Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Luật cần được kiểm chứng khoa học

 

 Trải nghiệm có là khoa học?

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp dự kiến khai mạc ngày 21/10. Một trong những nội dung sửa đổi, cơ quan soạn thảo kì vọng khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung cơ chế xử lí với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội thông qua hình thức trải nghiệm.

Hiểu nôm na, nghệ sĩ muốn quảng cáo sản phẩm thì trước hết phải “thử nghiệm” để chứng minh công dụng đúng những gì mình sẽ trình diễn với khán giả.


Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật bị khán giả chỉ trích

Thực tiễn thời gian qua thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… được các hãng sản xuất đẩy mạnh quảng cáo thông qua người nổi tiếng, văn nghệ sĩ với những phóng đại quá mức, gây sự hiểu lầm với người tiêu dùng.   

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng những quảng cáo dạng này gây tác động lớn đến xã hội bởi trong đó nhiều sản phẩm là hàng kém chất lượng. Người nổi tiếng, trong trường hợp này đã tiếp tay cho gian thương dù có thể không cố ý. Sức hấp dẫn càng lớn đồng nghĩa với hậu quả càng nghiêm trọng.

Quan điểm của cơ quan quản lí là đúng song cũng cần đặt câu hỏi, với trải (nghiệm nếu có) thì cảm giác của người nổi tiếng về công dụng sản phẩm liệu có chính xác?

Mọi người đều biết mỗi sản phẩm (nhất là thuốc, thực phẩm chức năng) khi được đưa ra thị trường cần trải qua quy trình thử nghiệm, xét duyệt chặt chẽ và cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng. Ví như với các vaxin hay một loại thuốc mới còn cần tới hàng nghìn người tự nguyện để tiêm vào cơ thể, thử nghiệm nhiều đợt kéo dài, nhiều đối tượng khác nhau, quy trình khoa học chặt chẽ mới có thể kiểm chứng. Các hàng hóa thông thường khác cũng cần đạt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ quan quản lí. Vậy sao có thể chỉ cần một vài trải nghiệm cá nhân lại có thể khẳng định chất lượng sản phẩm và xem như một căn cứ pháp lí?

Mặt khác, quy định trải nghiệm quảng cáo chỉ hướng đến người nổi tiếng, nghệ sĩ… là phiến diện và khó khả thi. Những đối tượng khác, người bình thường tham gia quảng cáo liệu có cần trải nghiệm hay không? Rồi quy trình, thủ tục xác nhận trải nghiệm ra sao, cơ quan nào thực hiện v.v.

Thực ra, hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ các quy định về quảng cáo. Chẳng hạn Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về đăng kí nội dung quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo thuốc đã được quy định tại Điều 79 Luật dược năm 2016. Bộ Y tế cũng đã có Thông tư 09/2015/TT-BYT về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lí của Bộ Y tế v.v. Vậy kết quả thực hiện các quy định pháp luật kể trên thời gian qua đã nghiêm minh hay chưa? Những sai phạm quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm diễn ra hằng ngày song liệu cơ quan quản lí đã xử lí với doanh nghiệp, cá nhân nghệ sĩ hay cơ quan truyền thông nào?

Vấn đề cần làm hiện nay là phát huy đầy đủ trách nhiệm thực thi quy định đã có chứ không phải thiếu quy định luật pháp trong lĩnh vực quảng cáo. Nhiều nôi dung đưa vào luật nhưng thi hành không nghiêm càng dễ dẫn đến tình trạng nhờn luật./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/10/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét