Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Chữ “trọng nhất” dưới mái trường nay

“Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Hai câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ đồng thời là phương châm, trách nhiệm của bao thế hệ đã quan tâm, chăm lo cho lớp măng non của đất nước.
Với lứa tuổi ấy, Bác coi điều quan trọng trước tiên là “biết ăn, biết ngủ”, cũng có nghĩa phải chăm lo cho trẻ việc ăn ngủ trước tiên. Thể chất có khỏe mạnh mới tạo nên nền tảng để lĩnh hội tri thức.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, một số vụ việc đáng buồn thời gian qua về việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ em mầm non, tiểu học khiến dư luận từ buồn đến ngày càng lo ngại.
Ngôi trường có tên Trường Quốc tế Việt Úc (ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh) phụ huynh đóng gần 200.000 đồng cho một ngày (3 bữa) nhưng suất cơm èo uột. Một số phụ huynh vì thấy con mình đi học về thường xuyên kêu đói đã vào trường kiểm tra và thấy suất ăn mỗi em chỉ là một ít gà kho nhỏ, 2 miếng cá tẩm bột chiên, tí đồ xào, canh và tráng miệng.
Còn tại Trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) suất ăn trưa trị giá 27.000 nhưng lại quá đạm bạc, hình ảnh đó được đưa lên mạng xã hội. Trước phản ứng bức xúc của phụ huynh, hiệu trưởng trường này đã khóc, mong được “thông cảm”…


Học sinh tiểu học ở Hà Tĩnh ăn bán trú tại trường. Ảnh: Doanh nhân trẻ

Còn nhớ một thời đất nước nghèo khó, hệ thống trường thiếu sinh quân, trường học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được hình thành. Khi đó vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng các cháu học sinh được quan tâm mức cao nhất và quan trọng hơn là tình cảm thầy cô với học sinh như cha mẹ, anh chị trong một nhà. Đội ngũ thầy cô tuy ít bằng cấp nhưng đầy tình yêu thương học sinh, nhờ vậy đã tạo được một thế hệ học sinh có vốn tri thức, nền tảng đạo đức tốt để sau hòa bình trở thành đảng viên, cán bộ tài năng xây dựng đất nước.
Vụ việc suất ăn có thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) những tưởng là bài học buồn, hiệu trưởng các trường sẽ nhìn nhận, đưa ra những sáng kiến, giải pháp quản lí và chăm sóc tốt hơn bữa ăn cho các em. Vậy mà lại liên tiếp xảy ra hai vụ đáng trách trên. Gần đây nhất gần 100 em học sinh của Trường mầm non Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), rồi hơn 100 học sinh trường Tiểu học Cẩm Thượng (Hải Dương) phải nhập viện cấp cứu… rất có thể cũng vì chất lượng bữa ăn, nước uống tại trường. Biết đâu còn những bữa ăn bán trú quá đạm bạc, kém chất lượng chưa bị nêu tên?
Câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” có lẽ chẳng ngôi trường nào không thấy. Khi người ta có lòng thương yêu thì cái quan tâm nhất cho nhau là bữa ăn, là sức khỏe. Nếu thực sự là nơi có tình thương yêu, học sinh sẽ không phải ăn đói, không phải nếm những món thịt bẩn tại bếp bán trú.
Nhiều trường nay chỉ thấy đa dạng hóa trong những khoản đóng tiền và sáng tạo ra tờ đơn mẫu “đơn tự nguyện đóng góp” giúp phụ huynh học sinh. Chưa thấy những sáng kiến nâng cao chất lượng bữa ăn học sinh, nhất là trường mầm non.
Có vẻ cái chữ “trọng nhất” dưới nhiều mái trường nay không còn là Tình Thương mà đó là chữ… Tiền!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 10 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét