Khó gỡ bất cập dạy thêm Vấn đề dạy thêm, học thêm như một “căn bệnh trầm kha” của
ngành giáo dục nhiều năm qua. Ngành này vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ
bởi những hệ lụy, tiêu cực mà “căn bệnh” gây ra. Trước những bất cập của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về Quy
định về dạy thêm, học thêm, ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng
tải bản dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin
điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Việc này đồng nghĩa vấn đề dạy thêm, học
thêm tiếp tục được hoàn thiện, “luật hóa” để đáp ứng hai nhu cầu là củng cố
kiến thức học sinh và tăng thu nhập cho giáo viên. Việc giáo viên đang giảng
dạy tại trường được phép dạy thêm thực chất là thừa nhận chất lượng giảng dạy
chính khóa không đạt yêu cầu đề ra. Khắc phục vấn đề đó lại chính là người
chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, tại một nơi khác! Bạn nghĩ sao nếu một bác sĩ
bệnh viện công cũng trị bệnh nửa vời rồi gợi ý bệnh nhân ra cơ sở tư nhân để
mình “chữa thêm” cho khỏi hẳn? Một quy định mà nhiều người cũng nhận ra là sẽ nảy sinh mâu
thuẫn. Nếu mọi học sinh đạt kết quả học tập tốt tại lớp thì số tham gia học
thêm sẽ ít và ngược lại, càng nhiều học sinh học yếu sẽ có nhiều nhu cầu học
thêm.
Nay việc học thêm của học sinh ngoài vì chất lượng chính khóa
chưa đạt còn có những lí do tế nhị. Cái “tế
nhị” ít người dám nói ra, đó là mối quan hệ học trò, phụ huynh với
thầy cô giáo. Quan hệ đó có thể êm thuận hoặc không nếu bất đồng việc học thêm. Câu chuyện giáo
viên môn hóa gợi ý học sinh học thêm (tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Quận
8, TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Nếu thực sự công tác giảng dạy tại lớp có chất lượng tốt thì
thường chỉ khoảng 5-7% học sinh yếu cần củng cố thêm kiến thức. Đa số học
sinh của một lớp cùng đăng kí học thêm môn của giáo viên đang giảng dạy trực
tiếp lẽ ra phải là điều bất thường, nay đang trở thành bình thường. Chỉ không
bình thường nếu có một vài học sinh không đăng kí học thêm! Những biến tướng, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm chỉ có thể
được loại bỏ khi tất cả giáo vên đứng lớp và nhà trường không liên quan,
không hưởng lợi (dù là chính đáng) từ chuyện dạy thêm. Nói cách khác, cần
loại bỏ dạy thêm có thu phí của nhà trường và giáo viên trong biên chế với
học trò của họ. Để đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh tốt nhất hãy dành cho
các trung tâm chuyên dạy thêm riêng biệt hoặc gia sư. Nhân lực có thể là giáo
viên nghỉ hưu, người không dạy tại các trường, sinh viên v.v. Dạy học đang là một nghề thu nhập chưa bảo đảm tốt nhu cầu
cuộc sống nhưng cũng không phải quá thấp trên mặt bằng chung về thu nhập.
Đang có những giáo viên làm thêm bằng nghề của mình và thu nhập khá cao. Được biết Bộ Giáo dục & Đào tạo đang dự thảo Luật Nhà
giáo, theo đó đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so
với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây sẽ là giải pháp cơ
bản, ổn định nhất để người thầy yên tâm dồn tâm huyết cho sự nghiệp trồng
người./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 11/10/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét