Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Kinh tế xã hội

Lúc nào cần tăng thu?

 

Cách đây 720 năm, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Bác Hồ, trong di tích để lại trước lúc đi xa, nói về công việc cần làm sớm khi hòa bình lập lại đã viết:”…đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các H.T.X nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.


Bác Hồ cuốc đất tăng gia sản xuất

Có thể thấy các nhà tư tưởng lớn đều có chung quan điểm trước hết vì dân sinh, coi trọng vun dưỡng sức dân. Chỉ khi vận nước bĩ cực mới huy động sức dân và biết dân sẽ ủng hộ. Ví như trong những ngày đầu lập nước Bác đã cho vận động Tuần lễ vàng và được toàn dân hưởng ứng, đặc biệt là các tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước.

Vậy với nền kinh tế của ta lúc này nên tăng hay giảm huy động sức dân?

Đại dịch Covid-19 đã và đang để lại hệ quả rất lớn, dù nước ta đã và đang khống chế, ngăn ngừa dịch tốt. Việc tăng lương theo kế hoạch dừng lại vẫn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người lao động, công chức, viên chức. Sức dân, “sức doanh” đang phải dùng đến các gói “trợ thở” để giữ vững, từng bước vực dậy.

Ấy vậy nhưng thực tiễn đang diễn ra những dự định, kế hoạch thu, chi chưa nhận được đồng thuận của xã hội.

Trong khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí tuyến BOT Trung Lương-Mỹ Thuận (đã hết thời gian thu phí) nhận nhiều ý kiến trái chiều thì mới đây Bộ tài chính lại dự định trình Chính phủ, Quốc hội cho phép thu phí tuyến cao tốc Bắc-Nam các đọan đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Theo pháp luật hiện hành, việc thu phí chỉ thực hiện với các đường đầu tư hình thức BOT đang trong thời gian khai thác hoàn vốn. Các tuyền đường đầu tư bằng ngân sách hiện miễn phí giao thông (thực tế thì vẫn có thu phí thông qua đóng quỹ bảo trì đường bộ). Các chuyên gia kinh tế, giới luật sư cho rằng như vậy không bảo đảm nguyên tắc và sự nhất quán của luật pháp (luôn sửa luật cho những mục tiêu chủ quan). Ngân sách Nhà nước đã có phần tiền thuế, phí của dân, nếu khi sử dụng nguồn này xây dựng công trình công cộng lại tiếp tục thu phí sẽ khiến phí chồng phí.

Còn việc sử dụng ngân sách địa phương, gần đây có những dự kiến chi tiêu khiến dư luận bức xúc. Như chuyện Tỉnh ủy Quảng Bình dự định tặng quà dịp đại hội đảng cho 600 đại biểu và khách mời mỗi người một chiếc cặp trị giá 3,5 đến gần 3,7 triệu đồng (tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng). Hay đại hội đảng tỉnh Quảng Trị dự kiến tặng món quà “bình hút tài lộc cao cấp” (giá mỗi chiếc 500.000-600.000 đồng) cho 500 đại biểu. Một số tỉnh khác như Hà Tĩnh, Tuyên Quang… cũng có tình trạng tương tự.

Khẩu hiệu 11 chữ có giá trị hơn 10 tỷ đồng ở Hòa Bình đang gây xôn xao dư luận.

Bất ngờ và “khủng” nhất có lẽ là việc chi cho dự án tuyên truyền ở tỉnh Hòa Bình. Với 11 chữ trong một câu khẩu hiệu quen thuộc đặt trên sườn đồi được địa phương duyệt chi tới hơn 10 tỉ đồng, bình quân mỗi chữ hết gần 1 tỉ đồng!

Những tỉnh mạnh tay “xài sang” trên đều là những địa phương còn nhiều khó khăn.

Ngân sách đang “dư giả”, chi tiêu ở những tỉnh chưa giàu còn “phóng tay” như thế, vậy lúc này có cần tìm cách tăng thu thuế phí với người dân?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 10 năm 2020

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét