Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Lai giấy phép con!

 

 Khiếm khuyết bằng cấp

Trong hệ thống đào tạo, từ dạy nghề đến cao đẳng đến đại học và trên đại học khi hoàn thành chương trình, người học được cấp một tấm bằng, đây là cơ sở pháp lí cao nhất về chuyên môn để nhà tuyển dụng xét tuyển lao động.

Hiện dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân nhận được sự quan tâm, nhất là có nội dung quy định chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo. Khi đó sinh viên tốt nghiệp ngoài tấm bằng cần thêm một tờ chứng chỉ mới có thể trở thành giáo viên.  

Tấm bằng Cử nhân sư phạm có thể đứng sau Chứng chỉ hành nghề

Theo ý kiến của một lãnh đạo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT thì giáo dục là ngành mang tính chuyên nghiệp cao, tác động đời sống xã hội lớn. Để bảo đảm an toàn cho xã hội nên đòi hỏi người hành nghề trong dạy học phải có năng lực, phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ. Trường đại học mới cung cấp lí thuyết, kiến thức cơ bản, cái nhìn sâu rộng và toàn diện về giáo dục, giúp người học nắm nguyên lí để vận dụng vào thực tế. Còn kiến thức thực tế là hiểu biết được rèn luyện qua kinh nghiệm và là cách thức ứng dụng linh hoạt các lí thuyết vào thực tiễn giảng dạy… Hiểu nôm na, sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên tốt nghiệp sư phạm cần có thời gian tập sự, sau đó được một hội đồng đánh giá và sát hạch để cấp giấy phép hành nghề.

Nếu xét về tầm quan trọng, an toàn… thì nhiều ngành khác cũng có thể đưa ra những nội dung để khẳng định sự cần thiết cấp chứng chỉ. Một kĩ sư xây dựng ra trường cũng cần có tính chuyên nghiệp, năng lực, kinh nghiệm… để thi công xây dựng được công trình an toàn; người lái xe khi được cấp bằng lái cũng cần kĩ năng, kinh nghiệm xử lí trên đường để bảo đảm an toàn giao thông v.v.

Hiện nay, chương trình đào tạo cử nhân sư phạm là 4 năm, tương đương với hầu hết các chuyên ngành khác, trừ y khoa. Thiết nghĩ đây là thời gian đủ để trang bị kiến thức, năng lực và phẩm chất cho một sinh viên trước khi bước vào nghề. Thử việc, tập sự là cần thiết với mọi sinh viên khi bước từ giảng đường ra môi trường lao động thực tiễn, từ đây người lao động tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kĩ năng. Song đòi hỏi chứng chỉ hành nghề cũng giống một số nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên ra trường cần có một số năm kinh nghiệm, đó là sự phi lí và không cần thiết.

Giả sử chuyên ngành sư phạm cần những tiêu chuẩn đặc thù cao, sâu, rộng hơn về chuyên môn, kĩ năng, phẩm chất thì tại sao không đưa những nội dung đó vào chương trình đại học và tăng thêm thời gian lên 5 hoặc 6 năm như một số chuyên ngành y khoa? Nếu đưa ra quy định cấp chứng chỉ vì những lí do nêu trên chẳng khác nào đây là một thời lượng “đại học kéo dài” và tấm chứng chỉ “quyền lực hơn” bằng đại học!

Những quy định sau luật với tên gọi “giấy phép con” từng gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nay đã được hạn chế. Nếu chứng chỉ hành nghề được luật hóa sẽ là tiền lệ không tốt, nó như một “giấy phép con” mới, đi ngược chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính.

Phải chăng tấm bằng sư phạm đang khiếm khuyết, bằng không thì sự khiếm khuyết chính ở nơi nhà quản lí./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/5/2024  

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Đồ chơi bạo lực

 

 Vũ khí đồ chơi

Vũ khí là công cụ dùng sát thương, phá hủy sự sống và mọi vật, do đó nó không thể là đồ chơi. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, vũ khí là mặt hàng cấm, chỉ được phép mua bán, vận chuyển, sử dụng khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sử dụng vũ khí là hành động bất hợp pháp với mọi người dân, nhận thức được quy định này nên mọi người luôn có ý nghĩ phải tuân thủ nghiêm.

Tuy nhiên có một thực tế mà chưa được nhiều người, kể cả cơ quan quản lí quan tâm, đó là những đồ chơi mô phỏng vũ khí dành cho trẻ em. Đó là những thanh gươm, dao găm, khẩu súng, trái lựu đạn… bằng nhựa, được sản xuất giống hệt đồ thật. Chẳng thế mà một số kẻ tội phạm đã sử dụng súng nhựa đi cướp ngân hàng. Đặc biệt, đã có những súng đồ chơi còn có thể bắn được đạn nhựa gây sát thương ở cự li gần rất nguy hiểm. Những đồ chơi vũ khí này đang được sản xuất, buôn bán, nhập khẩu và bày bán tự do tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em, tại các cổng trường mẫu giáo, tiểu học mà không có ai kiểm tra, quản lí.  


Không chỉ gây nguy hiểm khi sử dụng làm đồ chơi, việc trẻ em được tiếp cận, sử dụng vũ khí giả sẽ định hình nhận thức, tính cách chuộng vũ khí, có thể dùng vũ khí để đe dọa, uy hiếp người khác. Việc trẻ em dùng gươm giả tập trận hay sử dụng súng giả bắn nhau tưởng vô hại song đó rất có thể sẽ dần định hình tính cách ưa dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn từ khi còn nhỏ tuổi.

Là một mặt hàng có tác động nguy hại như vậy với trẻ em song pháp luật lại chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ và việc quản lí của cơ quan chức năng cũng như đang bị buông lỏng. Hiện mới chỉ có Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM ngày 18/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành “danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác, súng bắn nước…) là những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc tới tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Như vậy hơn 20 năm qua chưa có một thông tư hay nghị định nào về sản xuất, buôn bán, quản lí về đồ chơi trẻ em. Còn Quyết định số 88/2000/QĐ-BTM của Bộ Thương mại có thể đã đi vào quên lãng với chính quyền và cơ quan quản lí các cấp.

Đồ chơi trẻ em có thể không phải là vấn đề lớn, song đã đến lúc cần quan tâm hơn trong sự nghiệp trồng người./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  29/5/2024

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Hướng nghiệp không vì học sinh

 

 Hướng nghiệp vị… thành tích!

Vận động hướng nghiệp cho học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) có lực học chưa thật tốt thi vào các trường nghề là một chủ trương đúng đắn, nhân văn. Với yêu cầu mức độ kiến thức nhất định, trường nghề là cơ hội tốt giúp các em học sinh tiết kiệm chi phí quá trình học tập, phù hợp với năng lực cá nhân. Chủ trương này đã giúp nhiều học sinh có hướng đi đúng đắn, sớm tiếp cận được thị trường lao động, tạo được thu nhập, giảm bớt được gánh nặng cho gia đình. Không ít các em với tay nghề tốt đã có thu nhập cao trong khi nhiều bạn cùng trang lứa vẫn đang “vật lộn” trong giảng đường đại học.

 


Song, chủ trương hướng nghiệp chỉ thực sự nhân văn khi đó là nguyện vọng tự thân của học sinh và gia đình. Không phải học sinh học lực trung bình hay yếu nào cũng muốn từ bỏ, không nỗ lực học tập để hướng tới một kết quả tốt hơn. Không ít học sinh khi học cấp THCS chỉ đạt trung bình nhưng lên trung học phổ thông (THPT) đã vươn lên khá giỏi nhờ sự nỗ lực không ngừng. Việc hướng nghiệp là làm cho các em nhận thấy cái được nếu chuyển hướng sang học nghề, những rủi ro, bấp bênh khi theo đuổi học vấn cao mà năng lực bản thân còn nhiều hạn chế… Nếu các em nhận ra hướng đi đúng đắn và làm theo, đó là kết quả của công tác vận động hướng nghiệp. Tuy nhiên nhiều năm qua cứ đến dịp thi chuyển cấp lại rộ lên câu chuyện vận động hướng nghiệp mang dáng dấp sự ép buộc. Chẳng hạn tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, quận Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã buộc phụ huynh phải viết “đơn xin tự nguyện cho con không thi lớp 10”; phụ huynh học sinh tại Trường THCS Tiến Thịnh  huyện Mê Linh, TP Hà Nội bất ngờ khi biết con họ không được phát đơn đăng kí dự thi vào lớp 10; phụ huynh Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phản ánh con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10 vì lí do thi khảo sát 3 môn toán, văn ngoại ngữ không đạt 12 điểm; tại Bắc Ninh, những năm trước đã có tình trạng giáo viên dọa học sinh yếu nếu cố tình đăng kí dự thi vào THPT công lập sẽ không xét tốt nghiệp THCS… Điểm chung của cách hành xử trên của các nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm đều nhằm mục đích “đẩy” học sinh yếu ra khỏi kì thi vào lớp 10.

Được biết dù hiện nay kết quả thi vào lớp 10 THPT không còn là tiêu chí đánh giá thi đua song kết quả này vẫn là một tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng trường THCS. Uy tín, “bộ mặt” của nhà trường, năng lực của giáo viên, thậm chí của các cơ quan quản lí cấp trên… vẫn dựa vào con số thấp cao của học sinh đỗ vào các trường công lập. Học sinh học yếu dự thi sẽ kéo kết quả chung xuống, dẫn đến “tụt hạng” trên “bảng tổng sắp”… Đây vẫn là biểu hiện cụ thể của căn bệnh trầm kha mang tên “thành tích” của ngành giáo dục.

Nếu vẫn coi kết quả thi vào lớp 10 là cơ sở đánh giá năng lực, uy tín, hiệu quả của một trường, một lớp thì nên thực hiện theo cách: lấy tổng số học sinh đỗ chia cho tổng học sinh tham gia năm học đó. Số học sinh phân luồng hướng nghiệp không thể “đứng ngoài” để tôn lên một thành tích ảo./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/5/2024

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Quản lí hàng ăn vỉa hè

 

Tiêu chuẩn cho quán vỉa hè

Gần cơ quan tôi có quán phở ngon luôn khá đông thực khách, lúc nào tới cũng phải chờ đợi. Hợp khẩu vị nên khi còn làm việc tôi thường ăn sáng tại đây, lúc nghỉ rồi đôi khi vẫn tới ăn dù nơi đó không thật gần.

Có lần tôi mang cạp lồng mua phở về cho vợ con thưởng thức song mọi người đều nhận xét: nước phở mặn! Lần khác tôi rủ anh bạn tới ăn tại đây anh cũng phải xin chủ quán phích nước sôi chế vào nước phở cho nhạt bớt. Tôi biết mình vốn ăn mặn nhưng lúc ây mới chợt nghĩ tật ăn mặn của bản thân có thể đã hơi quá, cần điều chỉnh. Thế nhưng tôi nhận thấy hầu hết thực khách trong quán phở này vẫn thưởng thức ngon lành, chẳng mấy người chê mặn, thậm chi có vài người còn chế thêm gia vị khi ăn. Vậy là đa số khách hàng của quán có hoặc đã hình thành thói quen ăn mặn từ quán này.


                              Quán vỉa hè chưa được quản lí chất lượng

Hôm 1/5 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng tại phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh tỉnh Đồng Nai. Ban đầu ghi nhận 70 ca nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện, những ngày tiếp theo lại có hàng chục người khác và nay đã tới hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại các bênh viện trong khu vực.

Quán phở tôi kể trên hay tiệm bánh mì gây ngộ độc ở Đồng Nai có điểm chung dù chỉ là quán ăn vỉa hè do gia đình kinh doanh song lại thường xuyên phục vụ rất nhiều người, chẳng kém gì một bếp ăn tập thể. Với cơ sở kinh doanh ăn uống lớn hay bếp ăn tập thể thường được cơ quan quản lí quan tâm kiểm tra về điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến, nhân lực tối thiểu cho phục vụ… Mỗi bữa phục vụ có lưu nghiệm thức ăn đã chế biến để theo dõi khi xảy ra vấn đề. Còn quán nhỏ vỉa hè hầu như nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn, có chăng chỉ bị kiểm tra, nhắc nhở khi lấn chiếm không gian, gây cản trở giao thông…

Khi xảy ra ngộ độc, mất an toàn cấp tính thì mới biết về chất lượng và sẽ được xử lí. Tuy nhiên nếu chỉ độc hại ở mức không thể nhận biết ngay, được thẩm thấu dần thì cũng không kém nguy hiểm. Ví dụ quán phở mặn kể trên tạo ra một lượng thực khách “nghiện” ăn mặn, đây là những “lực lượng tiềm năng” của căn bệnh tăng huyết áp. Nay nhiều người đã biết, muối có thành phần chính là natri với tính chất hút nước khi thẩm thấu vào thành của động mạch, natri sẽ làm cho động mạch bị thu hẹp gây co mạch dẫn đến áp suất tăng, từ đó làm tăng huyết áp.

Đã đến lúc những quán vỉa hè đông người đến một mực độ nhất định cũng cần được cơ quan quản lí đưa ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn và kiểm tra để bảo đảm an toàn cho cộng đồng./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  22/5/2024

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Đấu thầu vàng

 

 Đấu thầu vàng cần sự khác biệt

Trước thực trạng bất hợp lí khi giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá thế giới, nhất là vàng miếng SJC, liên tục thời gian qua Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tìm giải pháp khắc phục.

Gần đây nhất tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lí, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao.


 Một trong những giải pháp được NHNN khẩn trương thực hiện là đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung, từng bước giảm sự chênh lệch giá vàng so với thị trường thế giới. Như vậy mục tiêu của đấu thầu vàng đã rõ - hạ giá vàng trong nước.

Thông thường việc đấu thầu sản phẩm hàng hóa gì đó là người bán hướng tới đạt mức giá tốt nhất (cao hơn giá mời thầu). Tuy nhiên việc đấu thầu vàng lúc này lại nhằm kéo giá xuống, không giống với các cuộc đấu thầu khác, vậy cách làm có cần sự khác biệt hay không?

Qua hai cuộc đấu thầu của NHNN cho thấy việc tổ chức đấu thầu không khác các cuộc đấu thầu thông thường, giá mời thầu luôn bám sát giá thị trường, giá trúng thầu cũng gần bằng giá thị trường. Cuộc đấu thầu ngày 23/4 giá giá tham chiếu mỗi lượng vàng miếng SJC là 80,7 triệu đồng; giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Còn tại phiên đấu giá ngày 8/5 giá trúng thầu cao nhất và duy nhất là 86,05 triệu đồng/lượng vàng SJC. Ngay sau phiên đấu thầu, trưa 8/5, giá vàng 9999 SJC bật tăng lên mốc 87,5 triệu đồng/lượng! Như vậy cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại bật tăng.

Chỉ qua hai phiên đấu thầu dù khối lượng bán ra không nhiều song lại như “liều kích thích” giúp giá vàng trong nước tiếp tục tăng cao, đi ngược với mục tiêu đề ra. Rõ ràng cách đấu thầu vàng như thông thường không thể đạt mục tiêu mong đợi. Do đó, nếu dự trữ vàng Nhà nước đủ cung ứng cho thị trường thì chỉ có thể bán ra ở mức thấp hơn thị trường, đủ hấp dẫn, phiên sau thấp hơn phiên trước thì giá vàng mới dần được kéo xuống. Làm như vậy Nhà nước sẽ phải hi sinh về kinh tế, song chỉ có như vậy mới bình ổn được thị trường vàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP và mở cửa cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vấn đề tỉ giá USD sẽ có tác động khi tăng nhập khẩu vàng song dự trữ ngoại hối của NHNN hiện đã khác nhiều so với thời điểm 2012 (dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 100 tỉ USD, năm 2024 dự báo lên hơn 110 tỉ USD so với 23 tỉ USD của năm 2012). Tiềm lực này giúp Nhà nước có dư địa đủ mạnh để can thiệp, điều chỉnh tỉ giá USD khi có biến động./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  11/5/2024

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Không hợp thức sản phẩm độc hại

 

Thí điểm hay cấm?

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Dù xuất hiện chưa lâu song bằng chứng khoa học và thực tiễn đã cho thấy độc tính, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này. Rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ khi sử dụng và tiếp xúc thụ động với TLĐT, TLNN.


Độc tính của TLĐT, TLNN ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Việc sử dụng TLĐT, TLNN ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác. Hậu quả nổi bật nhất là Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử. Tại Mỹ, đến tháng 2 năm 2020 ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do TLĐT, TLNN

Khác với thuốc lá điếu hiện đang có các doanh nghiệp trong nước sản xuất mang lại một lượng nhất định về doanh thu và việc làm cho người lao động, còn TLĐT, TLNN hoàn toàn nhập lậu từ nước ngoài, chỉ mang lại lợi nhuận cho đối tượng buôn lậu. Như vậy TLĐT, TLNN không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế trong khi thực tiễn nó đã để lại hậu quả xấu về sức khỏe cho cộng đồng.

Hiện trên thế giới có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Điển hình là Thái Lan đã cấm nhập khẩu, xuất khẩu, bán, sở hữu và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử đã được áp dụng từ tháng 11/2014.  

Ngày 5/5 vừa qua Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lí nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN. Với những vấn đề đặt ra như trên những tưởng sẽ dễ dàng có sự đồng thuận của các cơ quan quản lí trong việc sớm đưa mặt hàng độc hại này vào danh mục cấm nhập khẩu và sử dụng. Song đáng ngạc nhiên là đại diện của Bộ Công thương lại muốn thí điểm quản lí TLĐT, TLNN trong một phạm vi và thời gian nào đó (được hiểu là cho phép nhập khẩu và lưu hành, sử dụng có kiểm soát)! Không rõ mục tiêu thí điểm là gì, phải chăng sau thí điểm sẽ nhân rộng việc nhập khẩu, cho phép sử dụng TLĐT, TLNN?

Năm 2019 Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hướng dẫn, theo đó mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy, sử dụng cho tẩu IQOS và tương tự… chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn kĩ thuật và quy chuẩn kĩ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam. Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có quản lí hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế không cho phép đưa mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu loại không cháy để bán hàng miễn thuế. Đây là tiền lệ tốt để tiến tới cấm buôn bán, nhập khẩu và sử dụng TLĐT, TLNN.

Mọi chính sách và giải pháp quản lí trước tiên phải hướng tới bảo vệ lợi ích cộng đồng, nhất là về sức khỏe. Cho thí điểm quản lí TLĐT, TLNN chẳng khác nào giúp hình thành một “tệ nạn thế hệ mới”!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10/5/2024

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Nhầm lẫn đáng trách

 

Nhầm lẫn trong thưởng thức nghệ thuật  

Nghệ thuật là sự sáng tạo trên cơ sở thực tiễn cuộc sống, người nghệ sĩ tham gia vào quá trình sáng tạo đó nhưng họ không đồng nhất với chất liệu của nghệ thuật.

Do tâm lí, tình cảm của con người, lí trí bị lấn át đồng thời với tư duy cảm tính khiến con người khi cảm thụ nghệ thuật thường quên đi ranh giới giữa nghệ thuật và thực tiễn cuộc sống. Việc này thường xảy ra với các loại hình nghệ thuật điện ảnh, sân khấu… Những nghệ sĩ đóng vai chính diện thường được khán giả yêu mến và ngược lại, nghệ sĩ đóng vai ác, kẻ xấu thường bị chê bai, thậm chí căm ghét. Nghệ sĩ Nguyễn Hải do luôn được trao nhiều vai phản diện nên bị nhiều khán giả chê ghét, đến cả người thân cũng phản đối. Thế nhưng ít người biết anh là một sĩ quan (hàm đại tá) công tác trong Đoàn kịch nói Công an nhân dân của Bộ Công an trước khi nghỉ hưu. Hay cố nghệ sĩ Chu Hùng, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội có dáng băm trợn, nổi tiếng với nhiều vai giang hồ cộm cán trong các phim hình sự cũng bị nhiều người rất… “ghét”!


Quang Sự và Thu Trang trong phim Trạm cứu hộ trái tim

Cũng như nhiều diễn viên điện ảnh bị “ghét” lâu nay, những ngày qua hai diễn viên Lương Thu Trang (vai An Nhiên) và Quang Sự (vai Nghĩa) trong bộ phim truyền hình “Trạm cứu hộ trái tim” đang trình chiếu trên VTV1 đã nhận nhiều “gạch đá” của một bộ phận khán giả. Đó chính là những người luôn đồng nhất giữa nhân vật trên phim ảnh với con người ngoài đời thực. Họ bị tình cảm che mờ lí trí hoặc cố tình để lí trí cho cảm xúc che khuất. Nếu những phản ứng yêu ghét chỉ trong suy nghĩ thì chẳng sao nhưng các bình luận, phát ngôn, phán xét công khai trên mạng xã hội sẽ gây hậu quả xấu, tác động tới tâm tư, tình cảm của diễn viên. Thực chất những người này đã vi phạm luật pháp, làm tổn hại về tinh thần với những nghệ sĩ đang nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật.

Mấy năm trước đã xảy ra câu chuyện lùm xùm về một diễn viên điện ảnh vốn được nhiều đạo diễn giao thủ vai chính diện, luôn là người tốt, mẫu mực trên màn ảnh nên được nhiều khán giả yêu mến. Thế rồi bỗng anh này cùng một đồng nghiệp khi đi du lịch châu Âu đã vi phạm đạo đức nghiêm trọng, bị cơ quan hành pháp nước sở tại xử lí. Vậy đâu cứ được thủ vai chính diện sẽ mặc nhiên là người chuẩn mực và ngược lại?

Hiện nay trong cuộc sống đang có không ít những “diễn viên” không chuyên trình độ giỏi chẳng kém diễn viên điện ảnh. Bằng cách diễn tinh vi như thật, họ tổ chức hội thảo bán hàng từ thiện, tặng quà, tiền… khiến nhiều người tin “sái cổ” rồi bị đưa vào kịch bản lừa đảo, kết quả là “tiền mất, tật mang”. Những người bị lừa dạng này có thể coi cũng đang bị nhầm lẫn giữa cuộc sống và “nghệ thuật” của bọn lừa đảo.

Thưởng thức nghệ thuật là để con người thẩm thấu cái đẹp, nét nhân văn và phê phán, tránh xa cái xấu trong cuộc sống giúp chính chúng ta trở thành người tốt. Thưởng thức nghệ thuật cũng như thưởng thức một món ăn, ta không thể nhầm lẫn./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  07/5/2024

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Lãng phí trong xây dựng đường

 

 Khoáng sản lót đường

Cát là vật liệu xây dựng rất quan trọng, trước đây khá dồi dào song đến nay ngày càng khan hiếm nên cũng có thể coi như một loại khoáng sản quý. Giá cát liên tục tăng trong những năm qua, tùy theo từng loại phục vụ cho xây dựng, giá cát hiện tại vào khoảng 150.000-215.000,đ/m3. Một loại khoáng sản có trữ lượng hữu hạn nhưng đang được sử dụng lãng phí, đó là dùng lót nền móng xây dựng đường giao thông!

Do nhu cầu tăng cao trong xây dựng nên nguồn tài nguyên này đang ngày càng cạn kiệt. Hầu hết các dòng sông từ Bắc vào Nam đến Tây Nguyên, nơi nào có trữ lượng cát đều đã được khai thác đến mức không còn an toàn với môi trường. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng gia tăng sạt lở bờ sông, bãi bồi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất sản xuất và sinh sống của người dân bên các dòng sông. Những vụ sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long hay tuyến sông Cầu tại Bắc Ninh gần đây là hệ quả tất yếu của việc nạo hút cát vô tội vạ tại các dòng sông. Trong khi đó hàng loạt tuyến giao thông trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam, các công trình trọng điểm giao thông đô thị đều đang thiếu nghiêm trọng cát san lấp và đối mặt với chậm tiến độ.


Nhu cầu san lấp thi công đường giao thông rất lớn

Một nghịch lí đang xảy ra là nếu tăng cường quản lí chặt việc khai thác cát trên các dòng sông thì sẽ không đủ nguồn vật liệu cho xây dựng (cả xây dựng bất động sản và đường giao thông) đồng thời sẽ đẩy giá vật liệu tăng cao. Song, nếu cho phép tăng công suất khai thác cát sông sẽ để lại hậu quả ngày một nặng nề hơn về môi trường và dân sinh… Thực trạng này cần có lời giải khác cho bài toán vật liệu san lấp công trình giao thông. 

Nhiều chuyên gia đã có ý kiến về việc đa dạng hóa vật liệu san lấp khi làm đường trong đó có cát biển và đất, nhất là đất đồi núi. Cát mặn đã được thử nghiệm cho kết quả khả quan và cần sớm đưa vào thực hiện trên diện rộng vì đây cũng là nguồn vật liệu dễ khai thác, ít ảnh hưởng môi trường. Còn đối với nguồn đất đồi núi, hiện trữ lượng khá dồi dào cần được nghiên cứu quy trình, kĩ thuật phối trộn bảo đảm tính chất cơ lí đáp ứng cho san lấp để dần thay thế hoàn toàn nguồn cát san lấp hiện nay.

Muốn thực hiện được giải pháp này thì trước tiên cơ quan quản lí, phê duyệt thiết kế, dự toán các dự án giao thông cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lí, quy trình kĩ thuật, tiêu chuẩn vật liệu san lấp xây dựng công trình giao thông với nguồn cát biển và đất san lấp. Khi đã có nguồn vật liệu thay thế sẽ tiến tới hạn chế tối đa việc khai thác cát trên các dòng sông./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  07/5/2024