Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Cần sớm mở cửa trường học

 

 Đóng cổng hay thích ứng an toàn?

Cả nước đã có 26 tỉnh vùng xanh trong đó có Thủ đô Hà Nội và không ít tỉnh, thành phố lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng sau gần nửa năm cả nước gồng mình chống dịch Covid-19.

Nhiều tỉnh, thành phố nhịp sống đã trở lại bình thường trong trạng thái mới. Doanh nghiệp đang nhanh chóng bứt tốc vài tháng cuối năm để bù lại những gì đã mất trong doanh thu, đối tác, đơn hàng. Chợ truyền thống, hàng quán kinh doanh nhộn nhịp trở lại một cách thận trọng, cảnh giác.

Tuy nhiên hầu như mọi nơi, cánh cổng trường vẫn đóng với các em học sinh. Học sinh, từ lớp 1 trở lên vẫn chật vật trong bốn bức tường với những giờ học online căng thẳng mà hiệu quả không đạt như kì vọng dù có sự tiếp sức của phụ huynh.

Phụ huynh cùng đánh vật với học sinh trong những giờ học online

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã khẳng định: “Rất khó khăn để đạt zero Covid-19 mà phải thích ứng an toàn”.

Đóng cửa là một việc dễ hơn nhiều so với thích ứng an toàn dù có những điểm dịch xuất hiện. Do đó, muốn mở cổng trường cũng đòi hỏi năng lực của nhà quản lí cùng các giải pháp thích ứng trong tổ chức, điều hành hoạt động để bảo đảm an toàn. Ví dụ, có thể tổ chức cho học sinh đến trường với mật độ 50% (chuyển từ học 2 buổi sang 1 buổi, chia lớp ra ½), điều chỉnh khung giờ đến trường khác nhau (sáng 7h30, 8h00, 8h30; chiều 13h00, 13h30, 14h00) và không tổ chức ăn tại trường. Đồng thời, những em có nguy cơ cao (một tỉ lệ nhỏ) sẽ được đăng kí tự nguyện học online...

Nếu chỉ nhìn thấy đây đó một vài điểm, một số vụ F0 rồi lo sợ thì có lẽ hết năm 2022 cả nước đều khó mở cửa trường học.

Học tập của học sinh là một hoạt động rất quan trọng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai. Các em chưa được đến lớp chứng tỏ ta chưa có một trạng thái bình thường mới.

Vậy khi trẻ đến trường sẽ đối diện nguy cơ thế nào với Covid-19?

Thực tiễn dịch bệnh trên thế giới cho thấy trẻ em nhiễm Covid-19 đa số ở mức nhẹ. Số có nguy cơ chuyển nặng rất ít, rơi vào những em có bệnh nền, béo phì… Chưa có con số cụ thể về số ca mắc Covid-19 ở trẻ em chiếm bao nhiêu và bao nhiêu ca trở nặng, nguy kịch trong đợt dịch thứ 4 này. Trên thế giới cũng đúc kết cho thấy, trẻ em thường chỉ mắc với triệu chứng nhẹ. Qua đợt công tác tại Bình Dương đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mới đây cho biết, thống kê tỉ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nhiễm bệnh và chuyển nặng rất ít, chủ yếu là các cháu bị bệnh nền. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm Covid-19 của trẻ em chủ yếu đến từ người lớn, do vậy cả khi ở nhà nhưng người lớn tham gia các hoạt động xã hội thì vẫn gây nguy cơ cho trẻ chứ không chỉ khi đến trường.

Bình thường mới phải ưu tiên quyền được đến trường của các em và cổng trường cần được mở an toàn./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 10 năm 2021

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Chính sách và kinh doanh

 

Câu chuyện bình ổn giá  

Hiếm có loại hàng hóa nào mà lại được hình thành một loại quỹ bình ổn giá như mặt hàng xăng dầu. Quỹ này huy động từ túi tiền người dân, doanh nghiệp, “người bán” tuy không đóng góp nhưng đang được giao “giữ hộ” tiền quỹ.

Chính sách đặc thù này xuất phát từ vai trò vô cùng quan trọng của một loại nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất và cả đời sống dân sinh. Chỉ cần sự lưu chuyển có chút ách tắc là lập tức tạo nên cuộc khủng hoảng (như tại nước Anh hiện nay), mà lí do chỉ tại thiếu lái xe container vận chuyển xăng dầu!

Giá xăng dầu đi lên lập tức kéo sự tăng trưởng kinh tế đi xuống và ngược lại. Việt Nam là nước chủ yếu nhập khẩu xăng dầu về tiêu thụ song đây lại là mặt hàng đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước thông qua chính sách thuế, phí. Theo quy định hiện hành, xăng đang chịu 3 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (10%), cùng với thuế bảo vệ môi trường theo giá trị tuyệt đối là 3.800 - 4.000 đồng/lít. Năm 2020 khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu, đã có lúc các loại thuế, phí xăng dầu chiếm đến 64%.


Giá xăng dầu ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội

Sau thời gian đình đốn vì cách li phòng dịch, những doanh nghiệp còn trụ được thì sức khỏe cũng giảm nhiều, đặc biệt doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu xăng dầu lúc này lại càng khó khăn hơn do giá xăng dầu đã và đang tăng cao. Có dự đoán “đáng sợ” là giá xăng dầu có thể lên mức 200USD/thùng (hiện nay đang là 83-86USD/thùng). Với doanh nghiệp vận tải thì phí BOT và giá xăng dầu đang thực sự là một gánh nặng đè xuống, “ép mỏng” lợi nhuận.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 và năm 2021 Chính phủ đã có các nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Tuy nhiên, do độ phủ chưa rộng và điều kiện đáp ứng chính sách không đơn giản nên tỉ lệ doanh nghiệp thụ hưởng sẽ rất hạn chế. Chính phủ cũng đã chi hàng chục nghìn tỉ cho các gói giải cứu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

          Tuy nhiên, thay vì sử dụng ngân sách thêm cho các gói hỗ trợ, đã đến lúc Nhà nước cần tính đến giải pháp mạnh dạn hạ sâu các mức thuế, phí với mặt hàng xăng dầu. Một giải pháp chính sách mà không ràng buộc điều kiện gì cũng có khả năng phủ rộng, trực tiếp, trúng đích, tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh và túi tiền người tiêu dùng.

Giá xăng dầu đã được ưu ái bình ổn nhiều năm qua. Doanh nghiệp buôn bán xăng dầu cũng luôn được “bình ổn” bằng lợi nhuận định mức. Đã đến lúc nền kinh tế và đời sống dân sinh cũng cần được bình ổn từ việc hạ giá mặt hàng xăng dầu./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26 tháng 10 năm 2021

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Giải pháp ngăn ngừa tham nhũng đất đai

 

Để không còn “tấc vàng” giá rẻ

Từ xưa cha ông ta đã ví von tấc đất như “tấc vàng”.

Xưa, nay và mãi mai sau, tấc đất vẫn luôn là “tấc vàng”.

Dưới thời nhà nước phong kiến, thực dân, những “tấc vàng” của người nông dân dần rơi vào tay địa chủ cường hào, chủ đất trở thành kẻ làm thuê trên những “tấc vàng” song vẫn không kiếm đủ miếng ăn.

Ngày nay người dân đã trở thành chủ nhân thực sự trên những thửa đất của họ. Tuy nhiên có một thực tế, khi miếng đất nào đó ngày một “vàng hóa” thì người có đất lại càng tăng nguy cơ mất “vàng”. Nguy cơ đó tăng cao cùng với diện tích, vị trí của thửa đất. Những nhà đầu tư bất động sản luôn là người phát hiện sớm nhất những thửa đất, khu đất có tiềm năng “hóa vàng”. Việc hình thành những dự án vì mục tiêu “phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)” nhằm vào những mảnh đất tiềm năng là kinh nghiệm và trong tầm tay của họ. Tác động, vận động hành lang để điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh và ban hành chính sách cũng không phải là chuyện khó khăn bởi các nhà đầu tư luôn ở thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

Khu "đất vàng” tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng TP Hồ Chí Minh khiến nhiều quan chức vào vòng lao lí

Vấn đề cốt yếu ở chỗ giá đất đai hiện đang được quyết định bởi người có thẩm quyền trong khi đây cũng là một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Bảng giá đất của các địa phương chưa bao giờ phản ánh đúng hoặc sát giá trị thực của thị trường, mức chênh lệch luôn tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Sự chênh lệch địa tô là nguồn cơn của tiêu cực, tham nhũng liên quan đến thu hồi đất và giao đất. Nếu người dân sở hữu đất được thỏa thuận về giá phù hợp giá cả thị trường mỗi khi bị thu hồi cho dự án KT-XH (có lợi nhuận) thì chênh lệch địa tô sẽ chẳng còn quá hấp dẫn như hiện nay. Được thỏa thuận giá khi bị thu hồi đất, người được bồi thường sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng đất cho Nhà nước và sẽ không còn chuyện cả người dân lẫn Nhà nước bị thiệt hại trong khi chủ dự án bất động sản hưởng lợi. Khi mức chênh lệch về giá không còn quá lớn sẽ hạn chế được những chuyện “đi đêm”, vận động hành lang để trục lợi.  

Theo Luật Đất đai năm 2013, tại Điều 62 quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng là một khái niệm quá rộng, cũng là nội dung dễ bị lợi dụng nhất. Đơn cử như quy định Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp... “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn…”. Vậy những dự án bất động sản thương mại có phải là phát triển KT-XH và có được xây dựng trong khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới hoặc chỉnh trang đô thị? Đất đai của người dân ven đô đang đô thị hóa hiện nay đều không lọt khỏi “tầm ngắm” của giới kinh doanh bất động sản.

Tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền lợi của người sử dụng đất sẽ là chốt chặn hiệu quả nhất với nạn tham nhũng đất đai, hạn chế tình trạng khiếu kiện và bức xúc của người dân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  tháng 10 năm 2021

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

Hà Nội làm khác Trung ương

 

Đừng để “kèn thổi ngược”

Ngày 18/10, Sở Y tế Hà Nội đã công bố cấp độ dịch tại 579 xã, phường thuộc 30 quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Y tế đã phân bố ca mắc ghi nhận tại cộng đồng trong đợt dịch 4 kể từ ngày 27/4 đến nay làm căn cứ đưa ra cấp độ dịch.

Ví dụ, tính từ 27/4 đến nay quận Ba Đình có tổng số 113 ca mắc, trong đó có 35 ca mắc tại cộng đồng. 11 phường thuộc quận Ba Đình được xác định thuộc cấp độ 2, trừ 3 phường Giảng Võ, Ngọc Khánh và Quán Thánh thuộc cấp độ 1. Hay huyện Ba Vì chỉ có 8 ca mắc Covid-19, trong đó 2 ca trong cộng đồng song 2 xã Cam Thượng, Phong Vân vẫn thuộc cấp độ 2. Rất nhiều phường gần hai tháng qua không có ca mắc song vẫn ở cấp độ 2…

Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 của các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội - Ảnh: Chụp màn hình

Cách phân cấp độ dịch như trên khác với Hướng dẫn số 4800 của Bộ Y tế. Theo Bộ Y tế, đánh giá cấp độ dịch phải theo 3 tiêu chí: Tiêu chí 1 là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần (lấy bình quân 2 tuần liên tiếp). Trên cơ sở đó để phân thành 4 mức độ; Tiêu chí 2 là độ bao phủ vaccine, được tính bằng tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều đạt trên hoặc dưới 70%. Tỉ lệ này được điều chỉnh trong tháng 10 có 80% người 65 tuổi trở lên được tiêm 2 liều vaccine và trong tháng 11 có 80% người 50 tuổi trở lên được tiêm 2 liều vaccine; Tiêu chí 3 là bảo đảm khả năng thu dung điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các tuyến…

Như vậy, việc phân cấp độ dịch phải căn cứ tổng hợp các yếu tố như hướng dẫn của Bộ Y tế chứ không chỉ đơn thuần số ca mắc, đặc biệt lại là ca của cả đợt dịch thứ 4. Tin rằng Bộ Y tế đã có cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra các tiêu chí trên nhằm giúp các địa phương đánh giá đúng thực trạng dịch bệnh để bước vào trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho mở cửa kinh tế và mọi hoạt động dân sinh.

Chính vì cách tính khác biệt như trên nên nhìn trên bản đồ dịch Hà Nội vẫn chủ đạo màu vàng và cam (nguy cơ trung bình và nguy cơ cao). Hà Nội là một trong những địa phương phía Bắc dẫn đầu về độ bao phủ tiêm vaccine, cũng là nơi có hệ thống y tế mạnh hàng đầu về khả năng thu dung điều trị nên cấp độ dịch hiện nay thấp hơn nhiều địa phương.

Cách đánh giá phân cấp độ dịch sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới điều kiện mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu việc đánh giá không chính xác, thiếu sơ sở khoa học và thực tiễn sẽ là rào cản, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung.

Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Trên cơ sở Nghị quyết này, Bộ Y tế hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn điều kiện an toàn hoạt động vận tải. Các địa phương phải đánh giá thống nhất theo hướng dẫn của Trung ương.

Nếu không thực hiện như vậy chẳng khác nào “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 10 năm 2021

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Một "sáng kiến" đổi mới giáo dục

 

“Rào cản” sinh viên  

Thời tôi còn nhỏ cả huyện chỉ có 1 trường cấp 3, mỗi thôn cũng chỉ có vài ba học sinh theo học được hết cấp. Vậy mà thôn tôi khi đó một gia đình bần cố nông có hai con đều vào hàng học sinh giỏi của huyện, cùng đỗ đại học. Sau này người anh là tiến sĩ chuyên ngành kĩ thuật điều khiển và tự động hóa, người em là tiến sĩ nông nghiệp.

Có lẽ thời đó, chỉ có Việt Nam ta mới có những chính sách ưu việt về học phí để học sinh gia đình nghèo nhất trong xã hội cũng có thể vào được trường đại học nếu thực sự học giỏi.


Vừ Bá Cu - một tấm gương học sinh nghèo vượt khócủa tỉnh Nghệ An

Hiện nay, đỗ vào một trường đại học là chuyện không khó với cả những sinh viên học lực khá, cái khó với một số em là vấn đề tiền. Thế mạnh để trụ và vượt qua chương trình đại học lại không thuộc về sinh hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đã vừa nỗ lực học tập vừa phải bươn chải làm thêm đủ nghề để kiếm tiền thêm vào chi phí học hành. Số em học lực tốt có được suất học bổng thực tế không nhiều.

Đến năm 2020 cả nước ta có 460 trường đại học và cao đẳng (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), tính bình quân mỗi tỉnh thành có hơn 7 trường. 

Với sự “bùng nổ” trường đại học, cao đẳng, học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp xong như đang được “vơ vét” vào các trường đại học nên tốp dưới như trung cấp, trường nghề luôn “khát” sinh viên. Một trong những yếu tố để nâng chất lượng đào tạo là kiểm soát chặt đầu vào, nhưng điều này lại mâu thuẫn với nguồn lợi tài chính trong cơ chế tự chủ đại học. 

Cho rằng cần phải có sự thay đổi mạnh về tư duy trong tự chủ đại học, đại biểu đồng thời là giám đốc một trường đại học tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua đã có kiến nghị gây xôn xao, đó là “bảo đảm học phí phải là rào cản kĩ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học”, và “phải coi học phí đại học là một nguồn đầu tư…”.

Có lẽ đại biểu này đã nhầm lẫn khi chuyển vấn đề tài chính thành “rào cản kĩ thuật”. Rào cản kĩ thuật phải là không để lọt học sinh trong bình, yếu vào đại học, cũng không thể coi học phí “là một nguồn đầu tư”. Sẽ không khó để vượt qua rào cản kĩ thuật đúng nghĩa với các học sinh có năng lực học tập tốt. Nhưng để vượt qua “rào cản tài chính” sẽ là vấn đề nan giải thậm chí rất khó khăn với không ít học sinh vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu dù họ có học giỏi. Rào cản như đề xuất trên chỉ là cơ hội với học sinh học lực chưa tốt nhưng có điều kiện về tài chính dễ dàng vượt qua. Cái gọi là “rào cản kĩ thuật” này cũng là điều mong đợi của nhiều trường đại học, cao đẳng bởi đã không ít đề xuất tăng học phí sinh viên.

            Thực trạng sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp, sinh viên đầu quân làm công nhân lẽ ra cần được quan tâm bàn luận nhiều hơn tại Quốc hội vì đó là bức tranh về chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay. Còn cơ chế tự chủ đại học là sự vận hành của nội bộ các trường theo quy định của pháp luật, không thể tạo ưu đãi riêng và tốt nhất hãy để “thị trường” sàng lọc./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 10 năm 2021

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Văn minh tiền mặt

 

 Bao phủ tài khoản

Lịch sử phát triển giao dịch hàng hóa thông qua giá trị trung gian là đồng tiền vật chất có lẽ đã qua đỉnh cao. Đến một lúc nào đó, có thể không xa, tiền giấy sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhường chỗ cho đồng tiền phi vật chất tồn tại dưới dạng tài khoản ngân hàng, điện thoại, ví điện tử hoặc tiền ảo.

Nền văn minh không tiền mặt đã khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển. Với nền tảng khoa học công nghệ hiện nay, các nước đang phát triển và cả chưa phát triển cũng hoàn toàn có thể tiến tới mô hình kinh tế, xã hội không tiền mặt.

Là nước đang phát triển, song với Việt Nam ta nền “văn minh tiền mặt” vẫn như thuở “hoàng kim”. Thế nên người ta vẫn có thể mang cả va li tiền “đi đêm” tới nhà quan chức để hối lộ, đổi chác. Rồi ca sĩ, MC làm từ thiện cũng mang cả bao tải hàng tỉ đồng đi phát cho người dân giữa lúc bão lũ ngập mái nhà. Việc cưới xin, hiếu hỉ, mừng thọ… tất cả quà cáp được quy thành phong bì tiền mặt.

Việt Nam đang “đỉnh cao” văn minh tiền mặt!

Khi mới được hưởng chế độ hưu trí, chỉ qua vài lần chen chúc xếp hàng ở nhà văn hóa phường từ sáng tới trưa mới nhận được suất tiền lương hưu tôi đã phải nhanh chóng đi làm thủ tục mở tài khoản để nhận lương qua thẻ ngân hàng. Cũng không ít người chán cảnh chen chúc xếp hàng nhận lương đã chuyển sang mở thẻ. Tuy nhiên, tại các miền quê, vùng sâu đa số người hưởng lương, trợ cấp vẫn thích lĩnh lương trực tiếp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 thì đây cũng là hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, dù kì hạn nhận chế độ đã được gộp 2 tháng liền.

Tiền mặt khá tiện dụng trong cuộc sống nhưng nó lại là thứ khiến người ta rất khó nắm bắt đường đi trong lưu thông. Giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng là cách thức tốt nhất để cơ quan quản lí nắm được đường đi dòng tiền, hạn chế những bất minh, tiêu cực trong sử dụng tài sản công và tư. Giả sử mọi người đều có tài khoản cá nhân, việc trợ cấp hay trao tiền từ thiện đều được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng thì đã không xảy ra chuyện lùm xùm sao kê hay nghi ngờ trục lợi với một số cá nhân mà nay cơ quan điều tra đang mất công vào cuộc xác minh.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên cái được vẫn chủ yếu ở phần chống, tức là “phần ngọn”, còn khía cạnh phòng chưa có những công cụ và chế tài hiệu quả để hành vi tham nhũng, tiêu cực khó xảy ra. Giao dịch không tiền mặt là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực song chưa được quan tâm đúng mức.

Đại dịch Covid-19 bùng phát là cơ hội cho chuyển đổi số nói chung và thương mại, giao dịch nói riêng phát huy thế mạnh. Đã đến lúc cần những giải pháp và chế tài mạnh nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt và có hình thức khuyến khích lợi ích khi sử dụng tài khoản, thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 10 năm 2021

 

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Pháp luật và tội phạm

 

Ăn trộm, phạt thế nào cho xứng?

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi trộm cắp tài sản từ mức giá trị 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Cùng với đó đương nhiên tài sản trộm cắp phải được tịch thu để trả lại cho bị hại.

Xem ra pháp luật của ta rất nghiêm minh với phường trộm cắp.

Thế nhưng có những hành vi ăn trộm hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đó là một số hành vi mà thực chất là ăn trộm nhưng được pháp luật gọi tên một cách văn minh, nhẹ nhàng, ví như nạn khai thác khoáng sản trái phép. Tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật hiện nay tại sao không gọi một cách nhẹ nhàng là lấy trái phép tài sản của người khác?

Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương bắt tay nhau tổ chức đường dây khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) trong nhiều năm thu lợi bất hợp pháp tổng số lên tới 121 tỉ đồng. Sau bao lần được địa phương xử lí vi phạm hành chính “nhẹ nhàng”, gần đây vụ việc mới bị cơ quan công an điều tra phanh phui và khởi tố.

Đặc biệt, vấn nạn khai thác cát trái phép diễn ra ròng rã bao năm qua khắp nhiều dòng sông trên cả nước, có những doanh nghiệp thu lợi hàng tỉ đồng mỗi ngày. Song hành vi này cũng chỉ đơn giản là các vụ vi phạm hành chính, bị phạt mấy chục triệu, cao nhất cũng 150 triệu đồng và đều được doanh nghiệp “vui vẻ” nộp phạt để rồi… tiếp tục vi phạm! Vì vậy mà hầu hết các dòng sông đang bị đào móc vô tội vạ, bờ bãi dần trôi xuống nước, đe dọa cả sinh kế của người dân và sự an toàn phòng chống lũ lụt.

Khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Các hành vi trên suy cho cùng đều là ăn trộm, lẽ ra nó phải bị nhìn nhận xấu xa hơn nhiều những vụ trộm cắp vặt vài triệu đồng. Với mức phạt tiền triệu, thu lợi tiền tỉ mà vẫn được coi là vi phạm hành chính thì người vi phạm không tái phạm mới là chuyện lạ.

Lợi nhuận khủng từ hành vi “trộm cắp” thu được, họ có thể trích ra một phần nhỏ để “vô hiệu hóa” đội ngũ quản lí. Đó có thể là nguyên nhân chính hành vi trái phép diễn ra rầm rộ ngày này qua tháng khác mà vẫn “chẳng ai biết”. Rồi họ thuê xã hội đen “chấn chỉnh” những người dân “rỗi chuyện” nhòm ngó, phản ánh hành vi bất chính tới chính quyền và cơ quan chức năng.

Tại sao không coi những hành vi trái phép như trên là trộm cắp? Nếu những hành vi trộm cắp trên ngoài bị xử lí là vi phạm hình sự đồng thời với tịch thu tang vật vi phạm sung công quỹ thì liệu có còn chuyện vi phạm dài kì mang tên khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2021

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

Hà Nội chỉ mở "hé"

 

“Zero Covid” không còn là thành tích

Trạng thái bình thường mới đến nay như đã “mới hơn” thời gian trước bởi tỉ lệ tiêm chủng vaccine tại nhiều địa phương đã đạt khá cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương…

Các chuyên gia y tế cả quốc tế và trong nước đều chung khẳng định không thể loại bỏ Covid-19 khỏi cuộc sống. Thích ứng, sống chung với Covid-19 đã là việc bình thường tại nhiều nước châu Âu.

Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo các địa phương sau khi khống chế được dịch bệnh cần chuyển nhanh sang trang thái bình thường mới, mở cửa cho các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống dân sinh. Trên cơ sở tiêu chí của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế, các địa phương tuyệt đối không đề ra các điều kiện riêng gây ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngưng trệ.

Tuy nhiên, khi tham gia ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải về việc mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội lại yêu cầu người từ TP Hồ Chí Minh đến Nội Bài dù có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 vẫn phải cách li tập trung 7 ngày (tự trả chi phí cách li, xét nghiệm). Thực hiện theo điều kiện riêng của Hà Nội, tính ra mỗi người một chuyến đi cần chi phí từ 20 đến 40 triệu đồng! Rất may là chiều 11/10 Hà Nội đã bỏ quy định như một “rào cản” hàng không này.

Vietnam Airlines được cấp phép khai thác chuyến bay duy nhất từ TP.HCM đi Hà Nội từ 11/10

Thành tích ngăn chặn dịch Covid-19 của Hà Nội rất đáng ghi nhận. Là đô thị hàng chục triệu dân song không để dịch bùng phát, lan rộng, bảo đảm an toàn về sức khỏe của người dân là một thành công. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở các địa phương: Cần xác định rõ phong tỏa, ngăn chặn dịch là nhằm mục tiêu gì, không thể chỉ một vài điểm nhỏ có dịch mà phong tỏa rộng, chống dịch song mục tiêu lúc này là nhanh chóng mở cửa để phục hồi kinh tế và hoạt động dân sinh - đó mới là thành công thực hiện mục tiêu kép.

Được biết, đến nay Hà Nội đã tiêm vaccine Covid-19 được 7.782.325 mũi, trong đó 5.875.425 mũi 1 (đạt 97,6% dân số trên 18 tuổi và 70,8% tổng dân số), tiêm 1.906.900 mũi 2 (đạt 31,7% dân số trên 18 tuổi và 23% tổng dân số). Đây là một tỉ lệ khá cao so với nhiều tỉnh thành trên cả nước và có lẽ vì vậy mà sự lây lan dịch đã được hạn chế đáng kể khi vẫn có một vài trường hợp Covid-19 phát hiện gần đây.

Đã đến lúc Hà Nội cần mạnh dạn mở cửa cho Thủ đô bước vào trạng thái bình thường mới theo các tiêu chí kiểm soát y tế của Bộ Y tế, theo tiêu chí lưu thông của Bộ Giao thông Vận tải với các hoạt động khác như giao thông đường bộ, đường sắt cùng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, giáo dục, văn hóa... Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa là Hà Nội còn phong tỏa thì sự mở cửa của hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, ngành nghề khó mà phát huy hiệu quả.

Ví như nếu ta ngừng mọi hoạt động giao thông thì sẽ chẳng xảy ra hàng chục người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông, nhưng con số đó không phải là thành tích an toàn giao thông.

Hà Nội nay đã khá an toàn dịch bệnh song đó không phải là mục tiêu cuối cùng./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 10 năm 2021

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Nhầm lẫn và lãng phí trong công tác cán bộ

 

 Bằng cấp và dùng người

Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ.

Người mà trên ngực áo không một tấm huân chương, trong túi áo không tấm bằng cử nhân, tiến sĩ. Song trí tuệ và nhân cách của Người đã thu hút biết bao những tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật đến văn hóa, giáo dục... Những con người tài năng sẵn sàng bỏ vinh hoa phú quý ở nước ngoài để trở về phụng sự Tổ quốc, dấn thân vào công cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Có lẽ lí do đơn giản là họ thấy với một lãnh tụ như Hồ Chí Minh, mình hoàn toàn có thể tin tưởng và cống hiến tốt nhất cho dân tộc.

Nhìn vào tấm gương của Bác cho chúng ta thấy đâu là phẩm chất, năng lực cần có với một cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, quản lí - người có vai trò lựa chọn và sử dụng con người.

Tiến sĩ là bậc học cao nhất trong hệ thống đào tạo của các quốc gia. Đây là lực lượng tinh hoa phục vụ cho công tác nghiên cứu và giáo dục chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực. Họ là những người bằng trí tuệ của mình đào sâu nghiên cứu phát hiện ra những quy luật mới của tự nhiên, xã hội để từ đó ứng dụng vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển hoặc truyền bá, giảng dạy tạo ra những nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển.

 

Hiện nay đang có quan niệm không đúng hoặc nhầm lẫn về vai trò, vị trí của những tiến sĩ và tấm bằng tiến sĩ.

Nhà lãnh đạo, quản lí trong phạm vi, vị trí của mình, là người có trách nhiệm vận hành thực tiễn nhằm đạt kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Họ sử dụng nguồn lực con người, vật chất một cách phù hợp quy luật khách quan để tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần. Do vậy kiến thức của lãnh đạo, quản lí cần rất rộng chứ không phải là những chuyên ngành hẹp một của tiến sĩ. Muốn được như vậy họ phải không ngừng học tập để nhân cách và tri thức giàu lên cùng quá trình vận hành thực tiễn, như Lênin từng dạy “học, học nữa, học mãi”.

Quan niệm không đúng dẫn tới việc xây dựng thể chế đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn không phù hợp với những cán bộ lãnh đạo, quản lí. Một ví dụ như Thành ủy Hà Nội đã thông qua chủ trương phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lí phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong khi đây không hẳn là lực lượng chuyên nghiên cứu khoa học hay giáo dục chuyên sâu.

Trong số hơn 24.000 tiến sĩ cả nước hiện nay chắc chắn có một tỉ lệ không nhỏ đang làm lãnh đạo, quản lí, đây là sự lãng phí lớn cả trong đào tạo và sử dụng lực lượng nhân sự khoa học.

Và không ít cán bộ lãnh đạo, quản lí khi có tấm bằng tiến sĩ nảy sinh tư tưởng “đóng đinh” năng lực, trình độ, xem mình chẳng cần học hỏi gì thêm. Lúc này, tấm bằng tiến sĩ của những người như vậy chỉ còn giá trị duy nhất là làm tiêu chuẩn cho những bước thăng tiến quyền lực./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 10 năm 2021

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Kinh tế thời hội nhập

 

Muốn gỡ thẻ cần mạnh tay phạt thẻ

Việc Uỷ ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản nước ta và đời sống của bà con ngư dân, ảnh hưởng đến cả hình ảnh đất nước. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực các kênh ngoại giao mọi lúc mọi nơi để được EC gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.

Thẻ vàng EC đang thực sự là vấn đề nóng ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của các lãnh đạo cao nhất thì không đủ, bởi về nguyên tắc, EC sẽ không gỡ thẻ vàng dù chỉ một tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Từ Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội liên tục bằng nhiều hình thức như điện đàm, gặp trực tiếp lãnh đạo các quốc gia châu Âu để đề nghị việc này. Tuy nhiên, trên đang “nóng” nhưng có vẻ dưới vẫn “lạnh” vì tại nhiều địa phương trong số 28 tỉnh thành ven biển vẫn có hàng nghìn tàu cá vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ

Việc tuyên truyền, vận động để ngư dân tự giác tuân thủ pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển là rất quan trọng, song các biện pháp quản lí và xử lí vi phạm kiên quyết, cứng rắn mới có thể loại bỏ được vi phạm.

Được biết đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá mới đạt 87,45%. Như vậy, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ tàu cá hoạt động nằm ngoài sự giám sát của lực lượng quản lí, đồng nghĩa vi phạm xảy ra sẽ không thể nắm bắt. Theo số liệu từ một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ; năm 2021, xử phạt 1.527 vụ. Chỉ một tàu cá vi phạm cũng đủ để châu Âu từ chối gỡ thẻ vàng thì với hàng nghìn vụ vi phạm mỗi năm như trên, hi vọng được gỡ thẻ vàng đang rất xa vời.

Trước khi thẻ vàng được áp dụng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm EC áp dụng thẻ vàng, đến nay mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 300 đến 350 triệu USD hải sản vào EU trong bối cảnh lợi thế về thuế theo hiệp định EVFTA. Nếu bị áp dụng thẻ đỏ thì thị trường châu Âu sẽ đóng cửa hoàn toàn với hải sản nước ta, đây sẽ là thiệt hại lớn về tài chính và sinh kế của ngư dân. Song những thiệt hại đó có thể ngư dân chưa hiểu hết hoặc nó nhỏ hơn so với lợi ích của một số cá nhân vi phạm.

Về trách nhiệm chính quyền địa phương, cơ quan quản lí với các vi phạm của ngư dân cũng chưa được “cá thể hóa”, chỉ ở mức nhắc nhở, phê bình chung chung nên chưa có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng các mức xử lí kỉ luật đủ sức nặng.

Thiết nghĩ, để được EC gỡ thẻ, việc quản lí cũng cần có những tấm thẻ phạt với cả ngư dân, cơ quan quản lí các cấp và lãnh đạo địa phương./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 10 năm 2021

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Chính sách và lợi nhuận

 

Áp thuế robot

Khoa học công nghệ phát triển đang từng ngày biến những thứ không thể thành có thể. Nhiều chuyện viễn tưởng xưa nay trở thành bình thường, đó là robot và người máy. Từ một cỗ máy hoạt động đơn giản, nay trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp robot tiến nhanh và dần trở thành những “con người” không xương thịt.

Cảnh những công xưởng, nhà máy vắng bóng công nhân nhưng có hàng trăm robot cần mẫn hoạt động nhịp nhàng 24/24h ngày một phổ biến. Đây thực sự là những “công nhân” chăm chỉ nhất, hiếm khi ốm đau, không đòi hỏi chế độ và đãi ngộ.

Robot đơn giản cũng đã và đang cạnh tranh, tước đoạt công việc của con người. Nhưng khi AI được trang bị cho bộ não robot thì nguy cơ cạnh tranh, lấn át con người sẽ đáng sợ hơn. Sau công nhân đến lượt các nhân viên ngân hàng, tài chính và thậm chí cả lao động trí tuệ, nghệ thuật… cũng bị người máy đe dọa việc làm.


Xưởng lắp ráp ô tô vắng bong công nhân

Vậy robot lợi hại thế nào với cá nhân, cộng đồng?

Một công xưởng tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động, tiền lương 1.000 người vừa là chi phí sản xuất tạo lợi nhuận cho chủ xưởng vừa là chu trình đưa đồng tiền vào lưu thông cho các mục tiêu kinh tế, xã hội. Từ tiền lương, người công nhân đóng thuế thu nhập, thuế phí khác, nuôi sống gia đình, chi tiêu tạo kích cầu cho các hoạt động vật chất và phi vật chất.

Giả sử công xưởng trên nay nhờ trang bị robot tự động hóa chỉ cần sử dụng 500 lao động. Lúc này cái được là tiết giảm rất nhiều chi phí sản xuất, trừ tiền đầu tư một lần, còn lại chuyển thành lợi nhuận của chủ lao động. Đồng lương của 500 công nhân mất việc không còn, đồng nghĩa toàn bộ số tiền đó không có trong chu trình lưu thông bảo đảm đời sống các cá nhân, đóng thuế, kích cầu tiêu dùng...

Từ cách đây hàng trăm năm, Các Mác đã đặt tên cho hiện tượng trên là siêu lợi nhuận (lợi nhuận siêu ngạch) trong thể chế kinh tế tư bản. Đây chính là phần giá trị thặng dư thu được trong một chu trình sản xuất do áp dụng công nghệ kĩ thuật mới vào sản xuất làm cho giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị thị trường. Ai có nguồn tư bản (vốn) càng lớn thì lợi nhuận siêu ngạch càng cao.

Lợi nhuận siêu ngạch trong nền kinh tế tư bản thế giới đang tạo ra những tỉ phú đô la mà số tiền bằng cả GDP của những quốc gia nhỏ hay nước nghèo. Một trong những nguyên nhân lợi nhuận không được điều tiết công bằng chính là chính sách cùng khe hở của nó và sự điều tiết Nhà nước. Bản thân các quốc gia phát triển cũng đã nhận ra điều này nhưng chưa có nhiều giải pháp khắc chế phù hợp, khi mà luật pháp là “con rùa”, còn doanh nghiệp tựa “bầy thỏ”. Động thái EU sẽ đánh thuế doanh thu tối thiểu 15% với các công ty công nghệ xuyên quốc gia là một tín hiệu đáng mừng, nhưng một cánh én khó làm nên mùa Xuân. Lợi nhuận siêu ngạch có ở mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp chứ không chỉ các siêu tập đoàn.

Cần áp thuế những robot với mức phù hợp theo tỉ lệ nhân công mất việc để tạo nguồn lực công điều tiết cho các mục tiêu xã hội và môi trường.

Nguồn lực tập trung vào Nhà nước sẽ hiệu quả và chính đáng hơn là những đồng tiền từ thiện của các tỉ phú./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 10 năm 2021