Lớp học sẽ trở thành…
Trong lĩnh vực giáo dục, thông tin được nhiều người quan tâm mấy ngày qua, đó là khoản 4, Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các hành vi học sinh không được làm. Trong 7 nội dung học sinh không được làm, khoản 4 nêu: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Câu từ dài dòng, mềm mại về một điều cấm song hiểu ngắn gọn là, trong lớp học sinh được dùng điện thoại di động cho việc học nếu thầy cô cho phép! Trước đó, Thông tư 12 của Bộ này điều cấm học sinh không được làm nói gọn là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Một số người cho rằng đây là một sự đổi mới, cởi mở, không còn theo lối tư duy không quản được thì cấm. Ảnh minh họa Thử hình dung sau khi thông tư trên đi vào lớp học xem sao: “Trong giờ lịch sử, học sinh A giơ tay: - Thưa cô, em xin phép sử dụng điện thoại ạ. - Mục đích của em là gì?- Cô giáo. - Em tra Google xem chi tiết lịch sử thời Lý vừa rồi cô nói có đúng không ạ! Cô giáo: - Cho phép em”. “Trong giờ ngữ văn, học sinh B giơ tay: - Thưa thầy, em dùng điện thoại ạ. - Em sử dụng vào nội dung gì?- Thầy giáo. … v.v”. Có câu “nhất qủy, nhì ma, thứ ba…”. Thật khó tưởng tượng hết những quái chiêu của học trò với cơ chế “xin, cho” trong lớp học. Ta biết trong giờ học, môi trường lí tưởng nhất cho sự truyền đạt của giáo viên, sự tiếp thu kiến thức của học sinh là trật tự và tập trung (ngoài tiết thảo luận, tọa đàm). Nếu một lớp học 40-45 học sinh mà thi thoảng lại một em xin sử dụng điện thoại, lúc lúc lại có em nhận được cuộc gọi, tin nhắn (tất nhiên là được các em nói rằng phục vụ học tập) thì sự tập trung, sự trật tự lớp học có còn? Trên lí thuyết cũng như thông thường, trong lớp học người giáo viên đủ khả năng giải đáp mọi nội dung học tập trong phạm vi mình đảm nhiệm. Mỗi khi có vấn đề mà học sinh chưa rõ cần hỏi lại thì giáo viên có trách nhiệm giải đáp thỏa đáng. Không thể học sinh hỏi về bài giảng mà giáo viên lại phải dùng biện pháp trợ giúp dạng “gọi điện thoại cho người thân”. Đối với học sinh cũng vậy, nội dung chưa rõ, để hiểu thêm thì phải trực tiếp hỏi từ người đang giảng dạy mình. Giả sử vấn đề học sinh được “trợ giúp” từ điện thoại lại khác với nội dung giáo viên giảng dạy, khi đó học sinh theo ai, thầy cô hay chiếc điện thoại? Ảnh minh họa Đổi mới, mạnh dạn quản lí trong kỉ nguyên 4.0 hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên việc cho phép học sinh sử dụng chiếc điện thoại trong giờ học với tư duy đơn giản chỉ phục vụ cho học tập xem ra chưa ổn. Điều này mặc nhiên như chưa tin tưởng vào trình độ năng lực đội ngũ giáo viên, khi mà trong lớp học, học sinh vẫn phải đi “tham khảo, trợ giúp” từ nơi khác. Chiếc điện thoại nối mạng giống như xã hội thu nhỏ. Mang “xã hội” vào lớp học, nơi đó có thể biến thành… phiên chợ!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 9 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét