Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Giải pháp “cãi” chủ trương

Phấn đấu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là mô tô, xe gắn máy là chủ trương, định hướng chung của Chính phủ, các tỉnh, thành phố và ngành giao thông. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từng đề xuất cấm xe máy từ năm 2025 song thiếu giải pháp đồng bộ, khả thi, không sát thực tiễn nên chưa nhận được sự đồng thuận của người dân và dư luận.
Cách đây 4 năm đã có một con số thống kê được đưa ra: Việt Nam hiện có hơn 45 triệu mô tô, xe máy các loại, hằng năm tăng thêm khoảng 2,7 triệu chiếc. Đến nay có lẽ số xe máy cũng bằng 2/3 dân số. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, mỗi địa phương nay có thể đã sở hữu gần chục triệu phương tiện giao thông loại này. Hầu hết người nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến khi đến Việt Nam đều choáng ngợp trước “biển xe máy, ô tô” trên đường phố. Hệ lụy về mất an toàn, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… là điều ai cũng nhận thấy, do vậy chủ trương hạn chế tiến tới loại bỏ xe máy cá nhân là hoàn toàn đúng đắn.


Hình ảnh quen thuộc giờ cao điểm trên đường phố Hà Nội

Sau những đề xuất hạn chế, cấm lưu thông với mô tô, xe gắn máy khu vực nội đô của ngành giao thông không thành, vừa qua Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội lại có đề xuất UBND thành phố chấp thuận phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Như vậy, thay vì cấm phương tiện không đạt tiêu chuẩn kĩ thuật, gây ô nhiễm môi trường như nhiều nước đang làm thì Hà Nội lại “nuôi dưỡng” kéo dài niên hạn cho xe máy. Cái lợi trước mắt là những người sở hữu xe cũ và doanh nghiệp sản xuất, bán xe, còn về lâu dài, câu chuyện quá tải phương tiện cá nhân, ô nhiễm môi trường sẽ ngày thêm trầm trọng.
Có thể hiểu giải pháp trên là để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy cũ gây ra. Thế nhưng, ngay một xe máy mới nếu sử dụng không đúng cách, không bảo quản bảo dưỡng định kì thì chỉ vài năm nó đã có thể gây ô nhiễm như những xe có hàng chục năm tuổi. Nếu ai nắm vững kĩ thuật xe máy sẽ biết, khí thải của xe máy liên quan trực tiếp đến một số chi tiết, linh kiện động cơ như xi lanh, pít tông, xéc măng, chế hòa khí... Chiếc xe chạy vài chục năm nếu được thay bộ xi lanh, pít tông, xéc măng mới thì lúc đó khí thải cũng đạt chuẩn chẳng kém xe mới. Điều này Hiệp hội Xe máy Việt Nam biết rõ hơn ai hết, vậy sao lại có đề xuất tốn kém như trên? Sao không dùng giải pháp kĩ thuật là sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế chi tiết động cơ ít tốn kém?
       Chủ trương là vấn đề nhất quán, lâu dài cần hướng tới. Chính sách, giải pháp là câu chuyện của ngắn hạn nhưng nó phải theo hướng bổ trợ, phục vụ để chủ trương được thực thi nhanh và hiệu qủa nhất. Cách làm như đề xuất trên chẳng khác nào giải pháp “cãi” chủ trương!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 9 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét