Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Một chính sách thuế lạc hậu

 

Tư duy bất biến

Lạm phát 2 năm 2022 và 2023 của Việt Nam cộng lại là 6,4%. Quý 1/2024 lạm phát là 3,37%. Có thể coi từ 2022 đến nay đồng tiền mất giá khoảng 10%.

Tuy nhiên, đây là con số của chỉ số lạm phát chung, còn lạm phát trong túi tiền của người tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày thì không thể chỉ là 10%. Giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, gas… luôn duy trì xu thế tăng cao hơn hẳn lạm phát và “đánh” trực tiếp vào túi tiền người dân.

 

Năm 2022 một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, nhiều đại biểu tiếp tục phản ánh mức GTGC cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Mức 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc sau hơn 4 năm chắc chắn đã giảm nhiều về giá trị bởi biến động chỉ số lạm phát.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Tuy nhiên ông cho biết, theo kế hoạch trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi. Có nghĩa nhanh nhất cũng cần hơn 2 năm nữa những khó khăn trong đời sống một bộ phận người dân mới hi vọng được cải thiện.  

“Cuộc sống cứ tiếp diễn còn chính sách cần tuân thủ kế hoạch”, đó là cách hiểu nôm na về quan điểm trên đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hai năm qua dư luận cử tri rất phấn khởi trước những tư duy và cách làm đột phá của Quốc hội khóa XV, đó là các kì họp bất thường để giải quyết những vấn đề nóng mà thực tiễn đặt ra, kể cả vấn đề phức tạp, nhạy cảm như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng... Qua 6 kì họp bất thường, nhiều vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng rất hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ từng phát biểu: “Với việc tổ chức thành công Kì họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kì họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”.

Mong tư duy và quan điểm của người đứng đầu Quốc hội được lan tỏa đến bộ máy tham mưu xây dựng và vận hành chính sách, nơi thường xuyên tiếp cận với thực tiễn cuộc sống biến động. Đã nhận thấy chính sách không còn phù hợp thực tiễn mà vẫn bình tâm chờ kế hoạch, để cuộc sống chờ chính là tư duy bất biến!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  29/3/2024

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Bán danh ba đồng

 

 Ai được làm tín dụng đen?

Câu hỏi xem ra là thừa bởi mọi người đều biết pháp luật không cho phép bất kì cá nhân, tổ chức nào hành nghề tín dụng đen.

Xin đặt ra câu hỏi trên bởi đang xảy ra câu chuyện khách hàng  P.H.A tại tỉnh Quảng Ninh vì dư nợ trong thẻ tín dụng của Ngân hàng Eximbank cách đây 10 năm chỉ hơn 8,55 triệu đồng nay đã thành món nợ 8,83 tỉ đồng! Một con số lãi vay tưởng chỉ có trong tệ nạn tín dụng đen.


Cách tính “lãi các đời” của Eximbank

Cách hành nghề của bọn tín dụng đen chủ yếu dựa vào công cụ lãi suất cực cao mà dân dã thường gọi là “cắt cổ”! Món cho vay ban đầu của chúng chỉ cần rất ít, có khi vài ba triệu đồng song lãi suất tính theo ngày và “lãi con” luôn được gộp vào “lãi mẹ” để tính “lãi các đời” kế tiếp thành một khoản nợ tăng nhanh. Ví dụ cho vay 1 triệu với lãi suất 10%/ngày thì tới ngày thứ 10 đã là 2.357.946,đ tức là cao hơn gấp đôi số tiền vay ban đầu. Tuy nhiên nợ vài ba triệu với chủ tín dụng đen chẳng bõ để chúng đòi nợ sớm. Chúng cần thời gian nhất định để “nuôi” con nợ thật “béo”, tương xứng với tài sản người vay đang có thì mới “làm thịt”. Thế nên những người làm ăn bình thường, buôn bán nhỏ lẻ đúng pháp luật mà lại vay tín dụng đen để kinh doanh thì cầm chắc đã “cho cổ vào tròng” bởi làm gì ra lợi nhuận cao như thế để trả nợ?

Vậy vụ việc xảy ra với Ngân hàng Eximbank kể trên có phải khoản nợ tính theo cách thức tín dụng đen hay không? Chắc chắn là một tổ chức tín dụng thì Eximbank không được phép vượt trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Dù giữa ngân hàng này và cá nhân có thỏa thuận riêng thì cũng không được vượt trần lãi suất. Tuy nhiên, cách tính lãi suất phạt 150% với mọi khoản phát sinh từ dư nợ gốc, tiếp tục cộng gộp hằng năm của ngân hàng này thì lại mang “bóng dáng” của tín dụng đen.

Quan hệ giữa một tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức khác sử dụng dịch vụ của ngân hàng là quan hệ động, luôn có thông tin tương tác hai chiều về mọi biến động trong hợp đồng vay để xử lí vấn đề. Khi đã trở thành nợ xấu thì cũng có thể xử lí bằng việc khoanh nợ hoặc đàm phán giải quyết. Cứ im lặng suốt 10 năm rồi đưa ra con số khổng lồ so với khoản nợ nhỏ nhoi ban đầu thì chỉ là cách hành xử của chủ tín dụng đen!

Đang có những thông tin mâu thuẫn từ hai phía về việc mở thẻ tín dụng cho khách hàng P.H.A và một vài khoản sử dụng đáng ngờ trong tài khoản này mà chủ nhân cho là không biết. Thực hư thế nào cần chờ Thanh tra ngân hàng Nhà nước vào cuộc làm rõ.

Được biết, đến năm 2023 tổng tài sản của Eximbank là 201.416 tỉ đồng, luỹ kế năm tài chính 2023 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.165 tỉ đồng. Những con số trên nếu so sánh với 8,8 tỉ đồng món nợ (nếu có) của khách hàng P.H.A thì đây chỉ là số tiền rất nhỏ. Song, nếu để rơi vào một vụ khủng hoảng truyền thông thì rất có thể Eximbank sẽ gánh chịu một hệ quả… “bán danh ba đồng”!/. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  21/3/2024

Bán danh rẻ mạt

 

Bạc lẻ bán danh

Những đồng tiền lẻ hay có người gọi vắn tắt là bạc lẻ vì nó có giá trị thấp, một vài nghìn đồng chẳng hạn. Bạc lẻ có thể vì thế mà bị người ta coi thường mà không biết rằng có bạc lẻ thì mới có tiền chẵn. Với những người buôn bán nhỏ, người nhặt ve chai, đánh giầy... thì bạc lẻ vẫn là những đồng tiền có giá trị, khi nó được tích cóp giá trị sẽ tăng lên. Với người giàu, người thu nhập cao thì có thể dăm trăm nghìn, thậm chí vài ba triệu đồng cũng chỉ là bạc lẻ, không mấy quan tâm khi chi tiêu vặt.

Làng tôi có một anh làm nghề buôn ở xa, mỗi khi về quê anh thường mua cả tá bánh kẹo, hoa quả phân phát cho trẻ con trong xóm bất kể họ hàng, thân sơ. Thăm người già quanh xóm anh rút ví cho mấy trăm nghìn là chuyện bình thường. Chính vì thế từ trẻ con đến người lớn đều rất quý mến anh. Thực ra số tiền dăm ba triệu mua quà khi về quê hoặc lì xì dăm chục nghìn đồng dịp Tết cho mọi người với anh chỉ rất nhỏ trong những vụ làm ăn tiền tỉ trên thương trường. Đó thực ra chỉ những “bạc lẻ” song nó như đã giúp anh này “lãi lớn” tình cảm của nhiều người dù chẳng mấy ai biết rõ anh làm ăn buôn bán thế nào.

Tại vụ đại án tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo ngân hàng này chi 5,712 triệu USD và hơn 1 tỉ đồng để mua chuộc, “bịt miệng” các cá nhân thuộc đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước. Quy đổi ra VND tổng số tiền “mua” nhân cách các cán bộ ngân hàng chỉ mất chừng hơn 140 tỉ đồng. Thế nhưng vì đó mà SCB đã thiệt hại hơn 498.000 tỉ đồng, đây là những đồng tiền của dân đã gửi vào ngân hàng này. So sánh con số 140 tỉ với gần 500.000 tỉ đồng thì đúng món này chỉ là “bạc lẻ”! Dù là “bạc lẻ” song đã mua đứt nhân cách của các thành viên một đoàn thanh tra ngân hàng Nhà nước, những người đang ăn lương từ tiền thuế của dân để bảo vệ “két tài sản” quốc gia! 500 nghìn tỉ quy đổi ra USD hiện nay vào khoảng gần 21 tỉ đô la, so sánh quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 462 tỉ USD sẽ thấy số tiền thiệt hại lớn như thế nào.


Bà Đỗ Thị Nhàn và ông Nguyễn Văn Hưng nhận tiền bỏ qua sai phạm tại SCB

Thực ra, từ xưa đến nay với những con người có nhân cách thì không tiền bạc nào mua được chứ đừng nói là “bạc lẻ”. Ăn tiền của doanh nghiệp để bỏ qua sai phạm thì khi đó những công bộc của dân đã tự hủy hoại nhân cách của mình. Việc làm của họ không chỉ gây đau xót, hổ thẹn cho gia đình, họ hàng mà còn làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào thể chế.

Những quan tham trong vụ đại án SCB đúng là đã “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  20/3/2024

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Tài sản rủi ro

 

Giá vàng và giá tiền đồng

Những ngày qua thị trường được chứng kiến sự biến động nóng của giá vàng cả trong nước và thế giới. Ngày 7/3 giá vàng thế giới đã lập đỉnh mới 2.152 USD một ounce, còn trong nước, vàng SJC đã lên mức kỉ lục 81,3 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân của giá vàng thế giới tăng được cho là do một số nguyên nhân: Lạm phát tại nhiều quốc gia; một số nước lớn tăng mua tích trữ vàng phòng ngừa tác động lạm phát làm mất giá đồng tiền; bất ổn về thương mại và chính trị; xung đột leo thang tại Trung Đông...

Có thể thấy lạm phát, sự mất giá đồng tiền tại một số quốc gia khiến các thể chế tài chính và cá nhân tăng mua vàng vào để bảo đảm an toàn cho tài sản đang trữ ở dạng đồng tiền quốc gia.


Trong nhiều năm qua chỉ số lạm phát tại nước ta luôn được giữ ổn định. Trongg 2 năm 2022 và 2023 lạm phát chỉ ở mức 3,21 và 3,25%. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số CPI cũng chỉ tăng 3,67% so với cùng kì năm trước. Cũng có thể coi đây là chỉ số đo sự mất giá tiền đồng. Hiện lãi suất ngân hàng kì hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại trong khoảng từ 4,8-5%. So sánh các con số trên có thể thấy người gửi tiền tại ngân hàng cơ bản vẫn bảo toàn được giá trị tiền VND, dù lãi ít nhưng không chịu yếu tố rủi ro tài sản.

Tâm lí chung khi đồng tiền sinh lời ít hoặc không sinh lời thường khiến người ta tìm đến các kênh đầu tư khác trong đó mua vàng được ưu tiên lựa chọn vì không cần sự chuyên nghiệp như chứng khoán, trái phiếu... Tuy nhiên đây là kênh đầu tư mang yếu tố rủi ro cao đến cả từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới và điều hành chính sách của Nhà nước. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lí thị trường vàng. Một nghị định mới ra đời sẽ lập tức tác động tới thị trường vàng trong nước mà nhiều khả năng những hạn chế thông thương thị trường trong và ngoài nước sẽ được tháo dỡ. Khi đó con số chênh lệch 18-20 triệu/lượng vàng hàm chứa sự rủi ro rất lớn với người đã đầu tư và tích trữ vàng.

Việt Nam trong những năm qua được ví như ngôi sao đang lên của bức tranh kinh tế thế giới. Các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang ngày càng hướng về Việt Nam, xem đây là nơi có thể mang lại lợi nhuận ổn định và bền vững. Triển vọng kinh tế sáng sủa cùng sự điều hành đầy kinh nghiệm và bản lĩnh của Đảng, Nhà nước ta rất khó có thể xảy ra bất ổn của đồng tiền VND.

Trữ vàng hay gửi tiền tại ngân hàng trong lúc này là vấn đề khó với không ít người đang có khoản tiền nhàn rỗi. Lúc này niềm tin và hi vọng của mỗi người cần đặt đúng chỗ mới có thể tránh được rủi ro và tài sản được bảo toàn./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13/3/2024

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Nhạy cảm để câu khách

 

Xây nền nghệ thuật điện ảnh lành mạnh

Với phong tục, truyền thống văn hóa Á Đông, thời gian dài trước đây cảnh quan hệ yêu đương trai gái rất ít xuất hiện trên màn ảnh, nếu có thì cũng chỉ là những cảnh huống ý nhị đúng với tâm lí, thuần phong, mĩ tục Việt Nam. Khi đó, khán giả xem phim châu Âu nếu có cảnh hôn hít thường quay đi, tránh nhìn vào màn ảnh. Nhiều tác phẩm điện ảnh nước nhà đặc sắc ghi đậm trong kí ức các thế hệ bởi nội dung sâu sắc, diễn xuất dung dị, mộc mạc cuốn hút khán giả và đi vào lòng người. Những tình huống thổ lộ tình yêu trai gái rất tinh tế, nhẹ nhàng mà vẫn giúp người xem hiểu rõ những cung bậc của tình yêu nam nữ.

Có lẽ sau những năm hội nhập với văn hóa hiện đại của thế giới, nhất là văn hóa Mỹ, châu Âu… phim ảnh của ta ngày càng xuất nhiều cảnh thể hiện tình yêu trai gái cuồng nhiệt không kém gì phim ảnh nước ngoài, thậm chí còn táo bạo hơn. Không ít đạo diễn chủ ý cài vào nhằm tạo “gia vị” thu hút khán giả, tăng doanh thu cho phim. Cả hai phim đang “nóng” tại các rạp chiếu là ‘Mai’, ‘Đào, phở và piano’ đều có những cảnh không thể chiếu cho mọi đối tượng.


Những cảnh ái ân ngày càng nhiều trên màn ảnh nhỏ

Trước thực trạng nhiều phim lạm dụng cảnh bạo lực, quan hệ tình cảm nam nữ quá mức nên năm trước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo đến khán giả khi phát hành theo 5 mức: loại P (phổ biến cho mọi độ tuổi), T18 được phép phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên), T16 (được phép phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên), T13 (được phép phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên), C (không được phép phổ biến) và K (phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ).

Dù pháp luật quy định cụ thể như vậy song khi ra rạp hình như các chủ rạp quên mất đã có Thông tư 05 kể trên. Điển hình là hai phim ‘Mai’, ‘Đào, phở và piano’ đều có các cảnh nóng cần dán nhãn. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh khi kiểm tra 7 cơ sở chiếu phim phát hiện 4 cơ sở vi phạm khi cho người chưa đủ 18 tuổi vào xem phim ‘Mai’…

Không chỉ phim chiếu rạp, một số phim trên kênh truyền hình trung ương thu hút đông đảo khán giả gần đây cũng không thiếu những cảnh “nóng” như ‘Anh có phải đàn ông không’, ‘Biệt dược đen’, ‘Chúng ta của 8 năm sau’… Phim truyền hình phổ cập toàn dân không thể dán nhãn thì đương nhiên những cảnh nóng đã vi phạm quy định.

Điện ảnh là một công cụ đắc lực trong thực hiện chủ trương của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Những phong cách, lối sống không phù hợp với thuần phong mĩ tục dân tộc nếu mãi tràn lan trên phim ảnh sẽ làm phai nhạt, lu mờ truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông dày công gây dựng từ hàng nghìn năm qua./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  10/3/2024

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Đề xuất thiếu căn cứ

 

Chính sách cần dựa vào nền tảng hợp lí và công bằng

Bộ Y tế vừa đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc, nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động chi.

Có thể nói đây là một đề xuất chính sách khá nhân văn, hướng tới tăng thêm quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Hiện tỉ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt trên 93% dân số và mục tiêu đến năm 2025 sẽ bao phủ BHYT trên 95% dân số.


Đề xuất này chắc chắn khiến doanh nghiệp lo ngại bởi mấy năm qua do dịch bệnh, kinh tế thế giới đình đốn nên doanh nghiệp chỉ cần phấn đấu trả đủ lương, đóng BHYT, BHXH cho NLĐ đầy đủ đã là tốt rồi. Nếu chính sách này được thực hiện sẽ gián tiếp tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Dù chỉ 1-2% nhưng với doanh nghiệp một nghìn lao động mua BHYT cho hàng nghìn người thân của họ sẽ là một số tiền không nhỏ.

Người thân phụ thuộc của NLĐ theo pháp luật hiện hành là bố mẹ, vợ (chồng) không có việc làm hoặc hết tuổi lao động không có thu nhập; con đẻ chưa đến tuổi lao động… Như vậy một lao động có thể có nhiều người thân hoặc không có. Sẽ thế nào nếu doanh nghiệp bỗng phải đóng BHYT cho nhiều người thân của một lao động? Pháp luật đã có quy định nào chưa về trách nhiệm chi phí ngoài lương của chủ sử dụng NLĐ với người thân của họ? Ngay trong những NLĐ cũng xuất hiện sự không công bằng giữa người nhiều người thân và người ít hoặc không có người thân phụ thuộc khi cống hiến cho doanh nghiệp như nhau. E rằng những lao động có nhiều người thân phụ thuộc dạng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT sẽ khó giữ được công ăn việc làm của chính họ. Chẳng chủ doanh nghiệp nào lại muốn sử dụng những lao động có “một gánh” thân nhân “ăn theo” như thế! Không thiếu lí do để chủ doanh nghiệp sa thải những lao động “nặng kí”!

Được biết hiện chỉ có lực lượng vũ trang là có chính sách BHYT cho người thân phụ thuộc của cán bộ, chiến sĩ. Nguồn ngân sách cho chính sách này hoàn toàn do Nhà nước bảo đảm vì đây là lực lượng làm nhiệm vụ mang tính đặc thù.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang nợ hàng chục nghìn tỉ đồng bảo hiểm xã hội của NLĐ. Đây là vấn đề nóng nhiều năm qua rất cần nhà quản lí sớm tìm ra giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Thiết nghĩ nếu nguồn ngân sách Nhà nước có thể đủ hỗ trợ cho việc mua BHYT thì nên thực hiện theo hướng khuyến khích NLĐ tự mua. Nhà nước có thể hỗ trợ một tỉ lệ đủ hấp dẫn để NLĐ chủ động mua BHYT cho thân nhân của mình. Một chính sách như vậy chắc chắn sẽ có tính khả thi cao, không gây ra sự bất bình đẳng và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/3/2024

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Cao tốc dưới chuẩn

 

Cần hiểu đúng về phân kì đầu tư

Theo Khoản 2, Điều 50 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 thì dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phân kì đầu tư để thực hiện thì dự án thành phần được quản lí thực hiện như một dự án độc lập.  

Như vậy các chủ đầu tư có thể phân chia dự án đầu tư xây dựng thành các dự án thành phần hoặc phân kì đầu tư, việc này sẽ giúp đưa các dự án thành phần khi hoàn thành sẽ được khai thác như một dự án độc lập. Việc phân chia cũng phù hợp với năng lực nhà đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng và phù hợp với tiến độ dự án tại quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án.

Ví dụ một khu chung cư trong cùng dự án có nhiều tòa chung cư độc lập thì người ta có thể xây dựng từng tòa nhà và đưa vào khai thác (dù hạ tầng và dịch vụ thiết yếu có thể chưa đầy đủ). Mỗi tòa chung cư cao tầng muốn được đưa vào sử dụng thì mọi hạng mục, kết cấu phải được xây dựng hoàn chỉnh, như thiết bị thang máy, thang thoát hiểm và đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy… Pháp luật không cho phép gác các hạng mục này lại có thể làm sau (dạng phân kì) vì chưa đủ nguồn vốn.


                      Vụ tai nạn khiến ô tô 7 chỗ trên cao tốc thiếu chuẩn Cam Lộ-La Sơn

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án giao thông được thực hiện theo phương thức phân kì đầu tư. Tuyến đường có chiều dài 98,35 km, là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, được khánh thành và đưa vào khai thác ngày 31/12/2022. Với lí do được phân kì đầu tư nên tuyến cao tốc này nền đường chỉ rộng 12m với 2 làn xe, không có làn dừng xe khẩn cấp! Ngoài ra nhiều hạng mục của một tuyến cao tốc chưa có như trạm dừng nghỉ, hệ thống camera giám sát… Tóm lại công trình giao thông này chưa bảo đảm tiêu chuẩn của một tuyến đường cao tốc. Vậy nhưng hơn một năm qua tuyến cao tốc này đã được đưa vào khai thác bình thường như một dự án độc lập hoàn chỉnh. Cũng có thể ví với tòa chung cư thiếu các hạng mục, thiết bị an toàn mà vẫn được đưa vào sử dụng.

Lẽ ra tuyến cao tốc dài gần 100km trên phải được phân kì thành hai đoạn, chỉ xây dựng gần 50km trước thành một cao tốc hoàn chỉnh, đó mới là sự phân kì đúng đắn và có thể đưa vào khai thác bình thường. Có lẽ chính chủ đầu tư và cơ quan quản lí cũng hiểu rõ điều đó. Phải chăng vì một lí do nào đó họ muốn có một tuyến cao tốc với chi phí thấp nhanh chóng được đưa vào khai thác?

Nếu vụ tai nạn vừa xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn không phải là chiếc xe 7 chỗ mà là xe chở hành khách mấy chục con người thì có thể thiệt hại nhân mạng sẽ chẳng kém vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) năm qua./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  05/3/2024

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

Phim Nhà nước chưa coi trọng quảng cáo

 

 Quảng bá và quảng cáo

Quảng bá được hiểu là cách thức người ta đưa một nội dung, giá trị, một sản phẩm hữu ích nào đó tới cộng đồng vì lợi ích chung, có khi không vì mục tiêu lợi nhuận. Còn quảng cáo là cách người ta giới thiệu, miêu tả một sản phẩm được làm ra như một sản phẩm tốt, có giá trị để mọi người tìm đến, sử dụng dù thực chất chưa hẳn đã là một sản phẩm chất lượng. Mục tiêu của quảng cáo là lợi nhuận của người làm ra hàng hoá đó.  

Thực trạng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông của ta hiện nay đang phát triển theo hướng… quá đà! Từ nghệ sĩ tên tuổi đến diễn viên mới vào nghề có vai diễn được khán giả chú ý là lập tức thấy xuất hiện trong các video quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp. Vấn đề đáng nói ở đây là sự phóng đại chất lượng, giá trị, công dụng của sản phẩm đã được “quảng bá” thông qua những “người của công chúng”. Mục tiêu của doanh nghiệp tất nhiên vì lợi nhuận, còn mục đích của nghệ sĩ không gì khác là tiền thù lao. Còn công chúng rất có thể bị thiệt hại (về kinh tế, sức khỏe…) khi sử dụng sản phẩm không đúng như quảng cáo. Không chỉ diễn viên, một số phim truyền hình hiện nay đã được các đạo diễn “cài” nội dung, hình ảnh quảng cáo vào một cách lộ liễu. Có phim đưa cả đoạn dài lời thoại của nhân vật sử dụng một sản phẩm rồi khen nức nở về chất lượng, công dụng của sản phẩm đó, thậm chí còn đọc lời quảng cáo y hệt đoạn clip quảng cáo thông thường.  


                    Phim “Đào, phở và piano” rất may được khán quảng cáo giúp

Bộ phim “Đào, phở và piano” đang gây sốt tại các phòng vé chiếu phim tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được biết đã hoàn thành từ cuối năm 2023. Sau một số buổi chiếu, phim này suýt bị đưa vào kho lưu trữ như không ít phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất với mục tiêu tuyên truyền nhân các sự kiện chính trị. Cụ thể với phim này là hướng tới kỉ niệm ngày toàn quốc kháng chiến. Rất may có một Titoker đã chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, từ đó nhiều người mới biết đến rồi tạo ra một hệ quả ngoài mong đợi. Có thể vì là phim phi lợi nhuận nên cả nhà sản xuất lẫn nhà quản lí chỉ nghĩ tới quảng bá mà không màng gì chuyện quảng cáo và cũng có thể chẳng ai dự tính kinh phí cho quảng cáo cho bộ phim.  

Hiện còn không ít những sản phẩm văn hóa của Nhà nước được làm ra với chi phí nhiều tiền của nhưng lại đang bị lãng phí khi nó không tiếp cận được công chúng, đó là hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống. Hầu như tỉnh thành nào cũng có bảo tàng, đơn vị quân đội nào cũng có bảo tàng hoặc nhà truyền thống. Ngay tại Thủ đô có nhiều bảo tàng lớn chi phí tới cả nghìn tỉ đồng. Một thực trạng chung là hầu hết đều đìu hiu khách tham quan. Hiếm hoi chỉ thấy một bảo tàng của tỉnh Quảng Ninh là nhộn nhịp khách và tự trang trải được chi tiêu.

Sau hiện tượng “Đào, phở và piano” mong nhà quản lí nhận ra một điều, muốn quảng bá thì trước hết cũng cần quảng cáo. Lợi nhuận từ một sản phẩm văn hóa nghệ thuật chưa hẳn là tiền mà đó là giá trị tinh thần mang đến cho công chúng - thứ chưa chắc tiền đã mang lại được./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  02/3/2024

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Bao cấp nhà ở

 

 Xây nhà ở xã hội hay hạ giá nhà?

Vào năm 2018 đứa cháu tôi bốc thăm được xuất mua chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) dạng nhà ở chính sách của đơn vị quân đội theo hình thức đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Sau một năm cháu đã được nhận nhà với mức giá chừng 19 triệu đồng/m2. Với căn hộ 70m2 và khoản tiền chừng 1,3 tỉ nếu thực sự là người thu nhập thấp thì cũng phải rất cố gắng tích cóp, vay mượn mới có thể mua được. Bẵng đi mấy năm hỏi thăm được biết căn hộ hơn 1 tỉ 300 triệu đó nay đã có giá 2,5 tỉ đồng (đã có một số hộ cùng chung cư đó giao dịch thực tế). Vậy là chỉ sau 5 năm giá chung cư tòa nhà này đã tăng gần gấp đôi trong khi thu nhập của người thu nhập thấp khó có thể tăng nhanh chóng như vậy.


                  Giá của nhiều dự án nhà ở xã hội tăng chóng mặt.

Hiện Nhà nước đang đề ra mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Để đối tượng thu nhập thấp có thể tiếp cận được loại hình nhà ở này thì tất nhiên giá cả là điều tiên quyết. Muốn hạ được giá nhà thì Nhà nước buộc phải có cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế phí mà thực chất đó là sự bao cấp về giá. Trong nền kinh tế thị trường, yếu tố bao cấp giúp giá cả có sự chênh lệch và nó dễ trở thành mảnh đất cho sự lợi dụng, trục lợi chính sách, cuối cùng việc thụ hưởng chính sách chưa chắc đã đến đúng đối tượng. Với mức giá chung cư bình dân tại các quận nội thành Hà Nội hiện tại (chừng trên 30 triệu/m2) thì người thu nhập thấp vẫn rất khó có khả năng tài chính để đáp ứng.

Một trong những nguyên nhân khiến giá chung cư bình dân tăng cao như hiên nay là do thiếu nguồn cung. Các doanh nghiệp bất động sản chỉ chú tâm vào phân khúc căn hộ trung và cao cấp bởi nó mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn. Chính yếu tố giá chung cư hạng sang bị đẩy lên cao kết hợp hạn chế nguồn cung phân khúc thấp đã góp phần kéo theo nhà ở bình dân tăng giá nhanh thời gian qua.

Đã có những ý kiến chuyên gia đề xuất bỏ chính sách bao cấp trong xây dựng chung cư cho người thu nhập thấp, để thị trường vận hành đúng bản chất nền kinh tế thị trường. Nhà nước nên điều chỉnh thị trường bằng cách quy hoạch về khu vực, số lượng căn hộ bảo đảm cân đối các phân khúc, loại hình chung cư phù hợp nhu cầu thực tiễn của đa số người dân. Song song với đó là siết chặt quản lí hoạt động đầu cơ, mua bán nhà của người không có nhu cầu nhà ở bằng chính sách thuế, phí. Các chính sách được thực hiện đồng bộ, phù hợp mới có thể hạ giá nhà ở, nhất là phân khúc chung cư bình dân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  01/3/2024

Đại học chạy theo số lượng

 

Đại học đa ngành

Theo Luật Giáo dục đại học, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (mỗi lĩnh vực có nhiều ngành). Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số cơ sở giáo dục đại học khác. 

Hiện cả nước có 7 đại học gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Đang có các trường đại học muốn trở thành đại học, gồm Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây cũng là các trường đã khẳng định được chất lượng và danh tiếng trong hệ thống các trường đại học Việt Nam.


Trường ĐH Quảng Bình đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn

Hiện cả nước có khoảng 450 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chứng nhận. Con số này là không nhỏ với một đất nước có 100 triệu dân như Việt Nam. Trào lưu phấn đấu lên đại học khiến người ta nhớ đến một thời cách đây chưa xa từng xảy ra, đó là các tập đoàn kinh tế đua nhau kinh doanh đa ngành. Do ôm đồm, không chuyên sâu khiến nhiều “ông lớn” đa ngành làm ăn bết bát, thua lỗ triền miên và cuối cùng phải từ bỏ đa ngành, trở về những lĩnh vực, thế mạnh chính của mình.

Hồi đầu năm dư luận bất ngờ trước thông tin 136 viên chức và người lao động của Trường đại học Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 tháng đến 7,5 tháng. Nguyên nhân chậm trả lương là do khó khăn về công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm...

Trong hàng trăm trường đại học trên cả nước, rất có thể còn có những trường đang lâm vào tình cảnh khó khăn tựa Trường đại học Quảng Bình.

Nhiều chuyên gia từng nhận định, chất lượng đào tạo đại học trong nước chỉ ổn ở một số trường tốp đầu, còn lại phần lớn sinh viên ra trường thiếu kĩ năng mềm, thậm chí có em tốt nghiệp xuất sắc nhưng doanh nghiệp tiếp nhận vẫn phải đào tạo lại. Điều này đã bộc lộ đào tạo đại học tại nhiều trường đang chạy theo số lượng, hút sinh viên để bảo đảm nguồn thu mà chưa chú trọng chất lượng đào tạo.

Mỗi trường đại học muốn có chất lượng tốt cần bảo đảm các tiêu chí như chất lượng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu; tỉ lệ giảng viên trên sinh viên; chất lượng tuyển dụng; cơ sở vật chất, hạ tầng cho nghiên cứu, giảng dạy... Một khi các trường phấn đấu thành đại học đa ngành thì đương nhiên cũng cần bảo đảm các tiêu chí trên. Mở rộng ngành, lĩnh vực, quy mô đào tạo và thu hút thêm sinh viên là việc có thể làm được một sớm một chiều nhưng ngay lập tức bảo đảm được các tiêu chí về chất lượng cho đào tạo khi mở rộng là điều không tưởng.

Mong rằng các đại học và các trường đang muốn lên đại học không rơi vào vết xe kinh tế đa ngành./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/02/2024