Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Trật tự, văn minh đô thị

 

 Phố thị điện tử

 

Sống ở Hà Nội từ những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, vậy mà có lần tôi đã mất gần nửa giờ đồng hồ để tìm một nhà hàng tiệc cưới trên đường Nguyễn Trãi. Cũng may khi đến nơi tiệc cưới chưa kết thúc.

Tôi đi từ hướng đường Khuất Duy Tiến, đến ngã rẽ Nguyễn Trãi đi Hà Đông nhìn thấy mấy số nhà gần với địa chỉ tiệc cưới nên cứ thế dò theo. Tìm mãi, gần tới Hà Đông mà tuyệt nhiên không có nhà hàng đó. Đường một chiều nên mỗi lần quay đi quay lại đều phải sang đường bên kia vòng lại hàng cây số mất khá nhiều thời gian. Cuối cùng may mắn một người dân ở phố này bảo tôi nên lên mãi gần Ngã Tư Sở hỏi xem, vì trên đó cũng có những số nhà trùng với tuyến cuối đường này. Quả thực là đường Nguyễn Trãi đầu đường và cuối đường cách nhau 6-7km nhưng lại có những địa chỉ “dùng chung”! Đây là hệ quả của quá trình sắp xếp hệ thống hành chính khi mở rộng Thủ đô. Đến nay, cùng dưới “bầu trời Hà Nội”, có những con đường, tuyến phố dùng chung tên gọi, những ngôi nhà chung số mà phố chẳng nối liền, cách xa hơn chục cây số giữa Hà Đông với trung tâm nội đô.

Hai nhà cạnh nhau lại ghi địa chỉ khác nhau, mặc dù cùng nằm trên một con phố

Hà Nội hiện còn không ít tuyến đường, phố có “ma trận” số nhà tương tự, như Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Tố Hữu, Ngụy Như Kon Tum, Thái Hà-Hoàng Cầu, Xã Đàn, Vũ Phạm Hàm…

Đã hơn 60 năm giải phóng, nhiều lần quy hoạch phố phường nhưng có vẻ những số nhà vẫn “nằm ngoài” các bài toán của các nhà quản lí. Quá trình phát triển gây nên những biến động phố thị là điều tất yếu. Tuy nhiên, sau những thay đổi, nhất là việc mở rộng, mở mới những con đường, công trình xây dựng… thì các chủ dự án đều như “vô can” khi gây nên xáo trộn sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Bản thân người viết bài này sống tại một con phố trung tâm cũng đã 3 lần thay đổi số ngõ phố, mỗi lần như vậy lại phải cầm cuốn sổ hộ khẩu lên công an quận điều chỉnh lại.

Những ngôi nhà mang hai biển số trên phố Đặng Thùy Trâm

Từ trung ương tới các tỉnh, thành phố đang khởi động quá trình xây dựng chính phủ điện tử, nhiều dịch vụ hành chính công quan trọng, phức tạp cũng đã được xử lí thông qua mạng Internet giúp người dân thuận tiện trong giải quyết nhiều thủ tục hành chính. Gần đây được biết, một số tuyến đường khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đã được gắn mã QR code để người dân có thể tra cứu tên nhân vật, sự kiện lịch sử của mỗi tuyến phố. Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh mở phần mềm đọc mã và chụp ảnh mã QR code dán trên bảng tên đường, truy cập là biết các thông tin về con đường đó.

Đã đến lúc Hà Nội cần có những “đường phố điện tử”, sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống đô thị. Không chỉ cung cấp thông tin về lịch sử, truyền thống, mỗi tuyến đường có thể tích hợp cả thông tin về số ngõ, số nhà, các công trình công cộng… và định kì cập nhật sẽ vô cùng tiện ích cho người dân thành phố và du khách mỗi khi đến thăm.

Rất mong Hà Nội sẽ đi đầu là một Thủ đô văn hiến, văn minh, thanh lịch và hiện đại!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 10 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét