Tìm
người tài
Cách đây hơn hai trăm năm, cụ Nguyễn Du
đã đúc kết “chữ tâm
kia mới bằng ba chữ tài”. Sự coi trọng cái tâm của
đại thi hào cũng chính là coi trọng đạo lí của con người trong mối quan hệ và
ứng xử, hay nói cách khác, tâm chính là đạo đức, là cái cần có trước tiên.
Bác Hồ chọn và thu phục được
nhiều người tài vì Người đã thực hành một đạo đức cách mạng kiểu mẫu cùng với
tâm huyết tất cả vì sự nghiệp độc lập dân tộc, nhằm mang lại hạnh phúc, ấm no
cho toàn dân. Cái tâm vô tư, cao thượng giúp Bác nhìn ra người tài. Còn tấm
gương đạo đức trong sáng giúp Người thu hút được người tài.
Tâm
huyết với nền bóng đá nước nhà, bầu Đức đã tìm được HLV Park Hang-seo.
Trong
buổi thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công
chức, vấn đề nhân tài và chính sách thu hút nhân tài được các đại biểu tranh
luận sôi nổi, thậm chí tương đối gay gắt. Tuy cùng một mục tiêu nhằm tìm ra
cách thức để thu hút người tài song mỗi ý kiến lại như đứng ở một góc độ khác
nhau nên khó tìm ra điểm chung.
Thế nào
là người tài?
Một
sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, ta có thể khẳng định ngay đó là một
sinh viên có tài (nhưng chưa phải là một công chức hay cán bộ tài). Người tài
dạng này cần có chính sách thu hút vào môi trường thực tiễn để họ thể hiện,
phát huy tiềm năng trở thành tài năng trong thực tiễn.
Một cán
bộ nghiên cứu khoa học có nhiều phát kiến được ứng dụng giúp nâng cao năng
suất, chất lượng sản phẩm, tăng trưởng sản xuất… thì đó là một người tài cần
tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy tài năng khoa học.
Một cán
bộ quản lí điều hành công việc có nhiều đổi mới, sử dụng, phát huy tốt đội
ngũ thuộc quyền giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ,
đó là một cán bộ tài, cần cân nhắc trong bổ nhiệm…
Có ý
kiến nêu cần có tiêu chí, khái niệm thế nào là người tài, trên cơ sở “ba rem”
đó để xác định đâu là người tài!
Nhiều ý
kiến khác nhau song chưa ai đặt vấn đề và tìm hiểu tại sao trong những năm
kháng chiến khó khăn ác liệt, Đảng và Bác lại tập hợp được nhiều người tài
năng như thế? Không chỉ một số cá nhân kiệt xuất xung quanh Bác, ở tất cả các
cấp, từ trung ương tới cơ sở đã có vô vàn người tài, sẵn sàng hi sinh quyền
lợi, không đòi hỏi, vô tư cống hiến cho cách mạng, tạo nên sức mạnh của dân
tộc. Cái cốt lõi là những “người tìm người tài” đã noi gương Bác, có đạo đức
cách mạng và cái tâm trong sáng, không vụ lợi cá nhân. Có thể thấy, người tài
trên đất nước ta chẳng bao giờ thiếu. Do vậy, thay vì tranh luận tìm người
tài thế nào, hãy tìm giải pháp xây dựng được những lãnh đạo, người đứng đầu thực
sự có tâm, có đức.
Mô hình "một người làm quan, cả họ… có tài!
Thực
trạng “cả họ làm quan” ở không ít địa phương hiện nay, thử nhìn người lãnh
đạo nơi đó đã gương mẫu, chí công vô tư hay chưa? Người tài năng làm việc
trong môi trường đó liệu có được ghi nhận và sẽ còn động lực cống hiến, phát
huy tài năng?
Giả sử
sẽ có một bộ tiêu chuẩn, dạng “ba rem” người tài, nhưng người đứng đầu tâm không
trong sáng, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng “một người làm
quan, cả họ… có tài”!./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 31 tháng 10 năm 2019 |
Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019
Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019
Ai dùng bằng giả?
Nạn buôn bán bằng cấp giả diễn ra nhiều năm qua. Liên tiếp những
vụ phát hiện đường dây sản xuất loại “hàng” này bị phát hiện, gần đây còn có
cả một trường đại học tham gia, chứng tỏ “nạn dịch” chưa có liều thuốc đặc
trị nên khó “thuyên giảm”.
Quy luật thị trường là có cầu ắt sẽ có cung. Vậy thử điểm xem
những đối tượng khách hàng “tiềm năng” của loại “hàng” này là ai?
Bằng kỹ sư của một trường đại học tại TPHCM bị làm giả
Nông dân, tiểu thương, công nhân… chẳng ai có nhu cầu dùng bằng
giả vì nó không giúp gì cho họ. Sinh viên nếu dùng tấm bằng giả đi xin việc, thiếu
kiến thức, kĩ năng sẽ bị nhà tuyển dụng loại ngay. Thậm chí người có bằng
thật loại khá giỏi đôi khi còn khó được tuyển dụng, phải cất bằng đi để đầu
quân vào làm công nhân khu công nghiệp. Còn người giảng dạy, nghiên cứu khoa
học có lẽ chẳng ai có nhu cầu mua bằng giả vì trình độ giả không thể đứng
được ở môi trường lao động trí tuệ chuyên sâu...
Một số vụ phát hiện sử dụng bằng cấp giả vừa qua chủ yếu là cán
bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan quản lí hành chính nhà nước.
Hai vụ sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang gây
xôn xao dư luận, người thì mượn bằng của chị, người thì dùng bằng cấp 3 giả
mà vẫn leo lên được chức trưởng phòng, phó phòng.
Bằng cấp 3 và tờ trình
của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo- trưởng phòng Hành chính quản trị thuộc
văn phòng tỉnh ủy Đăk Lăk
Xem ra bằng cấp giả được tiêu thụ chủ yếu ở khu vực công, khi mà
tiêu chí bằng cấp là yếu tố quan trọng trong tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch…
trong khi năng lực thực tiễn chưa được coi trọng.
Một lãnh đạo có bằng tiến sĩ so với lãnh đạo không có bằng này
cũng khó nhận ra sự khác biệt trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ bởi môi
trường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí hành chính không đòi hỏi trình độ quá
chuyên sâu. Người có bằng cấp cao nên bố trí vào môi trường nghiên cứu khoa
học, nơi người ta có thể phát huy được trí tuệ nếu thực sự có trình độ cao. So
sánh với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, số người làm lãnh đạo, quản lí
có bằng cấp cao ở Việt Nam ta không thua kém nước nào. Tuy số lượng giáo sư,
tiến sĩ nhiều hơn các nước trong khu vực song các công trình nghiên cứu, bài
báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín của ta thua xa Singapo, Malaixia,
Thái Lan…
Thời gian qua, trước sự bức xúc của người dân về nạn thương binh
giả, giả nạn nhân chất độc da cam… để hưởng lợi chính sách, ngành lao động -
thương binh và xã hội một số địa phương vào cuộc rà soát đã phát hiện hàng
nghìn trường hợp giả mạo. Ngân sách Nhà nước đã và đang thất thoát con số
không nhỏ từ thực trạng này. Tuy nhiên với cán bộ, công chức dùng bằng giả
còn thiệt hại gấp bội so với chuyện trục lợi chính sách kể trên, hơn nữa, nó
làm suy yếu bộ máy công vụ, suy giảm niềm tin.
Đã
đến lúc cần rà soát lại việc sử dụng bằng cấp trong hệ thống cơ quan Đảng,
chính quyền và cơ quan quản lí hành chính Nhà nước, nhất là trước khi bước vào
kì đại hội đảng các cấp. Cần ngăn ngừa, loại bỏ những người có “trình độ giả”
dùng thủ đoạn chui vào cơ quan lãnh đạo, bộ máy chính quyền. Nên chăng có quy
định xác minh bằng cấp với những trường hợp cơ cấu bầu vào cấp ủy, đưa vào quy
hoạch, trước khi bổ nhiệm và người có đơn thư tố cáo về sử dụng bằng cấp./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 30
tháng 10 năm 2019
|
Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019
“Lai, se” có trách nhiệm
Trên giao diện trang Facebook của mỗi cá nhân có các dòng trạng
thái gợi ý bằng tiếng Anh: like (thích), share (chia sẻ) và comment (bình
luận).
Chủ tài khoản mạng xã hội nào cũng mong được sự quan tâm, chia sẻ
những dòng trạng thái của mình từ người khác. Người dùng mạng nhằm mục đích
kinh doanh, kiếm tiền thì lại càng mong có nhiều “khách” vãng lai. Thế nhưng,
cũng như mọi quan hệ giữa người với người ngoài đời thực, sự quan tâm đó cần
thực tâm chứ chẳng ai muốn đó là đãi bôi, sáo rỗng, ứng xử cho phải phép.
Hình ảnh phản cảm được chia sẻ trên
Facebook.
Trước kia từng có câu chuyện đàm tiếu về một ông thủ trưởng luôn
có câu cửa miệng “Vậy à? Tốt! Tốt”. Khi tiếp xúc với cấp dưới, để thể hiện sự
quan tâm mọi người ông thường hỏi thăm sức khỏe, gia đình, khi được chia sẻ
ông luôn đáp lại ngay bằng cụm từ “Vậy à? Tốt! Tốt” mà chẳng quan tâm xem cấp
dưới nói gì.
Có một nhân viên xin nghỉ phép về quê vì bố ốm nặng. Khi trả phép
lên báo cáo, ông hỏi thăm: “Tình hình quê hương, mùa màng thế nào? - Dạ, báo
cáo, năm nay quê em hạn hán, mất mùa, thu hoạch kém lắm ạ! - Vậy à? Tốt! Tốt!
Thế bố mẹ khỏe cả chứ? - Dạ mẹ em đau ốm suốt, thuốc thang triền miên. Còn bố
em mất cách đây 10 ngày, do xa quá nên em không kịp báo cơ quan. - Vậy à?
Tốt! Tốt!”. Cậu nhân viên tròn mắt ngạc nhiên chẳng hiểu thủ trưởng khen tốt
cái gì?
Ngày nay trên mạng xã hội cũng có câu chuyện na ná cách ứng xử
của vị thủ trưởng trên.
Một tài khoản facebook đăng ảnh một bà già rách rưới ngồi cạnh
thùng rác, đang ăn chút thức ăn (có vẻ là đồ thải vừa tìm được). Thế nhưng
vẫn có hàng chục tài khoản khác (chắc là của bạn bè, người thân) like, share
“rào rào”. Chẳng hiểu họ đang thích thú cái gì trước hình ảnh buồn ấy và họ
chia sẻ cho ai?
Phát ngôn máu lạnh từng gây phẫn nộ cộng đồng mạng.
Một tài khoản facebook khác đăng một bức tranh phật cùng lời nhắn
“Ai muốn được phúc đức, may mắn hãy chia sẻ ngay với người khác”. Vậy là lại
mưa like, share...
Có không ít tài khoản đã vô tư chia sẻ, nhận xét những thông tin
không được kiểm chứng, để lại hậu quả đáng tiếc cho người khác…
Sự vô tâm trong chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và bình luận theo đám
đông đã và đang bị kẻ xấu coi là một nguồn sức mạng hoang dã, một tiềm năng
cần triệt để lợi dụng. Nạn bắt nạt trên mạng trong giới trẻ ngày càng nở rộ,
nhiều mâu thuẫn “ảo” đã được hiện thực hóa thành những vụ đánh lộn ngoài đời.
Điều đáng lo hơn là những kẻ cơ hội chính trị, các thế lực thù địch, chống
phá Đảng và Nhà nước ta cũng đang triệt để tận dụng sức mạnh “hoang dã” của
mạng xã hội nhằm gây phân tâm, bất ổn và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Không ít bài viết "cài" những nội dung bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, xuyên tạc lịch sử, đường lối chính sách... nhưng vẫn được nhiều người
vô tư "lai, se" và bình luận theo quan điểm kẻ xấu.
Hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông thái và có trách
nhiệm bởi đằng sau mỗi cú nhấp chuột “lai, se” có thể như một hòn đá ta đã vô
tâm ném “vu vơ” lên trời!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 10 năm 2019 |
Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019
Cái giá của… “không biết”
Chỉ trong vòng vài ba năm, từ hai bàn tay trắng, một tập đoàn địa
ốc đã có trong tay cả nghìn tỉ đồng. Họ mua gom đất, vẽ ra hàng chục dự án
khắp từ Đồng Nai, xuống Bà Rịa Vũng Tàu rồi ra Bình Thuận, tất cả cùng một
chiêu “dự án ma”, tuy rất hoành tráng nhưng tuyệt nhiên không có chút nào về
tính pháp lí. Hàng nghìn người đổ xô vào đầu tư với hi vọng lãi lớn. Họ tin
vì những dự án lớn, hoạt động rầm rộ thế sao có thể là giả vì còn có chính
quyền sở tại. Nhưng rồi dần dà họ cũng nhận ra rằng mình bị lừa, gắng đòi lại
vốn đầu tư nhưng không thể. Sau khi vụ việc lừa đảo vỡ lở bị truy tố, nhiều
lãnh đạo địa phương thản nhiên cho rằng họ… không biết!
Một đơn vị tự giới thiệu là doanh nghiệp công nghệ đến từ Vương
quốc Anh có tên là Eagle Rock Global (ERG) huy động vốn hứa trả lãi theo ngày
với lãi suất "khủng" gần 200 %/năm. Muốn trở thành nhà đầu tư,
người dân phải tham gia từ 100 USD trở lên. Nhà đầu tư chỉ cần nộp tiền cho
người môi giới, sau đó ngồi chơi để lĩnh lãi. Lãi được trả theo ngày sơ sơ
tính cũng cao gấp khoảng 22 lần so với lãi suất ngân hàng. Thấy quá “ngon ăn”
hàng chục nghìn người đã và đang nhanh chóng xuống tiền. Trang mạng của ERG
liên tục cập nhật các mức đầu tư "khủng" lên tới hàng trăm triệu
đồng, thậm chí có trường hợp tới hơn 5 tỉ đồng. Hiện ERG vẫn đang liên tục tổ
chức hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư lên tới hàng nghìn người tại nhiều tỉnh
thành. Dấu hiệu huy động vốn kiểu đa cấp lừa đảo đã rõ nhưng xem ra nhiều
lãnh đạo địa phương vẫn… không biết!
Tôi từng biết một việc xảy ra ở tổ dân phố nọ, khi Công ty X tới
xin tổ chức giới thiệu sản phẩm, tờ công văn có bút phê của lãnh đạo phường:
“Công ty X đến quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, đề nghị các tổ dân
phố tạo điều kiện để công ty hoàn thành nhiệm vụ”. Nhìn chữ kí lãnh đạo cùng
con dấu đỏ chót, ông tổ trưởng dân phố đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” mời các
gia đình ra nhà văn hóa dự. Nghe những lời quảng cáo hay như rót vào tai cùng
nhiều sản phẩm gia dụng bắt mắt, vài người đã nhanh chóng “xuống tiền”. Những
người mua sản phẩm giá trị cao còn được tặng một phong bì dán kín, gọi là quà
khuyến mại. Không lâu, toàn bộ số hàng công ty mang đến đã hết veo! Vài ngày
sau người dân mới vỡ lẽ, đó toàn là hàng Tàu rẻ tiền nhưng bị mua với giá đắt
gấp nhiều lần. Người ta còn được biết, Công ty X cũng có chiếc phong bì nho
nhỏ cám ơn lãnh đạo phường. Giá trị chiếc phong bì ấy có lẽ chỉ là con số “bé
tẹo” so với số tiền mà họ kiếm được từ những người dân.
Thực tế cho thấy, từ việc to đến chuyện nhỏ tại mỗi địa phương
rất khó qua mặt người có trách nhiệm, ví như ở TP Hồ Chí Minh mấy năm trước, chỉ
một chiếc chòi vịt làm không đúng luật còn bị xử lí vi phạm hành chính nữa là.
Người dân “không biết thật” nên mất hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, cái
giá quá đắt. Còn người có trách nhiệm “không biết” cũng có cái giá, nhưng giá
đó thật rẻ mạt so với những mất mát của người dân./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 24 tháng 10 năm 2019 |
Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019
Để
lòng thiện mang lại hiệu quả thiết thực
Tại chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì
người nghèo" năm 2019 tối 17/10 có 143 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
đăng kí ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tổng
số tiền lên tới trên 877 tỉ đồng.
Cùng với đợt hoạt động cao điểm này, hằng năm tại các địa phương
vẫn đang duy trì việc quyên góp cho quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì người
nghèo… tạo được một nguồn lực không nhỏ.
Nhiều nơi ở vùng cao đời sống người dân, nhất là trẻ nhỏ vô cùng thiếu thốn
Hồi đầu năm tại Quảng Bình phát lộ vụ một Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã
“ôm” 60 triệu đồng tiền hỗ trợ của đoàn từ thiện trao cho 20 hộ dân suốt 2
năm liền. Mấy năm trước cũng tại tỉnh này, từng có chuyện ở một thôn tiền cứu
trợ đã phát ra nhưng lại được thu hồi để chia đều cho các hộ khiến dư luận
xôn xao. Còn ở một xã của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từng có chuyện người
nghèo bị cho ra khỏi danh sách, hộ khá giả, anh em họ hàng với lãnh đạo xã
lại được đưa vào hộ nghèo. Hay ở một địa phương của Thanh Hóa gần đây cũng
vậy, người nhà cán bộ được “cài” vào danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách.
Vừa qua, tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội xảy ra một
chuyện đáng buồn khi một số cán bộ, nhân viên đã tuồn hàng từ thiện ra ngoài
trục lợi... Những chuyện đại loại như thế đã và đang xảy ra ở không ít địa
phương trên cả nước…
Trong các ô bôi vàng là tên vợ của lãnh đạo, cán bộ UBND xã Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa được ghép vào danh sách hộ nghèo của xã - Ảnh: Tuổi trẻ
Mọi doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm khi đóng góp từ thiện luôn mong
những đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả, không bị xà xẻo, tư túi. Việc
cấp phát nguồn quỹ xuống các cấp rất dễ bị “rơi rụng” nếu cán bộ thực thi ở
cơ sở không trong sáng cùng với sự quản lí lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát
của cấp trên và cộng đồng.
Đã đến lúc cần đổi mới trong quản lí, sử dụng nguồn lực xã hội
này, không nên theo hình thức cho “con cá” bởi nó rất dễ bị vụng trộm, rơi
rụng mà hiệu quả cũng chỉ nhất thời. Nguồn lực cần tập trung tạo sinh kế cho
những khu vực khó khăn, vùng sâu, miền núi, đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ
tầng, phúc lợi. Bên cạnh đó cần có giải pháp quản lí chặt chẽ, hạn chế tình
trạng trục lợi, làm mất đi mục tiêu, ý nghĩa và mong đợi của những tấm lòng
thiện nguyện.
Hiện
nay rất nhiều người cao tuổi sống ở vùng nông thôn, vùng sâu phải nhờ vào nguồn
thu nhập của con cháu vì không có lương hưu. Nhà nước đang có hình thức hỗ trợ
hộ nghèo, cận nghèo mua BHXH, BHYT tự nguyện rất thiết thực và hiệu quả. Dẫu
vậy vẫn còn nhiều người không có điều kiện tham gia loại hình bảo hiểm này dù
đã được hỗ trợ tới 30-40%. Nếu nguồn lực quỹ trên được tăng thêm cho hình thức
hỗ trợ này sẽ mang lại hiệu quả tích cực mà việc lợi dụng, trục lợi cũng khó
xảy ra./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 23
tháng 10 năm 2019
|
Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019
Gia đình “lỏng lẻo”
Việt Nam ta và số ít nước châu Á đã và đang duy trì được gia đình
truyền thống, mô hình mà nhiều nước công nghiệp phát triển đã đánh mất.
Cách đây mấy chục năm, khi mà chiếc điện thoại bàn còn hiếm hoi thì
những người sống xa gia đình, người thân chủ yếu tâm sự, chia sẻ mọi chuyện
qua những cánh thư. Những dịp được đoàn tụ, gặp gỡ người thân là những khoảnh
khắc hạnh phúc và quý giá nhất.
Ngày nay, nhờ công nghệ phát triển, chuyện những cánh thư đang đi
vào quá vãng. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính hay laptop
kết nối mạng thì mọi thứ đều “nằm gọn” trong lòng bàn tay. Người ta có thể
trực tiếp tâm sự, nhìn thấy nhau dù có xa nửa vòng trái đất.
Ảnh minh họa
Nhờ công nghệ cùng với kiến thức, giới trẻ có thể làm quen, kết
bạn với mọi người trên khắp thế giới dù chẳng phải ra khỏi lũy tre làng. Công
nghệ ngày nay đã làm cho thế giới như bị thu nhỏ lại, những sự kiện lớn, vấn
đề thời sự nóng hầu như chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ là cả thế giới đều
biết.
Thế nhưng, sự lam dụng công nghệ lại đang làm cho gia đình truyền
thống như ngày càng kém gắn kết, thậm chí thành viên như đang dần cách xa
nhau.
Một gia đình trẻ sống độc lập, vợ chồng 8 giờ làm việc tại cơ
quan, con nhỏ thì sống ở trường, chỉ hết ngày là gặp nhau đoàn tụ tại mâm cơm
tối. Thời gian ít ỏi còn lại trong ngày đó đôi khi lại bị chiếc ti vi, chiếc
smartphone lấy mất và mọi thành viên cũng không còn nhiều thời gian để chia
sẻ, trò chuyện, quan tâm công việc của nhau.
Xây dựng nền tảng gia đình truyền thống xưa dựa trên sự thấu
hiểu, đồng cảm và chia sẻ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Trò chuyện,
giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp mỗi thành viên hiểu nhau hơn và chia sẻ
với nhau được nhiều hơn. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng công nghệ khiến người
ta như bị ma thuật lôi kéo về phía những giá trị sống ảo đồng thời làm con
người cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cha mẹ, vợ chồng, con cái dù
hằng ngày nhìn thấy nhau nhưng hình như mỗi người đang đi đến một bầu trời
riêng, sự quan tâm, thấu hiểu giảm dần.
Công nghệ khiến sự gắn kết gia đình giảm dần. Ảnh minh họa
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình truyền thống hằng nghìn
năm qua đã khẳng định giá trị như một “tế bào tốt” trong nuôi dưỡng và đề
kháng. Khi mà mỗi tế bào ấy không còn nhiều gắn kết bằng sợi dây tình cảm thì
sự ích kỉ sẽ có đất sinh sôi. Môi trường gia đình là nền tảng quan trọng hình
thành nên nhân cách, đạo đức của mỗi con người, nhất là con trẻ. Sự ích kỉ
nổi lên, sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình là điều đáng lo ngại cho cả xã
hội.
Thực tiễn đã minh chứng, nhiều trẻ em bị hư hỏng, phạm tội xuất
thân từ những gia đình tan vỡ. Thế nhưng gia đình “lỏng lẻo” cũng khó hình
thành được những nhân cách hoàn thiện. Khi người ta “xa người ở gần” nhưng
lại “gần kẻ ở xa” sẽ tiềm ẩn những hệ quả khó lường bởi sự tác động của môi
trường không lành mạnh./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17 tháng 10 năm
2019
|
Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019
Sửa một chữ để biến tà thành chính
Anh bạn tôi là giám đốc
doanh nghiệp tư nhân có lần tâm sự: “Các ông là cán bộ chính trị hình như vẫn
giữ quan điểm bảo thủ. Đất nước đã qua chiến tranh hơn 40 năm rồi, cũng nên
rộng lượng để tạo sự đoàn kết dân tộc, vậy mà nhắc đến lịch sử tôi lại nghe
câu ngụy quân, ngụy quyền”!
Nghe thế tôi chỉ cười và bảo “chuyện này cần hiểu đầu đuôi, không
thể vài lời là rõ được. Hẹn ông lúc nào có thời gian ta trao đổi”.
Từ ngụy (gốc Hán Việt hàm nghĩa giả tạo) được một số người coi là
cách gọi không thân thiện khi nhắc về thể chế Việt Nam cộng hòa. Với thể chế này
có người cho rằng dù sao họ cũng là một thực thể từng tồn tại, nên được thừa
nhận. Nghĩa cụ thể từ “thực thể” tức là một thể chế có thực. Một “thực thể” lại
có quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương thì
phải gọi là chính quyền mới chính xác. Đây chỉ là sự lập lờ khái niệm nhằm
đánh tráo. Chấp nhận cách gọi đó có nghĩa trên đất nước Việt Nam giai đoạn
1946-1975 song song tồn tại hai chính quyền và cuộc chiến tranh giai đoạn này
chỉ là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Trong hai chính quyền đó sẽ phải có
một “chính” và một “tà”, không thể cả hai đều chính nghĩa!
Ngày 19/8/1945, tại
Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng
Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Vậy xem đâu là “chính”, đâu là “tà”?
Kể từ năm 1858, khi thực dân Pháp đổ bộ vào nước ta, triều đình
phong kiến đầu hàng, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Theo
người Pháp, đây là công cuộc “khai hóa văn minh” cho một xứ sở nghèo nàn lạc
hậu. Công cuộc “khai hóa” đó để lại kết quả là đến trước tháng Tám năm 1945
có 95% người dân mù chữ dù từng là dân tộc 4.000 năm văn hiến. Còn đời sống
vật chất được minh chứng bằng hơn 2 triệu người chết đói trong khi kho thóc
của chính quyền vẫn đầy. Cuộc cách mạng tháng Tám là sự bùng nổ tất yếu khi
mâu thuẫn bị dồn nén cao độ. Chính quyền mới ra đời từ cuộc cách mạng này đã
được nhà nước phong kiến thừa nhận, trao lại quyền lực qua biểu tượng Bảo Đại
trả ấn tín và thanh gươm quyền lực cho Chính phủ lâm thời tại cố đô Huế. Câu
nói “Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước độc lập…” của vị vua cuối
cùng có lẽ là lời thành thật bởi trước đó các vị vua tiến bộ như Thành Thái, Duy
Tân từng muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của chế độ bảo hộ Pháp nhưng bất
thành. Dù được bàn giao chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm
thời vẫn rất tỉnh táo, khôn khéo khi sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc
bầu ra Quốc hội nước Việt Nam độc lập vào tháng 1/1946. Chính quyền do Quốc
hội này lập ra mang tính chính danh “quang minh, chính đại”, với thành phần
không phân biệt đảng phái, là đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đông đảo nhân dân nô nức tham gia cuộc tổng
tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946.
Sẽ chẳng có cuộc chiến tranh nào nữa nếu người Pháp chấp nhận
thực tế là Việt Nam đã độc lập, đã có một chính quyền của dân, do dân. Tiếc
rằng, trong năm 1946, khi mà chính quyền còn non trẻ, đất nước đang bộn bề,
họ đã tranh thủ nhảy vào, ngụy tạo một chính quyền để hợp thức sự tái xâm
lược. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, người Pháp đã sai lầm lần nữa khi chuyển
giao thể chế ngụy tạo ấy cho người Mỹ và để lại hệ quả một cuộc chiến tranh
hơn 20 năm hao người tốn của.
Nhiều người đã quên hoặc cố quên: Chính quyền của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa là do Nhân dân lập nên. Chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt
Nam do nước ngoài ngụy tạo. Thừa nhận chính quyền do nước ngoài dựng lên cũng
có nghĩa chẳng có cuộc xâm lược nào của người Pháp hay người Mỹ. Điều nguy
hại là trong một số người, nhất là thế hệ trẻ đang có sự mơ hồ hoặc ngộ nhận
do tác động từ những thông tin lệch lạc.
Nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức chế độ cũ tham gia Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Với chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng
khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước ta không bao giờ muốn “đào xới” quá
khứ đau thương của dân tộc. Cuộc hàn gắn vết thương không phải dễ dàng, khi
mà ngay tại một gia đình cũng có thể tồn tại thành viên ở hai chiến tuyến.
Thế nhưng một số thế lực thù địch lưu vong lại luôn muốn xới lại quá khứ mong
viết lại và “bẻ cong” lịch sử. Việc làm đó chỉ nhằm gỡ lại thể diện, thanh
danh cho số ít cá nhân chứ đâu phải để xây dựng khối đoàn kết dân tộc?
Sự đoàn kết vững chắc nhất phải được xây dựng dựa trên sự tôn
trọng thực tế khách quan của lịch sử. Những động cơ, hành vi nhằm xem xét lại
lịch sử chính là sự phá hoại nền móng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần
phải ngăn chặn./.
Đinh
Hoàng
Bài đăng mục Vấn đề hôm nay,
đặc san đăng Báo Người cao tuổi tháng 10 năm 2019
|
Chữ “trọng nhất” dưới mái trường nay
“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ,
biết học hành là ngoan”.
Hai câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ đồng thời là phương
châm, trách nhiệm của bao thế hệ đã quan tâm, chăm lo cho lớp măng non của
đất nước.
Với lứa
tuổi ấy, Bác coi điều quan trọng trước tiên là “biết ăn, biết ngủ”, cũng có
nghĩa phải chăm lo cho trẻ việc ăn ngủ trước tiên. Thể chất có khỏe mạnh mới
tạo nên nền tảng để lĩnh hội tri thức.
Ảnh minh họa
Thế nhưng,
một số vụ việc đáng buồn thời gian qua về việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ em mầm
non, tiểu học khiến dư luận từ buồn đến ngày càng lo ngại.
Ngôi trường
có tên Trường Quốc tế Việt Úc (ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh) phụ huynh đóng gần
200.000 đồng cho một ngày (3 bữa) nhưng suất cơm èo uột. Một số phụ huynh vì
thấy con mình đi học về thường xuyên kêu đói đã vào trường kiểm tra và thấy
suất ăn mỗi em chỉ là một ít gà kho nhỏ, 2 miếng cá tẩm bột chiên, tí đồ xào,
canh và tráng miệng.
Còn tại
Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) suất ăn trưa trị
giá 27.000 nhưng lại quá đạm bạc, hình ảnh đó được đưa lên mạng xã hội. Trước
phản ứng bức xúc của phụ huynh, hiệu trưởng trường này đã khóc, mong được
“thông cảm”…
Học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh ăn bán trú tại trường. Ảnh: Doanh nhân trẻ
Còn nhớ một
thời đất nước nghèo khó, hệ thống trường thiếu sinh quân, trường học sinh
miền Nam tập kết ra Bắc được hình thành. Khi đó vật chất vô cùng khó khăn,
thiếu thốn nhưng các cháu học sinh được quan tâm mức cao nhất và quan trọng
hơn là tình cảm thầy cô với học sinh như cha mẹ, anh chị trong một nhà. Đội
ngũ thầy cô tuy ít bằng cấp nhưng đầy tình yêu thương học sinh, nhờ vậy đã
tạo được một thế hệ học sinh có vốn tri thức, nền tảng đạo đức tốt để sau hòa
bình trở thành đảng viên, cán bộ tài năng xây dựng đất nước.
Vụ việc
suất ăn có thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh)
những tưởng là bài học buồn, hiệu trưởng các trường sẽ nhìn nhận, đưa ra
những sáng kiến, giải pháp quản lí và chăm sóc tốt hơn bữa ăn cho các em. Vậy
mà lại liên tiếp xảy ra hai vụ đáng trách trên. Gần đây nhất gần 100 em học
sinh của Trường mầm non Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), rồi hơn 100 học
sinh trường Tiểu học Cẩm Thượng (Hải Dương) phải nhập viện cấp cứu… rất có
thể cũng vì chất lượng bữa ăn, nước uống tại trường. Biết đâu còn những bữa
ăn bán trú quá đạm bạc, kém chất lượng chưa bị nêu tên?
Câu khẩu
hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” có lẽ chẳng ngôi trường nào không thấy.
Khi người ta có lòng thương yêu thì cái quan tâm nhất cho nhau là bữa ăn, là
sức khỏe. Nếu thực sự là nơi có tình thương yêu, học sinh sẽ không phải ăn
đói, không phải nếm những món thịt bẩn tại bếp bán trú.
Nhiều
trường nay chỉ thấy đa dạng hóa trong những khoản đóng tiền và sáng tạo ra tờ
đơn mẫu “đơn tự nguyện đóng góp” giúp phụ huynh học sinh. Chưa thấy những
sáng kiến nâng cao chất lượng bữa ăn học sinh, nhất là trường mầm non.
Có vẻ cái
chữ “trọng nhất” dưới nhiều mái trường nay không còn là Tình Thương mà đó là
chữ… Tiền!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 10 năm 2019
|
Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019
Gia đình hóa
Trong một cơ quan, đơn vị khi mà mọi người coi nhau như trong một
gia đình thì thật tuyệt vời. Khi đó sự yêu thương, đùm bọc được đề cao và đặc
biệt, sẽ tạo nên một khối đoàn kết và sức mạnh.
Thế nhưng thử đặt một câu hỏi, nếu trong một cơ quan, tập thể chỉ
toàn là anh em, cha con, họ hàng thân thuộc thì sẽ thế nào? Sự yêu thương,
đùm bọc, khối đoàn kết - đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, sự đoàn kết đó chưa
chắc đã vì quyền lợi của tất cả mọi người và chủ trương của cấp ủy Đảng dễ bị
méo mó.
Mấy năm qua, thỉnh thoảng lại rộ lên câu chuyện “cả họ làm quan”,
“cấp ủy gia đình” ở huyện này, tỉnh kia sau đó lại chìm vào quên lãng. Tuy
chỉ là thông tin trên mạng xã hội nhưng họ lại nêu khá chi tiết từng trường
hợp có quan hệ với lãnh đạo cao nhất của địa phương thế nào, từ học hành,
bằng cấp, chức vụ hiện tại, là anh em, con cháu, thông gia, hay họ hàng thân
tộc… Một trong những lãnh đạo hàng tỉnh bị tung lên mạng mấy năm trước có
người đứng đầu Hà Giang khi đó là ông Triệu Tài Vinh. Vì là thông tin chưa
được kiểm chứng nên nhiều người nghĩ đó chỉ là tin thất thiệt nhằm hạ uy tín
lãnh đạo. Rồi cũng có tờ báo phỏng vấn được ông Triệu Tài Vinh, ông đã phủ
nhận những thông tin không chính xác, khẳng định một số trường hợp người thân
làm lãnh đạo tại sở, ngành, huyện đều có năng lực tốt, được bổ nhiệm đúng quy
trình, quy định.
Khi vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang phát lộ, rồi việc xử lí
của địa phương này với những người liên quan vụ việc dư luận mới biết rằng,
chỉ một trường hợp con (của vợ ông Triệu Tài Vinh) được nâng điểm đã liên
quan đến mấy người trong gia đình ông này. Đó là vợ ông, bà Phạm Thị Hà, Phó
Giám đốc một sở. Đó là bà Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng của một sở khác,
em ruột ông Vinh. Đối chiếu lại thông tin mạng xã hội đã nêu thì thấy hai
trường hợp này là chính xác. Vậy hàng chục nhân sự khác từ tỉnh đến huyện được
cho là thân tộc của lãnh đạo tỉnh có thể không phải chuyện bịa.
Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố danh sách 151
trường hợp cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kì thi THPT
quốc gia 2018. Trong số 29 cán
bộ, đảng viên phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” có bà Phạm
Thị Hà (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh) vì để “em chồng tác
động nâng điểm thi cho con”. Việc xử lí của Hà Giang có vẻ “lắt léo” và rõ
ràng là “nhẹ hều” so với hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình, khi mà vụ việc từ hình
thức tới bản chất là như nhau. Dư luận có quyền nghi ngờ rằng cấp ủy, UBKT
của địa phương này đã bị “gia đình hóa” nên mới có sự vòng vo, tránh né và
thiếu nghiêm túc như vậy.
Các bị can bị truy tố trong vụ án gian lận thi cử xảy
ra tại Hòa Bình
Vụ
việc ở Hà Giang đang đặt ra một vấn đề lớn đòi hỏi tổ chức Đảng cần nghiêm
túc nhìn nhận, rà xét lại các địa phương khác, khi mà đại hội các cấp đang
đến gần. Giả sử một cấp ủy lại toàn là người một nhà (theo nghĩa đen) thì khi
đó cấp ủy có còn là của Đảng?/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 10 tháng
10 năm 2019
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)