Giàu và nghèo
Mấy ngày
qua cả truyền thông và mạng xã hội nóng chuyện một cụ già muốn trả sổ hộ
nghèo mà mãi chẳng xong. Đó là cụ bà Đỗ Thị Mơ ở thôn Lương Thiện, xã Lương
Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Đã 2 lần cụ
Mơ chủ động đề nghị chính quyền công nhận cho mình thoát hộ nghèo. Ở tuổi 83
- cái tuổi rất cần sự cưu mang của con cháu và chính sách của nhà nước nhưng
hằng ngày cụ vẫn trồng rau ra chợ bán, thêm nguồn cho chi dùng cá nhân. Cụ
cho rằng mình còn đủ khỏe để tự lao động và nuôi sống bản thân nên không việc
gì phải phiền lụy con cái và xã hội. Nếu mình nhận suất hộ nghèo thì chắc
chắn sẽ mất phần của một hộ khác nghèo hơn - một quan điểm rất giản dị và
nhân văn…
Có thể hiểu
rằng, cụ Mơ là một người biết mình đã đủ. Cái điều tưởng đơn giản ấy không
phải ai cũng nhận ra. Có nhiều người không biết thế nào là đủ, và do vậy họ
cũng chẳng biết đó là cội rễ sinh ra lòng tham.
Cụ Mơ có cuộc sống một mình thư thái vì không muốn làm phiền con cháu. Ảnh: VnExpress
Chính tại
tỉnh này, dư luận từng xôn xao đàm tiếu chuyện 12 con dê giống “đi lạc” vào trang
trại nhà ông Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thành. Chuyện bị vỡ lở, ông Chủ tịch
xã để xảy ra việc dê “đi lạc” vào nhà lãnh đạo cấp trên biện minh rằng đưa dê
cho nhà Bí thư Huyện vì “có điều kiện chăm sóc”! Rồi gần đây lại có việc tên
vợ của các lãnh đạo xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn được ghép vào các hộ nghèo để
hưởng chính sách cho người nghèo khiến một loạt cán bộ xã này bị kỉ luật. Có
vẻ nhiều lãnh đạo địa phương này “thích nghèo” trong khi người dân thì cố
gắng thoát nghèo!
Nhiều vụ
tham nhũng mà tác giả là những vị tướng tá, ủy viên trung ương, bộ trưởng,
thậm chí ủy viên Bộ chính trị… không phải vì họ thiếu thốn, nghèo khó về vật
chất. Đó là những người không biết mình đã đủ và lòng tham làm mờ con mắt. Họ
thực sự là những người nghèo nàn về nhân cách, khiếm khuyết về liêm sỉ.
Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vi phạm nghiêm trọng vụ AVG
Cụ Mơ có
thể còn nghèo về vật chất nhưng thực sự là một con người vô cùng giàu có về
liêm sỉ và nhân cách sống. Cụ hiểu một lẽ đơn giản, mình có thể lợi một chút
nhưng lại thiệt thòi cho người khác, nhất là những người cũng đang khó khăn,
đó cũng chính là phong cách “mỗi người vì mọi người”. Ấy thế nhưng có những
cán bộ trình độ cao siêu, hiểu sâu biết rộng lại sẵn sàng nhận về chút lợi
riêng để nhà nước thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng, số tiền có thể giúp
nhiều làng quê thoát nghèo.
Bao năm qua
chúng ta triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đạo đức của Bác không phải điều gì quá lớn lao như “dời non lấp biển” mà cái
gốc chính là sự tử tế, nhân cách trọng liêm sỉ. Chỉ có sự tử tế, biết hi sinh
lợi ích cá nhân để giữ gìn, bảo vệ lợi ích của cộng đồng thì mới có thể học
được đức tính cần, kiệm, liêm chính của Bác, hay đơn giản là học từ chính
những tấm gương như cụ Mơ./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 3 tháng 10 năm 2019
|
Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét