Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Tìm người tài

Cách đây hơn hai trăm năm, cụ Nguyễn Du đã đúc kết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Sự coi trọng cái tâm của đại thi hào cũng chính là coi trọng đạo lí của con người trong mối quan hệ và ứng xử, hay nói cách khác, tâm chính là đạo đức, là cái cần có trước tiên.
Bác Hồ chọn và thu phục được nhiều người tài vì Người đã thực hành một đạo đức cách mạng kiểu mẫu cùng với tâm huyết tất cả vì sự nghiệp độc lập dân tộc, nhằm mang lại hạnh phúc, ấm no cho toàn dân. Cái tâm vô tư, cao thượng giúp Bác nhìn ra người tài. Còn tấm gương đạo đức trong sáng giúp Người thu hút được người tài.


Tâm huyết với nền bóng đá nước nhà, bầu Đức đã tìm được HLV Park Hang-seo.  

Trong buổi thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, vấn đề nhân tài và chính sách thu hút nhân tài được các đại biểu tranh luận sôi nổi, thậm chí tương đối gay gắt. Tuy cùng một mục tiêu nhằm tìm ra cách thức để thu hút người tài song mỗi ý kiến lại như đứng ở một góc độ khác nhau nên khó tìm ra điểm chung.
Thế nào là người tài?
Một sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, ta có thể khẳng định ngay đó là một sinh viên có tài (nhưng chưa phải là một công chức hay cán bộ tài). Người tài dạng này cần có chính sách thu hút vào môi trường thực tiễn để họ thể hiện, phát huy tiềm năng trở thành tài năng trong thực tiễn.
Một cán bộ nghiên cứu khoa học có nhiều phát kiến được ứng dụng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng trưởng sản xuất… thì đó là một người tài cần tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy tài năng khoa học.
Một cán bộ quản lí điều hành công việc có nhiều đổi mới, sử dụng, phát huy tốt đội ngũ thuộc quyền giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ, đó là một cán bộ tài, cần cân nhắc trong bổ nhiệm…
Có ý kiến nêu cần có tiêu chí, khái niệm thế nào là người tài, trên cơ sở “ba rem” đó để xác định đâu là người tài! 
Nhiều ý kiến khác nhau song chưa ai đặt vấn đề và tìm hiểu tại sao trong những năm kháng chiến khó khăn ác liệt, Đảng và Bác lại tập hợp được nhiều người tài năng như thế? Không chỉ một số cá nhân kiệt xuất xung quanh Bác, ở tất cả các cấp, từ trung ương tới cơ sở đã có vô vàn người tài, sẵn sàng hi sinh quyền lợi, không đòi hỏi, vô tư cống hiến cho cách mạng, tạo nên sức mạnh của dân tộc. Cái cốt lõi là những “người tìm người tài” đã noi gương Bác, có đạo đức cách mạng và cái tâm trong sáng, không vụ lợi cá nhân. Có thể thấy, người tài trên đất nước ta chẳng bao giờ thiếu. Do vậy, thay vì tranh luận tìm người tài thế nào, hãy tìm giải pháp xây dựng được những lãnh đạo, người đứng đầu thực sự có tâm, có đức.


Mô hình "một người làm quan, cả họ… có tài!

Thực trạng “cả họ làm quan” ở không ít địa phương hiện nay, thử nhìn người lãnh đạo nơi đó đã gương mẫu, chí công vô tư hay chưa? Người tài năng làm việc trong môi trường đó liệu có được ghi nhận và sẽ còn động lực cống hiến, phát huy tài năng?
Giả sử sẽ có một bộ tiêu chuẩn, dạng “ba rem” người tài, nhưng người đứng đầu tâm không trong sáng, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng “một người làm quan, cả họ… có tài”!./.
Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 31 tháng 10 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét