Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Để lòng thiện mang lại hiệu quả thiết thực

Tại chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019 tối 17/10 có 143 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng kí ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền lên tới trên 877 tỉ đồng.
Cùng với đợt hoạt động cao điểm này, hằng năm tại các địa phương vẫn đang duy trì việc quyên góp cho quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì người nghèo… tạo được một nguồn lực không nhỏ.


Nhiều nơi ở vùng cao đời sống người dân, nhất là trẻ nhỏ vô cùng thiếu thốn

Có thể thấy, nguồn lực từ những tấm lòng thiện tâm như hàng vạn mạch nguồn cùng hướng chảy tạo nên một dòng sông lớn. Tuy nhiên, từ “dòng sông lớn” nguồn lực đó được “trải tưới” đúng nơi cần tới một cách nhanh chóng và hiệu quả là điều người dân mong đợi nhất. Những năm qua từng xảy ra một số chuyện không hay về phân bổ nguồn tiền, hàng hỗ trợ cho các đối tượng khiến lòng tin vào việc sử dụng các nguồn quỹ xã hội, từ thiện phần nào giảm sút.
Hồi đầu năm tại Quảng Bình phát lộ vụ một Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã “ôm” 60 triệu đồng tiền hỗ trợ của đoàn từ thiện trao cho 20 hộ dân suốt 2 năm liền. Mấy năm trước cũng tại tỉnh này, từng có chuyện ở một thôn tiền cứu trợ đã phát ra nhưng lại được thu hồi để chia đều cho các hộ khiến dư luận xôn xao. Còn ở một xã của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từng có chuyện người nghèo bị cho ra khỏi danh sách, hộ khá giả, anh em họ hàng với lãnh đạo xã lại được đưa vào hộ nghèo. Hay ở một địa phương của Thanh Hóa gần đây cũng vậy, người nhà cán bộ được “cài” vào danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách. Vừa qua, tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội xảy ra một chuyện đáng buồn khi một số cán bộ, nhân viên đã tuồn hàng từ thiện ra ngoài trục lợi... Những chuyện đại loại như thế đã và đang xảy ra ở không ít địa phương trên cả nước…


Trong các ô bôi vàng là tên vợ của lãnh đạo, cán bộ UBND xã Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa được ghép vào danh sách hộ nghèo của xã - Ảnh: Tuổi trẻ

Mọi doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm khi đóng góp từ thiện luôn mong những đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả, không bị xà xẻo, tư túi. Việc cấp phát nguồn quỹ xuống các cấp rất dễ bị “rơi rụng” nếu cán bộ thực thi ở cơ sở không trong sáng cùng với sự quản lí lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát của cấp trên và cộng đồng.
Đã đến lúc cần đổi mới trong quản lí, sử dụng nguồn lực xã hội này, không nên theo hình thức cho “con cá” bởi nó rất dễ bị vụng trộm, rơi rụng mà hiệu quả cũng chỉ nhất thời. Nguồn lực cần tập trung tạo sinh kế cho những khu vực khó khăn, vùng sâu, miền núi, đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, phúc lợi. Bên cạnh đó cần có giải pháp quản lí chặt chẽ, hạn chế tình trạng trục lợi, làm mất đi mục tiêu, ý nghĩa và mong đợi của những tấm lòng thiện nguyện.
Hiện nay rất nhiều người cao tuổi sống ở vùng nông thôn, vùng sâu phải nhờ vào nguồn thu nhập của con cháu vì không có lương hưu. Nhà nước đang có hình thức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua BHXH, BHYT tự nguyện rất thiết thực và hiệu quả. Dẫu vậy vẫn còn nhiều người không có điều kiện tham gia loại hình bảo hiểm này dù đã được hỗ trợ tới 30-40%. Nếu nguồn lực quỹ trên được tăng thêm cho hình thức hỗ trợ này sẽ mang lại hiệu quả tích cực mà việc lợi dụng, trục lợi cũng khó xảy ra./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 23 tháng 10 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét