Nơi đâu dễ lừa tiền?
Không biết có nơi nào trên thế giới những kẻ lừa đảo dễ lừa tiền
như ở Việt Nam ta?
Nếu có ở nước nào đó thì ở ta vẫn không đứng ngoài tốp đầu.
Mấy năm trước nở rộ “phong trào” kinh doanh đa cấp. Vì quá tin
vào những viễn cảnh kiếm tiền dễ hơn ngồi chơi xơi nước nên hàng trăm người
đã mất trắng hàng chục triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Rồi những mánh khóe của
mô hình đa cấp cũng bị vạch trần, các cơ quan chức năng vào cuộc siết chặt
quản lí, thêm nữa quá nhiều “tấm gương” dại dột mất tiền khiến cách lừa này
đã thoái trào.
Như “chết đuối vớ được cọc”, giữa lúc khó “làm ăn” bằng mô hình
đa cấp truyền thống thì hiện tượng tiền số bitcoin bùng nổ. Chỉ trong vòng
mấy tháng mà giá trị đồng tiền này đã tăng hơn chục nghìn USD mỗi bitcoin. Có
vẻ như lợi nhuận tăng hàng trăm, hàng nghìn phần trăm/năm là có thật?
Những kẻ lừa đảo kinh doanh đa cấp rất nhạy bén, đã nhận ra một
“mảnh đất hoang sơ” chưa nhiều người “canh tác”, đó là mô hình đa cấp online
dựa trên mạng internet. Lợi nhuận khủng của đồng tiền số chính là ví dụ để kẻ
lừa đảo dẫn chứng, đưa khách hàng hướng tới chân trời mê cung lợi lộc.
Thế là những cái tên như Eagle Rock Global (ERG),
PayAsian, Atomy, Sky Way… xuất hiện dưới nhiều hình thức tiền số, ví
điện tử, cổ phiếu hoặc đơn giản là đầu tư vào một công ty trực tuyến nước
ngoài để hưởng lãi suất. Mức lợi nhuận thường cao gấp cả chục lần so với gửi
ngân hàng, thậm chí có công ty trả lãi đến 180% năm và cao hơn nữa! Một điểm
chung của các hình thức huy động vốn này là không có sự bảo đảm, thế chấp, kể
cả đơn giản là một tờ biên nhận. Người góp tiền như tự thế chấp bằng… lòng
tin và hi vọng! Cùng với lãi cao, người tham gia còn được trả hoa hồng khi
giới thiệu được thêm người khác vào hệ thống. Bóng dáng kinh doanh đa cấp biến
tướng đã rõ nhưng xem ra nhiều người không muốn biết.
Mô hình đa cấp
Tại sao không có ai thử đặt câu hỏi: Trong khi lãi suất vay ngân
hàng cao lắm cũng chừng 12-14% năm mà doanh nghiệp không vay lại đi huy động
cá nhân cao gấp hàng chục lần? Xin thưa, những kẻ lừa đảo biết không dễ lừa
được ngân hàng để huy động hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng! Thế nhưng hàng
trăm, hàng nghìn khách cá nhân có thể giúp chúng vay ngân hàng số tiền đó. Ví
như bạn có thể thế chấp nhà vay ngân hàng với lí do mua chiếc ô tô tiền tỉ để
kinh doanh nhưng lại đem tiền ấy đi kinh doanh đa cấp. Một nghìn người đi vay
rồi cho chúng vay lại sẽ có cả nghìn tỉ đồng, liệu có ngân hàng nào dễ dàng
cho doanh nghiệp vay con số lớn đến thế?
Lòng tham là bản năng vốn có của con người. Tuy nhiên, con người
còn có lí trí. Sự điều tiết giữa lòng tham và lí trí sẽ kiềm chế ở mức tham
vọng. Con người ta cần có tham vọng và phấn đấu đạt tham vọng đó trên cơ sở
luật pháp, đạo đức và tri thức.
Người ta chỉ dễ bị lừa khi lòng tham che mờ lí trí. Và như vậy,
lòng tham chính là “địa chỉ” để kẻ lừa đảo chọn làm “huyệt tử” cho vũ khí tấn
công!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 28 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019
Những giải pháp… quẩn quanh!
Một đại biểu Quốc hội mới đây đưa ra đề
xuất cấm cư dân để xe trong tầng hầm chung cư nhằm ngăn ngừa thảm họa cháy
nổ!
Mới nghe có vẻ cũng có lí, đại biểu này
xem ra rất quan tâm sự an toàn cho người dân, bởi năm trước từng xảy ra vụ cháy
xe máy tại hầm chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) khiến hơn 13 người
thiệt mạng.
Nhưng rồi người dân sẽ để ô tô, xe máy ở
đâu khi mà hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 chiếc xe? Ngay nơi đỗ xe tạm ngoài
phố còn chưa đủ, sao gánh hết được toàn bộ xe cộ tại các chung cư khi bị đẩy
ra ngoài? Tiếc rằng đại biểu trên lại chưa đưa ra được giải pháp nào cho phát
kiến của mình. Thứ nữa, liệu đại biểu đã có số liệu về cháy nổ tại các chung
cư do nguyên nhân từ ô tô, xe máy hay chưa? Theo như thông tin trên báo chí,
truyền thông thì hỏa hoạn chung cư kể từ vụ Carina (tháng 3/2018) đến nay
chưa xảy ra vụ nào trong khi cả nước có hàng nghìn chung cư cao tầng. Ở Mỹ
người ta còn đang chuẩn bị một dự án nhà cao hơn 400m trong đó thiết kế cả
mấy tầng hầm để ô tô, phải chăng họ “điếc không sợ… cháy”!
Dự án chung cư cao tầng dày đặc thiếu không gian công cộng tại Hà Nội
Liên tục xảy ra hỏa hoạn gần đây, chủ yếu
ở khu dân cư thấp tầng xen kẽ các nhà hàng, hộ kinh doanh hoặc khi sửa chữa,
hàn lắp gây chập cháy... Chỉ vì một vụ cháy mà đề xuất cấm để xe tầng hầm các
chung cư có lẽ không ổn, thậm chí nếu làm như vậy sẽ gây bất ổn trong cuộc
sống cư dân và giao thông đô thị.
Còn câu chuyện làm
sạch sông hồ tại Hà Nội, mới đây Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà
Nội đã trình dự án đưa nước sông Hồng vào làm sạch nước Hồ Tây và sông Tô
Lịch. Một cuộc hội thảo có sự tham gia của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Xây dựng thành phố Hà Nội
cùng nhiều chuyên gia vừa được tổ chức.
Theo dự án, sẽ xây dựng trạm bơm lấy
nước của sông Hồng lên bể cát làm lắng đọng phù sa trước khi đưa nước vào Hồ
Tây và sông Tô Lịch. Bằng cách dùng nước sạch liên tục đẩy nước ô nhiễm đi sẽ
khiến nước các sông hồ trở nên sạch sẽ.
Dùng nước sông Hồng rửa nhưng bao giờ sông Tô Lịch sạch nếu không thu gom nguồn thải?
Như một “định luật bảo toàn và chuyển hóa”,
chất ô nhiễm không thể “tự nhiên mất đi” nếu nó không được xử lí. Cách làm
trên của Hà Nội chẳng qua là chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác mà thôi.
Và người “được hưởng” ô nhiễm chính là dân cư cuối nguồn, có thể là vùng
ngoại vi như sông Nhuệ, Thanh Trì và xa hơn nữa… Như vậy, dù phải tốn tiền
ngân sách hằng năm chi phí bộ máy và nhân lực vận hành việc bơm nước nhưng ô
nhiễm cũng chỉ là chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Theo nhiều chuyên gia, bài toán căn cơ để
làm sạch sông hồ tại Thủ đô là cần thu gom nguồn nước thải và đưa vào xử lí xử
lí tập trung trước khi cho lưu thoát. Đi đôi với đó là tăng cường quản lí,
tuyên truyền ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh sông hồ, không xả thải
bừa bãi.
Những phát kiến cảm tính, tùy hứng hoặc
vì động cơ nào đó sẽ không thể là giải pháp thiết thực, hiệu quả./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019
Coi trọng, giữ gìn văn hiến Hà thành
Hà Nội là mảnh đất đã có nghìn năm văn hiến tự hào. Những giá trị
văn hóa vật thể và phi vật thể qua bao thế hệ cha ông vun đắp, chắt chiu, gìn
giữ mới tạo được.
Một phần nền văn hiến phải kể đến những di sản vật thể có tuổi
đời hàng trăm năm. Hiện Hà Nội đang được sở hữu rất nhiều di sản văn hóa vật
thể cổ xưa như khu Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, quần thể di
tích Hồ Gươm, di tích Cổ Loa, Phù Đổng, làng cổ Đường Lâm… cùng hàng trăm
chùa, đình, đền nằm ở trung tâm Thủ đô và các quận, huyện. Đây thực sự là
những bảo vật cần giữ gìn, nâng niu cho muôn đời sau.
Cảnh đẹp Hồ Gươm
Thời gian gần đây, qua những hành xử của cơ quan chức năng, nhiều
người cảm nhận quá trình đô thị hóa, xây dựng Thủ đô hiện đại người ta như chưa
thật coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển tài sản quý giá này.
Quần thể Hồ Gươm linh thiêng trong truyền thuyết, cảnh quan thơ
mộng tĩnh lặng, thâm nghiêm đang đứng trước tương lai phải sống chung với một
bến tàu xe nhộn nhạo khách đến, khách đi.
Vừa qua, triển lãm Di sản Hermès - Chuyển động của một hãng thời
trang nước ngoài đã được tổ chức ngay tại Văn miếu Quốc Tử Giám! Không hiểu
người tổ chức sự kiện này thấy được sự đồng điệu gì giữa những món thời trang
xa xỉ với nơi thờ tự, tôn vinh học thuật hàng trăm năm? Nơi được mệnh danh là
trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi lưu giữ những tấm bia tiến sĩ, biểu
tượng của nền giáo dục của Việt Nam, vinh danh nhân tài đất Việt bỗng “đứng
ngang hàng” với những món thời trang xa xỉ! Cứ đà này rồi có ngày những hãng
đồ lót nổi tiếng như Victoria’s Secret, Cotton Club, Hanro Hanro, Chantal
Thomass hay Triumph International… sẽ “nhảy tót” vào chốn thâm nghiêm tôn thờ
học thuật này.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, các nhà khoa học xã hội đã công
bố những kết quả khai quật khảo cổ tại di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện
Hoài Đức, TP Hà Nội). Đây là khu di chỉ có thể chứa đựng nhiều giá trị lịch
sử, văn hóa quý hiếm có niên đại lên tới hơn 3.000 năm tuổi. Một di sản quý
giá như thế được khai lộ cứ ngỡ sẽ được những người làm công tác văn hóa của
đất Hà thành vui mừng đón nhận và đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Thế nhưng chỉ
sau đó ít ngày một góc di chỉ ấy đã bị phá tan hoang bởi hoạt động của doanh
nghiệp bất động sản mà cơ quan văn hóa vẫn thờ ơ tựa “cháy nhà hàng xóm”!
Hố khai quật tại cụm di chỉ Vườn Chuối. Nguồn: Hà Nội Mới
Dẫu biết rằng sẽ rất khó khăn khi dung hòa giữa bảo tồn và phát
triển song điều đó vẫn có thể được nếu người làm văn hóa có tâm, có tầm,
nhiệt huyết và trách nhiệm với cái nghiệp của mình. Sự phát triển bền vững
của nền kinh tế trước hết phải dựa trên nền tảng văn hóa, tinh thần phong phú
và nhân văn.
Gamzatov là một nhà thơ Daghestan nổi tiếng, (Anh hùng Lao động
thời Liên Xô) có câu “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ
bắn vào anh bằng đại bác”.
Chắc những người làm văn hóa ở chốn văn hiến nghìn năm chẳng xa
lạ câu nói này?/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019
Để đất… “khó ăn”
Một thực tế diễn ra từ nhiều năm qua, đó
là tình trạng khiếu kiện đông người khắp các địa phương mà nguyên nhân chủ
yếu do tranh chấp về đất đai, đặc biệt là chính sách bồi thường khi thu hồi,
giải phóng mặt bằng còn bất cập.
Nếu ai sống gần khu vực trung tâm, nơi có
cơ quan trung ương tại Hà Nội sẽ thường xuyên phải chứng kiến cảnh người dân
khắp nơi về đây tụ tập khiếu kiện làm xấu đi hình ảnh Thủ đô. Thực trạng này đã
kéo dài nhiều năm, chứng tỏ việc giải quyết tại các địa phương chưa hiệu quả,
thậm chí vẫn tiếp tục phát sinh.
Một mảnh đất nông nghiệp kề bên thành phố
đang đô thị hóa, người nông dân bị thu hồi phục vụ phát triển kinh tế xã hội,
giá trị tiền bồi thường là đất nông nghiệp (vào hàng giá rẻ nhất trong các
loại đất).
Những chung cư mọc lên từ đất nông nghiệp có giá hàng tỷ đồng mỗi căn hộ
Vậy phát triển kinh tế, xã hội cụ thể là
gì? Xin thưa, đất cho đô thị hóa thì chủ yếu là giao thông, trung tâm thương
mại, dịch vụ, bất động sản... Trừ số diện tích cho giao thông (không tính dự
án BOT) và số ít là công ích, còn lại hầu hết sẽ hình thành các dự án mang
lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án ban đầu là công ích, của Nhà
nước, sau một thời gian bằng những “xảo thuật” đã được chuyển sang đất thương
mại, dịch vụ, bất động sản… của doanh nghiệp (như vụ 43ha đất ở Bình Dương
gần đây). Việc quyết định sử dụng đất vào mục đích gì hoàn toàn thuộc thẩm
quyền của địa phương. Điều đó đồng nghĩa chữ kí của người có thẩm quyền có
thể biến giá trị đất từ mấy trăm nghìn đồng thành giá hàng chục triệu đồng
một mét vuông. Sự chênh lệch địa tô có lẽ chỉ tồn tại ở Việt Nam ta. Địa tô
ấy vào túi ai? Có điều chắc chắn nó không thuộc về người nông dân giao đất
theo giá sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi, người nông dân nhìn mảnh đất của
mình mọc lên những tòa chung cư cao tầng giá hàng tỉ đồng mỗi căn có cảm giác
như mình đã bị cướp trắng! Sự dễ dàng chuyển hóa giá trị một loại hàng hóa
đặc biệt mang tên đất đai chính là nguồn cơn của tham nhũng, bất ổn…
Đất lâm nghiệp tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị băm nát làm bất động sản
Kì họp Quốc hội lần này, Luật Đất đai
chưa được đưa vào chương trình nghị sự xem xét sửa đổi. Tuy nhiên với những
bất cập, bất ổn hiện nay, Bộ luật này sớm muộn cũng cần được sửa đổi, điều
chỉnh đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội.
Có chuyên gia kinh tế từng đặt ra một
phương án, đó là tại sao không chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khi
người sở hữu hợp pháp đang quản lí diện tích đất đó? Ví dụ, người nông dân
đang canh tác trên đất của mình, nhà nước có kế hoạch thu hồi cho dự án
thương mại hay bất động sản cụ thể, khi ra quyết định thu hồi sẽ đồng thời
chuyển mục đích sử dụng diện tích đất đó và bồi thường theo mục đích sử dụng mới
với giá thị trường. Như vậy sẽ hạn chế đáng kể những bất cập, kẽ hở hiện nay
khi thu hồi và giao đất, đồng thời giải tỏa “ách tắc” trong khâu giải phóng
mặt bằng phục vụ các dự án.
Khi chênh lệch địa tô không còn quá lớn,
nhiều người sẽ bớt nhòm ngó, nhăm nhe… “ăn đất”./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 21 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019
Người
giàu nước người, tỉ phú xứ ta
Nhiều
doanh nhân nước ngoài đang được cả thế giới ngưỡng mộ cả về tài năng và đức
độ.
Với
khối tài sản 102,5 tỉ USD, Bill Gates đứng vị trí thứ hai
trong danh sách của Forbes năm nay. Giống
như nhiều tỉ phú giàu có khác, ông chủ Microsoft là một nhà hảo tâm hào phóng
khi lên kế hoạch để lại hầu hết tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Quỹ
Bill & Melinda Gates của ông và vợ là quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế
giới, được thành lập với mong muốn giúp mọi người sống khỏe mạnh, tích cực. Bill
Gates chia sẻ rằng mình chỉ để 10 triệu USD cho mỗi người con, chưa
đến 1% tài sản và cho rằng việc để lại cho con trẻ một gia tài khổng lồ là
không có lợi cho chúng.
Tỷ phú Bill Gates
Warren Buffett - Chủ tịch và CEO của
Berkshire Hathaway được Forbes vinh danh là một trong những nhà đầu
tư thành công nhất mọi thời đại, đang sở hữu khối tài sản 85,5 tỉ
USD. Vị tỉ phú đã lên kế hoạch quyên góp toàn bộ tài sản cho các quỹ từ
thiện khác nhau sau khi qua đời. Thay vì trao tiền trực tiếp cho 3 người con,
ông hứa sẽ tặng 2,1 tỉ USD từ cổ phiếu Berkshire Hathaway cho mỗi
tổ chức từ thiện của mỗi người con như phần thưởng cho sự thành công của các
quỹ.
Các tỉ phú Mark Zuckerberg (Mỹ), Jack Ma (Trung Quốc) cũng là
những người có khối tài sản lớn đã và đang theo gương các tỉ phú đàn anh,
cống hiến vì cộng đồng.
Một điểm chung của những tỉ phú thế giới
là họ kiếm được tiền bằng nỗ lực, trí tuệ và tài năng thực thụ. Vì vậy nên họ
hiểu, cái quý giá nhất là chính là giá trị phẩm giá, cái mà từ đó con người
phát huy được tiềm năng, mang lại vật chất cho xã hội chứ không phải là tài
sản đã thu được. Do vậy, hầu hết họ có xu hướng dùng tài sản vật chất của
mình nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho người khác, từ đó con người tiếp tục cống
hiến, mang lại vật chất cho xã hội, như mình đã làm.
Ở xứ ta, những năm gần đây đã xuất hiện những
triệu phú, tỉ phú đô la. Tuy nhiên, chưa thấy ai nói đến chuyện sẽ cống hiến
phần lớn tiền của cho quỹ xã hội từ thiện. Đa số họ tiếp tục đầu tư lớn để
mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Họ cũng làm từ thiện nhưng đó chỉ là con số
nhỏ, đôi khi là sự đánh bóng tên tuổi. Một số làm từ thiện nơi chốn tâm linh
như thể bỏ ra chút tiền lẻ để mua đổi sự bình an, hi vọng…
Một điểm “riêng có” là không ít tỉ phú
nước ta trở thành người giàu với hành trình khá bí ẩn, kín tiếng. Những tài
năng được ghi nhận làm giàu bằng phát kiến, trí tuệ khá hiếm hoi trong khi
nhiều người giàu lên từ khai thác tài nguyên, đất đai, bất động sản... Đã có
đại gia giàu nức tiếng nhưng cuối cùng lại trở thành tội phạm vì cách kinh
doanh bỏ qua luật pháp. Người ta từng chứng kiến giai đoạn tư bản sơ khai,
việc làm giàu của nhà tư sản nhiều khi thiếu vắng sự lương thiện trong khi có
thừa sự tàn nhẫn và tội ác.
Cùng sự phát triển, ta đang chứng kiến
những nghịch cảnh xót xa: Tài nguyên từ trên rừng xuống dưới biển bị khai
thác tựa sự tàn phá, để lại bao hiểm họa môi sinh; những người dân nghèo phải
hiến dâng đất đai của mình cho doanh nghiệp, nhìn đất hóa vàng trong khi
chẳng còn kế sinh nhai; những vụ tranh giành tài sản ngay trong gia đình hủy
hoại tình máu mủ…
Đất
nông nghiệp bỗng hóa đất vàng
Có
vẻ quan niệm về đồng tiền, tài sản giữa những người giàu trên thế giới với tỉ
phú của ta có sự khác nhau căn bản. Nhiều tỉ phú đô la nước người hình như
coi đồng tiền chỉ là phương tiện trong khi nhiều tỉ phú Việt lại coi đó như
mục tiêu cuộc đời. Khi coi là phương tiện, công cụ thì người ta dễ dàng chia
sẻ, cho đi để phương tiện ấy tiếp tục tạo ra của cải vật chất cho xã hội và
mang lại sự tốt đẹp hơn. Nếu coi là mục tiêu thì người ta sẽ ôm giữ cho riêng
mình. Phải chăng vì thế mà có những nhà giàu vẫn tan vỡ hạnh phúc, chấp nhận
ngụp lặn trong các phiên tòa để dành giữ, chia bôi đống tài sản hàng tỉ đô la?
Xã
hội sẽ tốt đẹp hơn khi tư duy đồng tiền chỉ là phương tiện trở nên phổ biến, coi
hạnh phúc của mình chính là sự tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng./.
Đinh
Hoàng
Bài đăng Đặc san Báo Người cao tuổi số tháng
11 năm 2019
|
Trăm năm đã qua, công nhân ta vẫn như năm
nào?
Cách đây
133 năm, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu: “Từ ngày
1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Giai cấp công
nhân ở đây đã tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ: “Từ hôm nay không
người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8
giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”. Để có được thành quả to lớn đó, hàng trăm
công nhân Mỹ đã đổ máu…
Mỗi khi
được nghe đại biểu Quốc hội tranh luận trên nghị trường về việc nâng thời
gian làm thêm tôi lại nghĩ về sự kiện lịch sử trên của giai cấp công nhân Mỹ.
Cuộc đấu tranh của họ đã góp phần mang lại quyền lợi cho giai cấp công nhân
trên toàn thế giới.
Công nhân Samsung trong dây chuyền sản xuất. Ảnh minh họa
Nay sắp
bước sang năm thứ 20 của thế kỉ 21, vậy ra người công nhân của ta vẫn chưa bằng
công nhân Mỹ cuối thế kỉ 19? Với 300 giờ làm thêm, người công nhân đã phải
tăng thêm mỗi năm hơn 37 ngày làm việc. Song cuộc sống vẫn chật vật, chưa đáp
ứng được mức sống tối thiểu nên không ít người sẵn sàng chấp nhận tăng thêm
thời gian bán sức lao động!
Đại biểu
đại diện cho giới chủ sử dụng lao động nói rất hay, rằng làm thêm là mong
muốn của công nhân; là nếu không nâng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới năng
suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm tăng trưởng của nền kinh tế, v.v
và so sánh thời gian làm thêm của ta đang thấp hơn một số nước!
Làm thêm
giờ, bản chất là tăng cường huy động sức lao động của người công nhân để tạo
thêm sản phẩm chứ không phải là yếu tố góp vào tăng năng suất lao động. Đổi
mới công nghệ, hợp lí hóa quy trình sản xuất và quản lí… đó mới là yếu tố
quyết định tới năng suất. Làm thêm để đáp ứng mùa vụ, đơn hàng… đó là vấn đề
của chủ doanh nghiệp chứ không thể đặt hết lên đôi vai của người làm thuê.
Người lao động cũng không thể gánh sứ mệnh lớn lao là tăng trưởng GDP hay
tăng tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Đã bước sang
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu doanh nghiệp của ta vẫn ỷ vào lao
động giá rẻ để làm yếu tố cạnh tranh thì họ đang đi ngược với xu hướng của
cuộc cách mạng này và không thể là người chiến thắng. Sự chia sẻ của giới chủ
giúp người lao động cải thiện đời sống mới là nền tảng, là công cụ đắc lực
nâng cao tính cạnh tranh. Ai không làm được điều đó, nên để thị trường đào
thải, khi đó sẽ có những doanh nghiệp lớn mạnh thực sự.
Hi vọng
trong những kì họp Quốc hội không xa, được thấy đại biểu chủ yếu bàn về việc
tăng thu nhập, cải thiện phúc lợi, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của
người lao động chứ không phải tìm cách đặt thêm sức nặng lên đôi vai của họ.
Chỉ có
tăng lương, bảo đảm tốt phúc lợi thì người lao động mới được cải thiện cuộc
sống toàn diện, thực chất chứ không phải tăng thu nhập nhờ vào việc vắt hết
sức lực.
Đã hơn
trăm năm, cuộc sống của người công nhân phải tốt hơn xưa. Đó là trách nhiệm
của Nhà nước, của doanh nghiệp và toàn xã hội./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019
Văn hóa a dua
Ngày nay
bằng nhiều phương tiện, nhất là mạng internet, truyền thông… cả thế giới thu
lại như một ngôi làng nhỏ. Chính vì vậy, những nét văn hóa truyền thống khác
lạ của các dân tộc, quốc gia trên thế giới dễ dàng được mọi người cùng biết.
Sự giao lưu, giao thoa văn hóa là điều tất yếu. Từ những nét đẹp, tinh túy
của văn hóa nhân loại khi tiếp cận, chuyển hóa vào văn hóa mỗi dân tộc sẽ làm
giàu thêm bản sắc văn hóa riêng.
Với chủ
trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng, Nhà nước
ta đang nỗ lực đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập cùng thời đại văn minh nhưng
luôn bảo vệ, giữ gìn nét riêng của văn hóa dân tộc với phương châm “hòa nhập
nhưng không hòa tan”.
Nay, nhiều
lễ hội của các nước châu Âu như Valentine's Day (ngày lễ tình yêu), lễ Giáng
Sinh Noel, đặc biệt là lễ Halloween được giới trẻ hào hứng đón nhận. Những
nét đẹp riêng của lễ hội mỗi dân tộc cần được khai thác để làm đẹp thêm tâm
hồn, nhân cách và văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, sự thái quá học theo các
lễ hội ngoại nhập trong khi chưa thực sự hiểu sâu mục đích, ý nghĩa, nhất là
cái hay, cái chưa đẹp, khiến một số lễ hội trở thành trào lưu a dua, biến
tướng.
Lễ hội Halloween trên phố đi bộ Bùi
Viện (Quận 1, TPHCM)
Lễ hội
Halloween (viết rút gọn từ “All Hallows' Evening”) - một lễ hội truyền thống
của người Kitô giáo Latinh được tổ chức vào ngày 31/10 hằng năm (buổi tối
trước Lễ Các Thánh) để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các
vị tử đạo và các tín hữu trung kiên đã qua đời. Trọng tâm của Halloween xoay
quanh chủ đề sử dụng “sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của
cái chết”. Sau nhiều năm du nhập vào nước ta hình như nay đang bị lớp trẻ
biến nó thành một “lễ hội của ma quỷ”. Họ chỉ quan tâm khai thác khía cạnh ma
quái rùng rợn với hình ảnh những chiếc đầu lâu, đầu người sống máu me ghê
rợn, những thân hình què cụt kinh dị vật vờ dọa dẫm người khác… “Sự hài hước
và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết” đâu không thấy, chỉ thấy
như có sự nổi loạn của ma quỷ, biến tướng ý nghĩa của lễ hội này. Không biết
những hình ảnh ma quái, rùng rợn có tác dụng gì trong giáo dục cái đẹp, nhân
cách sống của con người?
"Có
hẹn với thây ma" chủ đề một lễ hội Halloween tại Công viên nước Hồ
Tây
Tiếp cận,
làm phong phú văn hóa dân tộc là quá trình “gạn đục khơi trong” chứ không
phải sự bắc chước, rập khuôn hay làm biến dị, mất đi cái đẹp trong mỗi loại
lễ hội của dân tộc khác.
Trong một “thế
giới phẳng”, sự giao tiếp, học hỏi và làm theo văn hóa ngoại của giới trẻ là
tất yếu. Tuy nhiên, để những trào lưu văn hóa du nhập có chọn lọc rất cần
định hướng của ngành văn hóa và thái độ của cả xã hội. Một số lễ hội phát
triển thái quá (như lễ Halloween kể trên) còn bởi có sự góp sức không nhỏ của
truyền thông,…/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 8 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019
Tiếp
tay…
Ngay từ khi manh nha “chiến tranh thương
mại” giữa hai cường quốc kinh tế thế giới Mỹ-Trung Quốc, nhiều chuyên gia
kinh tế đã cảnh báo về ngắn hạn có thể mở ra cơ hội, song về lâu dài Việt Nam
có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển, nơi hàng hóa Trung Quốc “khoác áo
Việt” trên hành trình sang Mỹ, sang Âu.
Ảnh minh họa
Sự cảnh báo đã và đang hiện thực hóa. Đây
là “đòn hiểm” với doanh nghiệp Việt chân chính và nguy cơ cho cả nền kinh tế
trong khi cơ hội từ cuộc chiến này được kì vọng sẽ thu hút chuyển dịch đầu tư
vẫn còn chưa rõ ràng.
Thông tin việc Tổng cục
Hải quan chặn đứng 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc (ước tính giá trị khoảng 4,3
tỉ USD) nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các
nước, khiến nhiều người dù không bất ngờ nhưng vẫn ngỡ ngàng vì khối lượng và
trị giá quá lớn. Vụ việc đang được điều tra, song dù nếu đó là doanh nghiệp
nước ngoài hay liên doanh nước ngoài tại Việt Nam thì cũng khó “chuyển hóa”
thành hàng Việt nếu không có sự “tiếp tay” của doanh nghiệp nội hoặc cơ quan
quản lí.
Với thuế suất Mỹ áp lên
hàng hóa Trung Quốc 25-30% (riêng mặt hàng nhôm là 374%) trong khi hàng của
ta chịu thuế rất thấp (với nhôm cũng chỉ 15%) sẽ thấy con số chênh lệch là rất
lớn, khi mà lượng hàng hóa lên tới hàng tỉ đô la.
Kho
nhôm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu chờ xuất đi Mỹ bất thành .
Ngay tại “sân nhà”, hàng
hóa Việt Nam đã khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, điều đó cho thấy doanh
nghiệp nhập hàng từ nước ngoài giá rẻ về rồi xuất sang Mỹ sẽ thu được lợi nhuận
không nhỏ.
Cách kinh doanh trái
pháp luật này như đang “tiếp tay” cho các doanh nghiệp Trung Quốc né tránh
đòn thương mại của Mỹ, đồng thời cũng là sự vô hiệu hóa vũ khí của đối phương
trong cuộc chiến thương mại khốc liệt.
Quan hệ thương mại giữa
Việt Nam và Mỹ cũng như EU đang diễn ra khá thuận lợi, nhất là gần đây rào
cản kĩ thuật nhằm vào hàng nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng của doanh
nghiệp Việt Nam được hạ nhiệt đáng kể.
Có thể lúc này hàng hóa
của ta xuất sang Hoa Kỳ đang có khối lượng và giá trị chưa lớn so với một nền
kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những hoạt động xuất nhập khẩu kiểu
“tiếp tay” như trên sẽ khiến giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và
các nước khác tăng nhanh, tới khi đó họ sẽ không “làm ngơ”.
Liệu đã ai nghĩ đến viễn
cảnh rất nhiều hàng hóa của Việt Nam như nông, thủy sản, hàng tiêu dùng… bị
đánh thuế lên tới 25-30%, thậm chí như nhôm, thép lên 374% như Mỹ áp với
Trung Quốc?
Khi đó, chút lợi lộc của
một số doanh nghiệp làm ăn bất chính hôm nay sẽ chỉ là con số rất nhỏ so với
thiệt hại người dân, doanh nghiệp cả nước phải gánh chịu.
Mong rằng các cơ quan
chức năng từ Trung ương tới địa phương cần ra tay quyết liệt, khẩn trương ngăn
chặn các doanh nghiệp làm ăn trái pháp luật kiểu “tiếp tay” như trên./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019
Chuyện vui:
Bức tượng sống
Làng Ảo Vọng có truyền thống văn hiến và thượng võ mấy nghìn năm.
Để lưu truyền và giáo dục cho các thế hệ cháu con, cách đây mấy
chục năm làng đã quyết định dựng lên một bức tượng, biểu trưng cho khí phách
anh hùng, hào sảng của dân làng suốt chiều dài xây dựng, bảo vệ quê hương.
Phải nói, ông họa sĩ chuyên nghiệp được làng nhờ đắp bức tượng
quá giỏi. Nhìn bức tượng ai cũng phải trầm trồ, đó đúng là khí phách oai hùng
của trai làng Ảo Vọng! Từ tư thế, dáng vóc đến ánh nhìn đều toát lên dũng khí,
nét tao nhã, trí tuệ của người quân tử. Nước mạ đồng nâu bóng càng làm cho
bức tượng thêm khỏe khắn, sang trọng, oai phong.
Bức tượng ngày càng ghi tạc vẻ đẹp hoàn mĩ vào tâm khảm mọi thế
hệ người dân Ảo Vọng và cũng là niềm tự hào riêng của làng trước làng xã
khác.
Một ngày kia bỗng bức tượng hóa thân thành người, có da có thịt
bình thường bước vào cuộc sống làng Ảo Vọng. Ban đầu người ta thấy quá đỗi
ngạc nhiên. Nhưng tượng cũng giữ được tính thiện, không làm hại đến ai. Dần
dần tượng hòa nhập với cuộc sống dân làng cùng những nhu cầu vật chất, tinh
thần như mọi người trần tục khác. Lãnh đạo làng còn động viên, trấn an dân Ảo
Vọng rằng việc này như thể làng có một hiện vật của bảo tàng sống. Ở Quảng
Bình người ta cũng đang gắng giữ gìn người Rục như một bảo tàng nhân chủng
học đấy là gì?
Nể trọng công lao của tượng trong việc giáo dục con em bao thế
hệ, tượng được dân làng ưu ái, đãi ngộ bằng những chính sách riêng mà người
khác không có.
Thế nhưng, vẻ đẹp và phẩm giá của tượng chỉ là khoảnh khắc nhất
thời. Tượng đài bước vào đời rồi cũng nhiễm dần thói xấu của trần tục. Được
nể trọng, ưu đãi khiến tượng dần ngộ nhận quá mức công trạng của mình. Những
đòi hỏi cả về vật chất và tinh thần ngày càng quá đáng, có khi còn vượt cả
những tấm gương công lao nhất hay các vị lãnh đạo hàng đầu của làng. Tượng
ngày càng ngông nghênh, phán xét mọi chuyện đúng sai của làng như thể mình là
quan tòa. Từ trẻ con đến người già, tượng chẳng nể mặt ai. Đến ông trưởng
thôn cũng bị tượng bịa chuyện nhằm bêu xấu, làm mất mặt với dân làng.
Mọi người bắt đầu thấy nhiều chuyện bất ổn từ ông tượng sống. Nếu
cứ để thế này thì sẽ đến lúc mọi hình tượng đẹp trong lòng các thế hệ dân
làng sẽ phai nhạt và mất sạch!
Hội nghị bất thường của làng Ảo Vọng ra một nghị quyết bí mật:
Để cuối ngày khi tượng sống nhập hồn về sẽ phá dỡ nhằm
không để hắn thoát xác, gây bất ổn cho làng.
Buổi tối hôm ấy, chục trai làng khỏe mạnh được trang bị búa tạ,
xà beeng phục kích gần tượng đài. Khi tượng vừa về nhập hồn liền nhanh chóng
lao ra đập, dỡ.
Cứ ngỡ phải khó khăn lắm mới tháo dỡ được bức tượng hoành tráng,
kiêu hùng. Ai dè mới bị một nhát búa, tượng đã đổ sầm và vỡ vụn.
Thì ra bức tượng được đắp bằng thạch cao, bên trong có cốt tre và
chủ yếu là… rỗng tuếch!
Đinh
Hoàng
Bài
đăng mục khúc khích, Báo Người cao tuổi cuối tuần
ngày
01 tháng 11 năm 2019
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)