Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Môi trường

 

 Khi rừng không còn…

 

Từ ngàn xưa rừng và núi như một thể thống nhất, “sống” không thể “thiếu nhau”.

Núi không có rừng sẽ trở thành những quả đồi trơ trọc cỗi cằn xác khô. Rừng cần núi để lấy nguồn dinh dưỡng của đất nuôi những cây cổ thụ vươn cao.

Những đại ngàn từ Bắc vào Nam hàng nghìn năm luôn xanh tươi dọc dài dải đất hình chữ S. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, bao năm dài kháng chiến bộ đội ta sống với núi rừng như một hậu cứ an toàn nhất. Khi đó thực sự núi đã nuôi rừng xanh tươi và rừng che đỡ núi trường tồn.

Một khối bê tông muốn vững chắc phải có hỗn hợp cát, sỏi, xi măng và những thanh cốt thép. Những cây cổ thụ vươn cao, tỏa tán rộng, phía dưới là hệ rễ đồ sộ, xuyên xa bám chắc trong lòng đất có thể ví đó như những trục thép lớn trong khối bê tông đất đai. Đất, đá, rễ cây các cỡ tạo thành một hỗn hợp “bê tông” linh hoạt, bổ trợ cho nhau. Chính vì vậy những cánh rừng già nguyên sinh từ xa xưa đã giữ được cho ngọn núi cao hiên ngang đứng vững cùng năm tháng. Những mùa mưa dài dặc của Tây nguyên,  miền Trung có từ xa xưa nhưng núi rừng vẫn bình yên.

Thảm họa sạt lở núi liên tục những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đang khiến rừng núi trở thành những nơi nguy hiểm nhất cho cuộc sống con người. Một trong những căn nguyên khiến núi yếu là do hầu hết “thanh cốt thép” trong khối bê tông đã bị hủy hoại, bị “rút ruột”.  

 

Khu vực đóng quân của Sư đoàn 337 bị sạt lở núi, vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ

Năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP yêu cầu thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ ở không ít địa phương vẫn chưa nghiêm túc, triệt để. Từ Nam chí Bắc, rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”.

Chính những địa phương đang chịu hậu quả lũ lụt tại miền Trung cũng chưa làm tốt việc bảo vệ rừng tự nhiên. Đơn cử tại Thừa Thiên Huế, năm 2002 Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền ở huyện Phong Điền được thành lập với hơn 41.500 ha nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông Mỹ Chánh, Ô Lâu, sông Bồ. Tuy nhiên năm 2008, UBND tỉnh này lại quyết định phê duyệt quy hoạch 8 thủy điện nhỏ trong đó 4 thủy điện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên trên. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2017 đến nay các thủy điện nhỏ tại Phong Điền đã nhanh chóng hoàn thành đi vào khai thác. Việc giao thông thủy (lòng hồ) và bộ (đường vào thủy điện) là những hướng xuyên rừng khá thuận lợi cho hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ rừng của lâm tặc.

Lợi ích kinh tế cùng với sự quản lí lỏng lẻo khiến những cánh rừng hàng trăm năm tuổi đang dần mất đi.

Như vậy, chính nhân tai đang làm cho những cánh rừng không còn sức che đỡ núi và là một trong các nguyên nhân của tình trạng sạt lở đất kinh hoàng hiện nay./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 10 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét