Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

 Người giàu nước người, tỉ phú xứ ta

Nhiều doanh nhân nước ngoài đang được cả thế giới ngưỡng mộ cả về tài năng và đức độ.
Với khối tài sản 102,5 tỉ USD, Bill Gates đứng vị trí thứ hai trong danh sách của Forbes năm nay. Giống như nhiều tỉ phú giàu có khác, ông chủ Microsoft là một nhà hảo tâm hào phóng khi lên kế hoạch để lại hầu hết tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Quỹ Bill & Melinda Gates của ông và vợ là quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới, được thành lập với mong muốn giúp mọi người sống khỏe mạnh, tích cực. Bill Gates chia sẻ rằng mình chỉ để 10 triệu USD cho mỗi người con, chưa đến 1% tài sản và cho rằng việc để lại cho con trẻ một gia tài khổng lồ là không có lợi cho chúng. 

 

Tỷ phú Bill Gates 

Warren Buffett - Chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway được Forbes vinh danh là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, đang sở hữu khối tài sản 85,5 tỉ USD. Vị tỉ phú đã lên kế hoạch quyên góp toàn bộ tài sản cho các quỹ từ thiện khác nhau sau khi qua đời. Thay vì trao tiền trực tiếp cho 3 người con, ông hứa sẽ tặng 2,1 tỉ USD từ cổ phiếu Berkshire Hathaway cho mỗi tổ chức từ thiện của mỗi người con như phần thưởng cho sự thành công của các quỹ.  
Các tỉ phú Mark Zuckerberg (Mỹ), Jack Ma (Trung Quốc) cũng là những người có khối tài sản lớn đã và đang theo gương các tỉ phú đàn anh, cống hiến vì cộng đồng.
Một điểm chung của những tỉ phú thế giới là họ kiếm được tiền bằng nỗ lực, trí tuệ và tài năng thực thụ. Vì vậy nên họ hiểu, cái quý giá nhất là chính là giá trị phẩm giá, cái mà từ đó con người phát huy được tiềm năng, mang lại vật chất cho xã hội chứ không phải là tài sản đã thu được. Do vậy, hầu hết họ có xu hướng dùng tài sản vật chất của mình nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho người khác, từ đó con người tiếp tục cống hiến, mang lại vật chất cho xã hội, như mình đã làm.
Ở xứ ta, những năm gần đây đã xuất hiện những triệu phú, tỉ phú đô la. Tuy nhiên, chưa thấy ai nói đến chuyện sẽ cống hiến phần lớn tiền của cho quỹ xã hội từ thiện. Đa số họ tiếp tục đầu tư lớn để mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Họ cũng làm từ thiện nhưng đó chỉ là con số nhỏ, đôi khi là sự đánh bóng tên tuổi. Một số làm từ thiện nơi chốn tâm linh như thể bỏ ra chút tiền lẻ để mua đổi sự bình an, hi vọng…
Một điểm “riêng có” là không ít tỉ phú nước ta trở thành người giàu với hành trình khá bí ẩn, kín tiếng. Những tài năng được ghi nhận làm giàu bằng phát kiến, trí tuệ khá hiếm hoi trong khi nhiều người giàu lên từ khai thác tài nguyên, đất đai, bất động sản... Đã có đại gia giàu nức tiếng nhưng cuối cùng lại trở thành tội phạm vì cách kinh doanh bỏ qua luật pháp. Người ta từng chứng kiến giai đoạn tư bản sơ khai, việc làm giàu của nhà tư sản nhiều khi thiếu vắng sự lương thiện trong khi có thừa sự tàn nhẫn và tội ác.
Cùng sự phát triển, ta đang chứng kiến những nghịch cảnh xót xa: Tài nguyên từ trên rừng xuống dưới biển bị khai thác tựa sự tàn phá, để lại bao hiểm họa môi sinh; những người dân nghèo phải hiến dâng đất đai của mình cho doanh nghiệp, nhìn đất hóa vàng trong khi chẳng còn kế sinh nhai; những vụ tranh giành tài sản ngay trong gia đình hủy hoại tình máu mủ…


Đất nông nghiệp bỗng hóa đất vàng

Có vẻ quan niệm về đồng tiền, tài sản giữa những người giàu trên thế giới với tỉ phú của ta có sự khác nhau căn bản. Nhiều tỉ phú đô la nước người hình như coi đồng tiền chỉ là phương tiện trong khi nhiều tỉ phú Việt lại coi đó như mục tiêu cuộc đời. Khi coi là phương tiện, công cụ thì người ta dễ dàng chia sẻ, cho đi để phương tiện ấy tiếp tục tạo ra của cải vật chất cho xã hội và mang lại sự tốt đẹp hơn. Nếu coi là mục tiêu thì người ta sẽ ôm giữ cho riêng mình. Phải chăng vì thế mà có những nhà giàu vẫn tan vỡ hạnh phúc, chấp nhận ngụp lặn trong các phiên tòa để dành giữ, chia bôi đống tài sản hàng tỉ đô la? 
Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi tư duy đồng tiền chỉ là phương tiện trở nên phổ biến, coi hạnh phúc của mình chính là sự tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Đặc san Báo Người cao tuổi số tháng 11 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét