Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Coi chừng trái phiếu thành… trái đắng!

Có một giai đoạn đất nước khó khăn, nhà nước thiếu thốn nguồn vốn cho đầu tư, phát triển nên phải vận động cán bộ, công chức, viên chức và cả Nhân dân mua trái phiếu kho bạc. Khẩu hiệu thường được nghe nhắc đến “mua trái phiếu là yêu nước”.
Quả thực khi đó mua trái phiếu mọi người không quan tâm nhiều đến lãi suất, chỉ coi đó là một trách nhiệm với đất nước, với tập thể là chỉ tiêu thi đua. Những đồng tiền trái phiếu đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục, vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế và phát triển sau này. Còn những tờ trái phiếu sau kì hạn 5 năm, 10 năm tính cả lãi suất đều “nhỏ đi” đáng kể do tỉ lệ lạm phát khá cao trong nhiều năm. Người mua nhiều trái phiếu thì có thể cất giữ cẩn thận và đến kì hạn vẫn nhớ ra kho bạc thanh toán. Không ít người bỏ quên hoặc giữ lại làm kỉ niệm.


Những năm gần đây nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao trong khi tỉ lệ lạm phát thấp nên các loại trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả, được Nhà nước, ngân hàng bảo đảm. Cùng với sự phát triển thị trường chứng khoán, doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với lãi suất cạnh tranh đã thu hút các nhà đầu tư.
Gần đây khi lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm nên gửi tiết kiệm không còn nhiều hấp dẫn, nguồn tiền có xu hướng dịch chuyển sang kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với lợi suất cao hơn của ngân hàng 1,5 đến 3%. Với doanh nghiệp loại này, họ chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu, không cần cơ quan quản lí nhà nước cấp phép. Những thông tin họ cung cấp cho người mua trái phiếu có thể đúng, có thể không, ví như doanh nghiệp đang thua lỗ lớn nhưng lại nói lãi cũng khó kiểm chứng.
Hiện nay do tác động của dịch bệnh nên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều khó khăn, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh đã là may mắn, đạt mức lợi nhuận cao hơn bình thường là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ. Chính nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn lại đang có mức lợi suất trái phiếu cao, đây là điều bất thường, là tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ do tin tưởng ngân hàng đứng ra phát hành là rất ngây thơ. Bởi, ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra. Các ngân hàng không thể thực hiện được cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp gặp rủi do vì phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn tài chính.
Tình hình kinh tế cả trong nước và quốc tế đang đứng trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Thực trạng này cũng là giai đoạn sàng lọc doanh nghiệp yếu kém, không dựa trên nền tảng bền vững, nguy cơ phá sản cao. Đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao có thể là “yêu doanh nghiệp” nên sẽ phải chấp nhận “hi sinh” nếu trái phiếu trở thành… trái đắng!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 9 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét