Người tài về đâu?
Dịp chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” tổ chức thi chung kết năm thứ 20, một vấn đề được nhắc lại: Vì sao các tài năng hầu hết “ra đi không trở về”. Trải qua 19 năm với 19 quán quân, 17 người đi du học tại Australia chỉ có 2 người trở về đất nước, còn lại đều ở lại xứ người. Vì vậy đã có người còn gán những biệt danh cho chương trình này là “Đường lên đỉnh Australia”, “Tìm kiếm tài năng nước Úc”… Không ít ý kiến trên không gian mạng đã chê bai, mổ xẻ, thậm chí cho rằng họ (quán quân du học ở lại ngước ngoài) ích kỉ, chỉ nghĩ tới cá nhân, quên đi nơi giúp họ bay cao… Một trang mạng phê phán cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia Ý kiến đòi hỏi với các quán quân tài năng dù sao cũng có cái lí của họ, nhất là khi nhớ về các thế hệ cha ông đầy hoài bão và cống hiến. Trong những năm đất nước chống ngoại xâm có không ít những tài năng người Việt ở nước ngoài vẫn hăng hái về Tổ quốc để cống hiến, tiêu biểu như giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ - nhà nông học Lương Định Của v.v. Tuy nhiên, không thể lấy những tấm gương trong giai đoạn lịch sử ấy để so sánh, áp đặt cho thế hệ trẻ hôm nay. Lí tưởng, hoài bão trong hoàn cảnh “nước mất, nhà tan” khác với năm tháng hòa bình, cả đất nước hướng tới mục tiêu thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trước khi phán xét cũng cần có sự nhìn nhận công bằng. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV là một sân chơi trí tuệ đã mang lại và lan tỏa niềm cảm hứng phấn đấu cho bao thế hệ học sinh, sinh viên suốt 20 năm qua. Nhiều cá nhân có thể không giành giải nhưng từ đó đã trưởng thành, đang góp phần mang lại những giá trị cho cá nhân, gia đình. Cá nhân giành giải cao nhất, đó đã là sự cống hiến cho đất nước thông qua tấm gương của chính họ. Không nói đến lí tưởng cao xa, mỗi học sinh ngày nay nỗ lực học hành, rèn luyện cũng vì sự thành đạt, có công ăn việc làm và mang lại cuộc sống đủ đầy cho bản thân, gia đình mình, một phần là đóng góp cho xã hội. Tôi đồng ý với chia sẻ của một quán quân hiện đang sống và làm việc tại Australia: “Ở lại hay về, cá nhân tôi đều phải đánh đổi. Tuy nhiên, tôi phải tự hỏi về để làm gì và về để làm được gì? Ở để làm gì và để làm được gì?”. Gia đình, nhà trường, xã hội rõ ràng là có công, là “bệ đỡ” để những tài năng vươn cao, bay xa nên sự đòi hỏi là tâm lí chung. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, trong cùng hoàn cảnh đó, cùng “bệ đỡ” đó có người chẳng mang lại nhiều giá trị cho chính bản thân và gia đình họ, thậm chí khi sa vào tệ nạn trở thành gánh nặng cho xã hội. Biết đâu, trong những “anh hùng bàn phím” phê phán quán quân không về “phụng sự đất nước” có cả những người đó? Nữ thủ khoa xuất sắc đại học sư phạm Bùi Thị Hà Chợt nhớ đến chuyện một nữ thủ khoa của tỉnh nghèo Hà Giang Bùi Thị Hà, với tâm nguyện trở về xây dựng quê hương (có tâm thư gửi bí thư tỉnh ủy tỉnh này) nhưng đành ngậm ngùi cất đi tấm bằng xuất sắc đại học sư phạm và làm công việc như người bình thường: Nuôi lợn, bán rau!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 9 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét