Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

 Những giải pháp… quẩn quanh!

Một đại biểu Quốc hội mới đây đưa ra đề xuất cấm cư dân để xe trong tầng hầm chung cư nhằm ngăn ngừa thảm họa cháy nổ!
Mới nghe có vẻ cũng có lí, đại biểu này xem ra rất quan tâm sự an toàn cho người dân, bởi năm trước từng xảy ra vụ cháy xe máy tại hầm chung cư Carina Plaza (TP Hồ Chí Minh) khiến hơn 13 người thiệt mạng.
Nhưng rồi người dân sẽ để ô tô, xe máy ở đâu khi mà hầu như nhà nào cũng có ít nhất 1 chiếc xe? Ngay nơi đỗ xe tạm ngoài phố còn chưa đủ, sao gánh hết được toàn bộ xe cộ tại các chung cư khi bị đẩy ra ngoài? Tiếc rằng đại biểu trên lại chưa đưa ra được giải pháp nào cho phát kiến của mình. Thứ nữa, liệu đại biểu đã có số liệu về cháy nổ tại các chung cư do nguyên nhân từ ô tô, xe máy hay chưa? Theo như thông tin trên báo chí, truyền thông thì hỏa hoạn chung cư kể từ vụ Carina (tháng 3/2018) đến nay chưa xảy ra vụ nào trong khi cả nước có hàng nghìn chung cư cao tầng. Ở Mỹ người ta còn đang chuẩn bị một dự án nhà cao hơn 400m trong đó thiết kế cả mấy tầng hầm để ô tô, phải chăng họ “điếc không sợ… cháy”!


Dự án chung cư cao tầng dày đặc thiếu không gian công cộng tại Hà Nội

Liên tục xảy ra hỏa hoạn gần đây, chủ yếu ở khu dân cư thấp tầng xen kẽ các nhà hàng, hộ kinh doanh hoặc khi sửa chữa, hàn lắp gây chập cháy... Chỉ vì một vụ cháy mà đề xuất cấm để xe tầng hầm các chung cư có lẽ không ổn, thậm chí nếu làm như vậy sẽ gây bất ổn trong cuộc sống cư dân và giao thông đô thị.
          Còn câu chuyện làm sạch sông hồ tại Hà Nội, mới đây Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã trình dự án đưa nước sông Hồng vào làm sạch nước Hồ Tây và sông Tô Lịch. Một cuộc hội thảo có sự tham gia của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Xây dựng thành phố Hà Nội cùng nhiều chuyên gia vừa được tổ chức.
Theo dự án, sẽ xây dựng trạm bơm lấy nước của sông Hồng lên bể cát làm lắng đọng phù sa trước khi đưa nước vào Hồ Tây và sông Tô Lịch. Bằng cách dùng nước sạch liên tục đẩy nước ô nhiễm đi sẽ khiến nước các sông hồ trở nên sạch sẽ.


Dùng nước sông Hồng rửa nhưng bao giờ sông Tô Lịch sạch nếu không thu gom nguồn thải?
Như một “định luật bảo toàn và chuyển hóa”, chất ô nhiễm không thể “tự nhiên mất đi” nếu nó không được xử lí. Cách làm trên của Hà Nội chẳng qua là chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác mà thôi. Và người “được hưởng” ô nhiễm chính là dân cư cuối nguồn, có thể là vùng ngoại vi như sông Nhuệ, Thanh Trì và xa hơn nữa… Như vậy, dù phải tốn tiền ngân sách hằng năm chi phí bộ máy và nhân lực vận hành việc bơm nước nhưng ô nhiễm cũng chỉ là chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Theo nhiều chuyên gia, bài toán căn cơ để làm sạch sông hồ tại Thủ đô là cần thu gom nguồn nước thải và đưa vào xử lí xử lí tập trung trước khi cho lưu thoát. Đi đôi với đó là tăng cường quản lí, tuyên truyền ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh sông hồ, không xả thải bừa bãi.
Những phát kiến cảm tính, tùy hứng hoặc vì động cơ nào đó sẽ không thể là giải pháp thiết thực, hiệu quả./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 11 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét