ chân tướng trục lợi tiền là mục tiêu chính

Lâu nay, mỗi khi dư luận báo chí, nhất là mạng xã hội phản ánh bức xúc, bất bình của người dân trước những khuyết điểm, sai lầm của một vài cá nhân, tổ chức là lại có ý kiến quy chụp đó là âm mưu chống phá của “thế lực thù địch”!
Tại diễn đàn kì họp thứ 9 của Quốc hội vừa qua, khi đại biểu có ý kiến phản ánh dư luận người dân chưa “tâm phục khẩu phục” việc xét xử một số vụ án trong đó có vụ tử hình bị can Hồ Duy Hải, vị Phó chánh án TAND TP Hồ Chí Minh đã nêu cụm từ “thế lực thù địch”, cho rằng “hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá, cần hết sức cảnh giác”! Lời phát biểu này đã gây phản ứng không đồng tình của một số đại biểu Quốc hội và dư luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn chia sẻ “trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi”!
Trước khi cảnh giác với “thế lực thù địch” có lẽ ta cần cảnh giác việc lạm dụng cụm từ này làm bình phong che đậy sai lầm, khuyết điểm. Khuyết điểm, tồn tại bị che đậy chính là những ung nhọt tàn phá thể chế, nay được đặt tên chính xác “tự diễn biến, tự chuyển hóa” vô cùng nguy hiểm!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 6 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét