Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Trăm năm đã qua, công nhân ta vẫn như năm nào?

Cách đây 133 năm, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Giai cấp công nhân ở đây đã tổ chức mít tinh, biểu tình với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”. Để có được thành quả to lớn đó, hàng trăm công nhân Mỹ đã đổ máu…
Mỗi khi được nghe đại biểu Quốc hội tranh luận trên nghị trường về việc nâng thời gian làm thêm tôi lại nghĩ về sự kiện lịch sử trên của giai cấp công nhân Mỹ. Cuộc đấu tranh của họ đã góp phần mang lại quyền lợi cho giai cấp công nhân trên toàn thế giới.


Công nhân Samsung trong dây chuyền sản xuất. Ảnh minh họa

Nay sắp bước sang năm thứ 20 của thế kỉ 21, vậy ra người công nhân của ta vẫn chưa bằng công nhân Mỹ cuối thế kỉ 19? Với 300 giờ làm thêm, người công nhân đã phải tăng thêm mỗi năm hơn 37 ngày làm việc. Song cuộc sống vẫn chật vật, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu nên không ít người sẵn sàng chấp nhận tăng thêm thời gian bán sức lao động!
Đại biểu đại diện cho giới chủ sử dụng lao động nói rất hay, rằng làm thêm là mong muốn của công nhân; là nếu không nâng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm tăng trưởng của nền kinh tế, v.v và so sánh thời gian làm thêm của ta đang thấp hơn một số nước!
Làm thêm giờ, bản chất là tăng cường huy động sức lao động của người công nhân để tạo thêm sản phẩm chứ không phải là yếu tố góp vào tăng năng suất lao động. Đổi mới công nghệ, hợp lí hóa quy trình sản xuất và quản lí… đó mới là yếu tố quyết định tới năng suất. Làm thêm để đáp ứng mùa vụ, đơn hàng… đó là vấn đề của chủ doanh nghiệp chứ không thể đặt hết lên đôi vai của người làm thuê. Người lao động cũng không thể gánh sứ mệnh lớn lao là tăng trưởng GDP hay tăng tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu doanh nghiệp của ta vẫn ỷ vào lao động giá rẻ để làm yếu tố cạnh tranh thì họ đang đi ngược với xu hướng của cuộc cách mạng này và không thể là người chiến thắng. Sự chia sẻ của giới chủ giúp người lao động cải thiện đời sống mới là nền tảng, là công cụ đắc lực nâng cao tính cạnh tranh. Ai không làm được điều đó, nên để thị trường đào thải, khi đó sẽ có những doanh nghiệp lớn mạnh thực sự.
Hi vọng trong những kì họp Quốc hội không xa, được thấy đại biểu chủ yếu bàn về việc tăng thu nhập, cải thiện phúc lợi, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động chứ không phải tìm cách đặt thêm sức nặng lên đôi vai của họ.
Chỉ có tăng lương, bảo đảm tốt phúc lợi thì người lao động mới được cải thiện cuộc sống toàn diện, thực chất chứ không phải tăng thu nhập nhờ vào việc vắt hết sức lực.
Đã hơn trăm năm, cuộc sống của người công nhân phải tốt hơn xưa. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và toàn xã hội./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 11 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét