Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

 Ai dùng bằng giả?

Nạn buôn bán bằng cấp giả diễn ra nhiều năm qua. Liên tiếp những vụ phát hiện đường dây sản xuất loại “hàng” này bị phát hiện, gần đây còn có cả một trường đại học tham gia, chứng tỏ “nạn dịch” chưa có liều thuốc đặc trị nên khó “thuyên giảm”.
Quy luật thị trường là có cầu ắt sẽ có cung. Vậy thử điểm xem những đối tượng khách hàng “tiềm năng” của loại “hàng” này là ai?


Bằng kỹ sư của một trường đại học tại TPHCM bị làm giả

Nông dân, tiểu thương, công nhân… chẳng ai có nhu cầu dùng bằng giả vì nó không giúp gì cho họ. Sinh viên nếu dùng tấm bằng giả đi xin việc, thiếu kiến thức, kĩ năng sẽ bị nhà tuyển dụng loại ngay. Thậm chí người có bằng thật loại khá giỏi đôi khi còn khó được tuyển dụng, phải cất bằng đi để đầu quân vào làm công nhân khu công nghiệp. Còn người giảng dạy, nghiên cứu khoa học có lẽ chẳng ai có nhu cầu mua bằng giả vì trình độ giả không thể đứng được ở môi trường lao động trí tuệ chuyên sâu...
Một số vụ phát hiện sử dụng bằng cấp giả vừa qua chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan quản lí hành chính nhà nước.
Hai vụ sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang gây xôn xao dư luận, người thì mượn bằng của chị, người thì dùng bằng cấp 3 giả mà vẫn leo lên được chức trưởng phòng, phó phòng.


Bằng cấp 3 và tờ trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo- trưởng phòng Hành chính quản trị thuộc văn phòng tỉnh ủy Đăk Lăk

Xem ra bằng cấp giả được tiêu thụ chủ yếu ở khu vực công, khi mà tiêu chí bằng cấp là yếu tố quan trọng trong tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch… trong khi năng lực thực tiễn chưa được coi trọng.
Một lãnh đạo có bằng tiến sĩ so với lãnh đạo không có bằng này cũng khó nhận ra sự khác biệt trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ bởi môi trường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí hành chính không đòi hỏi trình độ quá chuyên sâu. Người có bằng cấp cao nên bố trí vào môi trường nghiên cứu khoa học, nơi người ta có thể phát huy được trí tuệ nếu thực sự có trình độ cao. So sánh với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, số người làm lãnh đạo, quản lí có bằng cấp cao ở Việt Nam ta không thua kém nước nào. Tuy số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều hơn các nước trong khu vực song các công trình nghiên cứu, bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín của ta thua xa Singapo, Malaixia, Thái Lan…
Thời gian qua, trước sự bức xúc của người dân về nạn thương binh giả, giả nạn nhân chất độc da cam… để hưởng lợi chính sách, ngành lao động - thương binh và xã hội một số địa phương vào cuộc rà soát đã phát hiện hàng nghìn trường hợp giả mạo. Ngân sách Nhà nước đã và đang thất thoát con số không nhỏ từ thực trạng này. Tuy nhiên với cán bộ, công chức dùng bằng giả còn thiệt hại gấp bội so với chuyện trục lợi chính sách kể trên, hơn nữa, nó làm suy yếu bộ máy công vụ, suy giảm niềm tin.
 Đã đến lúc cần rà soát lại việc sử dụng bằng cấp trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền và cơ quan quản lí hành chính Nhà nước, nhất là trước khi bước vào kì đại hội đảng các cấp. Cần ngăn ngừa, loại bỏ những người có “trình độ giả” dùng thủ đoạn chui vào cơ quan lãnh đạo, bộ máy chính quyền. Nên chăng có quy định xác minh bằng cấp với những trường hợp cơ cấu bầu vào cấp ủy, đưa vào quy hoạch, trước khi bổ nhiệm và người có đơn thư tố cáo về sử dụng bằng cấp./. 
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 30 tháng 10 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét