Coi trọng, giữ gìn văn hiến Hà thành
Hà Nội là mảnh đất đã có nghìn năm văn hiến tự hào. Những giá trị
văn hóa vật thể và phi vật thể qua bao thế hệ cha ông vun đắp, chắt chiu, gìn
giữ mới tạo được.
Một phần nền văn hiến phải kể đến những di sản vật thể có tuổi
đời hàng trăm năm. Hiện Hà Nội đang được sở hữu rất nhiều di sản văn hóa vật
thể cổ xưa như khu Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, quần thể di
tích Hồ Gươm, di tích Cổ Loa, Phù Đổng, làng cổ Đường Lâm… cùng hàng trăm
chùa, đình, đền nằm ở trung tâm Thủ đô và các quận, huyện. Đây thực sự là
những bảo vật cần giữ gìn, nâng niu cho muôn đời sau.
Cảnh đẹp Hồ Gươm
Thời gian gần đây, qua những hành xử của cơ quan chức năng, nhiều
người cảm nhận quá trình đô thị hóa, xây dựng Thủ đô hiện đại người ta như chưa
thật coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển tài sản quý giá này.
Quần thể Hồ Gươm linh thiêng trong truyền thuyết, cảnh quan thơ
mộng tĩnh lặng, thâm nghiêm đang đứng trước tương lai phải sống chung với một
bến tàu xe nhộn nhạo khách đến, khách đi.
Vừa qua, triển lãm Di sản Hermès - Chuyển động của một hãng thời
trang nước ngoài đã được tổ chức ngay tại Văn miếu Quốc Tử Giám! Không hiểu
người tổ chức sự kiện này thấy được sự đồng điệu gì giữa những món thời trang
xa xỉ với nơi thờ tự, tôn vinh học thuật hàng trăm năm? Nơi được mệnh danh là
trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi lưu giữ những tấm bia tiến sĩ, biểu
tượng của nền giáo dục của Việt Nam, vinh danh nhân tài đất Việt bỗng “đứng
ngang hàng” với những món thời trang xa xỉ! Cứ đà này rồi có ngày những hãng
đồ lót nổi tiếng như Victoria’s Secret, Cotton Club, Hanro Hanro, Chantal
Thomass hay Triumph International… sẽ “nhảy tót” vào chốn thâm nghiêm tôn thờ
học thuật này.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, các nhà khoa học xã hội đã công
bố những kết quả khai quật khảo cổ tại di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện
Hoài Đức, TP Hà Nội). Đây là khu di chỉ có thể chứa đựng nhiều giá trị lịch
sử, văn hóa quý hiếm có niên đại lên tới hơn 3.000 năm tuổi. Một di sản quý
giá như thế được khai lộ cứ ngỡ sẽ được những người làm công tác văn hóa của
đất Hà thành vui mừng đón nhận và đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Thế nhưng chỉ
sau đó ít ngày một góc di chỉ ấy đã bị phá tan hoang bởi hoạt động của doanh
nghiệp bất động sản mà cơ quan văn hóa vẫn thờ ơ tựa “cháy nhà hàng xóm”!
Hố khai quật tại cụm di chỉ Vườn Chuối. Nguồn: Hà Nội Mới
Dẫu biết rằng sẽ rất khó khăn khi dung hòa giữa bảo tồn và phát
triển song điều đó vẫn có thể được nếu người làm văn hóa có tâm, có tầm,
nhiệt huyết và trách nhiệm với cái nghiệp của mình. Sự phát triển bền vững
của nền kinh tế trước hết phải dựa trên nền tảng văn hóa, tinh thần phong phú
và nhân văn.
Gamzatov là một nhà thơ Daghestan nổi tiếng, (Anh hùng Lao động
thời Liên Xô) có câu “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ
bắn vào anh bằng đại bác”.
Chắc những người làm văn hóa ở chốn văn hiến nghìn năm chẳng xa
lạ câu nói này?/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22 tháng 11 năm 2019
|
Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét