Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Xâm lăng thương mại điện tử

 

Chậm trễ bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Giảm giá 90%, miễn phí giao hàng… thương hiệu Temu (thuộc một tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử (TMĐT) Pinduoduo, chưa công bố chính thức, chưa đăng kí với cơ quan quản lí Việt Nam) đang gây “cơn sốt” trong cộng đồng mua sắm trên sàn TMĐT trong nước. Từ cuối tháng 9, người dùng Việt Nam đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng của Temu với phiên bản tiếng Việt.

Chẳng có sàn TMĐT nào tại Việt Nam duy trì được chính sách khuyến mãi, giảm giá cao chót vót như vậy. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng không thể cạnh tranh với mức giảm giá “khủng” như sản phẩm của Temu đang chào bán. Trào lưu tải app Temu để mua hàng của cộng đồng mạng, nhất là giới trẻ ngày càng tăng bởi sự hấp dẫn về giá cả. Điều này đồng nghĩa với nền sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nội bị đe dọa thị phần vì cạnh tranh không lành mạnh.


Logo Temu trên nền giao diện website bán sản phẩm của nền tản

Thông tin tại họp báo về Temu gần đây, một lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ rằng bản thân “cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ”! Tuy nhiên, ông lại cho rằng “phải điều tra, nghiên cứu cụ thể để có giải pháp kiểm soát phù hợp”! Vậy bao giờ cơ quan quản lí mới có thể “điều tra, nghiên cứu” rồi “kiểm soát phù hợp” khi mà sự cạnh tranh không bình đẳng đang diễn ra hằng ngày, trực tiếp “đánh vào” doanh nghiệp trong nước, xâm chiếm thị phần? Không chỉ Temu, một số cái tên như Shein, 1688… cũng đã thâm nhập thị trường Việt trên môi trường mạng thời gian qua mà chưa được quản lí.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cuả Chính phủ ban hành năm 2021 khẳng định, các sàn giao dịch TMĐT bắt buộc phải đăng kí khi hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng kí hoạt động. Temu chưa công bố chính thức, chưa đăng kí với cơ quan quản lí Việt Nam mà đã thâm nhập thị trường là sự vi phạm pháp luật rõ ràng, vậy sao cần chần chừ điều tra, nghiên cứu? Việc cần làm của cơ quan quản lí lúc này là nhanh chóng phối hợp các bộ, ngành áp dụng các giải pháp kĩ thuật, công nghệ và luật pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, không an toàn.

Được biết nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Austraylia, Anh, Indonesia... đã nhanh chóng có các biện pháp cứng rắn ngăn chặn Temu để bảo vệ nền sản xuất nội địa. Vậy sao ta lại chậm trễ trong cuộc “đổ bộ thôn tính” thị trường của Temu?

Cuối tuần trước Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Tổng Cục thuế, yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với Temu để quản lí hoạt động của đối tượng này. Sau việc này Bộ Công Thương mới có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lí nhà nước về TMĐT.

Mong rằng các Bộ liên quan cần có hành động kịp thời và quyết liệt theo trách nhiệm quản lí của mình, không chờ sự đốc thúc của lãnh đạo Chính phủ. Việc quản lí nhanh, chặt chẽ hoạt động TMĐT xuyên biên giới cũng là thể hiện năng lực “quản lí số” trong yêu cầu “chuyển đổi số” hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31/10/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét