Gia đình “lỏng lẻo”
Việt Nam ta và số ít nước châu Á đã và đang duy trì được gia đình
truyền thống, mô hình mà nhiều nước công nghiệp phát triển đã đánh mất.
Cách đây mấy chục năm, khi mà chiếc điện thoại bàn còn hiếm hoi thì
những người sống xa gia đình, người thân chủ yếu tâm sự, chia sẻ mọi chuyện
qua những cánh thư. Những dịp được đoàn tụ, gặp gỡ người thân là những khoảnh
khắc hạnh phúc và quý giá nhất.
Ngày nay, nhờ công nghệ phát triển, chuyện những cánh thư đang đi
vào quá vãng. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính hay laptop
kết nối mạng thì mọi thứ đều “nằm gọn” trong lòng bàn tay. Người ta có thể
trực tiếp tâm sự, nhìn thấy nhau dù có xa nửa vòng trái đất.
Ảnh minh họa
Nhờ công nghệ cùng với kiến thức, giới trẻ có thể làm quen, kết
bạn với mọi người trên khắp thế giới dù chẳng phải ra khỏi lũy tre làng. Công
nghệ ngày nay đã làm cho thế giới như bị thu nhỏ lại, những sự kiện lớn, vấn
đề thời sự nóng hầu như chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ là cả thế giới đều
biết.
Thế nhưng, sự lam dụng công nghệ lại đang làm cho gia đình truyền
thống như ngày càng kém gắn kết, thậm chí thành viên như đang dần cách xa
nhau.
Một gia đình trẻ sống độc lập, vợ chồng 8 giờ làm việc tại cơ
quan, con nhỏ thì sống ở trường, chỉ hết ngày là gặp nhau đoàn tụ tại mâm cơm
tối. Thời gian ít ỏi còn lại trong ngày đó đôi khi lại bị chiếc ti vi, chiếc
smartphone lấy mất và mọi thành viên cũng không còn nhiều thời gian để chia
sẻ, trò chuyện, quan tâm công việc của nhau.
Xây dựng nền tảng gia đình truyền thống xưa dựa trên sự thấu
hiểu, đồng cảm và chia sẻ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Trò chuyện,
giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp mỗi thành viên hiểu nhau hơn và chia sẻ
với nhau được nhiều hơn. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng công nghệ khiến người
ta như bị ma thuật lôi kéo về phía những giá trị sống ảo đồng thời làm con
người cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cha mẹ, vợ chồng, con cái dù
hằng ngày nhìn thấy nhau nhưng hình như mỗi người đang đi đến một bầu trời
riêng, sự quan tâm, thấu hiểu giảm dần.
Công nghệ khiến sự gắn kết gia đình giảm dần. Ảnh minh họa
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình truyền thống hằng nghìn
năm qua đã khẳng định giá trị như một “tế bào tốt” trong nuôi dưỡng và đề
kháng. Khi mà mỗi tế bào ấy không còn nhiều gắn kết bằng sợi dây tình cảm thì
sự ích kỉ sẽ có đất sinh sôi. Môi trường gia đình là nền tảng quan trọng hình
thành nên nhân cách, đạo đức của mỗi con người, nhất là con trẻ. Sự ích kỉ
nổi lên, sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình là điều đáng lo ngại cho cả xã
hội.
Thực tiễn đã minh chứng, nhiều trẻ em bị hư hỏng, phạm tội xuất
thân từ những gia đình tan vỡ. Thế nhưng gia đình “lỏng lẻo” cũng khó hình
thành được những nhân cách hoàn thiện. Khi người ta “xa người ở gần” nhưng
lại “gần kẻ ở xa” sẽ tiềm ẩn những hệ quả khó lường bởi sự tác động của môi
trường không lành mạnh./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17 tháng 10 năm
2019
|
Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét