Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Học để nghệ tinh

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, đó là lời dạy của người xưa khuyên những ai muốn thành công trong sự nghiệp hãy phấn đấu. 
Thật tự hào khi người Việt ta nuôi dưỡng được truyền thống hiếu học từ nghìn năm qua. Sự hiếu học được minh chứng bằng những con số đỗ đạt của các kì thi, của số lượng sinh viên bước vào và bước ra khỏi cổng trường đại học, bằng số lượng những tiến sĩ, giáo sư…
Dù tự hào song thực tiễn cũng tồn tại những nỗi lo trong sự học, đó là số sinh viên thực sự “nghệ tinh” không nhiều. Không ít trong số hàng vạn sinh viên sở hữu những tấm bằng cử nhân, kĩ sư… nhưng lại cất đi tấm bằng đẹp, bước vào đầu quân tại các khu công nghiệp với tâm thế của người công nhân lao động giản đơn. Vậy là 12 năm đời học sinh, 4-5 năm đời sinh viên đầy hoài bão cuối cùng cũng “đồng nghiệp” với các “sinh viên trung học cơ sở” trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp.


Sinh viên gian nan trong tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp

Nguyên nhân chủ yếu cũng bởi những kĩ sư, cử nhân chưa đạt được chút nghệ tinh, không nói là thiếu nhiều kĩ năng trước đòi hỏi của thị trường lao động kỉ nguyên 4.0.
Thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi (được thông qua năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Theo mô hình 9+, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn chứ không nhất thiết phải “mài đũng quần” 6-7 năm trên ghế giảng đường. Chi phí ăn học nhiều năm, áp lực thi cử cho cả học sinh, gia đình và hệ thống giáo dục là không nhỏ mà hiệu quả chưa thực sự tương xứng nhìn tự thực trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay.


Học nghề sớm là lựa chọn của nhiều học sinh

Hiện không ít các em học nghề mô hình 9+ vào làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài có mức lương hàng chục triệu đồng chỉ sau một vài năm - mức lương “mơ ước” của nhiều sinh viên đang “lận đận” ôm hồ sơ tìm việc.
Tuy nhiên, trong cách quảng bá, tuyên truyền vận động các em khi phân luồng, hướng nghiệp các trường dạy nghề vẫn nhấn đậm yếu tố liên thông mà đích cuối là cửa trường đại học khiến việc phân luồng có khi chưa đạt mục tiêu thực chất. Cách làm này sẽ khiến có những học sinh coi học nghề là “chiếc cầu đường tắt” để đi đến trường đại học. Khi đó các em sẽ không chú tâm học nghề mà chỉ là học lấy bằng và khó có được người thợ tinh thông tay nghề khi ra thực tiễn.
Làm thầy hay làm thợ mới vinh quang? Có lẽ nhiều người cũng có chung nhận định rằng, thà làm người thợ giỏi còn hơn một ông thầy dốt! Hãy học để nghệ tinh chứ đừng vì những tấm bằng đẹp./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 9 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét