Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Gác lại lợi nhuận với COVID-19

 

Hãy chia sẻ để cùng nhau chiến thắng đại dịch 

Thông tin về giá các gói hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 F0 tại nhà của một số bệnh viện tư ở TP Hồ Chí Minh như Trung tâm Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard, Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare, Phòng khám Family Medical Practice… lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng khiến dư luận xôn xao.

Gọi là “hỗ trợ” nên nội dung dịch vụ chủ yếu là tư vấn online hoặc thăm khám trực tiếp để tư vấn. Thuốc hỗ trợ chỉ có một số loại cơ bản thông thường, nếu phát sinh thuốc khác thì bệnh nhân vẫn phải trả thêm chi phí. Nếu trở nặng hay nguy kịch vẫn phải nhờ đến các bệnh viện điều trị Covid-19 và khi đó kết thúc gói hỗ trợ, bệnh nhân không được hoàn tiền.

Những "shipper" thanh niên tình nguyện giao bình oxy miễn phí tận nhà bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định đây là các gói kinh doanh “giá cao” chứ không phải “hỗ trợ” bởi giá của nó đều vượt xa quy định giá dịch vụ y tế hiện hành. Có thể với người thu nhập cao thì gói này không khó khăn trong việc chi trả. Tuy nhiên, với dịch vụ y tế không phải muốn đưa ra mức nào cũng được, vì đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra về giá dịch vụ, các cơ sở này đã không giải trình được căn cứ để họ đưa ra mức giá của mình.

Theo Luật Giá số 11/2012/QH13 năm 2012, tại Điều 10 quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá: “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lí”. Như vậy, nếu bệnh viện nào thực hiện các gói hỗ trợ với giá như trên sẽ vi phạm pháp luật về giá.

Một thực tiễn là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đang có hệ thống y tế tư nhân với nguồn lực không nhỏ. Trong khi hệ thống y tế công quá tải thì sự chung sức, đóng góp của y tế tư nhân lúc này là rất cần thiết. Trước một số đề xuất cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch thu phí dịch vụ, nên chăng Nhà nước cần nghiên cứu và có giải pháp, chính sách phù hợp trên cơ sở chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân người bệnh. Việc này cũng sẽ hạn chế những dịch vụ y tế tự phát, mất kiểm soát và vi phạm về giá như một số trường hợp kể trên.

Cần biết rằng, tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành hiện đang có hàng nghìn bác sĩ, phòng khám tư ngày đêm không quản khó khăn vẫn tư vấn online và cung cấp một số thuốc, thiết bị (như bình ô xy) miễn phí hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19 giúp họ kịp thời xử lí tình huống khi nhiễm bệnh. Mục tiêu cao nhất của ngành y và đội ngũ y, bác sĩ lúc này là sức khỏe, sự an toàn của người bệnh chứ không phải lợi nhuận.

Hi vọng các cơ sở y tế tư nhân, nhất là những cơ sở có quy mô, nguồn lực mạnh, sẽ đồng hành cùng cả nước chống dịch, tạm gác mục tiêu lợi nhuận để chia sẻ và cùng nhau chiến thắng đại dịch./.

Đinh Hoàng 

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31 tháng 08 năm 2021

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Lừa đảo từ thiện tinh vi

 Không từ thiện dễ dãi

Nhiều người từng biết câu chuyện về một phóng viên viết gương người tốt hoàn toàn hư cấu. Do tấm gương viết khá hay khiến một số người muốn tìm hiểu sâu về gương tốt này. Thế rồi tất cả “ngã ngửa” ra vì tại địa chỉ được nêu chẳng có ai tên tuổi, hoàn cảnh, việc làm như bài báo đã viết. Sau đó phóng viên này bị kiểm điểm, nói rằng làm vậy chỉ là để bảo đảm chỉ tiêu bài vở và có thêm chút nhuận bút.

Chuyện “gương giả” thời nay đã có sự phát triển tinh vi và “tầm mức” cao hơn, đích đến không “cò con” mấy đồng nhuận bút.

Câu chuyện được cho là xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy: “Bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ mình để nhường sự sống cho sản phụ sắp sinh”. Đúng là một tấm gương đáng ngưỡng mộ về đức hi sinh cao cả! Theo câu chuyện này thì bác sĩ Trần Khoa biết mẹ mình bệnh nặng khó qua khỏi trong khi một sản phụ sắp sinh cần gấp máy thở đã có hành động như trên.

Giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát nên câu chuyện cảm động của “tấm gương” Trần Khoa đã nhanh chóng lan tỏa làm xôn xao dư luận. Rất nhanh chóng, chủ tịch một quỹ có tên B.V đã liên lạc qua facebook “bác sĩ Trần Khoa” để tặng một chiếc máy thở xâm lấn, đây là một tài sản không nhỏ. Cũng do “độ nóng” của câu chuyện nên chỉ một ngày sau vị chủ tịch quỹ trên đã xác minh và biết rằng mình bị lừa: Bệnh viện Chợ Rẫy không có “bác sĩ Khoa” và cũng chẳng có chuyện “rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh”!

Sự dễ dãi, cả tin trong làm từ thiện của nhiều người lâu nay như “mảnh đất màu mỡ” để kẻ xấu đang ngày đêm đào xới, “canh tác”.

Vụ bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ sinh đôi là hư cấu

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nhóm “bác sĩ Khoa”, bước đầu đã phát lộ đây là một nhóm lừa đảo từ thiện khá chuyên nghiệp. Rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm được nhóm này sáng tác ra rồi post lên facebook như chuyện “người mẹ già ở Hà Tĩnh mất người con trai 19 tuổi lúc đi biển, phải một mình chăm chồng đang bị ung thư trong bệnh viện. Một buổi chiều, sau khi đi bán vé số, bà vào bệnh viện chăm chồng thì người chồng đã ra đi mãi mãi”; hay câu chuyện một người tên Phong Lam kể “bản thân bị ung thư máu từ nhỏ, người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được chính bố hiến tủy để cứu sống mình. Sau đó, Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ…”. Cuối những bài viết về mỗi hoàn cảnh đều để lại cùng một số tài khoản ngân hàng của cá nhân trong nhóm này.

Trong điều kiện công nghệ thông tin thuận lợi như hiện nay, việc xác minh để biết rõ sự thật không quá khó khăn hay tốn kém. Vậy mà không ít người chỉ nghe qua câu chuyện về một việc tốt, một hoàn cảnh éo le nào đó là ngay lập tức “xuống tiền”!

Mỗi cá nhân làm từ thiện ngoài trái tim nóng cần có cái đầu tỉnh táo để mình không trở thành người “nuôi dưỡng” lòng tham của những kẻ xấu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 08 năm 2021

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Cảnh giác với "xanh" giả

 

Tránh “xanh vỏ, đỏ lòng”

Theo dõi thông tin về các ca mắc mới tại khu cách li, khu phong tỏa ở nhiều địa phương cho thấy không ít trường hợp xét nghiệm lần 1, lần 2, thậm chí lần 3 âm tính Covid-19 nhưng sau đó 8-10 ngày xét nghiệm tiếp lại cho kết quả dương tính.

Được biết, virus SARS-COV-2 biến thể Delta lây và chuyển bệnh khá nhanh, có thể chỉ trong vòng 2 ngày, vậy vì sao nhiều trường hợp trong khu cách li, phong tỏa xét nghiệm âm tính rồi sau nhiều ngày mới phát bệnh?

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu trong các khu cách li, khu phong tỏa đã thực hiện nghiêm ngặt giãn cách hay chưa? Liệu có chuyện “chặt ngoài, lỏng trong” hay không.

Tại Hà Nội, sáng kiến vùng xanh đã lan tỏa rộng khắp. Hầu hết các ngõ phố nhỏ đều được thiết lập vùng xanh do tổ Covid-19 cộng đồng và người dân tự quản, người ra vào hoàn toàn là cư dân trong khu vực, người lạ không vào được vùng xanh.


Vùng xanh do các tổ dân phố tự quản tại Hà Nội

Dù là vùng xanh song hầu hết gia đình vẫn có người ra ngoài đi làm nơi công sở, đi chợ và có cả người bán hàng tại chợ, siêu thị. Những người này luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong hoạt động hằng ngày bên ngoài và như vậy nếu nhiễm Covid-19, họ sẽ là người mang virus vào vùng xanh hợp lệ.

Tổ Covid cộng đồng 3-4 người nhiệm vụ chủ yếu là thay nhau trực tại chốt để kiểm tra người ra vào, duy trì khai báo y tế và nhắc nhở thực hiện 5K... Việc làm này là một tấm chắn với người lạ, tạo tâm lí yên tâm cho cư dân trong vùng xanh.

Có lẽ sự tin tưởng cao vào sự bảo vệ của “vùng xanh” nên bên trong một số ngõ phố Hà Nội đây đó trẻ em vẫn ra ngoài chơi với nhau, thậm chí có nơi cả người lớn cũng ra ngoài trò chuyện và dĩ nhiên chẳng có ai nhắc nhở, xử phạt. 

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ khá rõ ràng: “Ai ở đâu ở yên đó” hoặc quy định gia đình cách li với gia đình theo nguyên tắc Chỉ thị 16 không có chuyện được phép ra ngoài gặp nhau dù là hàng xóm kề bên.

Bên cạnh đó mỗi cư dân đang có những tiếp xúc bên ngoài nếu không tự giác thực hiện 5K, thiếu cảnh giác sẽ khó bảo đảm an toàn cho bản thân. Chỉ cần một người đi làm bên ngoài không may nhiễm Covid-19 thì nguy cơ trong ngõ phố “vùng xanh” sẽ trở thành… “vùng đỏ”.

Hiện Hà Nội đang có nhiều khu vực phong tỏa, qua xét nghiệm vẫn liên tục phát hiện các ca F0 không rõ nguồn lây lan. Như vậy, trong các khu phong tỏa việc giãn cách có thể chưa thực sự nghiêm túc và đã xảy ra hiện tượng “lỏng trong”.

Do vậy, cần có giải pháp tăng cường giám sát thực hiện giãn cách bên trong vùng xanh và các khu vực phong tỏa, khu cách li. Ngoài lực lượng công vụ và tổ cộng đồng kiểm soát ra vào tại chốt thì cần có nhân lực thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong các khu vực này để mọi gia đình tuân thủ nghiêm túc quy định dãn cách theo Chỉ thị 16.

Nếu cứ để xảy ra tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” thì không thể bóc tách hết F0, dịch bệnh sẽ khó dứt điểm và giãn cách lại phải thêm những nhịp bổ sung kéo dài./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 08 năm 2021

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Trách nhiệm chính quyền trong phòng Covid-19

 

“Cháy nhà” không thể bình chân

Đại dịch Covid-19 có thể ví như đám cháy giữa những cánh rừng mùa khô hanh. Biến thể Delta như “ngọn gió” thổi thêm vào các “đám cháy”.

“Chống dịch như chống giặc” và dập dịch lúc này phải như cứu hỏa, không thể chậm trễ từng phút, từng giờ.

Cùng với các giải pháp ngăn chặn, dập dịch thì chiến lược vaccine là giải pháp căn cơ nhất để cuộc sống bình yên trở lại. Những lô vaccine quý đã và đang được mua về, dù chưa nhiều nhưng giữa lúc khan hiếm trên toàn cầu thì vẫn cần “góp gió thành bão”, có vaccine đến đâu tiêm ngay đến đó.


                      Tiêm vắc xin phòng COVID - 19 cho công nhân tại TP Hồ Chí Minh

Vaccine lúc này thực sự là mặt hàng vô cùng quý hiếm, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp đều đang mong ngóng có vaccine để tiêm cho người dân, cho lực lượng lao động của mình. Ấy vậy mà lại có một số địa phương chậm trễ, chần chừ trong việc tổ chức tiêm vaccine khi được Trung ương phân bổ!

Vừa qua, Bộ Y tế đã phải ra “tối hậu thư” với 8 tỉnh có tiến độ tiêm vaccine chậm và cảnh báo nếu các tỉnh này không khắc phục tình hình thì sẽ điều chuyển vaccine tới các địa phương khác.

Dù không công khai tên cụ thể song báo chí đã phỏng vấn lãnh đạo y tế một số địa phương: Sở Y tế tỉnh Hậu Giang giải thích do tỉnh thiếu tủ trữ bảo quản nên chậm trễ trong tiêm vaccine ngừa Covid-19; Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 chậm và hứa nay mai sẽ hoàn thành; Sở Y tế Đồng Nai thừa nhận việc tiêm phòng vaccine Covid-19 trên địa bàn còn chậm; Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và CDC tỉnh Tiền Giang đều cho rằng, nguyên nhân tiêm vaccine chậm vì vừa phải tập trung nguồn nhân lực chống dịch, vừa phải tổ chức tiêm chủng thường xuyên… Tóm lại, tỉnh nào cũng có lí do và hầu hết là… khách quan!

Liệu có địa phương nào khó khăn hơn TP Hồ Chí Minh và Bình Dương hiện tại? Vậy việc tiêm chủng tại hai địa phương đang căng mình chống dịch này có khó khăn?

Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức cho biết, trong những ngày qua TP đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, cao nhất có ngày đạt hơn 318.000 liều. Đến ngày 13/8 toàn bộ nguồn vaccine Bộ Y tế cung cho TP Hồ Chí Minh đã được tiêm hết.

Còn tại Bình Dương, với tinh thần tiêm nhanh, tiêm an toàn, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần tỉnh này đã tăng tốc tiêm hết toàn bộ 570.000 liều vaccine được Trung ương phân bổ… Vừa qua Bình Dương tiếp tục kiến nghị ưu tiên thêm 1 triệu liều vaccine và hứa tiêm xong trong 10 ngày.

Xem ra các giải thích cho việc tiêm vaccine chậm của một số địa phương chỉ là… giải thích. Nếu không chấn chỉnh kịp thời và có cách làm hiệu qủa thì đến lúc vaccine về nhiều hoàn toàn có thể xảy ra việc tiêm không kịp phải hủy bỏ vì hết hạn.  

Nhiều lãnh đạo, chuyên gia y tế đã nhắc: “Vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất”.

Trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương lúc này chính là tổ chức tiêm chủng nhanh nhất có thể cho người dân./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 08 năm 2021

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Đổi mới toàn diện giáo dục

 

Một gợi mở cho bỏ thi tốt nghiệp

Năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế hệ của chúng tôi khi đó không ít người trở về mới nhìn thấy tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của mình (hệ trung học phổ thông (THPT) sau này). Trên các tấm bằng tốt nghiệp loại này đều có hai chữ “Đặc cách”.

Là bằng đặc cách bởi chúng tôi chưa học xong chương trình lớp 10, năm cuối của hệ phổ thông 10 lớp để dự thi. Do nhập ngũ ngay sau Tết Nguyên đán, vào tháng 2 dương lịch nên chúng tôi còn thiếu chừng 2 tháng, song chương trình học chính khóa cũng gần hoàn thành. Tấm bằng đặc cách như một nguồn động viên tinh thần những người lính trước khi ra tiền tuyến đỡ nuối tiếc 10 năm mài dũa dưới mái trường và tự nhủ “đánh giặc xong sẽ về thi đại học sau”.

Thực tế sau năm 1975 rất nhiều người có tấm bằng đặc cách trở về đã dự thi và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, tất nhiên đều phải ôn luyện lại thêm các môn trước kì thi.

Do dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức làm 2 đợt

Năm nay, trước tình hình dịnh bệnh bùng phát nên TP Hồ Chí Minh đang còn 3.234 thí sinh đủ điều kiện song chưa được dự thi. Nhiều địa phương khác cũng có những học sinh thuộc ca F0, F1, khu cách li… chưa thể dự thi đợt 1. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình gửi UBND thành phố về việc đề xuất Bộ GD&ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các thí sinh trên. Căn cứ của đề xuất này bởi thi tốt nghiệp THPT đợt 1 với hơn 85.000 thí sinh dự thi đã có 96,25% đỗ.

Từ những năm trước, với kết quả thi tốt nghiệp hầu hết các trường trên cả nước đều đạt tỉ lệ trên 90%, thậm chí tiệm cận 100%, nhiều chuyên gia, kể cả trong ngành giáo dục đã đề xuất nên bỏ kì thi đầy tốn kém và hình thức này. Xét tuyển sẽ tiết kiệm cho xã hội một nguồn lực không nhỏ mà lại tránh được những rủi ro gian lận trong thi cử. Vấn đề chất lượng thực chất và số liệu trong học bạ sẽ được bảo đảm nếu nghiêm túc, minh bạch trong quá trình giảng dạy. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng nên xét tuyển dựa trên kết quả 3 năm học, trọng tâm là năm cuối đồng thời với đánh giá năng lực của học sinh. Nếu đầu ra đại học thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thực chất thì sẽ không phải quá lo cho đầu vào. Ít người dám mạo hiểm bước vào cổng trường đại học nếu biết rằng không dễ bước qua “cổng ra” trong khi đã tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho những năm học tập.

Từ thực tiễn này, ngành giáo dục nên cầu thị, mạnh dạn nghiên cứu giải pháp tiến tới bãi bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Kì thi tốt nghiệp “2 trong 1” tuy là một bước cải tiến trong thi cử song thực chất vẫn rất tốn kém mà hiệu quả không được như mong đợi, điển hình là những vụ gian lận có tính tổ chức ở một số địa phương mấy năm qua.

Khẩu hiệu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo liên tục được nhắc tới trong nhiều năm, thế nhưng chỉ một khâu trong giáo dục là thi cử thì chưa đổi mới là bao, thậm chí áp lực ngày một gia tăng. Liệu ngành giáo dục có mạnh dạn đổi mới, tạo bước đột phá trong việc thi tuyển?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 08 năm 2021

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Đề xuất Nhà nước thay đổi chiến lược chống dịch?

 

Công thức lạ liệu có khả thi?

Một đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng đồng thời là Chủ tịch một tập đoàn xây dựng tại TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới các lãnh đạo Trung ương và Thành phố đề xuất công thức 7K+3T để thực hiện mục tiêu kép. Theo vị này thì “thông điệp 5K” trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và thụ động; giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực.

Theo đề xuất, khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” và “Thông điệp 5K” nên thay bằng “7K+3T” trong đó, 7K bao gồm thông điệp 5K thêm 2K “Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là: “Tự phát hiện - Tự cách li - Tự chăm sóc” để duy trì sản xuất bình thường. Cùng với công thức này, ý kiến cho rằng tập trung nguồn lực để tiêm vaccine là đủ, không nên dồn hết nguồn lực cho chống dịch như hiện nay!

Sản xuất 3 tại chỗ tại Bắc Ninh

Không bàn về 2 chữ K bổ sung thông điệp của Bộ Y tế vì nó trừu tượng và quá chung chung mà xin nói về 3 chữ T.

Liệu việc “tự phát hiện” có khả thi? Hiện nay trên thế giới, để phát hiện Covid-19 đều cần xét nghiệm theo hai phương pháp test nhanh (tìm kháng thể kháng virus) và xét nghiệm khẳng định (xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR). Tự phát hiện thì cá nhân chỉ có thể test nhanh, song cũng không thể khẳng định. Và, với việc không giãn cách, phong tỏa thì mỗi người cần test hằng ngày bởi mỗi ngày đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc rộng. Với hàng chục triệu người tự test liên tục (giá khoảng 238.000 đồng/lần) thì nguồn lực lấy từ đâu? Còn khi đã có các dấu hiệu bệnh như mất vị giác, khứu giác… hoặc ho, sốt, đau họng, thì việc “tự phát hiện” lúc này chẳng còn giá trị phòng bệnh cho cộng đồng. Với biến thể Delta thì “tự phát hiện” không bao giờ “đuổi kịp” virus nếu bỏ phong tỏa. Chữ T thứ nhất có thể coi là phá sản, lúc này “tự cách li - tự chăm sóc” sẽ không còn là việc riêng của cá nhân.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nghiêm nên số ca nhiễm Covid-19 đang giảm. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp xây dựng có lẽ đang rất sốt ruột bởi sự đình trệ sản xuất của ngành mình. Không riêng gì mảng xây dựng, bất động sản, hầu hết các ngành kinh tế cũng đang gánh chịu hậu quả của dịch bệnh suốt hơn một năm qua, song ta không thể đánh đổi.

Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới xâm nhập vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã khẳng định: “Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho Nhân dân”. Đó cũng là quan điểm và chiến lược chống dịch xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta cho đến nay.

Giải pháp “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến” vẫn là giả pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay với doanh nghiệp có điều kiện. Những doanh nghiệp không thể thực hiện được thì buộc tạm dừng sản xuất, vì “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắc đến.

Nếu thực hiện công thức lạ nêu trên để duy trì sản xuất bình thường thì có thể tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay sẽ giống Indonesia hay Malaysia với hàng chục nghìn người nhiễm, hàng nghìn người chết mỗi ngày./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12 tháng 08 năm 2021

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Mô hình sáng tạo, linh hoạt trị Covid

 

Tháp nhân văn

Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng chưa có tiền lệ mang tên Covid-19. Dù tỉ lệ tử vong không cao song với hàng trăm triệu người nhiễm nhưng con số đó đến nay đã vượt mọi đại dịch thế giới đã trải qua.

Năm 2020 khi Covid-19 hoành hành tại châu Âu, ở Anh, Italia và Mỹ - những quốc gia có hạ tầng y tế mạnh và tiên tiến hàng đầu mà vẫn phải chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân tử vong mỗi ngày.

Việt Nam là nước có hạ tầng y tế kém xa so với các nước phát triển, do vậy, nếu không có chiến lược, sách lược phù hợp, linh hoạt thì sự sụp đổ hệ thống y tế là khó tránh.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống y tế mạnh chịu sự tàn phá của dịch bệnh phần nào do sự lúng túng điều hành ban đầu và có thể là cả quan điểm, mô hình phục vụ. Cả ở châu Âu, Mỹ hay Ấn Độ đều xảy ra hiện tượng quá tải bệnh viện khiến nhiều bệnh nhân nặng không được chữa trị kịp thời. Có tình trạng bệnh nhân nhẹ lại ôm giữ bình ô xy trong khi bệnh nhân nặng chết vì thiếu ô xy.

Thực tiễn dịch Covid-19 thế giới cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại là các mức độ khác nhau trong đó một tỉ lệ lớn ở thể nhẹ và trung bình. Thực tế này đã được ngành y tế nước ta nắm bắt, vận hành sáng tạo. Vừa qua Bộ Y tế ban hành quy định với mô hình điều trị tháp 3 tầng. Trước đó Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện mô hình tháp 5 tầng do diễn biến dịch phức tạp.

Đồ họa: Tiến Thành.

Đồ họa: VnExpress.

Theo mô hình tháp 5 tầng thì tầng 1 khoảng 50% gồm các F0 nhẹ không triệu chứng, không bệnh nền; tầng 2 khoảng 27% gồm các F0 có triệu chứng, bệnh lí nền, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng; tầng 3 khoảng 10% F0, điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lí nền, một số chuyển biến nặng; tầng 4 chiếm 8% F0, chuyên điều trị bệnh nhân có bệnh lí đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa, hồi sức cấp cứu; tầng 5 khoảng 5% F0 là các bệnh viện hồi sức, được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu các ca F0 nguy kịch. Với quy định mới của Bộ Y tế thì Thành phố có thể mở rộng tầng 1 hoặc cho một lượng F0 được theo dõi tại nhà.

Tương ứng với mỗi tầng là một dạng cơ sở điều trị, bệnh viện được chỉ định. Phân tầng hợp lí giúp phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực y tế đạt hiệu quả cao nhất và không gây quá tải tuyến trên.

Trong chiến tranh chống ngoại xâm của cha ông ta, sách lược luôn được vận dụng sáng tạo, đó là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Đó là lí do dù là nước nhỏ, tiềm lực không mạnh song chưa kẻ thù nào mà dân tộc ta chịu khuất phục. Cuộc chiến chống “giặc Covid-19” cũng có thể coi ta đang đối mặt với kẻ thù “đông và mạnh”. Nếu không có sự đoàn kết đồng lòng và đối sách linh hoạt thì khó có đủ nguồn lực, sức mạnh.

Tin rằng với các mô hình tháp rất nhân văn này, đất nước ta sẽ sớm chiến thắng “giặc Covid-19”, trở lại cuộc sống bình yên./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 08 năm 2021

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Mong tư lợi giữa đại dịch

 

Cần giải pháp vì cộng đồng

Bệnh viện FV tại TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất Bộ Y tế cho phép chủ động đàm phán mua vắc xin Covid-19 bằng nguồn tài chính của đơn vị và tổ chức tiêm chủng dịch vụ. Đồng thời bệnh viện cũng muốn tham gia chiến dịch tiêm chủng Thành phố nhưng được thu phí dịch vụ! Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua cũng có ý kiến đại biểu đề xuất cho phép tổ chức tiêm chủng dịch vụ.

Liệu có thể coi đây là một giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ và phủ rộng diện tiêm chủng cho chiến lược vaccine vì lợi ích cộng đồng?

Hiện Nhà nước ta đã huy động nguồn lực tài chính rất lớn ngân sách và từ doanh nghiệp, người dân để tiêm chủng miễn phí cho toàn dân. Nguồn tài chính đã có hàng chục nghìn tỉ song do nguồn vaccine Covid-19 trên thế giới đang khan hiếm đã ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng. Rất nhiều địa phương đang “khát” vaccine, chưa thể tiêm rộng rãi không phải do thiếu nguồn lực tài chính hay nhân lực. Kể cả khi lượng vaccine về nhiều thì bài toán nhân lực cũng có thể được giải quyết bằng việc tập huấn để bổ sung lực lượng và nâng quy mô tiêm chủng.

Ảnh minh họa

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức cơ sở y tế “bán dịch vụ” cho người có khả năng chi trả theo nguyên tắc “tiền trao, cháo múc”. Với mục tiêu lợi nhuận nên phương châm phục vụ sẽ là người càng trả nhiều tiền, càng có cơ hội cao giành quyền được tiêm vaccine sớm nhất, tốt nhất! Tuy nhiên, số người có điều kiện để chạy theo dịch vụ chắc chắn chỉ là thiểu số và thiểu số đó chưa hẳn đã là những người cần tiêm sớm nhất. Chiến lược tiêm vaccine của Nhà nước ta hiện nay có thứ tự ưu tiên dựa trên nguyên tắc mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng, theo quan điểm khoa học, dịch tễ học chứ không vì khả năng và mong muốn của đối tượng tiêm.

Nếu xuất hiện mô hình tiêm dịch vụ lúc này cái lợi chưa biết nhưng nhiều bất lợi sẽ xảy ra. Trước tiên là tạo một hình ảnh, sự việc phản cảm: Nhà nước đã huy động nguồn lực công, nguồn lực xã hội rất lớn mà người dân vẫn phải tìm đến dịch vụ trả tiền! Hình ảnh đó không nên được tạo ra trong một thể chế xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ lực hướng tới. Tiếp đến là sự cạnh tranh nguồn nhân lực công - tư. Nếu thị trường tham gia điều tiết nhân lực y tế theo mục tiêu thương mại khi đại dịch đang diễn ra sẽ vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, phân hóa trong đội ngũ nhân lực y tế, nhất là những người đang quên mình ngày đêm chống dịch tại tuyến đầu. Và một điểm nữa, mô hình dịch vụ sẽ đẩy việc quản lí, điều tiết vaccine đối mặt với một thị trường cạnh tranh đầy cám dỗ khó lường.

Đại dịch Covid-19 đang được coi như một cuộc chiến tranh. Trong chiến tranh Nhân dân ta đã từng “xe chưa qua, nhà không tiếc” và khi đó không bao giờ có chỗ cho thị trường can thiệp nguồn lực của đất nước. Hình ảnh quên lợi riêng vì nước xưa nay đang hiển hiện khắp nơi trong nỗ lực chung tay chống dịch.

Đất nước đang thời chiến không thể tồn tại tư duy lợi nhuận hay lợi ích cục bộ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 08 năm 2021

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Hàng giả đặc biệt

 

 Loại bỏ “hàng giả” trong đội ngũ

           Công cuộc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, nghiêm minh và đạt nhiều kết qủa.

Song, có một loại giả khác trong đội ngũ công chức, viên chức, đó là giả bằng cấp. Có thể coi những người sử dụng bằng cấp giả là gian lận trình độ giả và cũng giả tạo về nhân cách, đạo đức cần loại bỏ.

Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ bằng cấp giả gây bức xúc dư luận nhiều năm qua nhưng kết quả đấu tranh mới chủ yếu ở việc triệt phá, bắt giữ, xử lí những kẻ cung cấp hàng giả. Còn những đồng phạm - người tiêu thụ bằng cấp giả lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt để làm sạch đội ngũ.


Liên quan đến vụ “sản xuất bằng giả” của một số lãnh đạo Trường đại học Đông Đô, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm cựu lãnh đạo này. Trong số 429 văn bằng giả được cấp, có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 cá nhân thi công chức, thi thăng hạng. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng xác định có nhiều người “mua” bằng là cán bộ, công chức.

Đối với công chức, viên chức thì mục đích của việc làm giả bằng cấp chính là giả tiêu chuẩn quy định. Thứ giả này được dùng trót lọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con đường công danh, sự nghiệp, để “thăng quan, tiến chức” của những cá nhân không xứng đáng, một hành vi giả mạo rất nguy hiểm cho xã hội và đất nước.

Ngay từ khi vụ việc tại Trường Đại học Đông Đô bị phát hiện, danh sách những cá nhân “mua bằng” có trong tay các cơ quan thực thi pháp luật thì dư luận đã lên tiếng cần công khai danh tính và xử lí nghiêm như những người dùng “hàng giả”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy những cái tên cụ thể được đưa ra truy tố trước pháp luật cùng các cựu lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô.

Loại “hàng giả” do một tổ chức chính danh “sản xuất”, nếu không bị phát hiện thì những tấm bằng đó sẽ là thật, chỉ có trình độ người dùng là giả, do vậy nó nguy hiểm hơn nhiều những bằng giả “đích thị” bán ngoài chợ trời.

Trong pháp luật hình sự, tội sản xuất, buôn bán và tiêu thụ hàng giả đều có điều khoản xử lí hình sự cả người sản xuất, buôn bán và người tiêu thụ. Tương tự như vậy, việc tiêu thụ hàng giả là bằng cấp, một loại “hàng hóa” đặc biệt cũng cần xử lí nghiêm người sử dụng theo pháp luật hình sự, không thể chỉ xử lí hành chính hay kỉ luật như những vi phạm thông thường. Một vụ việc quá rõ như Trường Đại học Đông Đô nếu không được xử lí nghiêm minh thì vấn nạn sử dụng bằng giả sẽ còn là câu chuyện “dài kì”.

          Những người thiếu nhân cách, yếu kém về trình độ năng lực chui vào đội ngũ, leo cao, đảm nhiệm những vị trí, chức vụ quan trọng sẽ là nguồn gốc của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 7 tháng 08 năm 2021

 

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Giải pháp phòng chống Covid-19:

 

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành hiện có rất nhiều hãng xe máy công nghệ như Grabbike, GO-Viet, FastGo, Gojek, MyGo, Be… Tuy chưa có con số thống kê cụ thể trên địa bàn cả nước song số lượng cũng có thể lên tới hàng vạn tài xế shipper, hằng ngày họ đang rong ruổi trên các cung đường và len lỏi tới mọi ngõ ngách từ đô thị tới nông thôn.

Dù tiện lợi song trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh cao hiện nay thì những nhân viên xe máy công nghệ rất dễ trở thành đội ngũ “chuyển phát Covid-19”, đe dọa an toàn phòng dịch vì hiện chưa có giải pháp quản lí và các quy định bảo đảm an toàn phòng dịch riêng cho lực lượng này. Một người bình thường khi nhiễm Covid-19 đã có thể nhanh chóng truyền virut cho nhiều người. Với một shiper thì khả năng phát tán virut sẽ cao hơn nhiều vì mỗi người hằng ngày có hàng chục đơn hàng, di chuyển khắp nơi và tiếp xúc nhiều người, đủ mọi thành phần. Có thể coi mỗi shiper như một người vận chuyển, bán hàng di động.

 


Cần quy định cụ thể khoảng cách tiếp xúc khi nhân viên shipper nhận và giao hàng. Ảnh minh họa

Để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 trong hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa với lực lượng xe máy công nghệ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng siết chặt quản lí bằng các phương thức phù hợp.

Trước hết quản lí bằng công nghệ. Đối với tài xế cần quy định bắt buộc cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin như Bluezone NCOVI… để quản lí và truy vết khi tiếp xúc các ca nghi nhiễm. Hằng ngày bắt buộc cá nhân khai báo y tế điện tử thông qua mã QRCode, có thể coi đây như một “giấy phép” về điều kiện an toàn phòng dịch với mỗi shiper.

Về bảo đảm an toàn khi tiếp xúc (giữa shiper với người bán và người mua hàng): Đây là thời điểm nguy cơ cao phát sinh yếu tố lây lan dịch bệnh. Hiện nay người mua, bán và người giao hàng mới chỉ thực hiện khuyến cáo 5K như mọi đối tượng khác. Tuy nhiên, với hoạt động này cần nâng lên một mức cao hơn về an toàn tiếp xúc. Giả sử một người trong chuỗi mua, bán, vận chuyển nhiễm bệnh thì bao gói hàng hóa cũng có thể nhiễm virut trên bề mặt tiếp xúc. Do vậy cần quy định quy trình giao nhận giữa chủ bán hàng với shiper, giữa shiper với người mua khi giao nhận hàng. Mỗi công đoạn cần có biện pháp khử khuẩn bề mặt tiếp xúc với hàng hóa, giữ khoảng cách giữa người giao và người nhận, giao hàng ở nơi thông thoáng (không vào nhà, vào trong khu chung cư, cơ quan, trụ sở…). Bên cạnh đó cũng yêu cầu cả với người mua, người bán và shiper thực hiện thanh toán điện tử, tuyệt đối không dùng phương thức thanh toán tiền mặt.

Đối với shiper cần quy định thời gian định kì test Covid-19 (có thể 3 hoặc 5 ngày tùy theo mức độ giãn cách của chính quyền). Khi đi giao hàng ngoài khẩu trang còn cần yêu cầu shiper đội mũ bảo hiểm có kính chắn, dùng găng tay khi giao nhận. Ngoài thời gian thực hiện việc giao nhận hàng, shiper không được đến các khu vực nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 (như bệnh viện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng…) và hạn chế các tiếp xúc xã hội khác. Có thể khái quát lịch trình của họ trong ngày là một điểm xuất phát (nơi ở) và các điểm giao nhận. Hằng ngày mỗi cá nhân ghi rõ nhật trình, địa chỉ đến để cơ quan quản lí có thể truy vết khi tình huống dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra cần quy định shiper không được vận chuyển khách (xe ôm).

Biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, cực kì dễ lây lan qua đường không khí. Bằng chứng rõ nhất qua vụ nhà thuốc Đức Tâm tại 95 Láng Hạ (Hà Nội), có người chỉ đến mua thuốc một lần, thời gian giao tiếp rất ngắn nhưng đã lây nhiễm Covid-19.

Dù thời gian giãn cách ở mức cao nhất (theo Chỉ thị 16 của Chính phủ) thì nhu cầu mua bán những hàng hóa thiết yếu vẫn diễn ra, dịch vụ của đội ngũ shiper bảo đảm lưu thông dịch vụ là cần thiết. Tuy nhiên việc siết chặt an toàn dịch bệnh với đội ngũ này là việc làm không thể chậm trễ.

(Bài đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 03/8/2021) Đinh Hoàng

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Thị trường và quản lí Nhà nước

 

 “Nặn méo” thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, ưu việt nhất là tính cạnh tranh. Cạnh tranh chính là động lực để sản xuất kinh doanh, để doanh nghiệp nỗ lực sáng tạo, phát triển, không ngừng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, giá thành rẻ nhất, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Nhưng, đó phải là sự cạnh trong trong môi trường minh bạch, công bằng. Nếu môi trường thiếu minh bạch, bỏ qua khuôn khổ pháp luật sẽ làm biến dạng hiệu quả và tất yếu dẫn tới triệt tiêu cạnh tranh, triệt tiêu sáng tạo.

Thông thường, một sản phẩm mới, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin, chưa biết tới thì doanh nghiệp cần xúc tiến quảng bá. Khi sản phẩm đã tiếp cận được người tiêu dùng thì sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu chất lượng tốt thì chẳng phải quảng cáo nhiều. Người tiêu dùng nay đã thông thái hơn, khi thấy một sản phẩm xuất hiện lâu trên thị trường mà vẫn phải quảng cáo ròng rã hết ngày này qua tháng khác sẽ tự đặt câu hỏi: Vì sao họ phải tốn kém tiền bạc quảng cáo như vậy? Phải chăng vì không có “xạ” nên “vô hương”.

Một số loại thuốc, thực phẩm chức năng trong phụ lục công văn 5944

Hiện nay mảng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng (nhưng thường được nhắc tác dụng như thuốc) chiếm thời lượng lớn trên các kênh truyền hình. Các công ty dược như Sao Thái Dương, Tâm Bình, Traphaco có lẽ đang là “ngôi sao” trên các chương trình quảng cáo của VTV. Nhiều công ty rất đa năng, sản xuất từ thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dầu gội đầu đến cả chất tẩy rửa mà sản phẩm nào cũng vào “hàng đầu”, tốt nhất!

Quảng cáo là chi phí được hạch toán vào sản phẩm nên nó không làm méo mó cạnh tranh. Tuy nhiên, còn có một kênh khác, đó là “vận động hành lang” để tác động chính sách mang lại lợi ích cục bộ. Có nhiều cách để “vận động” chính sách như từ làm từ thiện, hỗ trợ các hoạt động công, thậm chí tặng quà vật chất bằng cách hình thức linh hoạt, tinh vi. Khi cơ quan quản lí ban hành một chính sách tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp này tất yếu sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, cùng sản phẩm.


Văn bản thu hồi công văn 5944

Những ngày qua dư luận xôn xao việc Bộ Y tế ban hành Văn bản số 5944/BYT-YDCT về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu”. Nếu chỉ khuyến khích sử dụng thuốc y học cổ truyền chung chung thì chẳng sao, nhưng văn bản trên lại kèm theo danh mục 12 loại thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng của một số doanh nghiệp với đầy đủ tên tuổi, sản phẩm. Văn bản này không hiểu vô tình hay hữu ý nhưng rõ ràng mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp có mặt hàng được nêu, danh tiếng của họ cũng “thăng hạng”. Điều kì lạ, có sản phẩm trong phụ lục như “đón lõng” được văn bản, trước đó vài ngày đã kịp tăng giá từ 180.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng. Trước ý kiến của dư luận, văn bản mang dáng dấp của “chỉ định thầu”, đã được cơ quan tham mưu đề xuất thu hồi.

Chính phủ kiến tạo là tăng cường hỗ trợ về chính sách, rà soát, gỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nếu chính sách hướng đến một nhóm nhỏ vô hình trung sẽ làm méo mó thị trường và triệt tiêu cạnh tranh./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31 tháng 07 năm 2021