Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Dùng người tài

 

Người tài về đâu?

 

Dịp chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” tổ chức thi chung kết năm thứ 20, một vấn đề được nhắc lại: Vì sao các tài năng hầu hết “ra đi không trở về”.

Trải qua 19 năm với 19 quán quân, 17 người đi du học tại Australia chỉ có 2 người trở về đất nước, còn lại đều ở lại xứ người. Vì vậy đã có người còn gán những biệt danh cho chương trình này là “Đường lên đỉnh Australia”, “Tìm kiếm tài năng nước Úc”… Không ít ý kiến trên không gian mạng đã chê bai, mổ xẻ, thậm chí cho rằng họ (quán quân du học ở lại ngước ngoài) ích kỉ, chỉ nghĩ tới cá nhân, quên đi nơi giúp họ bay cao…

Một trang mạng phê phán cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Ý kiến đòi hỏi với các quán quân tài năng dù sao cũng có cái lí của họ, nhất là khi nhớ về các thế hệ cha ông đầy hoài bão và cống hiến. Trong những năm đất nước chống ngoại xâm có không ít những tài năng người Việt ở nước ngoài vẫn hăng hái về Tổ quốc để cống hiến, tiêu biểu như giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ - nhà nông học Lương Định Của v.v.

Tuy nhiên, không thể lấy những tấm gương trong giai đoạn lịch sử ấy để so sánh, áp đặt cho thế hệ trẻ hôm nay. Lí tưởng, hoài bão trong hoàn cảnh “nước mất, nhà tan” khác với năm tháng hòa bình, cả đất nước hướng tới mục tiêu thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trước khi phán xét cũng cần có sự nhìn nhận công bằng. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”  của VTV là một sân chơi trí tuệ đã mang lại và lan tỏa niềm cảm hứng phấn đấu cho bao thế hệ học sinh, sinh viên suốt 20 năm qua. Nhiều cá nhân có thể không giành giải nhưng từ đó đã trưởng thành, đang góp phần mang lại những giá trị cho cá nhân, gia đình. Cá nhân giành giải cao nhất, đó đã là sự cống hiến cho đất nước thông qua tấm gương của chính họ. Không nói đến lí tưởng cao xa, mỗi học sinh ngày nay nỗ lực học hành, rèn luyện cũng vì sự thành đạt, có công ăn việc làm và mang lại cuộc sống đủ đầy cho bản thân, gia đình mình, một phần là đóng góp cho xã hội.

Tôi đồng ý với chia sẻ của một quán quân hiện đang sống và làm việc tại Australia: “Ở lại hay về, cá nhân tôi đều phải đánh đổi. Tuy nhiên, tôi phải tự hỏi về để làm gì và về để làm được gì? Ở để làm gì và để làm được gì?”.

Gia đình, nhà trường, xã hội rõ ràng là có công, là “bệ đỡ” để những tài năng vươn cao, bay xa nên sự đòi hỏi là tâm lí chung.

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, trong cùng hoàn cảnh đó, cùng “bệ đỡ” đó có người chẳng mang lại nhiều giá trị cho chính bản thân và gia đình họ, thậm chí khi sa vào tệ nạn trở thành gánh nặng cho xã hội. Biết đâu, trong những “anh hùng bàn phím” phê phán quán quân không về “phụng sự đất nước” có cả những người đó?

Nữ thủ khoa xuất sắc đại học sư phạm Bùi Thị Hà

Chợt nhớ đến chuyện một nữ thủ khoa của tỉnh nghèo Hà Giang Bùi Thị Hà, với tâm nguyện trở về xây dựng quê hương (có tâm thư gửi bí thư tỉnh ủy tỉnh này) nhưng đành ngậm ngùi cất đi tấm bằng xuất sắc đại học sư phạm và làm công việc như người bình thường: Nuôi lợn, bán rau!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 9 năm 2020

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Giáo dục

 Lớp học sẽ trở thành…

Trong lĩnh vực giáo dục, thông tin được nhiều người quan tâm mấy ngày qua, đó là khoản 4, Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các hành vi học sinh không được làm.

Trong 7 nội dung học sinh không được làm, khoản 4 nêu: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Câu từ dài dòng, mềm mại về một điều cấm song hiểu ngắn gọn là, trong lớp học sinh được dùng điện thoại di động cho việc học nếu thầy cô cho phép!

Trước đó, Thông tư 12 của Bộ này điều cấm học sinh không được làm nói gọn là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Một số người cho rằng đây là một sự đổi mới, cởi mở, không còn theo lối tư duy không quản được thì cấm.

Ảnh minh họa

Thử hình dung sau khi thông tư trên đi vào lớp học xem sao:

“Trong giờ lịch sử, học sinh A giơ tay: - Thưa cô, em xin phép sử dụng điện thoại ạ.

- Mục đích của em là gì?- Cô giáo.

- Em tra Google xem chi tiết lịch sử thời Lý vừa rồi cô nói có đúng không ạ!

Cô giáo:

- Cho phép em”.

“Trong giờ ngữ văn, học sinh B giơ tay: - Thưa thầy, em dùng điện thoại ạ.

- Em sử dụng vào nội dung gì?- Thầy giáo.

… v.v”.

Có câu “nhất qủy, nhì ma, thứ ba…”. Thật khó tưởng tượng hết những quái chiêu của học trò với cơ chế “xin, cho” trong lớp học.

Ta biết trong giờ học, môi trường lí tưởng nhất cho sự truyền đạt của giáo viên, sự tiếp thu kiến thức của học sinh là trật tự và tập trung (ngoài tiết thảo luận, tọa đàm). Nếu một lớp học 40-45 học sinh mà thi thoảng lại một em xin sử dụng điện thoại, lúc lúc lại có em nhận được cuộc gọi, tin nhắn (tất nhiên là được các em nói rằng phục vụ học tập) thì sự tập trung, sự trật tự lớp học có còn?

Trên lí thuyết cũng như thông thường, trong lớp học người giáo viên đủ khả năng giải đáp mọi nội dung học tập trong phạm vi mình đảm nhiệm. Mỗi khi có vấn đề mà học sinh chưa rõ cần hỏi lại thì giáo viên có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng. Không thể học sinh hỏi về bài giảng mà giáo viên lại phải dùng biện pháp trợ giúp dạng “gọi điện thoại cho người thân”. Đối với học sinh cũng vậy, nội dung chưa rõ, để hiểu thêm thì phải trực tiếp hỏi từ người đang giảng dạy mình. Giả sử vấn đề học sinh được “trợ giúp” từ điện thoại lại khác với nội dung giáo viên giảng dạy, khi đó học sinh theo ai, thầy cô hay chiếc điện thoại?


Ảnh minh họa

Đổi mới, mạnh dạn quản lí trong kỉ nguyên 4.0 hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên việc cho phép học sinh sử dụng chiếc điện thoại trong giờ học với tư duy đơn giản chỉ phục vụ cho học tập xem ra chưa ổn. Điều này mặc nhiên như chưa tin tưởng vào trình độ năng lực đội ngũ giáo viên, khi mà trong lớp học, học sinh vẫn phải đi “tham khảo, trợ giúp” từ nơi khác.

Chiếc điện thoại nối mạng giống như xã hội thu nhỏ. Mang “xã hội” vào lớp học, nơi đó có thể biến thành… phiên chợ!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 9 năm 2020

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Bản địa nguyên thủy

 Bản địa nguyên thủy

 

Bước khỏi loài động vật nhưng con người còn thời gian dài sống trong thời kì xã hội nguyên thủy.

Khi ấy con người sống bằng săn bắn, hái lượm. Từ khi tìm ra lửa, con người đã bước vào thời kì văn minh sơ khai, không còn cuộc sống ăn lông ở lỗ.

Trải qua hàng nghìn năm phát triển loài người mới có được nền văn minh như ngày nay. Vậy mà những ngày qua đã có một số nhóm người đang cổ súy cho thứ ẩm thực như thời nguyên thủy - ăn sống nuốt tươi mọi thứ động vật vốn được dùng chế biến thực phẩm. Họ mò bắt những con cá dưới ao đang giãy đành đạch với bùn đất, cho vào miệng ngai ngấu nghiến tỏ vẻ ngon lành; mổ động vật sống ra cùng nhau cắt, xé ăn liền với bê bết máu tươi tựa cảnh sư tử tranh mồi giữa rừng hoang dã châu Phi; cho cả con gà chưa giết mổ đầy lông lá vào nồi nấu cháo rồi cùng nhau xì xụp húp…

 


 

Với kiến thức khoa học phổ thông ngày nay, từ học sinh tiểu học đã biết rằng để giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật thì phải ăn chín, uống sôi. Trong cơ thể con người và mọi loài động, thực vật luôn tồn tại những loài kí sinh. Việc chế biến thực phẩm ngoài tạo vị thơm ngon còn nhằm loại khỏi món ăn những loài kí sinh trùng nguy cơ gây bệnh cho người.

Những năm 60, 70 thế kỉ trước khi còn nhỏ tôi được chứng kiến người dân quê chế biến món gỏi cá (nguyên liệu là cá sống và một số gia vị, rau thơm). Tôi cũng thấy khi đó ở một số làng xóm quanh khu vực có nhiều người mắc bệnh động kinh (thi thoảng bị lên cơn đau đầu, co giật). Sau này đọc báo khoa học thường thức mới biết có sự liên quan giữa tục ăn gỏi sống với căn bệnh kia. Người ăn động vật tươi sống, nhất là cá dễ nhiễm sán. Có loại sán xâm nhập, di chuyển khắp cơ thể, nếu lên não sẽ gây chứng động kinh ở người.

Một chủ kênh YouTube cổ súy cho cách dùng ẩm thực thời nguyên thủy hồn nhiên chia sẻ trên VTV rằng “các video này được làm để chứng minh rằng những món ăn đó (sống) không đáng sợ như nhiều người nghĩ”; rằng “đây là nét văn hóa ẩm thực bản địa” (nhưng không nói rõ bản địa là vùng miền nào).

 


 

Chúng ta từng biết trào lưu tẩy chay vắc xin, sinh nở thuận tự nhiên… ở một số nơi đã gây những hệ quả nguy hại. Vì tẩy chay vắc xin mà một số căn bệnh từng bị loại trừ như sởi, bạch hầu, ho gà… đã quay lại cả với những nước tiên tiến. Và hiện nay cả thế giới đang phải chạy đua chế ra vắc xin để ngăn chặn dịch Covid-19.

Đã có không ít người, nhất là giới trẻ ngây thơ tin theo những quảng bá lối ẩm thực nguy hiểm trên và không biết rằng đó chỉ là những chiêu trò câu view để họ kiếm tiền quảng cáo từ nhà mạng. Dù có thể trực tiếp thực hành rồi kiếm được nhiều tiền nhưng đến một lúc đồng tiền cũng không mua được sức khỏe của chính họ.

Cộng đồng cần tẩy chay, không để họ “nhân bản”, tạo nên một trào lưu sống với lối ẩm thực “bản địa nguyên thủy”, như khi con người chưa trở thành con người./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 9 năm 2020

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Giải pháp “cãi” chủ trương

Phấn đấu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là mô tô, xe gắn máy là chủ trương, định hướng chung của Chính phủ, các tỉnh, thành phố và ngành giao thông. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từng đề xuất cấm xe máy từ năm 2025 song thiếu giải pháp đồng bộ, khả thi, không sát thực tiễn nên chưa nhận được sự đồng thuận của người dân và dư luận.
Cách đây 4 năm đã có một con số thống kê được đưa ra: Việt Nam hiện có hơn 45 triệu mô tô, xe máy các loại, hằng năm tăng thêm khoảng 2,7 triệu chiếc. Đến nay có lẽ số xe máy cũng bằng 2/3 dân số. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi địa phương nay có thể đã sở hữu gần chục triệu phương tiện giao thông loại này. Hầu hết người nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến khi đến Việt Nam đều choáng ngợp trước “biển xe máy, ô tô” trên đường phố. Hệ lụy về mất an toàn, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… là điều ai cũng nhận thấy, do vậy chủ trương hạn chế tiến tới loại bỏ xe máy cá nhân là hoàn toàn đúng đắn.


Hình ảnh quen thuộc giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội

Sau những đề xuất hạn chế, cấm lưu thông với mô tô, xe gắn máy khu vực nội đô của ngành giao thông không thành, vừa qua Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội lại có đề xuất UBND thành phố chấp thuận phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Như vậy, thay vì cấm phương tiện không đạt tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ô nhiễm môi trường như nhiều nước đang làm thì Hà Nội lại “nuôi dưỡng” kéo dài niên hạn cho xe máy. Cái lợi trước mắt là những người sở hữu xe cũ và doanh nghiệp sản xuất, bán xe, còn về lâu dài, câu chuyện quá tải phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường sẽ ngày thêm trầm trọng.
Có thể hiểu giải pháp trên là để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy cũ gây ra. Thế nhưng, ngay một xe máy mới nếu sử dụng không đúng cách, không bảo quản bảo dưỡng định kì thì chỉ vài năm nó đã có thể gây ô nhiễm như những xe có hàng chục năm tuổi. Nếu ai nắm vững kĩ thuật xe máy sẽ biết, khí thải của xe máy liên quan trực tiếp đến một số chi tiết, linh kiện động cơ như xi lanh, pít tông, xéc măng, chế hòa khí... Chiếc xe chạy vài chục năm nếu được thay bộ xi lanh, pít tông, xéc măng mới thì lúc đó khí thải cũng đạt chuẩn chẳng kém xe mới. Điều này Hiệp hội Xe máy Việt Nam biết rõ hơn ai hết, vậy sao lại có đề xuất tốn kém như trên? Sao không dùng giải pháp kĩ thuật là sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế chi tiết động cơ ít tốn kém?
       Chủ trương là vấn đề nhất quán, lâu dài cần hướng tới. Chính sách, giải pháp là câu chuyện của ngắn hạn nhưng nó phải theo hướng bổ trợ, phục vụ để chủ trương được thực thi nhanh và hiệu qủa nhất. Cách làm như đề xuất trên chẳng khác nào giải pháp “cãi” chủ trương!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 9 năm 2020

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Coi chừng trái phiếu thành… trái đắng!

Có một giai đoạn đất nước khó khăn, nhà nước thiếu thốn nguồn vốn cho đầu tư, phát triển nên phải vận động cán bộ, công chức, viên chức và cả Nhân dân mua trái phiếu kho bạc. Khẩu hiệu thường được nghe nhắc đến “mua trái phiếu là yêu nước”.
Quả thực khi đó mua trái phiếu mọi người không quan tâm nhiều đến lãi suất, chỉ coi đó là một trách nhiệm với đất nước, với tập thể là chỉ tiêu thi đua. Những đồng tiền trái phiếu đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục, vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế và phát triển sau này. Còn những tờ trái phiếu sau kì hạn 5 năm, 10 năm tính cả lãi suất đều “nhỏ đi” đáng kể do tỉ lệ lạm phát khá cao trong nhiều năm. Người mua nhiều trái phiếu thì có thể cất giữ cẩn thận và đến kì hạn vẫn nhớ ra kho bạc thanh toán. Không ít người bỏ quên hoặc giữ lại làm kỉ niệm.


Những năm gần đây nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao trong khi tỉ lệ lạm phát thấp nên các loại trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả, được Nhà nước, ngân hàng bảo đảm. Cùng với sự phát triển thị trường chứng khoán, doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với lãi suất cạnh tranh đã thu hút các nhà đầu tư.
Gần đây khi lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm nên gửi tiết kiệm không còn nhiều hấp dẫn, nguồn tiền có xu hướng dịch chuyển sang kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với lợi suất cao hơn của ngân hàng 1,5 đến 3%. Với doanh nghiệp loại này, họ chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu, không cần cơ quan quản lí nhà nước cấp phép. Những thông tin họ cung cấp cho người mua trái phiếu có thể đúng, có thể không, ví như doanh nghiệp đang thua lỗ lớn nhưng lại nói lãi cũng khó kiểm chứng.
Hiện nay do tác động của dịch bệnh nên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều khó khăn, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh đã là may mắn, đạt mức lợi nhuận cao hơn bình thường là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ. Chính nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn lại đang có mức lợi suất trái phiếu cao, đây là điều bất thường, là tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ do tin tưởng ngân hàng đứng ra phát hành là rất ngây thơ. Bởi, ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra. Các ngân hàng không thể thực hiện được cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp gặp rủi do vì phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn tài chính.
Tình hình kinh tế cả trong nước và quốc tế đang đứng trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Thực trạng này cũng là giai đoạn sàng lọc doanh nghiệp yếu kém, không dựa trên nền tảng bền vững, nguy cơ phá sản cao. Đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao có thể là “yêu doanh nghiệp” nên sẽ phải chấp nhận “hi sinh” nếu trái phiếu trở thành… trái đắng!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 9 năm 2020

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Xâm thực

Từ xâm thực được hiểu một thứ gì đó bị ăn vào, lấn vào, làm cho bị huỷ hoại… Ví dụ như đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang bị nước mặn xâm thực, nguy cơ phá hoại thổ nhưỡng, ảnh hưởng ngành trồng lúa nước và đời sống người dân.
Có một thứ xâm thực vô cùng nguy hiểm, đó là văn hóa. Ta biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội nói chung, nó cũng là nền tảng của một dân tộc, nếu mất đi dân tộc không còn.


Mô hình tựa Vạn Lý Trường Thành ở Lâm Đồng

Đất nước ta từng nghìn năm bị sống trong đô hộ. Lịch sử 4.000 năm với bao thành quả văn hóa vât thể như thành quách, văn tự… của các thế hệ cha ông hầu như bị tiêu hủy vì âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Thế nhưng người Việt vẫn không thể bị đồng hóa, văn hóa Việt vẫn trường tồn qua bao thế hệ trong chính nếp sống, nếp nghĩ và đời sống văn hóa dân gian lưu truyền với nhiều nét đặc sắc riêng có.
Không phủ nhận, nền văn hóa Việt chịu ảnh hưởng văn hóa nho giáo Trung Hoa. Tuy nhiên cha ông ta đã tiếp nhận văn hóa một cách chọn lọc những cái hay, nét đẹp và Việt hóa chứ không bị đồng hóa. Một công cụ tiếp cận văn minh quan trọng nhất là chữ viết cũng được chuyển hóa thành của riêng (chữ nho chuyển thành chữ Nôm). Truyện Kiều rõ ràng là điển tích phương Bắc nhưng qua lăng kính và tư duy đại thi hào Nguyễn Du, chẳng ai dám bảo tác phẩm Truyện Kiều là của Trung Quốc. Đạo trung quân ái quốc (trung thành với vua là yêu nước) trong phong kiến nho giáo Trung Hoa được Bác Hồ chuyển hóa thành phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân” của lực lượng vũ trang ngày nay…
Sự giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cha ông ta từng làm không phải là sự bắt chước, là bê nguyên xi cái của người khác mà kế thừa có phát triển, sáng tạo. Vì vậy những thứ a dua, học đòi văn hóa ngoại lai luôn bị cộng đồng nhận diện, tẩy chay. Mấy năm trước Vĩnh Phúc bỏ hàng trăm tỉ xây dựng khu văn miếu thờ Khổng Tử đã gây nhiều tranh cãi. Hay một doanh nghiệp ở Sóc Trăng từng có ý định và xin phép tỉnh cho dựng thờ tượng Quan Công, một nhân vật hư cấu trong truyện “Tam quốc  diễn nghĩa” cũng bị dư luận phản ứng gay gắt. Mấy ngày qua, việc một doanh nghiệp du lịch ở Lâm Đồng định xây dựng khu quần thể có những tượng binh thời cổ trong khuôn viên tường bao tựa Vạn Lý Trường Thành liền bị dư luận phát giác. Nhiều người chỉ thẳng rằng, nó giống khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng đội quân đất nung…

Tượng Quan Công

          Nhận rõ vị trí hết sức quan trọng của văn hóa, từ rất sớm Đảng ta đã có định hướng từ khi chưa có chính quyền trong tay, đó là Đề cương văn hóa năm 1943. Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa để nó “thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
          Để thực hiện được định hướng đó cần sự góp sức của toàn dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có việc cảnh giác trước những ý đồ xâm thực văn hóa./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 9 năm 2020

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Nặng ba lô học trò và nặng túi…    

Cách đây hơn 20 năm, khi đó tôi cũng có con nhỏ đang đi học, hằng năm phải lo chuyện sách vở cho con. Lúc ấy tại nhiều trường tại Hà Nội đã có việc nhà trường lấy sách giáo khoa về phục vụ học sinh. Lí do được biết là để phụ huynh không mua phải sách giả, sách lậu ngoài thị trường thường sai, lỗi, không bảo đảm chất lượng. Nhìn giá tiền ghi sau cuốn sách đúng với giá mua nên các phục huynh rất tin tưởng vào “sách của nhà trường”.
Rồi một năm do trong tập sách giáo khoa của trường thiếu nên tôi phải ra hiệu sách mua và thật bất ngờ, giá sách bán ngoài đại lí lại thấp hơn giá bán trong trường và rẻ hơn so với chính số tiền in trên bìa sách. Tôi đặt câu hỏi nghi vấn với người bán sách mới được biết, đó vẫn là sách phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục. Thì ra các đại lí bán sách đúng giá vẫn có lãi vì đã được chiết khấu tỉ lệ phí phát hành trên chục phần trăm, thậm chí sách tham khảo có khi còn được chiết khấu 25 đến 40%. Để cạnh tranh với “sách của trường” họ phải bán thấp hơn giá bìa, chấp nhận giảm chút lợi nhuận. Từ đó tôi mới “ngộ” ra rằng, nhà trường cũng có chút lợi nhuận khi bán sách giúp nhà xuất bản chứ không chỉ đơn thuần là giúp học sinh. Phải chăng vì vậy mà hiện nay hầu hết các trường đều “chịu trách nhiệm” cung ứng sách vở và cả đồ dùng học tập cho học sinh?


Sau bao năm cải cách giáo dục, những chiếc ba lô học trò càng nặng thêm (Ảnh: tuoitre.vn).

          Mấy ngày nay, cộng đồng mạng, nhất là các phụ huynh học sinh lại “dậy sóng” bức xúc trước thông tin học sinh lớp 1 của một trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh phải “cõng” bộ sách 24 cuốn và cha mẹ phải “móc túi” số tiền hơn 800 nghìn đồng. Dù được thanh minh rằng có sự “nhầm lẫn” chứ không phải “trộn lẫn” danh mục sách nhưng không ít phụ huynh cũng đã “tự nguyện” mua thêm cho yên lòng.  
          Trong cơ chế thị trường hiện nay hầu như mua thứ gì với số lượng lớn thì người quyết định việc mua bán đó cũng có tỉ lệ chiết khấu hoặc hoa hồng. Phải chăng vì lẽ đó mà lãnh đạo nhiều trường khá “nhiệt tình” trong bảo đảm sách giáo khoa và thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh?


 Trường Tiểu học An Phong, TP.HCM  bán 23 đầu sách cho học sinh (Ảnh: Phụ huynh chụp)

Những “sinh viên chữ to”, học đánh vần a b c và cộng trừ một hai con số mà kho tri thức trong chiếc ba lô đã đè nặng cả hai vai! Học sinh nay khó mà “tung tăng” cắp sách đến trường nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ với chiếc ba lô nặng trĩu!
          Ngày xưa thầy đồ, nhà giáo luôn được xã hội mặc định về đạo đức, thanh tao và mô phạm. Người thầy luôn né tránh những quan hệ vật chất, nhất là sự biếu xén từ học sinh, phụ huynh, dù đó chỉ là những thứ ít giá trị như ổ trứng gà, chút trái cây vườn nhà… Tuyệt nhiên không có chuyện bán mua trong môi trường giáo dục. Ngày nay các trường đều “rất quan tâm” đến những khoản thu để “phục vụ” học sinh.
          Không biết những nguồn lợi thu được từ việc cung ứng sách vở học sinh có đến được với những thầy cô đứng lớp, nhưng trong mắt các em và trong nhận thức của phụ huynh, thầy cô không còn nhiều chất thanh tao, mô phạm như thuở nào!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 9 năm 2020

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Biến hóa xã hội hóa

Theo ngữ pháp tiếng Việt, từ xã hội hóa tức là làm cho trở thành của chung hay sự nghiệp chung của xã hội (xã hội hoá tư liệu sản xuất, xã hội hoá nền giáo dục…).
Còn theo trang Wikipedia tiếng Việt thì xã hội hóa là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên. Xã hội hóa là nền tảng quan trọng của loài người, không như các sinh vật khác, con người cần phải có hiểu biết xã hội để sống và có kĩ năng sống.
Những năm gần đây, khái niệm xã hội hóa ở Việt Nam ta thường được dùng để chỉ sự quan tâm cũng như đóng góp của toàn xã hội vào lĩnh vực công như cho tư nhân đấu thầu những công trình, cơ sở của nhà nước, tham gia một khâu, một phần của hoạt động công, phổ biến nhất trong xây dựng công trình công cộng, trong giáo dục, y tế để cùng chia sẻ khó khăn và lợi ích... Mục đích của xã hội hóa là nhằm tranh thủ nguồn lực tư nhân với xã hội, cộng đồng, đóng góp vào các lĩnh vực mà nguồn lực còn thiếu, nơi đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa… nên không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận.
Có lẽ cũng từ nhận thức đó mà khi thực hiện xã hội hóa người ta ít quan tâm soi xét sự đúng sai, hợp tình hợp lí, thường dễ dàng ghi nhận đóng góp của những chủ nhân tham gia hoạt động này.


Robot Rosa phẫu thuật thần kinh được sử dụng ở Bệnh viện Bạch Mai

          Cách đây 5 năm dư luận từng “nổi sóng” khi phát lộ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm để trục lợi ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) mà căn nguyên được biết là từ lợi nhuận xã hội hóa. Thông qua việc “mượn máy”, mua hóa chất… họ đã kiếm lợi nhuận lớn từ ngay khâu đầu vào của thiết bị. Còn khâu thanh quyết toán với bảo hiểm thì có những tờ hóa đơn kèm kết quả xét nghiệm đã được “nhân bản” để bòn rút quỹ bảo hiểm - cũng là tiền người dân đóng góp. Cứ ngỡ sau vụ việc này, ngành bảo hiểm xã hội, các bệnh viện và cơ quan quản lí sẽ quan tâm, có giải pháp để quản lí chặt chẽ hơn hoạt động xã hội hóa tại bệnh viện.
          Vụ việc nâng khống hàng tỉ đồng mua máy xét nghiệm Covid-19 ở một số địa phương chưa nguôi thì mấy ngày qua lại thêm vụ Công ty BMS “thổi giá” thiết bị robot hỗ trợ Rosa (trong phẫu thuật sọ não) lên gần 4 lần giá trị thực với gần 40 tỉ đồng tại Bệnh viện Bạch Mai khiến dư luận một lần nữa sững sờ, kinh ngạc trước sự táng tận lương tâm với bệnh nhân. Sử dụng máy này bệnh nhân phải chi gấp 5 lần tiền phẫu thuật (một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng). Với một bệnh viện trọng điểm tuyến cuối như Bạch Mai, hoạt động xã hội hóa theo cách thức như trên đã dễ dàng mang về những món lợi nhuận không tưởng, một “miếng bánh” mà bất kì doanh nghiệp nào cũng mơ ước.
Xã hội hóa đang bị biến hóa, nó “góp phần” thúc đẩy bần cùng hóa những người lao động nghèo chẳng may sa cơ lỡ vận vì bệnh tật./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 9 năm 2020

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Học để nghệ tinh

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, đó là lời dạy của người xưa khuyên những ai muốn thành công trong sự nghiệp hãy phấn đấu. 
Thật tự hào khi người Việt ta nuôi dưỡng được truyền thống hiếu học từ nghìn năm qua. Sự hiếu học được minh chứng bằng những con số đỗ đạt của các kì thi, của số lượng sinh viên bước vào và bước ra khỏi cổng trường đại học, bằng số lượng những tiến sĩ, giáo sư…
Dù tự hào song thực tiễn cũng tồn tại những nỗi lo trong sự học, đó là số sinh viên thực sự “nghệ tinh” không nhiều. Không ít trong số hàng vạn sinh viên sở hữu những tấm bằng cử nhân, kĩ sư… nhưng lại cất đi tấm bằng đẹp, bước vào đầu quân tại các khu công nghiệp với tâm thế của người công nhân lao động giản đơn. Vậy là 12 năm đời học sinh, 4-5 năm đời sinh viên đầy hoài bão cuối cùng cũng “đồng nghiệp” với các “sinh viên trung học cơ sở” trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp.


Sinh viên gian nan trong tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp

Nguyên nhân chủ yếu cũng bởi những kĩ sư, cử nhân chưa đạt được chút nghệ tinh, không nói là thiếu nhiều kĩ năng trước đòi hỏi của thị trường lao động kỉ nguyên 4.0.
Thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi (được thông qua năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Theo mô hình 9+, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn chứ không nhất thiết phải “mài đũng quần” 6-7 năm trên ghế giảng đường. Chi phí ăn học nhiều năm, áp lực thi cử cho cả học sinh, gia đình và hệ thống giáo dục là không nhỏ mà hiệu quả chưa thực sự tương xứng nhìn tự thực trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay.


Học nghề sớm là lựa chọn của nhiều học sinh

Hiện không ít các em học nghề mô hình 9+ vào làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài có mức lương hàng chục triệu đồng chỉ sau một vài năm - mức lương “mơ ước” của nhiều sinh viên đang “lận đận” ôm hồ sơ tìm việc.
Tuy nhiên, trong cách quảng bá, tuyên truyền vận động các em khi phân luồng, hướng nghiệp các trường dạy nghề vẫn nhấn đậm yếu tố liên thông mà đích cuối là cửa trường đại học khiến việc phân luồng có khi chưa đạt mục tiêu thực chất. Cách làm này sẽ khiến có những học sinh coi học nghề là “chiếc cầu đường tắt” để đi đến trường đại học. Khi đó các em sẽ không chú tâm học nghề mà chỉ là học lấy bằng và khó có được người thợ tinh thông tay nghề khi ra thực tiễn.
Làm thầy hay làm thợ mới vinh quang? Có lẽ nhiều người cũng có chung nhận định rằng, thà làm người thợ giỏi còn hơn một ông thầy dốt! Hãy học để nghệ tinh chứ đừng vì những tấm bằng đẹp./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 9 năm 2020

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Nhãn quan chủ quyền

Mới đây nhiều phương tiện truyền thông đưa tin Australia thu hồi sách dạy tiếng Trung có “đường lưỡi bò” 23 đoạn ăn vào sát đất liền Việt Nam.
Trước khi bị thu hồi, quyển sách dạy tiếng Trung này đã được sử dụng tại ít nhất 11 trường ở bang Victoria, bao gồm cả các trường tư thục danh tiếng.
Dù hai tác giả cuốn sách đều khẳng định không muốn thể hiện quan điểm chính trị nhưng trong nội dung đã dành tới 2 trang nói về “Trung Hoa mộng”, một khái niệm được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra với tham vọng khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc.
Australia không có phần lãnh hải tranh chấp tại khu vực Biển Đông nhưng yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Australia bác bỏ cùng với nhiều nước khác đơn giản vì không có cơ sở pháp lí và vô lí khi chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
Thông tin trên khiến tôi liên tưởng tới một cuộc hội thảo quốc tế về phát triển điện lực tại Việt Nam mà báo chí xôn xao mấy ngày qua. Không phải dư luận quá quan tâm tới nội dung hội thảo của ngành điện vì có cả báo chí, khách mời nước ngoài, vấn đề là trong một tài liệu hội nghị xuất hiện tấm bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa! Sai sót chưa rõ từ khâu nào song chắc chắn tài liệu hội thảo phải được người có trách nhiệm xét duyệt. Không biết liệu có chuyện tắc trách nhưng rõ ràng nhãn quan chính trị về chủ quyền đất nước của những người thực hiện có vấn đề.


Tài liệu có in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Kể từ khi tung ra tấm bản đồ lạ lùng, Trung Quốc luôn âm thầm, lặng lẽ bằng mọi cách để tuyên truyền, khẳng định chủ quyền thông qua một “tác phẩm hư cấu”, đó là bản đồ tuyên bố chủ quyền 9 đoạn trên Biển Đông. Không chỉ tuyên truyền, họ ngày càng thể hiện quyết tâm hiện thực hóa “tác phẩm hư cấu” trên bằng các hành động quyết liệt, kiên trì trên thực địa. Từ bãi đá san hô ngầm chiếm đoạt được bằng vũ lực đã hình thành sân bay quân sự; ngư trường truyền thống của ngư dân Việt bị họ ra lệnh cấm đánh bắt, sẵn sàng ngăn cản, truy sát không thương tiếc; việc thăm dò khai thác khoáng sản tại vùng đặc quyền kinh tế của ta bị họ quấy phá, ngăn cản, hăm dọa…


Nhóm du khách mặc áo in bản đồ có đường "lưỡi bò" ở sân bay Cam Ranh năm 2018.

Các thế hệ người Việt bao đời không quên câu chuyện cảnh giác “Chiếc nỏ thần”. Đức vua An Dương Vương vì mềm lòng trước mối tình đẹp của con gái Mỵ Châu với Trọng Thủy mà cuối cùng nước mất, nhà tan... Thế nhưng xem ra bài học ấy đôi khi như vẫn bị lãng quên trong những cuộc mưu sinh của con cháu thời hậu thế.
Chiếc áo phông của du khách; tài liệu quảng bá du lịch của doanh nghiệp; phim hoạt hình dành cho thiếu nhi; phần mềm dẫn đường của ô tô xuất xứ Trung Quốc… đâu đâu cũng xuất hiện bản đồ lưỡi bò! Còn ta, có dịp trưng tấm bản đồ lên trước nhiều quan khách quốc tế và báo chí thì lại quên mất vùng biển đảo thiêng liêng của mình!
       Dù không thể bắt chước cách quảng bá chủ quyền thô thiển, bất chấp pháp luật như người khác nhưng đã đến lúc ý thức chủ quyền biển đảo quốc gia cần được “nâng cấp” trong mọi hoạt động của đời sống xã hội và tư duy của mỗi con dân nước Việt./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 3 tháng 9 năm 2020