Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Hà Nội vẫn chưa dám nhìn vào sự thật nguyên nhân vỉa hè hư hỏng

 

“Tỉ lệ hư hỏng”

 Lâu nay dư luận từng nghe chuyện nhiều công trình xây dựng trong đầu tư công phải mất chừng 30% chi phí “không chính thức”, tức là cứ 1000 đồng chi cho công trình thì chỉ có khoảng 700 đồng vào công trình. Có người còn cho rằng có công trình tỉ lệ này còn cao hơn 40% và đó cũng là “tỉ lệ hư hỏng”.
Nếu thực sự như vậy thì mỗi công trình đầu tư xây dựng sẽ xảy ra hai khả năng: Một, nếu muốn công trình bảo đảm được chất lượng theo đúng kế hoạch và yêu cầu thiết kế thì cần nâng dự toán chi phí cao lên thêm để bù vào con số chi phí ngoài công trình; nếu giữ nguyên mức chi phí đầu tư theo thiết kế thì khi thi công phải cắt xén bớt vật tư, vật liệu, nhân công, quy trình… để “tiết kiệm” cho phần chi phí “phi chính thức”, khi đó chắc chắn công trình không thể bảo đảm chất lượng.
Mấy năm trước công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỉ vừa thi công xong đã bong tróc “ổ trâu ổ bò” khiến dư luận bức xúc. Công trình này khi còn đang thi công đã bị người dân phát hiện và tố cáo về quy trình, cách thi công cẩu thả, sử dụng vật liệu không đúng (lấy cả đất bùn để san lấp nền). Không hiểu sao công trình này vẫn được thi công, hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay thì mọi người đã biết, một số người có trách nhiệm đã phải đứng trước vành móng ngựa để “giải trình” về chất lượng công trình. Tuy nhiên không nhiều công trình đầu tư công chất lượng kém được chỉ rõ, đưa ra ánh sáng những người chịu trách nhiệm. Chỉ đơn cử như vỉa hè Hà Nội bao năm qua diễn ra điệp khúc đào lên lát lại rồi lại đào lên thay mới. Giá trị sử dụng mỗi lần “cải tạo vỉa hè” chỉ tính bằng tháng và dài lắm thì vài ba năm. Mỗi lần chỉnh trang vỉa hè đều có những lí do thuyết phục để triển khai. Lần gần đây nhất là lí do cần sử dụng đá tự nhiên có tuổi thọ 70 năm để công trình bảo đảm chất lượng lâu dài. Những viên đá tự nhiên “tuổi thọ cao” nhiều nơi gần đây bỗng dưng lại bị nứt vỡ. Thực trạng này đã được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra hai nguyên nhân: Do quá trình nổ mìn khai thác đá bị om và lát xong lại bị nước mưa!


Nhiều tuyến đường tại Hà Nội xảy ra tình trạng đá vỉa hè nứt vỡ.

Như vậy là chưa khi nào Hà Nội nhìn thấy nguyên nhân chất lượng vỉa hè thuộc về con người. Nếu cứ theo cách né tránh, bao biện, không truy đến cùng, truy đúng “thủ phạm” khiến chất lượng lát vỉa hè kém thì tin rằng, điệp khúc “đào lên lát lại” sẽ tái diễn nay mai. Liệu những đồng tiền đầu tư cho vỉa hè có đủ 100% vào vỉa hè hay nó cũng có “tỉ lệ hư hỏng 30%”?
Đá tự nhiên chắc chắn có độ cứng hơn viên gạch dân ta nung bằng lò thủ công. Những người có trách nhiệm ngành xây dựng Hà Nội nên về một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xem những con đường làng được lát gạch hàng trăm năm nay vẫn chưa hỏng, khi đó có thể sẽ nhận ra, vỉa hè hư hỏng đâu phải tại trời!?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  16/12/2022

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Bất cập phải chờ 8 năm để sửa?

 

Bất cập việc chờ… sửa bất cập!

 
Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành năm 2007 (Luật số 04/2007/QH12), sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13. Quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, nhất là đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Hiện tại, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, được cho là chưa phù hợp với thực tiễn khi ấn định một con số tuyệt đối và áp chung cho các vùng miền.
Nhận rõ những bất cập, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật Thuế TNCN trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế. Sau 4 năm, những bất cập của Luật Thuế TNCN như kể trên vẫn còn nguyên hiện trạng và bây giờ, Bộ Tài chính lại đang đề xuất sửa đổi!


Nhiều quy định liên quan đến thuế TNCN được cho còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa

4 năm qua đã trải qua bao nhiêu đợt bão giá hàng hóa, người dân đang phải gồng mình, thắt lưng buộc bụng. Tỉ lệ CPI tăng hằng năm cũng chính là con số “bào mòn” mức sống của người phụ thuộc khi con số 4,4 triệu đồng/tháng đứng im không nhúc nhích! Theo con số thống kê CPI hằng năm: Năm 2018: 3.54%; năm 2019: 2,79%; năm 2020: 5,15%; năm 2021: 2,78%, đồng nghĩa mức giảm trừ đã giảm 14,26%. Tuy nhiên CPI cũng chưa phản ánh thực chất chi phí sinh hoạt với những mặt hàng thiết yếu, nó luôn cao hơn mức CPI. Danh mục CPI hiện nay bao gồm 752 mặt hàng, nhưng đối với người lao động họ chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, quần áo, xăng dầu, điện, nước... những thứ đang tăng lên hàng ngày.
Hi vọng, mong chờ của người dân như bị dội “gáo nước lạnh” khi biết phải “gồng” thêm 3 năm nữa (tức đến năm 2025) luật này mới được sửa đổi và có thể năm 2026 Luật thuế TNCN mới được áp dụng vào thực tiễn. Vậy là lại thêm 4 năm để một sự bất cập sẽ được khắc phục trong khi chưa ai biết chỉ số CPI trong 4 năm tới sẽ tăng thêm bao nhiêu %?
Trong Luật thuế TNCN, người dân mong chờ sửa nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh. Luật thuế TNCN quy định khi chỉ số CPI theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng 20% thì mới đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy nếu CPI năm 2022 tăng 4% cộng với con số CPI tăng 14,26% của 4 năm trước vẫn chưa đủ 20%, tức là chưa đến ngưỡng phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, mức thu nhập chịu thuế!
Bất cập nữa là ấn định con số tuyệt đối chung cho các vùng khi giá cả, chi phí sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị chênh lệch, không giống nhau.
Ben cạnh đó, mấy năm qua các doanh nghiệp đã được giảm thuế, gia hạn nộp thuế... nhưng cá nhân lại không được bất kì sự hỗ trợ nào. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sự không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế…
Trước nhiều bất cập hiện hữu, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần gấp rút đẩy nhanh việc sửa đổi Luật thuế TNCN cho phù hợp với thực tế hiện nay, thay vì phải chờ đến tận năm 2025!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  07/12/2022

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Thực phẩm thuốc tiên

 

Chức năng của thực phẩm chức năng

 
 Hiện mọi người biết trên thị trường có một loại hàng hóa mang tên thực phẩm chức năng (TPCN). Giá của loại hàng hóa này luôn vượt trội các loại thực phẩm khác và không bao giờ có thể coi ngang hàng với thực phẩm - nó luôn ở thứ hạng cao cấp!
Vậy các loại thực phẩm thông thường khác có chức năng gì không? Ai cũng dễ dàng có câu trả lời: Bất kể loại thực phẩm nào, cao cấp hay thông dụng đều có chức năng, đó là cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể! Nuôi dưỡng sự sống, bồi bổ sức khỏe là chức năng chung của tất cả các loại thực phẩm. Ngoài ra, một số loại thực phẩm còn có chức năng riêng biệt dễ nhận biết sự tác động lên sức khỏe, ví dụ như khoai lang (cả củ và lá) có tác dụng nhuận tràng, dễ tiêu hóa; rau cải canh lợi tiểu; mướp đắng giúp hạ huyết áp v.v.


Thực phẩm chức năng luôn được quảng cáo tác dụng như thuốc tiên
“Thực phẩm chức năng” chế thức đang đóng vai trò như một loại thuốc vì thường được bác sĩ kê kèm theo các đơn thuốc điều trị cho người bệnh (nhất là với bệnh nhân điều trị ngoại trú). Hầu hết các loại TPCN được các nhà sản xuất quảng cáo liên tục trên nhiều kênh truyền thông, báo chí. Tác dụng của TPCN theo quảng cáo thì đều rất tuyệt vời như thể nó chính là thuốc, thậm chí còn hơn thuốc khi nó được cho có khả năng giúp chữa khỏi một số căn bệnh nan y! Chính vì những tác dụng tuyệt vời (dù không được kiểm chứng) nên TPCN thường có lí do để “sở hữu” giá cao hơn hầu hết các thuốc trị bệnh thông thường. Có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc nên trong lưu hành, TPCN không bị các điều kiện ràng buộc của thuốc chữa bệnh cùng sự quản lí chặt chẽ của cơ quan quản lí chuyên ngành. Thực tế là chẳng có mấy loại thực phẩm thông thường được đưa vào các nhà thuốc bệnh viện ngoài TPCN. Các bác sĩ khi kê đơn cũng “yên tâm” vì đó chỉ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, ít khi có chống chỉ định hay tác dụng phụ nguy hiểm. Với người bệnh khi sử dụng đơn thuốc có TPCN nếu khỏi bệnh có thể cho đó là do tác dụng của TPCN, còn khi không khỏi sẽ đổ lỗi cho thuốc. TPCN không phải là thuốc nhưng được nhiều bác sĩ chuộng kê đơn phải chăng vì “tiện lợi”, nó luôn có sẵn trên kệ hàng nhà thuốc bệnh viện!?
Nếu ai từng đi khám bệnh rồi được bác sĩ kê đơn mua thuốc điều trị ngoại trú, khi về xem lại giá tiền chi cho đơn thuốc sẽ thấy ngay, chi phí vượt trội chính là một vài loại TPCN chứ không phải là thuốc trị bệnh! TPCN có giá cao ngất ngưởng bởi nó phải gánh chi phí quảng cáo và nhà sản xuất mạnh tay chiết khấu cho người bán hàng (và có thể cả người kê đơn). Do vậy, chức năng “móc hầu bao” người bệnh mới chính là chức năng của TPCN./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  02/12/2022

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Họa từ miệng vào

 

Rủi ro từ những bữa ăn  

 “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” câu thành ngữ của người xưa chưa bao giờ cũ.

Hiểu nôm na người xưa dạy, miếng ăn nên cẩn thận vì nó dễ mang bệnh cho cơ thể; còn lời nói nên cẩn trọng bởi nó có thể mang họa vào thân. Ngày nay câu thành ngữ trên nên bổ sung: “Họa cũng có thể từ miệng vào”. Việc hơn 600 em học sinh Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) sau bữa ăn phải đi cấp cứu trong đó một em không qua khỏi, đó là thực sự là cái họa lớn “từ miệng vào”!


600 học sinh Trường iSchool Nha Trang gặp họa từ bữa ăn

Tôi về quê cũng thường đi chợ hằng ngày và nhận ra rằng mình là một trong số ít người quê phải mua rau chợ. Ở nông thôn nhà nào cũng tự trồng vài luống rau, mùa nào thức nấy, ít khi mua rau chợ vì lo bị phun thuốc trừ sâu. Nếu bất đắc dĩ phải mua dùng thì cũng chọn rau có vết sâu ăn, xấu mã. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân việc canh tác của một số người vẫn chưa có ý thức vì sức khỏe cộng đồng, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, bất chấp an toàn thực phẩm.

Câu chuyện ngộ độc thực phẩm dẫn đến thảm họa như kể trên là hệ quả ý thức kém của người sản xuất, kinh doanh trước sức khỏe, sinh mạng khách hàng.

Rủi ro những bữa ăn nguyên nhân từ người kinh doanh đã rõ. Tuy nhiên khâu quyết định vẫn là công tác quản lí, nếu cẩn trọng, chặt chẽ sẽ hạn chế tối đa không xảy ra rủi ro.

Sự phát triển dịch vụ cung cấp suất ăn hiện nay cho người ta nhiều sự lựa chọn: Tự tổ chức bữa ăn hoặc kí hợp đồng cơ sở dịch vụ cung ứng suất ăn. Tự tổ chức bữa ăn là cách làm tốt nhất khi người quản lí đơn vị kiểm soát được các khâu từ mua sắm thực phẩm đến chế biến và tổ chức bữa ăn. Lúc đó nguồn lương thực thực phẩm mua về được chọn lọc, nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn chế biến. Thế nhưng việc kí dịch vụ cung ứng suất ăn người ta lại thường đặt niềm tin và phó thác vào nhà cung cấp, không tham gia giám sát quá trình chế biến và kiểm soát chất lượng. Người kinh doanh luôn có xu hướng tiết giảm chi phí nên thường mua nguồn hàng giá thấp để tối ưu hóa lợi nhuận. Việc tự quản lí quá trình chế biến thường không khắt khe như đơn vị tự tổ chức bếp ăn nên dễ xảy ra “lỗ hổng” vệ sinh an toàn.

Từ bà nội trợ nơi đô thị cho đến người nông dân sản xuất rau màu tại vùng quê có thể bảo đảm được sự an toàn cho bữa ăn của gia đình trước những độc hại từ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, gia đình ngày nay không thể khép kín bởi con em, người thân của chúng ta vẫn ngày ngày sử dụng dịch vụ trong từng bữa ăn bán trú, bữa cơm bình dân đường phố hay cả những bữa tiệc sang trọng tại nhà hàng, khách sạn…

Họa có thể đến bất kì lúc nào với mọi người nếu vẫn có những người thiếu trách nhiệm trước bữa ăn của người khác!/.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/11/2022

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Thuế xăng dầu nặng gánh vì thu ngân sách

 

Công bằng trong thuế bảo vệ môi trường 

 Một trong những lí do giá xăng dầu hiện nay được giữ ở mức vừa phải là do thực hiện Nghị quyết số 20/2022 của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết này, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, mỡ nhờn đã có 3 lần giảm trong năm nay với tổng các lần giảm lên đến 75% góp phần kìm hãm nguy cơ lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, thuế BVMT sẽ được đưa trở lại mức trần với xăng (trừ xăng sinh học) từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500 đồng lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, từ 300 đồng lên 2.000 đồng/lít... Hàng triệu người tiêu dùng và hầu hết các ngành sản xuất có tiêu thụ xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu chắc chắn tăng lên tương ứng với mức thuế kể trên.

Có lẽ chỉ có mặt hàng xăng dầu mới được cách tính thuế ấn định một cách cơ học (không căn cứ vào giá mặt hàng tăng hay giảm) nên khi giá xăng dầu thấp thì mức thuế đánh vào túi người sử dụng tăng lên, ngược lại, khi giá xăng tăng cao thì nguồn thu của Nhà nước không thay đổi dù doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể hưởng lãi tăng cao.

Những năm gần đây thu ngân sách Nhà nước từ thuế BVMT tăng mạnh từ tỉ trọng chiếm 1% đã tăng lên tới 4,27% tổng thu ngân sách và trong đó hơn 95% tổng thu của thuế này là từ xăng dầu! Song liệu xăng dầu có phải là “tội đồ” gây tới 95% ô nhiễm môi trường!? Điều đáng nói nữa là con số 4,27% tổng thu ngân sách đó không phải để chi riêng cho BVMT.


Tổ hợp sản xuất giấy tại Yên Phong, Bắc Ninh

Lẽ thường trong sự công bằng là ai thải ra ô nhiễm môi trường nhiều phải đóng chi phí nhiều tương ứng và ngược lại để phục vụ xử lí môi trường. Tuy nhiên hiện có không ít mặt hàng, ngành sản xuất gây ô nhiễm lớn song đóng góp vào thuế BVMT chưa tương xứng. Có thể dễ dàng liệt kê ra các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường lớn, phạm vi rộng: Sản xuất điện than, thép, giấy, công nghệ dệt nhuộm, may mặc, da giầy, túi nilon, lắp ráp điện tử, hóa chất v.v… Ít ai liên tưởng những tờ giấy ăn trắng tinh sạch sẽ giá rẻ lại là nguyên nhân đang chuyển những dòng sông từ trong xanh thành dòng sông chết chóc! Rồi những túi nilon được phát miễn phí cho các bà nội trợ hằng ngày đang góp phần gây ô nhiễm cho cả các đại dương bao la! Tổng hợp của bao ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường mà phần đóng góp loại thuế này cộng lại vào ngân sách nhà nước lại chưa đến 5%! Điều đó cũng cho thấy xăng dầu đang “è cổ” gánh nặng thuế BVMT. Có lẽ cũng vì mức thuế BVMT khá “nhẹ nhàng” nên hầu hết các doanh nghiệp gây ô nhiễm không mấy bận tâm tới đổi mới công nghệ trong sản xuất, coi trọng xử lí ô nhiễm và đó cũng là tác nhân của tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hiện nay.

Nếu không giải quyết được sự công bằng trong đóng góp thuế BVMT thì cuối cùng loại thuế này nhằm vào xăng dầu cũng chủ yếu là tạo nguồn thu ngân sách, chưa hẳn vì BVMT!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/11/2022  

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Một chính sách nhân văn nhưng đang chỉ là hình thức

 

Sao cứ phải “tầm gửi” 20%?


Nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội tại đô thị luôn được Nhà nước quan tâm và được cụ thể hóa bằng các chính sách pháp luật về nhà ở, bất động sản.
Năm 2015 Chính phủ có Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lí nhà ở xã hội, theo đó cho phép chủ dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn giữa các hình thức là dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, giao quỹ nhà ở tương đương, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó. Năm 2021 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, siết chặt hơn với các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I, từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Đặc biệt, theo nghị định này, chủ đầu tư không được nộp tiền sử dụng đất thay thế nếu không dành 20% quỹ đất trong dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Như vậy, dù được quan tâm nhưng vấn đề nhà ở xã hội lại luôn gắn với quá trình phát triển nhà ở thương mại và tỉ lệ 20% chẳng rõ đã được cơ quan tham mưu để ban hành chính sách căn cứ vào cơ sở thực tiễn nào. Có ý kiến cho rằng con số 20% quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội thực tiễn chỉ bảo đảm tính “nhân văn lí thuyết” cho các dự án thương mại! Có lẽ bởi tính nhân văn trên lí thuyết nên thực tiễn rất khó tìm thấy các khu “chung cư 20%” sánh vai trong các khu chung cư thương mại cao cấp giữa trung tâm nội đô. Cũng vì vậy, “Xuân Thu nhị kì” nó lại được đặt ra trên nghị trường khi bàn về việc phát triển thị trường nhà ở hay bất động sản.

Nhà ở xã hội sao sánh vai với chung cư hạng sang?

Mới đây tại diễn đàn Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội) đặt vấn đề “liệu trong khu đô thị có giá trị rất cao thì có nhà giá trị rất thấp không và người lao động, thu nhập thấp thì có thể trang trải, thích nghi được với điều kiện, dịch vụ tại khu vực dành cho người thu nhập cao không?”.
Hai Nghị định trên của Chính phủ dù khá đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội với các điều khoản cụ thể nhưng thực tiễn hiện nay rất khó tìm thấy những “chung cư 20%” đứng bên các chung cư thương mại hạng sang.
Tại sao không quy định các địa phương phải dành một tỉ lệ quỹ đất riêng biệt để xây dựng các khu chung cư cho người thu nhập thấp tại đô thị mà cứ phải “tầm gửi” chung cư thương mại? Có thể cũng chỉ là 20% trong quỹ đất phát triển nhà ở hằng năm của địa phương (ưu tiên 80% cho phát triển nhà ở thương mại để tạo nguồn thu ngân sách) nhưng “việc nào ra việc nấy”, chính sách an sinh không thể chỉ trông cậy vào lòng tốt của doanh nghiệp./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22/11/2022

Trào lưu xăm mình

 

Thời trang vĩnh cửu!

Nghe câu khẳng định này sẽ nhiều người nhận ra sự mâu thuẫn.

Thời trang, hiểu nôm na là những trang phục làm đẹp nhất thời nhằm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của con người. Chẳng ai diện một kiểu quần áo suốt một đời cả. Nhận thức về cái đẹp với mỗi cá nhân, với cộng đồng luôn thay đổi tùy theo xu thế, trào lưu của xã hội, sự phát triển của khoa học kĩ thuật và tâm tính con người trong từng giai đoạn tuổi tác từ trẻ tới già. Sẽ thật buồn cười nếu một cụ bà 80 tuổi diện bộ váy ngắn cũn cỡn của cô gái tuổi 18…
Thời trang không chỉ có trang phục. Những thứ khác trên thân thể con người khi được tô điểm, chỉnh sửa cũng có thể coi như một loại thời trang. Việc đánh phấn tô son là thứ thời trang thường nhật và dễ thay đổi của phái đẹp. Tuy nhiên có thứ thời trang can thiệp lên cơ thể sẽ là vĩnh cửu với cá nhân, đó là phẫu thuật thẩm mĩ và xăng mình.
Xóm tôi có một bà thời trẻ là một hoa khôi từng hút hồn cánh mày râu. Dù chẳng cần can thiệp gì thì bà đã rất đẹp nhưng không hiểu sao khi đó bà lại đi xăm mi mắt. Đúng là việc xăm mi cũng tôn thêm vẻ đẹp của đôi mắt bồ câu sâu thẳm. Song nó cũng không thể dấu được, đó là vẻ đẹp không tự nhiên. Nay bước sang tuổi ngoài 70 những nét xăm từng tôn thêm vẻ đẹp thời con gái như không còn phù hợp nhưng không có cách nào thay đổi được. Không ít người thời trẻ chỉ xăm mấy dòng chữ trên cánh tay nay về già khi cố tẩy bỏ cũng đã để lại di chứng là những vết sẹo nham nhở. Có những người từng can thiệp thẩm mĩ đã tôn lên nét đẹp một thời nhưng khi về già nét đẹp không còn, thậm chí sự can thiệp như khiến sắc đẹp “xuống cấp” nhanh hơn, tệ hơn.

Xăm mình đang là trào lưu của giới trẻ

Xăm mình với giới trẻ những năm gần đây đã trở thành trào lưu. Hiện không ít diễn viên, ca sĩ, MC và cả người dẫn chương trình truyền hình không dấu diếm hình xăm trước công chúng. Có lẽ vì thế mà trào lưu này nay đang lan đến cả lứa tuổi học đường...
Làm đẹp bằng cách can thiệp lên cơ thể là quyền của cá nhân. Nhận thức về cái đẹp hình thể cũng là quan điểm cá nhân. Tuy nhiên ít người nghĩ đến chuyện mình đang tự khoác lên cơ thể một thứ thời trang vĩnh cửu, không thể thay đổi!
Con người là tuyệt tác của thiên nhiên. Vẻ đẹp tự nhiên của con người cũng là tuyệt tác của thiên nhiên. Vì một lí do nào đó khiến cơ thể khiếm khuyết mới cần tới sự khắc phục, can thiệp. Mỗi cá nhân hãy tôn trọng, nâng niu vẻ đẹp của chính mình để không phải hối hận về sau vì những nông nổi nhất thời./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 11/2022

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Nghiên cứu, trao đổi

 

Nên nghiên cứu nâng đường sắt lên cao

Hiện hệ thống đường sắt vận tải khu vực nội đô Hà Nội đang tồn tại vấn đề lịch sử để lại, đó là tình trạng có hàng chục điểm giao cắt từ ga Long Biên, qua ga chính Hà Nội kéo dài đến ga Văn Điển, Thường Tín. Đoạn này chỉ với hơn chục km nhưng lại có rất nhiều điểm giao cắt chính thức và đường dân sinh tự phát. Cùng với đó là việc cư trú trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt suốt dọc tuyến này. Nhà ở của hàng trăm hộ dân xây dựng sát đường tàu và việc kinh doanh, buôn bán thường trực nguy cơ mất an toàn dọc phạm vi khu ga chính cự 1-5km về hai hướng Bắc và Nam.

Tuyến đường sắt chạy song song với quốc lộ 1A, qua địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, tình trạng đường ngang tự mở của các hộ dân sống dọc tuyến xuất hiện khá dày, có nơi chỉ vài trăm mét đã có một đường ngang. Cùng với đó là hàng quán mọc lên, vật liệu xây dựng, phế thải đổ bừa bãi bên hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đây thực sự là những mối hiểm họa thường trực, không chỉ xâm phạm đến hành lang an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân cũng như ngành đường sắt. Thực tiễn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm tại các điểm giao cắt dọc tuyến đường này trong những năm qua.

Tại đường Ngọc Hồi (thuộc địa phận thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) gần như toàn bộ tuyến đường sắt đều có nhà dân san sát dọc theo chiều dài tuyến, vừa là nơi cư trú, vừa trở thành cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, các hộ dân đã tự ý mở lối đi cắt ngang đường sắt, tháo rỡ barie bảo vệ đường tàu để làm lối đi lại. Nhiều đoạn barie đường sắt đã bị tháo dỡ làm đường dân sinh, không có rào chắn cũng như biển báo, hệ thống cảnh báo tàu chạy.

Theo Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018, của Chính phủ quy định về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khu vực đô thị là 5m, song hầu hết đường sắt đi trong nội đô thành phố Hà Nội đều không đáp ứng được yêu cầu này. Thậm chí, có những đoạn đường sắt, cửa nhà chỉ cách đường ray chưa tới 2m như tuyến phố “cà phê đường tàu” (quận Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên nếu thực hiện giải tỏa để bảo đảm cự li này dọc tuyến sẽ tốn nguồn ngân sách rất lớn mà cũng chỉ khắc phục được về cự li hành lang, còn hàng chục tuyến giao cắt đường bộ, đường dân sinh tự phát vẫn tồn tại.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ suốt dọc tuyến với 15,7km nhằm xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở. Tuy nhiên với ý thức một bộ phận người dân khi giao thông và kế mưu sinh, rất khó có thể khẳng định sẽ xóa bỏ được thực trạng đường ngang tự phát hiện nay trong tương lai gần.

Những năm qua, thực hiện giải pháp cầu vượt nhẹ tại các điểm giao cắt và xây dựng tuyến đường bộ vành đai trên cao đã giúp Hà Nội giảm đáng kể áp lực và giải tỏa được nhiều điểm ùn tắc giao thông. Hà Nội cũng đã và đang triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên cao. Vậy tại sao cơ quan chức năng ngành đường sắt và Hà Nội không phối hợp nghiên cứu giải pháp nâng đường sắt lên cao?


Người Pháp đã cho xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm từ ga Long Biên vào nội đô 

Thực ra, đã có một đoạn đường sắt từ ga Long Biên vào ga trung tâm, đó là đoạn đường trên cao được người Pháp xây dựng song song với tuyến phố Phùng Hưng. Đoạn đường này được hạ dần độ cao khi vào ga Hà Nội và chỉ có điểm giao cắt bắt đầu từ ngã tư Trần Phú. Dưới đoạn đường cao này là hệ thống cốt nền được thiết kế thành những cống vòm và vẫn có thể bảo đảm giao thông dân sinh xuyên cắt qua gầm đường sắt. Vừa qua Hà Nội đã cải tạo trả lại kiến trúc ban đầu tại đây, tạo mĩ quan đẹp cho cả tuyến phố.


Hà Nội đang thực hiện đục thông các ô vòm đường dẫn tuyến phố Phùng Hưng

Giả thuyết nếu xây dựng toàn tuyến đường sắt từ sau ga Long Biên kéo đến tận ga Văn Điển, thậm chí đến gần ga Thường Tín theo hình thức kiến trúc tương tự đoạn dọc phố Phùng Hưng liệu có rẻ hơn so với nguồn tiền giải tỏa hành lang an toàn 5m? Cùng với đó là tiến hành cải tạo, nâng cấp, nâng độ cao khu vực ga Hà Nội tương ứng? Cách làm này sẽ xóa bỏ hoàn toàn các điểm giao cắt đường sắt có gác chắn cũng như đường dân sinh tự phát dọc tuyến này. Việc kinh doanh của các hộ dân bên đường tàu sẽ không còn ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và nguy cơ tai nạn. Khi đó tàu vào ga trung tâm có thể nâng tốc độ cao hơn so với hiện nay. Cùng với đó, tuyến đường sẽ tạo một diện mạo mĩ qua đô thị đẹp, văn minh, xóa đi thực trạng nhếch nhác, lạc hậu dọc hành lang đường sắt.

Với công nghệ, vật liệu và trình độ xây dựng hiện nay, thiết nghĩ việc thi công tuyến đường không quá khó khăn, phức tạp. Quá trình thi công có thể dừng tiếp nhận hành khách đi tàu, phía Bắc tới ga Long Biên, phía Nam đến ga Văn Điển hoặc Thường Tín./.

  Đinh Hoàng

Bài nghiên cứu trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/9/2022

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Cần cách nhìn mới về chung cư

 

Bình đẳng quyền sở hữu đất ở

Bẵng đi một thời gian, vừa qua khi xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng lại đưa ra đề xuất từng bị dư luận phản ứng: Quy định thời hạn sử dụng chung cư 50 hoặc 70 năm (tại phương án 1). Hết thời hạn, quyền sở hữu của chủ căn hộ sẽ chấm dứt. 

Ai cũng biết rằng tuổi thọ một công trình xây dựng phụ thuộc vào chất lượng, kĩ thuật, vật liệu… được sử dụng khi thi công. Do vậy, quy định thời hạn phải căn cứ vào những vấn đề đó chứ không thể vì tên tuổi công trình.

Những công trình như Nhà hát lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ… (tại Hà Nội), Bưu điện trung tâm, Bảo tàng mỹ thuật, Bến Nhà Rồng… (tại TP Hồ Chí Minh) hay nhiều kiến trúc Pháp khác có lẽ tuổi đời đã trên trăm năm mà cho đến nay vẫn vững chắc, bền đẹp như thuở ban đầu. May mắn thay người Pháp đã không quy định thời hạn sử dụng những công trình này là 50 hay 70 năm!


Nhà hát lớn Hà Nội

Một thực trạng buồn là hàng nghìn căn chung cư tại các đô thị được xây dựng từ những thập niên 70, 80 thế kỉ trước nay xập xệ mất mĩ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn song đang bế tắc về cách giải quyết. Phải chăng từ chuyện khó khăn cải tạo, xây mới các chung cư cũ này mà cơ quan quản lí muốn tạo một nền tảng pháp lí mới để tương lai dễ giải quyết với chung cư cũ? Kĩ thuật, chất lượng xây dựng nhà ở, chung cư hiện nay đã khác xa và tiến bộ vượt bậc so với cách đây 40-50 năm, không thể nhìn thực trạng hiện tại của chung cư cũ để xây dựng pháp lí cho hàng chục năm sau. Cần có quan điểm và cách nhìn đúng đắn, khách quan và khoa học về thời hạn sử dụng công trình hiện nay, không chỉ nhà chung cư.

Người dân sở hữu căn hộ chung cư, suy đến cùng là bình đẳng với người có căn hộ riêng lẻ. Mỗi người khi mua căn hộ cũng đồng thời là mua quyền sử dụng đất ở của căn chung cư đó dù nó rất nhỏ (vì phải chia bình quân cho diện tích các tầng nhà). Dù nhà ở loại gì thì cũng phải gắn với đất ở, không thể tồn tại trên không trung. Nếu quy định thời hạn 50, 70 năm thì chỉ có thể là thời hạn của công trình xây dựng đó chứ không thể là thời hạn quyền sử dụng đất ở của người đã sở hữu. Hết thời hạn, khi công trình xuống cấp cần cải tạo hay xây mới thì quyền sở hữu vẫn không thể thay đổi.

Nên chăng cơ quan quản lí cần xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn một cách khoa học để thẩm định, đánh giá sự an toàn của các công trình khi xây dựng, từ đó quyết định thời hạn sử dụng cho phù hợp. Việc này cần áp dụng với toàn bộ các công trình (trong đó có chung cư và nhà ở riêng lẻ), bởi tại Hà Nội đã từng xảy ra những vụ sập nhà riêng lẻ do cũ nát.

Khi xây dựng pháp luật, cơ quan quản lí cần dựa trên nền tảng pháp lí cao nhất về quyền sở hữu nhà ở, đất ở của cá nhân đã được pháp luật bảo vệ. Không thể vì chất lượng, tên gọi công trình mà tước đi quyền sở hữu hợp pháp của người dân./.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/9/2022  

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Bảo tồn lạc hậu

 

 Độc đáo hay kì dị?

Theo từ điển, độc đáo là biểu hiện tính chất riêng của mình, không phỏng theo những gì đã có xưa nay, không giống, không lẫn với những gì có ở người khác và thường nói về nét đẹp, sáng tạo (ý tưởng độc đáo, kiến trúc độc đáo…).

Có một thực trạng kì lạ đang được một số người cho là độc đáo tại phố cà phê đường tàu (đoạn từ ga Long Biên đến ga Hà Nội). Tại đây, khách hàng ngồi uống cà phê chỉ cách ray đường tàu chừng hơn một mét, khách du lịch thì dàn hàng ngang trên đường ray chụp ảnh, thậm chí vô tư ngồi, nằm xuống để chụp được những bức ảnh độc lạ!

Vừa qua công an hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) lại đồng loạt ra quân, hàng rào được dựng lên để ngăn người dân và du khách vào các quán “cà phê đường tàu” thuộc 2 phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) và Điện Biên (quận Ba Đình). Các hộ đang kinh doanh này đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt.


Mỗi khi cơ quan chức năng muốn dẹp bỏ việc kinh doanh cà phê tại tuyến đường tàu này là lại có những ý kiến trái chiều, muốn duy trì nó với lí do “phát triển kinh tế du lịch” và “giữ lại một địa điểm độc đáo của Hà Nội”. Tiếc thay ý kiến này không chỉ của một số người vì lợi ích riêng mà còn có sự cổ súy của một vài đơn vị truyền thông. Họ cho đây là “sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội”, là thứ đóng góp vào kinh tế Thủ đô, kế mưu sinh của người dân! Có kênh truyền hình phỏng vấn mấy ông “Tây ba lô”, một vài du khách thích sống ảo như thể đây là đánh giá khách quan của du khách cả trong nước và quốc tế!?

Nếu chiểu theo khái niệm từ điển thì quả là cách kinh doanh này cũng “biểu hiện tính chất riêng của mình… không giống, không lẫn với những gì có ở người khác”, bởi trên thế giới chẳng quốc gia nào cho phép sự tùy tiện, vô pháp như vậy. Có lẽ sự kì dị và tính nguyên sơ lạc hậu như cách đây hàng trăm năm đã khiến khách Tây tò mò mà thôi. Đây không thể coi là nét đẹp của việc kinh doanh hay văn hóa bởi đó không thể hiện tính mới, tính sáng tạo và nhân văn, khi mà người kinh doanh coi thường pháp luật, bất chấp sự an toàn tính mạng của khách hàng. Cũng không thể biện minh vì sinh kế của dân bởi Hà Nội còn có hàng vạn người sống trong các ngõ phố chật hẹp mà vẫn có kế mưu sinh, đâu cần vi phạm quy định của luật pháp?

Hà Nội cần du khách tìm đến du lịch với những di sản vật thể và phi vật thể mang nét đẹp của văn hóa, nét đẹp trong phong cách con người Hà Nội suốt chiều dài lịch sử nghìn năm văn hiến và cuộc sống văn minh hiện đại chứ không thể là ấn tượng về sự tùy tiện, nhếch nhác, lạc hậu.

Đã đến lúc Hà Nội và ngành đường sắt cần cùng nhau bàn bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục cơ bản một tồn tại của lịch sử. Việc này cần quyết tâm chính trị và nguồn lực lớn của cả trung ương và địa phương, sự ủng hộ của báo chí, truyền thông. Mong việc ra quân lần này không lặp lại những lần ra quân trước và Hà Nội sẽ dẹp được một hình thái kinh doanh kì dị./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  23/9/2022

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nền giáo dục lợi nhuận

 

“Mỏ vàng” sách giáo khoa

Có người đã đưa ra khái niệm: Khoa học là biến cái phức tạp thành cái đơn giản. Biến những thứ rối rắm, phức tạp thành thứ mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó mới là sự cao siêu của khoa học mà con người đang nỗ lực vươn tới. Thế nhưng nay lại có chuyện người ta đang biến những thứ tương đối đơn giản thành sự dài dòng, phức tạp,  đó là nội dung một vài cuốn sách giáo khoa (SGK).


Việc làm SGK phổ thông hiện nay đang theo khuynh hướng “SGK dày cho một nội dung mỏng”. Người biên soạn sách đang cố gắng kéo dài thời gian giảng dạy và cách trình bày cho cùng một nội dung so với sách thời trước. Cách đây mấy chục năm, dưới thời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, SGK cho tất cả môn học của hệ giáo dục phổ thông được viết ra chỉ bởi một nhóm nhỏ tác giả trong một khoảng thời gian ngắn, dưới sự chủ biên của giáo sư Hoàng Tụy. Thù lao viết sách được trả bằng lương, bồi dưỡng không đáng kể, Chính phủ không phải trả chi phí cho các dự án.

Chỉ đơn cử ví dụ: Trẻ lớp 1 những năm 1990 không cần nhiều bài học như hiện nay và cũng chỉ dùng hết hai cuốn vở ô li mỏng để nhận biết và cộng trừ từ 1 đến 100. Trẻ nhà nghèo thậm chí có thể học cộng trừ từ 1 đến 100 với bút bằng cành tre và giấy là bãi đất cát, trong khoảng mươi bài học…  

Thế nhưng SGK hiện hành, để dạy học sinh các số từ 1 đến 100 và cộng trừ từ 1 đến 100, sách Toán 1 (bộ Cánh Diều) cần đến 172 trang giấy khổ lớn (18,5cm x 26cm), cùng hai cuốn vở bài tập Toán 1 (17cm x 24 cm), gồm 76 bài, dày 162 trang. Đích cuối cùng cũng đều là cộng trừ từ 1 đến 100 mà thôi! Các tác giả viết sách đã “nỗ lực” làm cho bộ sách “phong phú, màu sắc, bắt mắt hơn”... để thu hút “khách hàng”. Vì thế mà mọi tổ hợp của phép cộng trừ các số từ 1 đến 100 được liệt kê ra với đủ kiểu tranh vẽ minh họa. Những thứ “hơn” vô ích này không chỉ làm dày cuốn sách, tăng tiền in ấn, mà tai hại hơn, đi ngược với tiến bộ và khoa học giáo dục.  

Năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất chi 34.275 tỉ đồng để đổi mới chương trình và SGK. Con số quá lớn khiến dư luận xôn xao và nhiều ý kiến phản biện nên về sau đã được giảm xuống. Song, qua ba nhiệm kì bộ trưởng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã chi những khoản tiền khổng lồ để viết lại SGK và sẽ còn phải chi nữa cho đến khi hoàn tất bộ SGK mới (hiện mới có bộ sách cho lớp 3, 7 và lớp 10). Song song đó là chi phí mua sách hằng năm ngốn hàng nghìn tỉ đồng của phụ huynh học sinh.

Ai cũng nhận ra, cách làm sách, định giá sách hiện nay đang mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho nhà làm sách. Còn với học sinh thì chưa biết hiệu quả ra sao nhưng hiện các nhà trường đang “rối mù” vì chuyện lựa chọn SGK mới “một chương trình, nhiều SGK”!

Việc làm sách vì mục tiêu lợi nhuận, coi thị trường SGK như một “mỏ vàng” không những làm mất đi tính khoa học trong giáo dục mà nó đang gây lãng phí và tạo gánh nặng cho xã hội./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23/9/2022  

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Níu kéo danh hão

 

Học làm dân

Với nhiều người khi nghỉ hưu mới thực sự được làm một người… dân!

Thực tiễn không ít người khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học được tuyển vào công chức, viên chức nhà nước sau đó là quá trình thăng tiến từ chức vụ nhỏ đến lớn nên đã không thể có thời gian để… làm dân.

Khi còn công tác trong quân đội tôi cũng chỉ đôi lần vào vai dân đến cửa thủ tục hành chính để giải quyết việc riêng, còn lại đa số phó thác cho vợ đi giải quyết. Đó là lần đi làm thủ tục tách công tơ điện khi gia đình có người tách hộ khẩu. Lần đầu tôi đến được nhân viên điện lực lướt nhanh qua hồ sơ rồi trả ngay vì chưa có giấy đề nghị mua điện. Lần thứ hai đến thì nhân viên điện lực lại chỉ ra là thiếu giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Lần thứ ba đến tiếp tục được nhân viên điện lực cho biết cần có một bản xác nhận của cảnh sát khu vực về lưu trú đồng thời hẹn 2 tuần để  nhân viên điện lực đi khảo sát hệ thống điện của gia đình xem có lắp được thêm công tơ hay không. “Quá tam ba bận” đi đi lại lại tôi mới hoàn chỉnh được bộ hồ sơ để được tách công tơ. Nếu nhân viên điện lực kiểm tra kĩ càng ngay lần đầu, hướng dẫn cụ thể, chỉ ra các loại giấy tờ cần thiết thì tôi đã không phải đi lại mấy lần như vậy. Lần sau cùng mang bản xác nhận của cảnh sát khu vực đến tôi định bụng góp ý thẳng thắn về cách làm việc gây phiền hà cho dân của nhân viên này nhưng chợt nghĩ, chắc gì họ đã tiếp thu, thậm chí bực lên rồi “ngâm” hồ sơ, chưa biết khi nào mới xong nên đành thôi. Khi chia sẻ chuyện này với một người bạn, ông tỏ ra tiếc bảo sao không nói trước vì ông có thể giúp làm đơn giản, nhanh chóng. Ông cho biết có người bạn là cán bộ cấp phòng của quận này, khi ông nhờ tách công tơ, anh này chỉ cần nói trước với bên điện lực, ông chỉ việc nộp hồ sơ cơ bản, thiếu cái gì nhân viên điện lực gọi điện thoại để hoàn thiện chứ không cần đi lại nhiều lần. Vậy là khi vào “vai dân” tôi mới ngộ ra, cách phục vụ “quan” với dân của cơ quan công quyền đôi khi cũng có sự khác nhau!

Một hội lãnh đạo, những người không muốn làm dân

Gần đây nở rộ trào lưu người được nghỉ hưu song vẫn không muốn làm dân dù ai cũng biết “quan nhất thời, dân vạn đại”. Cứ nhìn vào một số tổ chức được tùy hứng lập ra như Hội tướng lĩnh Đức Thọ (Hà Tĩnh), Câu lạc bộ giám đốc CDC miền Bắc rồi mới đây là Hội Lãnh đạo Sở và các Trưởng phòng, ngành giáo dục Hà Tĩnh… thì mới thấy nhiều quan chức dù “hết quan” nhưng vẫn chưa muốn “hoàn dân”. Dù lí do đưa ra là để đóng góp những điều tốt cho xã hội nhưng thực chất họ chỉ muốn giữ mãi cái danh bởi biết từ cái danh cũng có thể sinh ra cái thực!

Quan chức khi nghỉ hưu muốn đóng góp cho xã hội không gì hơn hãy trở thành những dân thường thực thụ, lúc đó mới có thể nhận ra những điều mà khi đương chức dù có “vi hành” cũng khó biết được. Và khi đó người ta mới có thể đưa ra được ý kiến ích nước, lợi dân.

Xem ra với một số công chức, học làm dân cũng không dễ dàng gì!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  15/9/2022

Người giàu có dạy được cách sống?

 

Khuôn mẫu của “cá mập”

Chương trình Thương vụ bạc tỉ (tên tiếng Anh: Shark Tank Vietnam) là chương trình truyền hình khá nổi tiếng dành cho các startup trẻ. Chương trình truyền cảm hứng cho các người chơi là doanh nhân khởi nghiệp thực hiện các bài thuyết trình về những sản phẩm độc đáo của họ trước một hội đồng các nhà đầu tư, tường thuật lại quá trình thương thuyết để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào dự án kinh doanh của mình... Các Shark (còn được hiểu như những “cá mập” về kinh nghiệm kinh doanh và vốn đầu tư) thường được chọn trong số các doanh nhân thành đạt, sẵn sàng rót vốn cho ứng viên tiềm năng có thể giúp đồng vốn của họ sinh lời.

Những ứng viên tài năng cùng những khoản đầu tư bạc tỉ đã mang lại thương hiệu cho chương trình truyền hình và không thể phủ nhận, nó cũng mang đến thương hiệu cho chính các… “cá mập”! Chẳng thế mà khán giả truyền hình thường gắn tên các nhà đầu tư với cá mập như Shark Hưng, Shark Bình, Shark Linh...

Trên diễn đàn truyền thông, các “cá mập” thỏa sức cật vấn ứng viên gọi vốn và khi quá đà họ còn đưa ra những lời khuyên, răn dạy dạng như phải sống thế này, nên ứng xử thế kia. Có câu “miệng nhà quan có gang có thép”, còn nhà giàu thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Các nhà đầu tư sẵn tiền, mạnh bạo đầu tư cũng là chuyện thường tình song bạo nói, bạo dạy cách sống có lẽ đã vượt quá chức năng của một nhà đầu tư kinh doanh. Vừa qua phát ngôn của một vài Shark đã gây bão dư luận khi đưa ra những quan điểm riêng. Ví dụ, Shark Linh (bà Thái Vân Linh, Giám đốc Đầu tư tại DFJ VinaCapital) nói: ‘Có người chỉ sáng thức dậy đi làm, tối về coi truyền hình, hoặc đi nhậu với bạn. Mục tiêu trong cuộc sống của họ là gì họ cũng không biết. Họ không biết mình muốn gì, nhưng vẫn muốn sung sướng’; còn Shark Bình (Chủ tịch Tập đoàn NextTech) thì: ‘Dành thời gian cho việc giải trí, xem phim, nghe nhạc, chat chít… thì bản chất chúng ta vẫn chưa có đam mê. Và như vậy, chúng ta đang sống một cuộc sống vật vờ và khó bứt phá, khó thành công được’… Những quan điểm riêng này sao có thể áp đặt cho mọi người? Cuộc sống của con người đâu chỉ có kiếm tiền, làm giàu. Con người ta có thể chưa giàu về vật chất song dứt khoát không thể nghèo về tinh thần! Không giải trí, thưởng thức nghệ thuật, kết giao, chuyện trò với bầu bạn… thì sao giàu có về tâm hồn?

Dân mạng nói về ồn ào ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: Dù có tiền tài hay danh vọng, mất mát lớn nhất vẫn là gia đình - Ảnh 1.

Hai vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên, một gia đình "cá mập"

Các doanh nhân thành đạt trong kinh doanh là rất đáng trân trọng, họ có thể là những khuôn mẫu cho người khác học hỏi việc kinh doanh, khởi nghiệp. Tuy nhiên mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc chứ không phải đồng tiền. Người ta có thể dành rất nhiều tâm sức, thời gian làm việc, kiếm tiền song cuối cùng là để có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất và phong phú tâm hồn. Thực tiễn có không ít “nhà giàu vẫn khóc” đó thôi.

          Ông chủ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng bất lực thốt lên với vợ trong phiên tòa xét xử li hôn: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”. Chỉ một ví dụ về gia đình đại gia giàu có đã cho ta biết bao điều đáng suy nghĩ/

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  14/9/2022

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Cánh tay nối dài của chủ nhiệm lớp

 

Có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Cứ mỗi khi bước vào năm học mới là lại dấy lên chuyện lạm thu. Mọi bức xúc lạm thu thường hướng vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) như thể “tội đồ” vì đây là đầu mối thu hộ và cũng tham gia chi hộ một số khoản qũy.

Việc phụ huynh và dư luận “dị ứng” với Ban đại diện CMHS cũng có cái lí riêng. Khi còn là một phụ huynh tôi thấy việc chọn thành viên Ban đại diện CMHS thường được giáo viên chủ nhiệm hoặc một vài cá nhân gợi ý, nhân sự nhằm vào người “có điều kiện” (kinh tế, vị thế…) chứ không vì khả năng tổ chức, hỗ trợ giáo dục. Thành viên Ban đại diện CMHS cũng thường là người đề xuất mức thu quỹ và nhanh chóng “gương mẫu” đóng trước. Công việc của Ban đại diện CMHS trong năm học thường chỉ là thăm tặng quà thầy cô nhân các dịp lễ, tết, ốm đau và khen thưởng học sinh cuối năm. Gần chục năm là phụ huynh học sinh tôi chưa được dự cuộc họp nào do Ban đại diện CMHS tổ chức có tính chuyên đề bàn về giáo dục hay quản lí học sinh.

Phụ huynh băn khoăn về những khoản đóng góp tự nguyện năm học mới - Ảnh 1.

Danh sách đóng góp tài trợ giáo dục của lớp 10 ở 1 trường THPT tại TPHCM

Trước những ý kiến đề xuất bỏ Ban đại diện CMHS, một lãnh đạo Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT từng khẳng đinh Bộ đã có quy định rất rõ trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Vậy Thông tư này có những quy định cụ thể như thế nào?

Tại Điều 4 của điều lệ Ban đại diện CMHS ban hành kèm theo thông tư trên quy định về nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS lớp là: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; Bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; và, quyền hạn gồm: Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện CMHS lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lí giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm.

Như vậy tuyệt nhiên không có điều nào cho phép Ban đại diện CMHS vận động gây quỹ, thu chi quỹ hoặc thu hộ các khoản thu của trường, của lớp. Lâu nay hầu hết các trường đã tùy tiện cho phép Ban đại diện CMHS hoạt động không đúng nhiệm vụ và quyền hạn, trong khi nội dung quan trọng nhất là các hoạt động hỗ trợ giáo dục dường như bị xem nhẹ.

Nếu Ban đại diện CMHS không thể hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn như quy định tại Thông tư 55 mà chỉ lo thu chi quỹ thì việc xem xét đề xuất bỏ tổ chức này là có cơ sở./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/9/2022