Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Văn hóa a dua

Ngày nay bằng nhiều phương tiện, nhất là mạng internet, truyền thông… cả thế giới thu lại như một ngôi làng nhỏ. Chính vì vậy, những nét văn hóa truyền thống khác lạ của các dân tộc, quốc gia trên thế giới dễ dàng được mọi người cùng biết. Sự giao lưu, giao thoa văn hóa là điều tất yếu. Từ những nét đẹp, tinh túy của văn hóa nhân loại khi tiếp cận, chuyển hóa vào văn hóa mỗi dân tộc sẽ làm giàu thêm bản sắc văn hóa riêng.
Với chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập cùng thời đại văn minh nhưng luôn bảo vệ, giữ gìn nét riêng của văn hóa dân tộc với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Nay, nhiều lễ hội của các nước châu Âu như Valentine's Day (ngày lễ tình yêu), lễ Giáng Sinh Noel, đặc biệt là lễ Halloween được giới trẻ hào hứng đón nhận. Những nét đẹp riêng của lễ hội mỗi dân tộc cần được khai thác để làm đẹp thêm tâm hồn, nhân cách và văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, sự thái quá học theo các lễ hội ngoại nhập trong khi chưa thực sự hiểu sâu mục đích, ý nghĩa, nhất là cái hay, cái chưa đẹp, khiến một số lễ hội trở thành trào lưu a dua, biến tướng.


 Lễ hội Halloween trên phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1, TPHCM)

Lễ hội Halloween (viết rút gọn từ “All Hallows' Evening”) - một lễ hội truyền thống của người Kitô giáo Latinh được tổ chức vào ngày 31/10 hằng năm (buổi tối trước Lễ Các Thánh) để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các vị thánh, các vị tử đạo và các tín hữu trung kiên đã qua đời. Trọng tâm của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng “sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết”. Sau nhiều năm du nhập vào nước ta hình như nay đang bị lớp trẻ biến nó thành một “lễ hội của ma quỷ”. Họ chỉ quan tâm khai thác khía cạnh ma quái rùng rợn với hình ảnh những chiếc đầu lâu, đầu người sống máu me ghê rợn, những thân hình què cụt kinh dị vật vờ dọa dẫm người khác… “Sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết” đâu không thấy, chỉ thấy như có sự nổi loạn của ma quỷ, biến tướng ý nghĩa của lễ hội này. Không biết những hình ảnh ma quái, rùng rợn có tác dụng gì trong giáo dục cái đẹp, nhân cách sống của con người?


"Có hẹn với thây ma" chủ đề một lễ hội Halloween tại Công viên nước Hồ Tây

Tiếp cận, làm phong phú văn hóa dân tộc là quá trình “gạn đục khơi trong” chứ không phải sự bắc chước, rập khuôn hay làm biến dị, mất đi cái đẹp trong mỗi loại lễ hội của dân tộc khác.
Trong một “thế giới phẳng”, sự giao tiếp, học hỏi và làm theo văn hóa ngoại của giới trẻ là tất yếu. Tuy nhiên, để những trào lưu văn hóa du nhập có chọn lọc rất cần định hướng của ngành văn hóa và thái độ của cả xã hội. Một số lễ hội phát triển thái quá (như lễ Halloween kể trên) còn bởi có sự góp sức không nhỏ của truyền thông,…/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 8 tháng 11 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét