Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Pháp luật-Kinh doanh

 

 Có quản lí được Airbnb?

 

Phương thức kinh doanh cho thuê nhà, cho thuê phòng ở bằng chia sẻ phòng thuê thông qua loại hình Airbnb tăng mạnh trong thời gian gần đây. Phương thức kinh doanh này được thực hiện chủ yếu là cho thuê nhà ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1 - 2 tuần...), phục vụ khách vãng lai, khách du lịch.

Không thể phủ nhận mô hình kinh tế này đã tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí.

Ban đầu Airbnb chủ yếu thâm nhập hệ thống khách sạn, nhà nghỉ vì nó tương đồng chức năng kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên gần đây Airbnb bắt đầu thâm nhập cả vào các căn hộ chung cư. Vì là dịch vụ cho thuê ngắn hạn, có khi chỉ tính bằng giờ trong khi ban quản lí chung cư không thể quản lí được nên đã nảy sinh mất trật tự, không an toàn khiến cư dân bất an. Thậm chí tội phạm ma túy đã lợi dụng hình thức lưu trú này để hoạt động khiến cơ quan chức năng rất khó khăn trong đấu tranh, triệt phá bởi không thể vô cớ tiếp cận căn hộ cá nhân.

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về hiện tượng này, người đồng tình thì cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay cần để các loại hình kinh doanh mới tiếp cận, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Người phản đối thì cho rằng hình thức kinh doanh này đang lách luật, trốn thuế và vi phạm pháp luật về lưu trú. Giới bất động sản thì nêu ý kiến sửa luật để hợp thức loại hình kinh doanh mới nhằm thu được thuế, thúc đẩy kinh doanh…

Thực ra, các loại hình kinh doanh lưu trú hiện đã có các bộ luật điều chỉnh như Luật Nhà ở, Luật Du lịch… dù hình thức kinh doanh nào thì cũng phải tuân thủ pháp luật nơi nó thực hiện. Không kể các khách sạn, nhà nghỉ đã rõ hình thức kinh doanh, hiện nay không ít cá nhân có căn hộ không sử dụng đến đang cho thuê, nhiều nhất là tại các chung cư. Tuy nhiên, việc thuê chung cư lâu nay là từ người có nhu cầu ở lâu dài chứ chưa có cho thuê theo giờ.   

Theo pháp luật, nếu người có hợp đồng thuê nhà ở cá nhân tại chung cư thì không bị cấm khi nó bảo đảm các yếu tố là thuê “để ở”. Người thuê hoặc chủ cho thuê phải có đăng kí tạm trú với cơ quan công an phường sở tại về nhân thân, thời gian cư trú. Ngay mỗi gia đình khi có người thân, khách nơi khác đến nghỉ qua đêm cũng phải khai báo tạm trú chứ không thể có chuyện người khác đến thuê ở riêng căn chung cư lại không cần khai báo. Khái niệm “để ở” theo Luật Nhà ở không phải là tính theo giờ (và cũng không có cơ quan công an nào chứng nhận cho việc lưu trú chỉ mấy tiếng đồng hồ). Nếu người cho thuê nhà chung cư theo giờ thì đó là kinh doanh dịch vụ khách sạn chứ không phải “để ở” và việc không quản lí, khai báo với cơ quan công an là không đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, đối với cơ quan chức năng cần nắm vững pháp luật, tăng cường biện pháp quản lí, đặc biệt là giải pháp chống thất thu thuế với loại hình kinh doanh Eirbnb chứ không nhất thiết phải chờ xây dựng, sửa đổi điều luật./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 10 năm 2020

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Môi trường

 

 Khi rừng không còn…

 

Từ ngàn xưa rừng và núi như một thể thống nhất, “sống” không thể “thiếu nhau”.

Núi không có rừng sẽ trở thành những quả đồi trơ trọc cỗi cằn xác khô. Rừng cần núi để lấy nguồn dinh dưỡng của đất nuôi những cây cổ thụ vươn cao.

Những đại ngàn từ Bắc vào Nam hàng nghìn năm luôn xanh tươi dọc dài dải đất hình chữ S. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, bao năm dài kháng chiến bộ đội ta sống với núi rừng như một hậu cứ an toàn nhất. Khi đó thực sự núi đã nuôi rừng xanh tươi và rừng che đỡ núi trường tồn.

Một khối bê tông muốn vững chắc phải có hỗn hợp cát, sỏi, xi măng và những thanh cốt thép. Những cây cổ thụ vươn cao, tỏa tán rộng, phía dưới là hệ rễ đồ sộ, xuyên xa bám chắc trong lòng đất có thể ví đó như những trục thép lớn trong khối bê tông đất đai. Đất, đá, rễ cây các cỡ tạo thành một hỗn hợp “bê tông” linh hoạt, bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy những cánh rừng già nguyên sinh từ xa xưa đã giữ được cho ngọn núi cao hiên ngang đứng vững cùng năm tháng. Những mùa mưa dài dặc của Tây nguyên,  miền Trung có từ xa xưa nhưng núi rừng vẫn bình yên.

Thảm họa sạt lở núi liên tục những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đang khiến rừng núi trở thành những nơi nguy hiểm nhất cho cuộc sống con người. Một trong những căn nguyên khiến núi yếu là do hầu hết “thanh cốt thép” trong khối bê tông đã bị hủy hoại, bị “rút ruột”.  

 

Khu vực đóng quân của Sư đoàn 337 bị sạt lở núi, vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ

Năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP yêu cầu thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ ở không ít địa phương vẫn chưa nghiêm túc, triệt để. Từ Nam chí Bắc, rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”.

Chính những địa phương đang chịu hậu quả lũ lụt tại miền Trung cũng chưa làm tốt việc bảo vệ rừng tự nhiên. Đơn cử tại Thừa Thiên Huế, năm 2002 Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền ở huyện Phong Điền được thành lập với hơn 41.500 ha nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông Mỹ Chánh, Ô Lâu, sông Bồ. Tuy nhiên năm 2008, UBND tỉnh này lại quyết định phê duyệt quy hoạch 8 thủy điện nhỏ trong đó 4 thủy điện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên trên. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2017 đến nay các thủy điện nhỏ tại Phong Điền đã nhanh chóng hoàn thành đi vào khai thác. Việc giao thông thủy (lòng hồ) và bộ (đường vào thủy điện) là những hướng xuyên rừng khá thuận lợi cho hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ rừng của lâm tặc.

Lợi ích kinh tế cùng với sự quản lí lỏng lẻo khiến những cánh rừng hàng trăm năm tuổi đang dần mất đi.

Như vậy, chính nhân tai đang làm cho những cánh rừng không còn sức che đỡ núi và là một trong các nguyên nhân của tình trạng sạt lở đất kinh hoàng hiện nay./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 10 năm 2020

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Xã hội

 

 “Nhiễu sóng” giữa thiên tai

 

“Tại Hà Tĩnh, một nam sinh vì phải tự đi ra đường lớn tìm thức ăn cứu trợ nên bị nước lũ cuốn mất tích”; “Ở Triệu Phong (Quảng Trị) có một trưởng thôn cho đoàn cứu trợ thuê ghe với giá 5 triệu đồng; lợi dụng mất điện dài ngày mở dịch vụ sạc điện thoại thu 5 - 10.000  một lần sạc” v.v và v.v.

Không lâu sau, những tin trên đều bị lật tẩy là “hàng giả”.


Video giả VTV của Huấn Hoa Hồng bị lật tẩy, đối tượng bị phạt vi pham hành chính

Các thông tin mang tính kích động tung ra giữa lúc cả nước đang sôi lòng hướng về miền Trung chịu thiên tai hoành hành nên nó được chia sẻ, nhân bản nhanh hơn vi rút Corona trên mạng xã hội.

Nóng lòng cứu giúp đồng bào đang chịu cảnh hoạn nạn, hàng chục đoàn cứu trợ đổ dồn về phía Nam. Do giao thông đường bộ bị ngập lụt chia cắt nên hầu như các đoàn đều “hội tụ” tại Hà Tĩnh khiến ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số.

Công đồng mạng tranh cãi “nảy lửa” chuyện ca sĩ Thủy Tiên huy động xã hội đóng góp vào tài khoản cá nhân hàng trăm tỉ rồi tự đi trao tiền, phát từng thùng mì tôm cho người dân vùng lũ. Người ủng hộ thì hết lời ca ngợi và động viên. Người phản đối thì viện dẫn điều luật, nghị định chỉ ra những vi phạm của nữ ca sĩ này khi vận động quyên góp cộng đồng…

Những cơn “sóng nhiễu” trên dù thuận hay nghịch cũng gây tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của người dân cả nước. Cứ đà này, rất dễ tạo ra những phân tâm trong xã hội, điều cực kì nguy hiểm với sự đồng lòng, đoàn kết của người dân.

Thực tế lúc này hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cơ quan, chính quyền các địa phương đang lao vào những nơi hiểm nguy nhất để cứu giúp, bảo đảm an toàn cho đồng bào gặp nạn. Những tấm gương, những hành động ấy cần được nêu gương, chia sẻ để động viên họ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài những cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh dũng cảm được nhắc tên, liệu đã có tấm gương nào đang lăn lộn hàng chục ngày qua giữa hiểm nguy lũ lụt, giữa sạt lở núi rừng được cộng đồng mạng nói đến, chia sẻ và động viên?

Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế từng tin tưởng, ngưỡng mộ thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Nhờ thành tích đó mà nay ta rất có thể là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Có được thành tích đó là sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, là sự dũng cảm, nỗ lực vượt qua khó khăn của các lưc lượng vũ trang, các y bác sĩ… và sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân. Vậy thì sao nay lại có những suy nghĩ, ý kiến thể hiện không tin tưởng vào hệ thống này? Tại sao họ chỉ đặt niềm tin vào nhiệt tâm của một vài cá nhân đơn lẻ? Chỉ bằng nỗ lực một số cá nhân làm sao đủ sức mạnh để cứu giúp kịp thời đồng bào đang hoạn nạn khi mà họ đang trông chờ từng phút, từng giây.

Chúng ta đừng để những “cơn sóng nhiễu” cản trở công cuộc khắc phục thảm họa thiên tai - một nhiệm vụ cấp bách trước mắt và cả lâu dài./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 10 năm 2020

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Trật tự, văn minh đô thị

 

 Phố thị điện tử

 

Sống ở Hà Nội từ những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, vậy mà có lần tôi đã mất gần nửa giờ đồng hồ để tìm một nhà hàng tiệc cưới trên đường Nguyễn Trãi. Cũng may khi đến nơi tiệc cưới chưa kết thúc.

Tôi đi từ hướng đường Khuất Duy Tiến, đến ngã rẽ Nguyễn Trãi đi Hà Đông nhìn thấy mấy số nhà gần với địa chỉ tiệc cưới nên cứ thế dò theo. Tìm mãi, gần tới Hà Đông mà tuyệt nhiên không có nhà hàng đó. Đường một chiều nên mỗi lần quay đi quay lại đều phải sang đường bên kia vòng lại hàng cây số mất khá nhiều thời gian. Cuối cùng may mắn một người dân ở phố này bảo tôi nên lên mãi gần Ngã Tư Sở hỏi xem, vì trên đó cũng có những số nhà trùng với tuyến cuối đường này. Quả thực là đường Nguyễn Trãi đầu đường và cuối đường cách nhau 6-7km nhưng lại có những địa chỉ “dùng chung”! Đây là hệ quả của quá trình sắp xếp hệ thống hành chính khi mở rộng Thủ đô. Đến nay, cùng dưới “bầu trời Hà Nội”, có những con đường, tuyến phố dùng chung tên gọi, những ngôi nhà chung số mà phố chẳng nối liền, cách xa hơn chục cây số giữa Hà Đông với trung tâm nội đô.

Hai nhà cạnh nhau lại ghi địa chỉ khác nhau, mặc dù cùng nằm trên một con phố

Hà Nội hiện còn không ít tuyến đường, phố có “ma trận” số nhà tương tự, như Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Tố Hữu, Ngụy Như Kon Tum, Thái Hà-Hoàng Cầu, Xã Đàn, Vũ Phạm Hàm…

Đã hơn 60 năm giải phóng, nhiều lần quy hoạch phố phường nhưng có vẻ những số nhà vẫn “nằm ngoài” các bài toán của các nhà quản lí. Quá trình phát triển gây nên những biến động phố thị là điều tất yếu. Tuy nhiên, sau những thay đổi, nhất là việc mở rộng, mở mới những con đường, công trình xây dựng… thì các chủ dự án đều như “vô can” khi gây nên xáo trộn sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Bản thân người viết bài này sống tại một con phố trung tâm cũng đã 3 lần thay đổi số ngõ phố, mỗi lần như vậy lại phải cầm cuốn sổ hộ khẩu lên công an quận điều chỉnh lại.

Những ngôi nhà mang hai biển số trên phố Đặng Thùy Trâm

Từ trung ương tới các tỉnh, thành phố đang khởi động quá trình xây dựng chính phủ điện tử, nhiều dịch vụ hành chính công quan trọng, phức tạp cũng đã được xử lí thông qua mạng Internet giúp người dân thuận tiện trong giải quyết nhiều thủ tục hành chính. Gần đây được biết, một số tuyến đường khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đã được gắn mã QR code để người dân có thể tra cứu tên nhân vật, sự kiện lịch sử của mỗi tuyến phố. Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh mở phần mềm đọc mã và chụp ảnh mã QR code dán trên bảng tên đường, truy cập là biết các thông tin về con đường đó.

Đã đến lúc Hà Nội cần có những “đường phố điện tử”, sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống đô thị. Không chỉ cung cấp thông tin về lịch sử, truyền thống, mỗi tuyến đường có thể tích hợp cả thông tin về số ngõ, số nhà, các công trình công cộng… và định kì cập nhật sẽ vô cùng tiện ích cho người dân thành phố và du khách mỗi khi đến thăm.

Rất mong Hà Nội sẽ đi đầu là một Thủ đô văn hiến, văn minh, thanh lịch và hiện đại!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 10 năm 2020

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Xã hội

 

 Của cho và cách cho

Tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là truyền thống quý báu nghìn đời của người dân nước Việt. Mỗi khi xảy ra thiên tai, địch họa là truyền thống đó lại bùng cháy. Ngày nay nguồn lực truyền thống được quy tụ vào các tổ chức và sức mạnh đoàn kết trở thành sức mạnh vật chất to lớn.

Tuy nhiên, đây đó trong khi triển khai hỗ trợ nguồn vật chất của cộng đồng đến người dân đã không làm chặt chẽ, trọn vẹn nên mới xảy ra việc tài sản, tiền bạc đến với người cần kíp lại chưa kịp thời, thậm chí bị “đến nhầm” địa chỉ.

Có lẽ vì điều này mà khi có người nổi tiếng, nhân vật của công chúng bỏ tiền ra đi làm từ thiện, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn thì rất nhiều người hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ thêm.

Mấy năm trước MC Phan Anh kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt chỉ trong thời gian ngắn cũng thu về số tiền hàng chục tỉ đồng. Hay gần đây ca sĩ Thủy Tiên sau khi có chuyến đi cứu trợ đồng bào đang chịu hậu quả mưa lũ miền Trung trở về đã nhận được hơn 22 tỉ đồng chỉ trong vòng 2 ngày. Hiện nay số tiền hỗ trợ về tài khoản của Thủy Tiên đã tới hàng trăm tỉ đồng.

Có thể thấy “của cho” là nguồn lực không khó, thậm chí khá dồi dào, nó nằm trong truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên rất cần có một “cách cho” sao cho văn minh, an toàn và hiệu quả.

 

Cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai và mưa lũ lịch sử

Với mỗi cá nhân, khi đã nhận sự ủy thác của cộng đồng, nắm giữ số tài sản, tiền bạc lớn thì việc “cho đi” đúng cách, an toàn và hiệu quả trở thành trách nhiệm chứ không còn là ý chí chủ quan hay cách làm tùy hứng. Nắm nhiều tỉ đồng trong tay mà cá nhân trực tiếp đi mua tặng, trao đồng tiền đến tận tay mỗi người, mỗi hoàn cảnh là rất khó khăn mà chưa chắc đã đúng và tốt nhất. Ví như ca sĩ Thủy Tiên mang tiền trao tận tay người khó khăn mà vẫn bị kẻ bất lương lợi dụng, bòn rút được. Và cách làm mang tính cá nhân, đơn lẻ sẽ khó mà phủ rộng được đến những địa chỉ cần trợ giúp. Ấy là chưa kể dù làm điều tốt nhưng vẫn không tránh khỏi những dư luận xoi mói, suy diễn thiếu thiện cảm có thể gây hệ quả không tốt với hình ảnh của chính người đi làm điều tốt. MC Phan Anh hồi năm 2016 hay ca sĩ Thủy Tiên hiện nay đều đang gặp phải điều này.

Hiện nay, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đầu mối cao nhất chịu trách nhiệm huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai, bão lụt. Hệ thống chính quyền các cấp chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực xã hội thu được đến đúng đối tượng, kịp thời dưới sự giám sát của hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới cấp xã.

Dù nơi này nơi kia đã xảy ra những tiêu cực, trục lợi hoặc chưa tròn trách nhiệm của một vài cá nhân cán bộ, công chức song đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Cách làm từ thiện thông qua hệ thống tổ chức vẫn là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Mỗi cá nhân hảo tâm trước hết hãy đặt niềm tin đúng chỗ. Bên cạnh đó hệ thống MTTQ, chính quyền các cấp cũng cần có cách làm hiệu quả, quản lí chặt chẽ, phù hợp hơn để cho nguồn lực truyền thống “chảy đúng” và “chảy mãi”./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 10 năm 2020

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Kinh tế-Chính trị

 

Cơ đồ phải giữ

Cách đây gần 2 năm, nhân kỉ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một bài báo đã viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay…”.

Tại Hội nghị lần thứ 13, nhận định trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã được đưa vào nội dung dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới.

Đây là một sự tự tin của người đứng đầu và cả Ban Chấp hành Trung ương dựa trên những thực tiễn không thể phủ nhận. Sự tự tin dựa trên thế nước và lòng dân.


Ảnh minh họa. 

Gần 5 năm trước, khi bắt đầu nhiệm kì Đại hội Đảng XII, nền kinh tế đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức: Xu hướng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong nước có dấu hiệu chững lại, suy giảm; nền kinh tế nước ta tuy có tăng trưởng nhưng hiệu quả không cao, nợ công tăng nhanh. Trong khi đó việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng, lãng phí đã có một số ý kiến băn khoăn, lo ngại cho rằng nó sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế do một bộ phận cán bộ thu mình, sợ trách nhiệm…

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Thành tựu tăng trưởng kinh tế, sự ổn định chính trị, xã hội và sự phát triển toàn diện đất nước được chứng minh bằng những con số ấn tượng. Còn nhớ tuy nhiều năm tăng trưởng song đến hết năm 2015 dự trữ ngoại hối của nước ta cũng chỉ được hơn 30 tỉ USD, trong khi đây là thời kì “vàng son” xuất khẩu dầu mỏ (giá có lúc tới 128 USD/thùng). Vậy mà chỉ trong 5 năm qua, dự trữ ngoại hối đã lên gần đạt 100 tỉ USD, dù giá dầu rớt xuống thấp nhất nhiều thập kỉ. Điều này cho thấy nền kinh tế có sự tăng trưởng toàn diện, vững chắc, không phụ thuộc vào một nguồn tài nguyên nào. Hiệu quả nền kinh tế được cải thiện còn một phần do hạn chế được những lãng phí, thất thoát từ tình trạng tham nhũng.

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dù thế giới giảm sâu

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy lên cao nhất với hàng chục cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp cao vi phạm bị lôi ra ánh sáng, xử lí không có vùng cấm. Dù “cuộc đại phẫu” để lại những nối đau nhưng nó ngày càng củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ.

Song hành với sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội là mối quan hệ và vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam đang bước vào thời kì đẹp đẽ nhất. Việt Nam nhận được sự tín nhiệm rất cao khi được bầu giữ vị trí trọng trách tại các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Mối giao thương giá trị tăng cao và tiếp cận các thị trường lớn, “khó tính nhất” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia và các tổ chức kinh tế, thương mại hàng đầu… Thành tựu phát triển toàn diện những năm qua cùng những thành công trong chống đại dịch Covid-19 hiện nay đã đưa Việt Nam trở thành “ngôi sao” khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Có thể nói ta đang có một cơ đồ sáng lạn: Thế nước và lòng dân đang hòa quện, tạo nên sức mạnh và tiềm lực vô song để đưa đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, vững bước đi lên trong thập kỉ thứ 3 của Thiên niên kỉ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 10 năm 2020

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Phản biện giáo dục

 

Ngạc nhiên và lạ lùng!

        Tiếu lâm dân gian hiện đại có câu chuyện vui: Trước khi vào một bài học, cô giáo hỏi cả lớp:

        - Đố các em, khi đi ngủ, các em thấy trên giường nhà mình có gì? Cả lớp nhao nhao: - Thưa cô có chiếu ạ! Cô giáo: - Thế trên chiếu có gì? Học sinh và cô tiếp tục đối đáp: - Dạ, có mẹ ạ! - Thế trên mẹ có gì? - Dạ, có bố em ạ. Thế còn trên bố có gì? Dạ có cái chăn ạ! Cô giáo khen và vào bài: - Đúng rồi! Hôm nay chúng ta học bài Cái chăn!

          Bởi khi được xem nội dung sách Tiếng Việt 1 (Cánh diều) khiến tôi liên tưởng về câu chuyện tiếu lâm trên. Và thực sự, đọc một số bài tôi thấy ngạc nhiên và lạ lùng về bộ sách. Mấy ví dụ lấy tại tập sách Tiếng Việt 1 Cánh diều:

Tổng chủ biên sách Cánh diều Nguyễn Minh Thuyết
 

         Tại bài 17, phần tập đọc: “Bé kể: Bà bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì kế giã giò. Cỗ có giò, có gà, cá cả giá đỗ”.

         Bài 49, phần tập đọc “Ví dụ: Chị Thơm ra đề: Cặp của Bi có ba quả cam. Bi đáp: Em chả đem qủa cam ra lớp. - Chị ví dụ mà… Chị tiếp nhé: Bi cho em Bốp một quả… - Chị nhầm ạ. Em Bốp chỉ bú tí mẹ. - Thì chị ví dụ mà…”.

 

         Không những ngô nghê, buồn cười mà còn lạ lùng với bài ôn tập 63, tập đọc “Cua, cò và đàn cá: Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”!!!

        Văn học thiếu nhi của ta cũng không thiếu những áng văn thơ hay. Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam giàu đẹp thế nhưng hầu như vắng bóng trong tập sách. Không biết vì lí do gì văn học nước ngoài khá lạ lẫm lại được dẫn dùng nhiều trong sách này? 

         Cách đây một năm, khi hội đồng thẩm định quyết định loại bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại (được sử dụng 40 năm) đã khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng, dù sao mọi người cũng phải tin vào một hội đồng toàn những nhà khoa học giáo dục với bằng cấp cao. 

         Không biết bộ sách mới liệu có vượt trội so với sách của giáo sư Đại, tôi chỉ xin ví dụ một bài tập đọc của cuốn sách bị loại bỏ sẽ thấy cái khác trong tư duy của những người làm sách Cánh diều với người làm sách Công nghệ giáo dục: 

          Để bổ trợ khi học về âm oanh, oạch có bài “Vẽ gì khó? Họa sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy. - Bác à, vẽ gì khó ạ? - Vẽ chó, vẽ trâu khó. - Vẽ gì dễ ạ? - Vẽ ma quỷ. Sao lại thế ạ? Chó, trâu, quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma, quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe”… 

         Trẻ em như tờ giấy trắng. Những điều thiện ác sẽ ngấm rất sâu vào tâm hồn các em đến khi trưởng thành, khó mà tẩy mờ hay sửa lại. 

          Với chuyện con cò lừa đàn cá, họ định nhằm tới điều gì? Phải chăng người ta dạy các em phải biết lừa dối để đạt mục đích của mình?

         Thật lạ lùng!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2020

Văn hóa-Xã hội

Chữ hiếu đặt ở tâm

 

Cách đây chừng tháng rưỡi mẹ ông bạn khu phố gần nhà tôi mất, bạn bè cùng khu có đến viếng. Bẵng lâu không gặp, mấy hôm gần đây mới thấy ông đi thể thao. Vẫn thấy trên ngực áo ông có miếng băng tang đen, thấy hơi lạ, chỉ vào ngực ông tôi hỏi: “Ơ thế gia đình mình lại có ai…?”. Ông bạn phân bua: “Không. Vừa rồi vợ chồng tôi vừa đi du lịch mấy ngày cho thanh thản thôi”.

Đạo hiếu thể hiện yêu thương, chăm sóc cha mẹ khi họ còn sống

Tục lệ mang đồ tang tuy mỗi vùng miền có khác nhau đôi chút nhưng phổ biến là mang khăn hoặc mặc áo tang trắng trong 3 ngày lễ, sau đó là cúng 49, 100 ngày và, giỗ đầu. Việc đeo băng tang tròn ở tay áo chủ yếu là dùng trong lễ tang của các tổ chức. Dùng miếng tang đen dán ở ngực áo có lẽ là sự du nhập từ nước ngoài vào nước ta. Việc này đang được nhiều gia chủ sính dùng, phát cho tất cả những người đến viếng người thân qua đời. Theo tục lệ từ xa xưa, việc phát đồ tang chỉ tới người trong gia đình, nội tộc, thậm chí còn có câu dặn “chồng cô, vợ cậu, chồng dì, trong ba người đó mất thì không tang”. Vì thế việc phát băng tang cho tất cả người đến viếng là không đúng nghi lễ truyền thống người Việt. Người ngoài cũng không có nghĩa vụ, trách nhiệm phải để tang người mất, khi đó chỉ là quan hệ xã hội.

Có lẽ vì không rõ tập tục hoặc vì lí do hay động cơ nào đó, một số người vẫn đeo miếng băng tang khi không còn trong những ngày để tang. Điều mọi người cảm nhận và hiểu rằng họ muốn thông tin cho người khác biết rằng mình đang có tang, là người hiếu đễ.

Thực chất việc người con có hiếu với cha mẹ hay không lại không nằm ở việc đeo băng tang mà ở chỗ đối đãi, cư xử, trách nhiệm khi họ còn sống. Khi người thân mới qua đời thì nén lại nỗi buồn trong lòng, hạn chế tham gia vào những việc hỉ như vui chơi, giải trí, tiệc tùng... Ví như ông bạn tôi nhắc ở trên, coi mình vẫn đang để tang mà lại đi du lịch nước ngoài thì đó không còn là sự hiếu đễ.

Ngày nay không ít trường hợp con cái chưa thực sự quan tâm chăm sóc cha mẹ khi còn sống nhưng lại chú trọng vào những nghi lễ. Có không ít trường hợp dùng việc tổ chức lễ mừng thọ, cúng giỗ hàng trăm mâm cỗ, mời mọc tràn lan để trục lợi. Người được mừng thọ tuổi cao sức yếu, nhớ nhớ, quên quên, phải dìu ra trước bàn lễ giữa ngày đông tháng giá để thực hành nghi lễ của con cháu, khách khứa.

Người được mừng thọ chưa chắc đã vui nhưng người chủ lễ có thể được coi là có hiếu. Lễ mừng thọ trong không ít trường hợp chỉ là sự quảng cáo cho lòng hiếu thảo. Và đôi khi những thứ được quảng cáo chưa chắc đã nói lên đúng bản chất sự vật, hiện tượng.

Đạo hiếu phải được đặt ở trong trái tim, từ đó nhắc nhở những hành động, việc làm của mỗi con người với người thân khi họ còn sống./.

Đinh Hoàng

Bài mục Suy ngẫm đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2020

 

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Kinh tế xã hội

Lúc nào cần tăng thu?

 

Cách đây 720 năm, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Bác Hồ, trong di tích để lại trước lúc đi xa, nói về công việc cần làm sớm khi hòa bình lập lại đã viết:”…đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các H.T.X nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.


Bác Hồ cuốc đất tăng gia sản xuất

Có thể thấy các nhà tư tưởng lớn đều có chung quan điểm trước hết vì dân sinh, coi trọng vun dưỡng sức dân. Chỉ khi vận nước bĩ cực mới huy động sức dân và biết dân sẽ ủng hộ. Ví như trong những ngày đầu lập nước Bác đã cho vận động Tuần lễ vàng và được toàn dân hưởng ứng, đặc biệt là các tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước.

Vậy với nền kinh tế của ta lúc này nên tăng hay giảm huy động sức dân?

Đại dịch Covid-19 đã và đang để lại hệ quả rất lớn, dù nước ta đã và đang khống chế, ngăn ngừa dịch tốt. Việc tăng lương theo kế hoạch dừng lại vẫn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người lao động, công chức, viên chức. Sức dân, “sức doanh” đang phải dùng đến các gói “trợ thở” để giữ vững, từng bước vực dậy.

Ấy vậy nhưng thực tiễn đang diễn ra những dự định, kế hoạch thu, chi chưa nhận được đồng thuận của xã hội.

Trong khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí tuyến BOT Trung Lương-Mỹ Thuận (đã hết thời gian thu phí) nhận nhiều ý kiến trái chiều thì mới đây Bộ tài chính lại dự định trình Chính phủ, Quốc hội cho phép thu phí tuyến cao tốc Bắc-Nam các đọan đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Theo pháp luật hiện hành, việc thu phí chỉ thực hiện với các đường đầu tư hình thức BOT đang trong thời gian khai thác hoàn vốn. Các tuyền đường đầu tư bằng ngân sách hiện miễn phí giao thông (thực tế thì vẫn có thu phí thông qua đóng quỹ bảo trì đường bộ). Các chuyên gia kinh tế, giới luật sư cho rằng như vậy không bảo đảm nguyên tắc và sự nhất quán của luật pháp (luôn sửa luật cho những mục tiêu chủ quan). Ngân sách Nhà nước đã có phần tiền thuế, phí của dân, nếu khi sử dụng nguồn này xây dựng công trình công cộng lại tiếp tục thu phí sẽ khiến phí chồng phí.

Còn việc sử dụng ngân sách địa phương, gần đây có những dự kiến chi tiêu khiến dư luận bức xúc. Như chuyện Tỉnh ủy Quảng Bình dự định tặng quà dịp đại hội đảng cho 600 đại biểu và khách mời mỗi người một chiếc cặp trị giá 3,5 đến gần 3,7 triệu đồng (tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng). Hay đại hội đảng tỉnh Quảng Trị dự kiến tặng món quà “bình hút tài lộc cao cấp” (giá mỗi chiếc 500.000-600.000 đồng) cho 500 đại biểu. Một số tỉnh khác như Hà Tĩnh, Tuyên Quang… cũng có tình trạng tương tự.

Khẩu hiệu 11 chữ có giá trị hơn 10 tỷ đồng ở Hòa Bình đang gây xôn xao dư luận.

Bất ngờ và “khủng” nhất có lẽ là việc chi cho dự án tuyên truyền ở tỉnh Hòa Bình. Với 11 chữ trong một câu khẩu hiệu quen thuộc đặt trên sườn đồi được địa phương duyệt chi tới hơn 10 tỉ đồng, bình quân mỗi chữ hết gần 1 tỉ đồng!

Những tỉnh mạnh tay “xài sang” trên đều là những địa phương còn nhiều khó khăn.

Ngân sách đang “dư giả”, chi tiêu ở những tỉnh chưa giàu còn “phóng tay” như thế, vậy lúc này có cần tìm cách tăng thu thuế phí với người dân?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 10 năm 2020