Có dùng người “không
biết tại sao giàu”?
Trong một
bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không
để lọt vào Trung ương khóa mới những người kê khai tài sản không trung thực,
có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không
giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu
gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Đó là
việc ở tầm trung ương.
Vậy còn ở
các cấp thì sao, kể từ chi bộ trở lên? Theo tôi, mọi cấp từ chi bộ cũng cần
thực hiện theo định hướng trên của Tổng Bí thư trong quá trình triển khai đại
hội nhiệm kì tiến tới Đại hội XIII. Chi bộ là tế bào của Đảng, từng tế bào
khỏe thì Đảng mới vững mạnh.
Ngôi biệt thự của một Bí thư Huyện ủy ở Hà Nam.
Mỗi đại
hội khi lựa chọn nhân sự để bầu người vào cấp ủy thì đó phải là những cá nhân
tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, năng lực thực tiễn để đảm đương và có thể
hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao.
Một trong
những biện pháp kiểm chứng về nhân cách, đạo đức, đó là kê khai tài sản. Cán
bộ thiếu trung thực khi được giao trọng trách có nguy cơ cao sẽ lợi dụng vị
trí để tham nhũng, trục lợi.
Những năm
qua việc kê khai tài sản đã được triển khai, dù hiệu quả chưa được như kì
vọng song đã phát lộ những cán bộ có chức quyền sở hữu nhiều tài sản lớn. Có
cán bộ không phát lộ tài sản nhưng dân đều biết và thường để lại dư luận
không tốt. Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã tranh luận sôi nổi
xung quanh việc xử lí với những cán bộ “không rõ vì sao giàu”. Họ không chứng
minh được nguồn gốc tài sản song tổ chức không thể xử lí trách nhiệm khi chưa
chứng minh được hành vi sai phạm.
Biệt phủ của một cán bộ ở Yên Bái được cho là do buôn đót, nuôi lợn…
mà có.
Có thể
quy chế, quy định của tổ chức, điều luật của Nhà nước chưa có nội dung xử lí
với cán bộ giàu nhanh “không rõ lí do”. Tuy nhiên, đại hội đảng các cấp hoàn
toàn có thể sàng lọc những cán bộ này, không để họ chui vào vị trí cấp ủy
thông qua lá phiếu bầu cử tại đại hội. Cần làm như vậy bởi mấy lí do: Thứ
nhất, nếu những cán bộ đó thực sự trong sáng nhưng không thể biết vì sao mình
giàu, như vậy đó là người quan liêu hoặc yếu kém về quản lí. Trong phạm vi
gia đình mình mà không quản lí được thì với cương vị lãnh đạo họ khó hoàn
thành được trọng trách; Thứ hai, nếu họ biết rõ nguồn gốc tài sản nhưng cố
tình nói không biết thì đó là người không trung thực với tổ chức, sao có thể
bầu vào cơ quan lãnh đạo?
Do đó, Đảng, và cả chính quyền, tổ
chức, đoàn thể khác cũng vậy, không nên sử dụng những người “không biết vì sao
mình giàu” vào các vị trí quan trọng. Cùng với đó cần có quy định, chế tài và
biện pháp cụ thể để giúp những cán bộ này “biết được” vì sao họ giàu!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6 năm 2020
|
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét