Ngạc nhiên và lạ lùng!
Tiếu lâm dân gian hiện đại có câu
chuyện vui: Trước khi vào một bài học, cô giáo hỏi cả lớp:
- Đố các em, khi đi ngủ, các em thấy
trên giường nhà mình có gì? Cả lớp nhao nhao: - Thưa cô có chiếu ạ! Cô giáo:
- Thế trên chiếu có gì? Học sinh và cô tiếp tục đối đáp: - Dạ, có mẹ ạ! - Thế
trên mẹ có gì? - Dạ, có bố em ạ. Thế còn trên bố có gì? Dạ có cái chăn ạ! Cô
giáo khen và vào bài: - Đúng rồi! Hôm nay chúng ta học bài Cái chăn!
Bởi khi được xem nội dung sách
Tiếng Việt 1 (Cánh diều) khiến tôi liên tưởng về câu chuyện tiếu lâm trên. Và
thực sự, đọc một số bài tôi thấy ngạc nhiên và lạ lùng về bộ sách. Mấy ví dụ
lấy tại tập sách Tiếng Việt 1 Cánh diều: Tổng chủ biên sách Cánh diều Nguyễn Minh Thuyết
Tại bài 17, phần tập đọc: “Bé kể: Bà
bế bé Lê. Bé bi bô: “Dì… giò…”. Đó là bé kể: Dì kế giã giò. Cỗ có giò, có gà,
cá cả giá đỗ”.
Bài 49, phần tập đọc “Ví dụ: Chị
Thơm ra đề: Cặp của Bi có ba quả cam. Bi đáp: Em chả đem qủa cam ra lớp. -
Chị ví dụ mà… Chị tiếp nhé: Bi cho em Bốp một quả… - Chị nhầm ạ. Em Bốp chỉ
bú tí mẹ. - Thì chị ví dụ mà…”.
Không những ngô nghê, buồn cười mà
còn lạ lùng với bài ôn tập 63, tập đọc “Cua, cò và đàn cá: Cò kiếm ăn ở ven
hồ. Gặp cá rô nó ra vẻ thật thà: - Dăm hôm nữa hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị
bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò.
Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”!!!
Văn học thiếu nhi của ta cũng không
thiếu những áng văn thơ hay. Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam giàu đẹp thế
nhưng hầu như vắng bóng trong tập sách. Không biết vì lí do gì văn học nước
ngoài khá lạ lẫm lại được dẫn dùng nhiều trong sách này? Cách đây một năm, khi hội đồng thẩm định quyết định loại bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại (được sử dụng 40 năm) đã khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng, dù sao mọi người cũng phải tin vào một hội đồng toàn những nhà khoa học giáo dục với bằng cấp cao. Không biết bộ sách mới liệu có vượt trội so với sách của giáo sư Đại, tôi chỉ xin ví dụ một bài tập đọc của cuốn sách bị loại bỏ sẽ thấy cái khác trong tư duy của những người làm sách Cánh diều với người làm sách Công nghệ giáo dục: Để bổ trợ khi học về âm oanh, oạch có bài “Vẽ gì khó? Họa sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy. - Bác à, vẽ gì khó ạ? - Vẽ chó, vẽ trâu khó. - Vẽ gì dễ ạ? - Vẽ ma quỷ. Sao lại thế ạ? Chó, trâu, quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma, quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe”… Trẻ em như tờ giấy trắng. Những điều thiện ác sẽ ngấm rất sâu vào tâm hồn các em đến khi trưởng thành, khó mà tẩy mờ hay sửa lại. Với chuyện con cò lừa đàn cá, họ định nhằm tới điều gì? Phải chăng người ta dạy các em phải biết lừa dối để đạt mục đích của mình?
Thật lạ lùng!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2020
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét