Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Văn hóa-Xã hội

Chữ hiếu đặt ở tâm

 

Cách đây chừng tháng rưỡi mẹ ông bạn khu phố gần nhà tôi mất, bạn bè cùng khu có đến viếng. Bẵng lâu không gặp, mấy hôm gần đây mới thấy ông đi thể thao. Vẫn thấy trên ngực áo ông có miếng băng tang đen, thấy hơi lạ, chỉ vào ngực ông tôi hỏi: “Ơ thế gia đình mình lại có ai…?”. Ông bạn phân bua: “Không. Vừa rồi vợ chồng tôi vừa đi du lịch mấy ngày cho thanh thản thôi”.

Đạo hiếu thể hiện yêu thương, chăm sóc cha mẹ khi họ còn sống

Tục lệ mang đồ tang tuy mỗi vùng miền có khác nhau đôi chút nhưng phổ biến là mang khăn hoặc mặc áo tang trắng trong 3 ngày lễ, sau đó là cúng 49, 100 ngày và, giỗ đầu. Việc đeo băng tang tròn ở tay áo chủ yếu là dùng trong lễ tang của các tổ chức. Dùng miếng tang đen dán ở ngực áo có lẽ là sự du nhập từ nước ngoài vào nước ta. Việc này đang được nhiều gia chủ sính dùng, phát cho tất cả những người đến viếng người thân qua đời. Theo tục lệ từ xa xưa, việc phát đồ tang chỉ tới người trong gia đình, nội tộc, thậm chí còn có câu dặn “chồng cô, vợ cậu, chồng dì, trong ba người đó mất thì không tang”. Vì thế việc phát băng tang cho tất cả người đến viếng là không đúng nghi lễ truyền thống người Việt. Người ngoài cũng không có nghĩa vụ, trách nhiệm phải để tang người mất, khi đó chỉ là quan hệ xã hội.

Có lẽ vì không rõ tập tục hoặc vì lí do hay động cơ nào đó, một số người vẫn đeo miếng băng tang khi không còn trong những ngày để tang. Điều mọi người cảm nhận và hiểu rằng họ muốn thông tin cho người khác biết rằng mình đang có tang, là người hiếu đễ.

Thực chất việc người con có hiếu với cha mẹ hay không lại không nằm ở việc đeo băng tang mà ở chỗ đối đãi, cư xử, trách nhiệm khi họ còn sống. Khi người thân mới qua đời thì nén lại nỗi buồn trong lòng, hạn chế tham gia vào những việc hỉ như vui chơi, giải trí, tiệc tùng... Ví như ông bạn tôi nhắc ở trên, coi mình vẫn đang để tang mà lại đi du lịch nước ngoài thì đó không còn là sự hiếu đễ.

Ngày nay không ít trường hợp con cái chưa thực sự quan tâm chăm sóc cha mẹ khi còn sống nhưng lại chú trọng vào những nghi lễ. Có không ít trường hợp dùng việc tổ chức lễ mừng thọ, cúng giỗ hàng trăm mâm cỗ, mời mọc tràn lan để trục lợi. Người được mừng thọ tuổi cao sức yếu, nhớ nhớ, quên quên, phải dìu ra trước bàn lễ giữa ngày đông tháng giá để thực hành nghi lễ của con cháu, khách khứa.

Người được mừng thọ chưa chắc đã vui nhưng người chủ lễ có thể được coi là có hiếu. Lễ mừng thọ trong không ít trường hợp chỉ là sự quảng cáo cho lòng hiếu thảo. Và đôi khi những thứ được quảng cáo chưa chắc đã nói lên đúng bản chất sự vật, hiện tượng.

Đạo hiếu phải được đặt ở trong trái tim, từ đó nhắc nhở những hành động, việc làm của mỗi con người với người thân khi họ còn sống./.

Đinh Hoàng

Bài mục Suy ngẫm đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2020

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét